Chẳng lẽ tiền "chùa" cứ mặc sức "vẽ"? - Nguyễn Duy Xuân

Thứ hai - 19/09/2016 22:52
Chưa hết sốc trước việc UBKT tỉnh ủy Hải Dương mắc nợ 310 triệu đồng vì tiếp khách phải xin tiền từ ngân sách thì nay dư luận lại ngỡ ngàng trước thông tin Sở Xây dựng tỉnh này vừa lên kế hoạch hoành tráng, tổ chức chương trình giao lưu học tập kinh nghiệm với 12 Sở Xây dựng khác trong vùng gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Giang.

Thành phần tham dự của mỗi đoàn không hề ít, gồm các lãnh đạo Sở, trưởng phòng chuyên môn thuộc Sở, giám đốc các đơn vị trực thuộc Sở (Trung tâm Quy hoạch, Trung tâm Kiểm định, Viện…).

Theo kế hoạch, chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 17/9-18/9 nhưng thời gian dành cho trao đổi học tập kinh nghiệm chỉ vỏn vẹn có 2 tiếng đồng hồ, còn lại là liên hoan (tiệc tùng, văn nghệ, tham quan).

Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin về kế hoạch giao lưu bị "rò rỉ" trên báo, dư luận đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Có lẽ vì thế mà lãnh đạo Sở Xây dựng Hải Dương vội ra thông báo hủy buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm nói trên. Xin hoan nghênh tinh thần cầu thị, tiếp thu thông tin báo chí phản ánh của lãnh đạo sở Xây dựng Hải Dương. Vụ việc tuy chưa xảy ra nhưng vẫn là một bài học sâu sắc không chỉ riêng Hải Dương mà còn cho các địa phương, các cơ quan ban ngành khác trong cả nước.

Tuy đã bị hoãn, nhưng dự tính kế hoạch giao lưu khiến dư luận không thể không quan tâm, nhất là ở góc độ sử dụng công quĩ. Đấy là chuyện chi tiêu cho 13 đoàn, kể cả chủ nhà với hàng trăm người tham gia, toàn là lãnh đạo to nhỏ của các sở.
 
Không cần tính toán gì cho phức tạp, người ta cũng có thể hình dung ra chừng ấy con người "ăn chơi" trong hai ngày sẽ tốn kém bao nhiêu. Chắc chắn là không ai đánh đường từ Nam Định ra, Hòa Bình xuống, Hải Phòng lên mà lại bỏ tiền túi tiêu xài.

Dù ông Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương đã giải thích: “Ngày nghỉ chúng tôi mời nhau đến chơi để trao đổi về kinh nghiệm học tập nhau về quản lý xây dựng.

Kinh phí là do cán bộ trong Sở tự đóng góp. Có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít. Chúng tôi mời đến, thì họ tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ có gì đâu mà nói
".

Nhưng chẳng ai tin điều đó. Khách đến nhà không gà thì vịt, huống chi cuộc vui này chủ nhà đứng ra đăng cai. Còn chuyện cán bộ trong sở bỏ tiền túi ra bao ư? Thật khó thuyết phục. Càng không có chuyện đãi khách theo kiểu "có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít" hay "tự bỏ tiền ra mà ăn, rồi tự ngủ" đối với một cuộc giao lưu hoành tráng như vậy.

Đấy là về phía chủ nhà. Còn khách thì sao? Chắc chắn lãnh đạo các đoàn của 12 sở bạn sẽ đến Hải Dương trên danh nghĩa đi công tác với công lệnh đóng dấu đỏ chót. Và lẽ đương nhiên, sau đợt "công tác" đặc biệt này, ngân sách tỉnh nhà lại bị "xẻo" đi một ít để thanh toán chế độ công tác phí, xăng xe đưa đón các vị. Cái này cũng… rất đúng qui trình!

Rồi có thể chưa dừng lại đó. Hoạt động này sẽ được mặc nhiên diễn ra thường niên hoặc theo chu kì xoay vòng để lần lượt địa phương nào cũng được vinh dự tổ chức. Cái sự lãng phí công quĩ xem ra chưa có điểm dừng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Việc chi tiêu cho bộ máy của chúng ta hiện nay là rất cao. Theo như báo cáo, có những thời điểm chúng ta thường xuyên tới gần 70% chi ngân sách…

Ngoài ra các khoản chi cho việc đi nước ngoài theo dạng học tập kinh nghiệm, kinh phí cho xe công, hội hè, tiếp khách khó kiểm soát, khiến ngân sách phải gánh thêm nhiều khoản bất hợp lý
".

"Đây là cách sử dụng ngân sách hết sức tùy tiện lãng phí", ông Doanh khẳng định.

Chính phủ đang quyết tâm chấn chỉnh bộ máy, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lí thu chi ngân sách nhà nước.

Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/9 góp ý cho Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường Vụ Quốc hội về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên Ngân sách Nhà nước năm 2017, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định chi thường xuyên trong tổng chi NSNN sẽ giảm dần từ mức khoảng 67% xuống còn dưới 60% vào năm 2020 để tăng nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Liệu nỗ lực đó của chính phủ có đạt được kết quả như mong muốn khi mà ở các địa phương, ngân sách nhà nước vẫn bị sử dụng tùy tiện, lãng phí?

Chúng ta có dám mạnh dạn cắt bỏ những khoản bất hợp lí trong chi tiêu công, đặc biệt là những khoản chi liên quan đến hội họp, ăn uống, giao lưu… và cả những đặc quyền đặc lợi khác?

16-9-2016
Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

- http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/UBKT-Hai-Duong-phai-ghi-no-vi-tiep-khach-So-Xay-dung-van-muon-lam-giao-luu-post170881.gd
- http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Chung-toi-moi-den-thi-ho-tu-bo-tien-ra-ma-an-roi-tu-ngu-co-gi-dau-ma-noi-post170903.gd

Tác giả bài viết: Nguyễn Duy Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập51
  • Hôm nay25,864
  • Tháng hiện tại1,059,977
  • Tổng lượt truy cập55,174,681
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây