Nhà thơ Lê Anh Xuân: Dáng đứng Việt Nam, tạc vào thế kỷ

Chủ nhật - 14/05/2023 05:21
- Lê Anh Xuân, nhà thơ, liệt sỹ tên thật Ca Lê Hiến, sinh ngày 5.6.1940 tại xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày (nay Mỏ Cày Bắc), tỉnh Bến Tre. Ông sinh trưởng trong một gia đình trí thức yêu nước. Cha là nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học Ca Văn Thỉnh. Lê Anh Xuân hy sinh ngày 21.5.1968 tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An.
Năm 2001, ông được Đảng và Chính phủ tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và năm 2011, được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân. Tên ông được đặt cho một đường phố ở quận 1, TPHCM, một con đường ở quận Hà Đông, Hà Nội và một con đường ở phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, Quảng Bình.

Thuở thiếu thời, Lê Anh Xuân sống với gia đình ở vùng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Năm 1952, lên 12 tuổi Lê Anh Xuân vừa đi học vừa tập việc ở nhà in Trịnh Đình Trọng tại chiến khu, thuộc Sở Giáo dục Nam Bộ. Năm 1954, theo gia đình tập kết ra Bắc học phổ thông Trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Tiếp đó về học Trường cấp 3 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Tốt nghiệp trung học phổ thông, ông thi đỗ vào Khoa Sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được ở lại trường làm phụ giảng tại Khoa Sử một thời gian ngắn.

Năm 1964, Lê Anh Xuân được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nhưng cũng như bao bạn trẻ khác cùng thời, ông xin trở về chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Trước ngày lên đường vào Nam, Ca Lê Hiến đã gửi thư cho chị là bà Ca Lê Hồng, có đoạn viết “Em biết, rồi đây những khó khăn, thử thách mới sẽ đến, thậm chí có thể hy sinh nữa, nhưng không vì thế mà làm giảm sút quyết tâm”.

Cuối năm 1964, ông vượt Trường Sơn vào Nam. Tại đây ông làm việc ở Tiểu ban Giáo dục, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, sau đó chuyển sang Hội Văn nghệ Giải phóng. Do yêu cầu giữ bí mật cần phải đổi tên khi về Nam, để địch không phát hiện là cán bộ miền Bắc cử vào, ông lấy tên là Lê Lan Xuân, tên người bạn gái Xuân Lan. Về sau đổi là Lê Anh Xuân. Trong 4 năm ở chiến trường miền Nam, Lê Anh Xuân sống và chiến đấu như một chiến sỹ – nghệ sỹ.

Từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Lê Anh Xuân đã ham mê văn học, rất thích làm thơ. Nhưng cũng phải đợi đến bài thơ đầu tiên ra mắt bạn đọc là “Nhớ mưa quê hương”, được giải nhì cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960, mới khẳng định tài năng của nhà thơ trẻ .

Trong lời giới thiệu “Tuyển tập thơ Lê Anh Xuân”, Nhà Xuất bản Văn học viết: Trong lớp nhà thơ trẻ xuất hiện từ những năm chống Mỹ cứu nước Lê Anh Xuân là một tác giả được bạn đọc yêu thơ chăm chú theo dõi với một cảm tình đặc biệt.

Ngay từ những bài thơ đầu tiên, người ta đã nhận ra phong cách riêng, chân thành, hồn nhiên mà trữ tình, đằm thắm, giản dị, trong sáng nhưng không kém phần tinh tế và sâu lắng.

Nhưng rõ ràng chưa đủ thời gian cho cảm xúc lắng đọng để nâng cao tính khái quát hình tượng và gọt dũa những vần thơ. Chính Lê Anh Xuân đã khiêm tốn tự nhận xét “Những bài thơ của tôi chẳng qua chỉ là mấy nét ghi chép những cảm xúc bước đầu”.

Mặc dù vậy, những tác phẩm mà ông để lại cho chúng ta hôm nay vẫn là những đóng góp hết sức quan trọng vào kho tàng văn học của đất nước trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước.

Những bài thơ ông làm trong 10 năm sống trên đất Bắc, sau này tác giả tập hợp lại cho in trong tập “Tiếng gà gáy” (1965). Trong những năm chiến đấu ở miền Nam, bằng tình yêu nhân dân và lý tưởng cách mạng sáng ngời, bằng sự gắn bó với quê hương xứ sở, với những cảm xúc mãnh liệt đã ghi sâu vào tâm khảm Lê Anh Xuân, để từ đó bật ra những áng thơ bất hủ và tạo điều kiện cho nhà thơ nhanh chóng gặt hái được những thành tựu đáng khâm phục trong lĩnh vực sáng tác.

Lê Anh Xuân tuy tuổi đời còn trẻ, tuổi nghề còn quá ngắn ngủi, nhưng nhà thơ đã để lại cho đời những vần thơ sáng chói, đó là tập thơ “Tiếng gà gáy” (thơ, 1965); “Không đâu như ở miền Nam” (thơ, in chung, 1968); “Hoa dừa” (thơ, 1971); “Thơ Lê Anh Xuân” (tuyển thơ, 1981).

Ngoài thơ, tuy không nhiều, ông còn để lại những áng văn xuôi, gieo vào lòng người những ấn tượng đẹp, đó là truyện ngắn “Giữ đất” (1966).

Cảm hứng chủ đạo trong thơ Lê Anh Xuân là khao khát tình yêu quê hương đất nước. Ông bộc lộ sự ngỡ ngàng đến khâm phục những đổi thay kỳ diệu của đất nước và con người miền Nam thể hiện rõ trong “Không đâu như ở miền Nam”; “Về Bến Tre”; “Qua Ấp Bắc”…

Nhà thơ say sưa ngợi ca những bóng dáng cao đẹp của những anh hùng lừng danh và vô danh đã hiến trọn đời cho đất nước, dân tộc với những bài “Gặp những anh hùng dân tộc”; “Gửi anh Tư”; “Anh đứng giữa Tháp Mười”…

Tình cảm của nhà thơ Lê Anh Xuân không chỉ dành cho quê hương miền Nam ruột thịt mà qua thơ, ông đã luôn luôn thể hiện nỗi lòng mình với miền Bắc cội nguồn, nơi nuôi ông khôn lớn, thành người. Trên cơ sở cảm xúc đó, nhà thơ đã phát hiện ra phẩm chất cao đẹp, phẩm chất của dân tộc được ông mô tả trong “Dáng đứng Việt Nam”, một bài thơ tuyệt tác của Lê Anh Xuân:

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất,/Nhưng anh gượng đứng lên tỳ súng lên xác trực thăng,/Và anh chết trong khi đang đứng bắn,/Máu anh phun theo đạn lửa cầu vồng.

Trong cuốn “Chân dung văn học”, nhà phê bình Hoài Anh viết: “…Từ cậu học trò học môn lịch sử, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân) đã đàng hoàng, thung dung bước vào lịch sử. Ở thành phố Hồ Chí Minh, nơi trước đây anh từng hoài vọng:

Cái quầng sáng bồn chồn thương nhớ ấy,/Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về.

Ngày nay có một con đường mang tên Lê Anh Xuân”.

Thơ Lê Anh Xuân mang đầy chất hùng ca và tình ca với sắc thái, vừa bằng giọng nhỏ nhẹ, tâm tình, vừa bằng những cảm hứng lịch sử mang ý nghĩa triết học sâu sắc.

Thơ ông là tiếng nói chân tình của lòng ông, nhưng cũng là tâm tư của cả một thế hệ thanh niên chống Mỹ, say mê lý tưởng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả của dân tộc.

Thơ ông chính là cuộc đời của ông, một sự thống nhất đến kỳ lạ, giữa tác giả và tác phẩm không có một sự ngăn cách nào. Đó chính là yếu tố quan trọng nhất làm cho thơ Lê Anh Xuân dễ đi vào lòng người.

Lê Anh Xuân có những vần thơ nhớ quê da diết, khi anh còn ở miền Bắc:

Quê nội ơi!/Mấy năm trời xa cách,/Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi,/Nghe tiếng trời gầm xa lắc…/Có sao lòng thấy nhớ thương.

Và rồi nhà thơ mong:

Ta muốn về quê nội,/Ta muốn trở lại tuổi thơ,/Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha./Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…/Ôi! tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã…

(trích “Nhớ quê hương”)

Tình cảm đó “Cứ đêm đêm nức nở gọi ta về”.

Và khi ông đã trở về miền Nam chiến đấu, được tin Hà Nội chiến thắng đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, lòng nhà thơ lại nao nao, bởi nơi đó ông đã có những năm tháng hạnh phúc tràn đầy:

Hà Nội ơi! Hà Nội ơi!/Giữa đêm nghe chiến thắng reo vui,/Tìm phương Bắc ta chào Hà Nội,/Sửa vai bòng lại bước vội hành quân,/Vào Đông Xuân! Vào Đông Xuân!

Với tình cảm đó, nhà thơ nguyện:

Có chúng tôi trả thù cho Hà Nội/Vào Đông Xuân, đường hành quân bước vội.

Những ai từng đọc thơ Lê Anh Xuân, đều có chung nhận xét: Thơ Lê Anh Xuân đầy chất thép, nhưng trong chất thép ấy lại toát lên nồng nàn tình yêu con người, tình yêu quê hương, xứ sở, tình yêu Tổ quốc da diết. Nhắc tới nhà thơ Lê Anh Xuân, chắc hẳn nhiều người không quên bài thơ Dáng đứng Việt Nam:

Anh tên gì hỡi anh yêu quý/Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng/Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ/Mà vẫn một màu bình dị sáng trong./Không một tấm hình, không một địa chỉ/Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường/Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ/Anh chiến sỹ Giải phóng quân/Tên anh đã thành tên đất nước.

Với niềm đam mê thơ cháy bỏng và sự lao động nghiêm túc trong môi trường gian khổ, ác liệt nhất, Lê Anh Xuân dẫu “Chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường”, nhưng để lại nhiều bài thơ hay đi cùng năm tháng. Người viết bài này tin rằng với thế hệ trẻ hôm nay thơ Lê Anh Xuân – Ca Lê Hiến, vẫn là lời gửi gắm thiêng liêng về tình yêu Tổ quốc và lý tưởng cách mạng, lý tưởng sống vì mọi người.

TRẦN MẠNH THƯỜNG
Báo Tiền Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập185
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm184
  • Hôm nay23,897
  • Tháng hiện tại236,465
  • Tổng lượt truy cập60,120,272
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây