Những năm Tý đáng nhớ trong lịch sử Việt Nam

Thứ bảy - 01/02/2020 22:41
Trong tiến trình lịch sử của đất nước, rất nhiều sự kiện trọng đại gắn với các năm âm lịch 12 con giáp - lịch truyền thống của ông cha ta.

Nhân dịp năm mới Canh Tý 2020, chúng tôi xin điểm lại những mốc son đáng ghi nhớ của các năm Tý trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
 
1. Canh Tý năm 40

Tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị chính thức phát động khởi nghĩa chống lại ách thống trị của nhà Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ. Quân Hai Bà vây hãm, đánh thành Luy Lâu, buộc Tô Định phải chạy về Nam Hải (Trung Quốc).

Hai Bà lấy được 65 thành ở Lĩnh Nam. Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương, hay còn gọi Trưng Vương.

Trong bài phát biểu tại APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói: “... trong khoảng năm thứ 40 sau Công nguyên, hai chị em người Việt Nam là Hai Bà Trưng đã đứng lên khởi nghĩa chống ngoại xâm, thức tỉnh tinh thần độc lập. Đó là lần đầu tiên trong lịch sử mà người dân Việt Nam đứng lên vì nền độc lập cũng như niềm tự hào của mình”.

2. Giáp Tý 544

Tháng Hai, Lý Bí lên ngôi Hoàng đế lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân, đóng đô ở Long Biên. Đây là vị vua đầu tiên xưng đế ở nước ta.

3. Mậu Tý 1288

Ngày 8 tháng 3 (9 tháng 4 năm 1288) trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng do Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo cùng với Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông chỉ huy thắng lợi, góp phần quan trọng kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ 3.

Đây được xem là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, và là thắng lợi tiêu biểu nhất của Đại Việt trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thời Trần.

4. Nhâm Tý 1792

Ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (16 tháng 9 năm 1792), Vua Quang Trung - Nguyễn Huệ qua đời sau 4 năm trị vì, hưởng dương 40 tuổi.

5. Giáp Tý 1804

Quốc hiệu Việt Nam chính thức được vua Gia Long thời Nguyễn tuyên phong.

6. Mậu Tý 1888

Ngày 20 tháng 8, Tôn Đức Thắng chào đời. Ông là một nhà cách mạng kiệt xuất. Chủ tịch nước thứ hai của chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nhiệm kỳ từ 22 tháng 9 năm 1969 cho đến 2 tháng 7 năm 1976); Chủ tịch nước đầu tiên của chính thể Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2 tháng 7 năm 1976 - 30 tháng 3 năm 1980). Trước đó ông từng là Phó Chủ tịch nước (1960-1969) và Quyền Chủ tịch nước (từ 2 tháng 9 cho đến 22 tháng 9 năm 1969), Trưởng ban Thường trực Quốc hội (1955-1960) - tương đương với Chủ tịch Quốc hội bây giờ.

7. Giáp Tý 1924

Ngày 19/6/1924, nhà cách mạng trẻ tuổi Phạm Hồng Thái anh dũng hy sinh sau khi trực tiếp thực hiện sứ mệnh do tổ chức cách mạng Tâm Tâm Xã giao ám sát Toàn quyền Đông Dương - Martial Henri Merlin không thành.

Tiếng bom Sa Diện (Quảng Châu, Trung Quốc - nơi diễn ra vụ ám sát) và sự hy sinh anh dũng của Phạm Hồng Thái là cánh én báo hiệu mùa xuân của đất nước, góp phần đưa phong trào cách mạng Việt Nam sang một giai đoạn mới với những thanh niên, trí thức ưu tú được Nguyễn Ái Quốc rèn luyện, hun đúc, đồng mưu nghiệp lớn, vững tiến trên con đường đấu tranh giải phóng dân tộc.

8. Bính Tý 1936

Tháng 10, Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế ra đời, mở đầu cao trào dân chủ 1936-1939 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương - một cuộc tổng diễn tập, chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám 1945.

9. Mậu Tý 1948

Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 110/SL phong quân hàm Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ; Sắc lệnh số 111/SL, phong quân hàm Thiếu tướng cho các ông Hoàng Văn Thái - Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc gia Việt Nam, Nguyễn Sơn - Khu trưởng Khu 4, Hoàng Sâm - Khu trưởng Chiến khu 2, Chu Văn Tấn - Khu trưởng Chiến khu 1; Sắc lệnh số 112/SL, phong quân hàm Thiếu tướng cho các ông Trần Tử Bình - Trưởng phòng Kiểm tra cán bộ, Văn Tiến Dũng - Cục trưởng Cục chính trị, Lê Hiến Mai - Chính ủy Chiến khu 2; Sắc lệnh số 115/SL, phong quân hàm Trung tướng cho ông Nguyễn Bình, Trưởng Chiến khu 7 kiêm Ủy viên Quân sự Nam bộ; Sắc lệnh số 117/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho ông Trần Đại Nghĩa - Cục trưởng Cục Quân giới; Sắc lệnh số 203/SL phong quân hàm Thiếu tướng cho ông Lê Thiết Hùng.

10. Canh Tý 1960

 - Phong trào Đồng khởi: Ngày 17-1-1960, nhân dân ba xã Ðịnh Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh (huyện Mỏ Cày, Bến Tre) được sự hỗ trợ của các đội vũ trang địa phương đã nhất tề đứng dậy, “toàn dân đồng khởi, diệt ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng nông thôn, làm chủ ruộng vườn". Phong trào nhanh chóng giành thắng lợi rồi lan rộng khắp tỉnh Bến Tre và cả miền Nam.

Sự thành công của phong trào đánh dấu bước phát triển của cách mạng miền Nam, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động tấn công, góp phần thúc đẩy sự ra đời Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960).

- Đại hội Đảng lần thứ III: Tại Hà Nội, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp từ ngày 5/9/1960 đến ngày 10/9/1960.

Về dự Đại hội có 525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư thứ nhất; 47 ủy viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết.

- Thành lập Mặt trận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: Mặt trận DTGP miền Nam là một phong trào giải phóng, liên minh của các đảng phái, tổ chức chính trị - Xã hội tại miền Nam được chính thức thành lập vào ngày 20 tháng 12 năm 1960 tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là Tân Biên) trong vùng căn cứ ở tỉnh Tây Ninh. Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận đầu tiên là Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1961). Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương.

11. Nhâm Tý 1972

- Chiến dịch Xuân - Hè 1972 (Việt Nam Cộng hòa gọi là Mùa hè đỏ lửa, Mỹ gọi là Easter Offensive) diễn ra từ 30 tháng 3 năm 1972 đến 31 tháng 1 năm 1973.

Đây là cuộc tổng tấn công chiến lược bằng các chiến dịch tiến công quy mô lớn, hiệp đồng binh chủng, tiến công sâu vào hệ thống phòng ngự của địch tại những hướng chiến lược quan trọng: Quảng Trị - Thừa Thiên Huế, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, đồng bằng Khu V và Khu VIII (Nam Bộ); giải phóng một số thị xã, thị trấn có vị trí chiến lược như Đông Hà, Quảng Trị, Lộc Ninh; góp phần bước đầu đánh bại chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ, tạo thế chủ động trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam.

- Trận "Điện Biên Phủ trên không" diễn ra từ 18 tháng 12 đến 30 tháng 12 năm 1972.

Đây là cuộc tập kích đường không quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B52 của chính quyền Richard Nixon vào Hà Nội, Hải Phòng - một cuộc đụng đầu trực diện, mang ý nghĩa chiến lược của quân và dân ta với lực lượng không quân chiến lược vô cùng hiện đại và mạnh mẽ của Mỹ.

Trong 12 ngày đêm, địch đã xuất kích 663 lần/chiếc máy bay chiến lược B52 và hơn 3.800 lần/chiếc máy bay chiến thuật các loại.

Ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52 và 5 máy bay F111, giáng đòn quyết định vào nỗ lực cuối cùng, cao nhất của Mỹ trong năm 1972, và cũng là trong toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược, buộc chính quyền Nixon ngay sau đó phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp đại biểu Chính phủ ta tại Paris, bàn việc ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Nguyễn Duy Xuân (tổng hợp)
Nguồn VHNA:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giáo dục
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
 
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay12,872
  • Tháng hiện tại12,872
  • Tổng lượt truy cập50,597,255
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây