Dân mạng chê bài thơ bài thơ này không có vần điệu, chỉ cố gắng gieo vần cho có: "Đọc xong bài chỉ nhớ mù tạt với hip hop chứ đọng lại được gì".
Trước sự “tấn công” của dư luận, tác giả bài thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh tỏ thái độ vô cùng gay gắt: “Có nhiều bạn nói bài “Bắt nạt” chẳng có giá trị nghệ thuật gì, không có vần điệu hoặc vần điệu ngang phè. Bạn không hiểu rằng, nói như vậy chính là cung cấp bằng chứng cho người đọc rằng bạn bị mất cảm thụ tự nhiên và cả thất học vì không thấy nổi vần điệu rõ ràng, đầy đặn và sắp xếp tinh tế trong văn bản”. Anh cho rằng, phản ứng đó của dư luận là sai trái, “coi thường thiên tài”.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin giới thiệu status của Nguyễn Thế Hoàng Linh đăng trên fb cá nhân. Bài viết của tác giả hơi dài, quý vị chịu khó đọc để hiểu biết thêm về một “thiên tài” trong thi ca đương đại.
Một số nghệ thuật trong bài “Bắt nạt”
Trong bài viết này, mình xin phân tích góc độ nghệ thuật của bài “Bắt nạt”.
Tự phân thích thơ mình không phải sở thích của mình nhưng lần này là trong một số ít ngoại lệ. Mục đích là để cung cấp một số chìa khoá gợi mở cách hiểu bài thơ theo đề nghị của một bạn giáo viên chứ không phải bắt học sinh đọc bài phân tích này.
Mình sẽ nói về kết cấu cơ bản, gạch đầu dòng về mỗi khổ thơ và để nhiều khoảng trống cho giáo viên, học sinh tự do cảm thụ, khám phá. Những chia sẻ này không phải tiêu chuẩn để chấm điểm.
Mình cũng mong không phải làm việc này nhiều lần vì không muốn can thiệp vào việc đọc của độc giả.
*
Đầu tiên là cách triển khai bài thơ như một bài nghị luận có mở bài, thân bài, kết luận về chủ đề bắt nạt. Đây là một kết cấu chặt chẽ khiến mỗi câu thơ của bài thơ đều xoay quanh chủ đề nghị luận.
Nhiều người có thể viết một bài thơ, một bài văn hay dù chưa hề học lý thuyết. Đó là vì chúng ta học phần lớn mọi thứ qua các ví dụ. Từ ca dao mẹ ru với những câu lục bát đẹp đẽ mà nhiều người biết làm thơ.
Với nghệ thuật nghị luận trong bài thơ thì nó sẽ cung cấp cho học sinh một ví dụ, một cảm giác về nghị luận chặt chẽ và dễ thấm.
Đây cũng là một ví dụ về cách sáng tác khi từ một từ khoá “bắt nạt” mà các ý tưởng nảy nở thành một bài thơ dài. Mình gọi lối sáng tác này là “ao loang sóng”. Ném một từ khoá, một ý tưởng xuống trang giấy, màn hình và làm cho nó loang thành các vòng ý tưởng. Sau đó, vòng loang lại thu về điểm rơi ban đầu của viên sỏi từ khoá hay ý tưởng. Ví dụ như viên sỏi ở câu đầu “Bắt nạt là xấu lắm” được tìm thấy ở câu cuối “Vì bắt nạt rất hôi”.
Nếu chịu khó tập luyện vòng tròn mindmap này, bắt đầu từ ý thức chú ý kết nối khổ đầu khổ cuối, bạn dần có thể quán xuyến toàn bài, làm các câu chữ trong bài gắn kết chặt chẽ với nhau. Bài “Bắt nạt” được viết sau hơn 20 năm tập luyện của mình.
Khi bạn quan tâm tới một kết cấu tổng thể và tỉ mỉ từng câu chữ thì bạn sẽ hình thành được kỹ năng viết chuyên nghiệp.
Có nhiều lối viết khác nhưng đây là lối viết nếu duy trì song song có thể giúp bạn giữ được sự tỉnh táo, logic trong tư duy.
*
Tiếp đến, mình sẽ đánh số 8 khổ thơ và gạch đầu dòng các phân tích.
- Lựa chọn dùng từ ngữ giản dị, dễ hiểu, gần với văn nói trong khổ 1 cũng là lựa chọn xuyên suốt cả bài. Thứ nhất, đây là bài thơ có tính hướng đối tượng là trẻ em và viết dưới dạng đối thoại, tương tác nên dùng những từ thường ngày, gần gũi sẽ dễ cảm nhận và hiểu cho các em hơn. Thứ 2, đây là dạng thơ thiên về phát triển ý tưởng và ngôn ngữ dùng cho ý tưởng thường phải gọn, sáng. Thể thơ 5 chữ gọn nhẹ cũng rất phù hợp cho thơ tập trung vào ý tưởng. Thứ 3, không nên coi thường ngôn ngữ giản dị thường ngày vì đó là thứ trí tuệ tập thể giúp người ta giao tiếp dễ dàng đã được chọn lọc qua nhiều thời gian. Mỗi từ mà cộng đồng dùng chung hàng ngày, lâu năm chính là một viên ngọc đã được mài giũa tinh tế. Thứ ngôn ngữ có thể giúp nhiều người hiểu dễ dàng chính là ngôn ngữ thông minh.
Dùng những từ, ngữ pháp ai cũng hiểu để ghép thành một tổ hợp từ ngữ đem lại thêm hiểu biết là cách chia sẻ trí tuệ thân thiện nhất.
Có nhiều cách dùng từ khác nhưng đây vẫn là cách sáng nhất.
Ngôn ngữ của nhân loại cực kỳ phong phú, nhiều style nhưng cái lõi ngôn ngữ như nghệ thuật tối giản của cộng đồng là thứ giúp loài người dù tiến hoá các kiểu vẫn có thể hiểu nhau.
2. Tại sao không học hát
Nhảy hip hop cho hay?
Thời gian trong một ngày
Đâu để dành bắt nạt
- Sau khổ 1 đưa ra luận đề “Bắt nạt là xấu”, “không cần bắt nạt” thì các khổ tiếp theo bắt đầu triển khai và chứng minh. Nhiều nghệ thuật phân tích và thuyết phục được tung ra.
- Để giảm sự cồng kềnh của việc chứng minh, người ta sẽ tìm cách thu hẹp phạm vi chứng minh. “Bắt nạt” bị tóm vào quỹ thời gian trong 1 ngày là 24h. Người bắt nạt bị đặt vào bài toán kinh tế với “chi phí cơ hội” là nếu bạn bắt nạt thì bạn sẽ lãng phí thời gian trang bị những kỹ năng khác rất tốn thời gian rèn luyện như “học hát”, “nhảy hip hop cho hay”. Phải học “cho hay” nữa nên là rất tốn thời gian. Đưa ra các hoạt động này chính là dùng nghệ thuật so sánh, làm nổi lên sự tương phản giữa các hoạt động đẹp để tự chơi và làm vui mọi người với cái xấu của bắt nạt, hành hạ người khác. Đây cũng là các giải pháp thay thế, chữa “bệnh” bắt nạt. Tìm ra giải pháp cũng chính là một dạng nghệ thuật hàng đầu trong cuộc sống.
- Từ “hip hop” đưa vào SGK phải phiên âm theo quy định (nên điều chỉnh) của Bộ giáo dục. Mình thấy không cần phải cứng nhắc như vậy với từ quá phổ biến này nhưng thôi, tạm thoả hiệp với vấn đề này và xin viết theo nguyên bản ở đây trông cho đỡ buồn cười và không giống mình.
- Tiếp tục là nghệ thuật so sánh và tạo điểm nhấn. Kẻ bắt nạt thường tự hào mình là kẻ mạnh nhưng thực ra phần lớn hèn nhát chọn đối tượng bắt nạt là kẻ yếu hơn. Nếu nghĩ mình ngầu, hãy đặt mình trong tương quan với kẻ mạnh khác như mù tạt hay đứa gấu hơn thay vì kẻ yếu hơn. Điểm nhấn “mù tạt” là thủ pháp gây kịch tính giúp tác phẩm có những cao trào, như một cú đấm móc hay punch dễ gây knock-out trong đấm bốc.
- “Mù tạt” cũng là hình ảnh ẩn dụ về kẻ mạnh. Nếu bạn nghĩ trò bắt nạt của mình là ngầu thì thử đối đầu với kẻ mạnh như mù tạt, thách đấu võ đài với những võ sỹ như Mike Tyson của thời nay xem.
- Sau cú đấm trực diện thẳng vào sự ngộ nhận mình ngầu trong nhận thức là nghệ thuật đánh vào lòng trắc ẩn. Đây là phép liên tưởng gắn đối tượng hay bị bắt nạt là kẻ yếu, các bạn nhút nhát với điều dễ thương như thỏ non.
- Đến đây, lựa chọn dùng ngôn ngữ nói để tăng tính đối thoại, tương tác phát huy tác dụng rõ rệt với câu à ơi thân thiện: “Sao không yêu, lại còn…?”
- Khổ 5, 6 là phép liệt kê cho thấy có một vòng tròn bắt nạt trên trái đất này và không chắc bạn là ngoại lệ. Kẻ yếu bị bắt nạt lại đi tìm kẻ yếu hơn như mèo, chó, cái cây và nhiều khi là những người yêu thương mình để hành hạ. Điều này cho thấy bạn bị bắt nạt không có nghĩa là bạn không phải kẻ bắt nạt, cần nhận thức rõ về hành vi của bản thân xem mình có đang bắt nạt, huỷ hoại ai đó không. Câu chuyện bắt nạt là câu chuyện toàn cầu và gắn với cả đời người. Nhận thức sâu sắc về nó có thể giúp mỗi người và thế giới có một kết thúc có hậu hơn.
- Nói đến chuyện “Đừng bắt nạt nước khác” nghe có vẻ giáo điều nhưng cần thiết vì nó chính là thứ bắt nạt thực tế gây hại cho nhiều người nhất. Trong đó, huỷ hoại và gây hận thù nhất chính là tội ác chiến tranh.
Tất cả những nguyên thủ quốc gia phát động chiến tranh trong đó có chém giết, trút bom đạn và bạo hành lên trẻ con từng là trẻ con, học sinh. Hiểu điều đó sớm để tránh trở thành tội phạm chiến tranh chẳng phải tốt hơn sao. Dùng tới bom đạn trút lên con người là ở một mức độc ác huỷ hoại rất cao và nhiều khi động cơ của nó chỉ là khoái cảm bắt nạt không được điều trị sớm, lớn lên nhân danh lợi ích quốc gia, bảo vệ hoà bình thế giới. Chiến tranh nhiều khi là để thoả mãn sự bắt nạt, bóc lột và huỷ hoại tột cùng của bọn mất nhân tính.
- Vòng tròn bắt nạt toàn cầu này là nghệ thuật khái quát và không hề phóng đại.
- “Đừng bắt nạt cái cây” là một điểm nhấn khác, mình nhận được khá nhiều phản hồi các bạn nhỏ thích thú câu này. Đây là nghệ thuật nhân hoá nhưng cũng chính xác vì mối quan hệ cộng sinh với cây cối quyết định sự sống còn của con người. Cái cây cho bóng mát, thực phẩm, thuốc, nhà, đồ dùng, chống lũ lụt, sạt lở và nuôi dưỡng hệ sinh thái chung với bao loài khác. Với một sinh vật như vậy, chúng ta nên biết ơn và khai thác đúng cách. Riêng câu “Đừng bắt nạt cái cây” cũng có thể triển khai như một luận đề về môi trường.
- “Vì bắt nạt dễ lây” cũng là nhân hoá, coi bắt nạt như một con virus. Và điều này cũng đúng. Người bắt nạt bị ức chế thường tìm cách xả sự ức chế lên người khác. Một ông bố, bà mẹ hiền lành đi làm về bỗng quát mắng con vô cớ chắc là bị bắt nạt ở cơ quan hay trên đường rồi. Đứa trẻ bèn đi tìm con mèo…
- Đây là nghệ thuật tương tác nối thơ với hiện tại tiếp diễn khiến nó đã xong những vẫn chưa xong, điều này ít thấy trong thơ. Ở những khổ thơ trước là trò chuyện với bạn bắt nạt. Đến đây là trò chuyện với bạn bị bắt nạt. Rồi là cùng nói với cả hai. Vì khi bạn bị bắt nạt “đưa bài thơ này” thì bạt bắt nạt sẽ đọc được câu “nếu cần bắt nạt thì đến gặp tớ ngay”.
- Nhiều bạn bắt nạt rất mạnh nên đây cũng là một thông điệp vừa đùa vui vừa hiện sinh, mạo hiểm của tác giả. Nhưng đôi khi trong đời, chúng ta phải có đủ can đảm đối diện với độ khó cao và tin vào sức mạnh của bản thân lẫn cộng đồng cái tốt. Và tác giả vẫn có nhiều niềm tin vào cái tốt trong chính những bạn bắt nạt một ngày sẽ giúp các bạn nhận ra nên trân trọng nhiều điều tốt đẹp và làm mình “sạch” hơn, “thơm” hơn. Đó là lí do bài thơ không ác ý với các bạn bắt nạt.
- Đây là nghệ thuật gợi mở, gây tò mò xem bạn bắt nạt đến gặp tác giả thì tác giả sẽ làm gì.
- Đây là nghệ thuật gây bất ngờ và tiếp tục gợi mở vì hoá ra tác giả cũng không nói rõ sẽ làm gì, lại có vẻ nhún nhường, gây cười: “Cứ đến bắt nạt tớ/Bị bắt nạt quen rồi”. Nói được câu đó cũng phải có một sức chịu đựng, kỹ năng và quá trình rèn luyện nhất định. Đó cũng là những trang bị tác giả muốn gửi gắm tới các bạn bị bắt nạt.
“Học hát”, “nhảy hip hop cho hay”, “trêu mù tạt” cũng là ví dụ về những kỹ năng không chỉ dành cho bạn bắt nạt để chữa “bệnh” mà bạn bị bắt nạt cũng nên tập luyện để “đổi đời”. Đây hoàn toàn chỉ là các ví dụ, mỗi người đều có thể chọn những môn phù hợp với bản thân.
- “Bị bắt nạt quen rồi/Vẫn không thích bắt nạt” là lời từ chối lan truyền chuỗi bắt nạt, là nạn nhân nhưng không lấy đó làm cớ tạo ra nạn nhân khác. Và lí do đưa ra cho việc không thích bắt nạt cũng là kết luận cho luận đề mở bài “Bắt nạt là xấu lắm”: “Vì bắt nạt rất hôi!”. Điều này tạo nên một vòng tròn hoàn hảo cho bài thơ.
- “Bắt nạt rất hôi!” cũng là nghệ thuật nhân hoá khiến bắt nạt có mùi. Bắt nạt hoàn toàn có thể coi là một trò chơi bẩn nên dùng từ “hôi” là hợp lí và đặc tả, tác động đến lòng tự trọng.
- “Hôi” cũng là chơi chữ. Bắt nạt thường có đám đông, gọi là “đánh hội đồng”, “đánh hôi”. Là một đám đông bắt nạt nhưng mỗi đứa đánh hôi một vài cú, nạn nhân ăn nhiều đòn hơn nhưng tội lên mỗi đứa lại nhẹ đi.
- Mình tạm gọi “Vì bắt nạt rất hôi!” là nghệ thuật “Cái kết đắt”. Cái kết đắt vừa tạo thêm sức bật, sự bừng nở cho tác phẩm vừa là thái độ cầu toàn, trọn vẹn với tác phẩm mà mình theo đuổi trong nhiều nghìn bài thơ suốt mấy chục năm nay. Với mình, nghệ thuật là đỉnh cao nên phải vươn tới sự hoàn hảo. Thái độ đó sẽ khiến cho tác phẩm được làm tận tâm và mỗi tác phẩm mới luôn là một thử thách.
Thái độ cầu toàn trong nghệ thuật đó và việc chăm chỉ sáng tác sau hơn 20 năm khiến bài thơ tự nhiên có những nghệ thuật như vậy chứ không cần chủ ý trước. Mình xin thử liệt kê theo cách mình tìm thấy như vậy. Xin lỗi vì lâu rồi mình không cập nhật các khái niệm giảng dạy nên xin gọi các thủ pháp nghệ thuật theo cách mình từng được học và tạm đặt tên một số kỹ thuật mình không biết tên.
Việc chọn lọc từ ngữ và kết hợp nhiều cách gieo vần hợp lí, biến hoá ở nhiều vị trí cho bài thơ dài trôi chảy, không có chỗ phô cũng là một nghệ thuật và kỹ thuật không đơn giản.
Mình xin tạm dừng ở đây. Xin lỗi vì mình viết hơi nhiều nhưng đó là góc nhìn tác giả và một cách bóc tách một bài thơ mình muốn chia sẻ, hy vọng giúp ích được cho giáo viên và người viết.
Mình xin nhấn mạnh đây chỉ là góc nhìn của mình và không nên áp đặt cho học sinh. Nếu nêu ra thì phải hỏi các em có đồng ý với góc nhìn này hay điểm này điểm kia không.
Trước khi có những hướng dẫn thì việc để các em đọc và thảo luận tự nhiên sẽ giúp các em có trải nghiệm thuần khiết ban đầu với bài thơ hơn.
Có thể thấy bài thơ khá “phức tạp” với nhiều tầng nghĩa nếu đào sâu nên việc dành cho các bạn lớp 6 là hợp lí hơn các lớp nhỏ hơn. Bên cạnh đó, các bạn nhỏ hơn có thể đọc bài thơ này ngoài SGK, tự mình cảm thụ và không phải trả bài có khi lại vui hơn.
Mình xin tạm liệt kê ra như vậy với cách viết khá khô khan này.
Cảm ơn các bạn đã đọc.
Nguyễn Thế Hoàng Linh
https://www.facebook.com/nguyenthehoanglinh/posts/10159270497512225