Văn học Việt Nam từ chữ Hán thời kỳ đầu cho đến chữ Nôm, rồi văn học tiếng Việt hay còn gọi là chữ quốc ngữ đầu thế kỷ XX…, đến nay đã có lịch sử hơn nghìn năm với tích lũy phong phú, đồng thời hình thành phong cách riêng độc đáo như các tác phẩm thơ lục bát, song thất lục bát mang đậm hồn cốt dân tộc; như hàng loạt tiểu thuyết và truyện ngắn trước 1945 như Số đỏ, Chí Phèo, Bước đường cùng….
Tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng sáng tác năm 1936, cho đến nay vẫn là tác phẩm được tái bản nhiều lần nhất trong số các tiểu thuyết Việt Nam trước 1945.
Cuốn tiểu thuyết này được dịch và giới thiệu vào Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với người Trung Quốc trong việc hiểu biết về Việt Nam và sự phát triển của văn học Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Số đỏ được dịch sang tiếng Trung Quốc bởi dịch giả Hạ Lộ cùng lời tựa trang trọng của ông Bành Thế Ðoàn, Tham tán Ðại sứ Quán Trung Quốc tại Việt Nam. Văn nghệ xin trân trọng trích đăng giới thiệu lời tựa tiểu thuyết Số đỏ lần đầu được dịch và xuất bản tại Trung Quốc qua phần chuyển ngữ của TS. Bùi Thiên Thai (Viện Văn học).
***
Nhưng để dịch hay được cuốn tiểu thuyết này thật không dễ. Khi sang công tác tại Việt Nam năm 1993, tôi may mắn được xem 8 tập của bộ phim truyền hình Số đỏ do Đài truyền hình Việt Nam phát sóng, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1990. Hơn 20 năm đã trôi qua, những hình ảnh sống động của Xuân tóc đỏ, bà phó Đoan, cụ cố Hồng, ông TYPN, ông Phán mọc sừng… như vẫn còn mới mẻ trong tâm trí tôi.
Chỉ riêng cách đặt tên cho nhân vật đã cho thấy thủ pháp mặt nạ hóa của Vũ Trọng Phụng, đồng thời cũng là biểu hiện của đạo đức xã hội và tâm lý xã hội Việt Nam thời kỳ ấy. Như nhân vật cụ cố Hồng, có lẽ ngoài cái ý châm biếm ra, còn là để nhắc chúng ta nhớ đến cái tước “Hồng lô tự thiếu khanh” mà “nhà nước đã ân thưởng” cho cụ. Việt Nam vốn có tập tục xưng hô theo chức danh như vậy. Cũng như nhân vật bà Phó Đoan, ngoài ẩn ý mỉa mai người đàn bà đoan chính “thủ tiết với hai đời chồng” thì Phó Đoan vốn là chức vụ của người chồng Tây đã mất. Còn như ông Phán mọc sừng thì lại là chức danh đi kèm biệt hiệu “mọc sừng”, chỉ người đàn ông có vợ ngoại tình. Đáng chú ý nhất là cái tên Xuân tóc đỏ; châu Á từng gọi người phương Tây, đặc biệt người Hà Lan, là quỷ tóc đỏ. Tác giả đã lý giải lai lịch mái tóc của Xuân là do nó giãi nắng mà có; một mặt tóc Xuân cháy đỏ là do ý Trời, nhưng mặt khác, nó cũng ngầm báo trước rằng, nhân vật này ít nhiều có liên quan đến phương Tây và phong trào Âu hóa. Ông TYPN (bản tiếng Trung chuyển dịch thành WAFN) là một nhà thiết kế thời trang của tiệm may Âu hóa, TYPN là viết tắt của câu Tiếng Việt: “Tôi yêu phụ nữ”…
Việc đặt tên nhân vật theo thủ pháp mặt nạ hóa này có liên quan đến vở kịch Giết mẹ của Victor Hugo mà Vũ Trọng Phụng đã dịch vào thời điểm đó cũng như phong cách của chính Vũ Trọng Phụng trong các kịch bản của ông.
Lời thoại của nhân vật cũng như việc lựa chọn, miêu tả bối cảnh và chi tiết trong tiểu thuyết Số đỏ vô cùng sinh động, khiến độc giả nhớ mãi không quên. Khi bộ phim truyền hình Số đỏ được phát sóng, trên đường phố rất hay nghe thấy người Việt Nam nhại câu thần chú của cụ cố Hồng: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”. Tôi đã thử dịch câu này theo nhiều cách, song thế nào cũng không thể dịch cho ra cái ngữ khí và cảm giác rất Việt của nó.
Ngoài ra, trong tiểu thuyết này còn có rất nhiều miêu tả tập tục, những câu chửi thề và cả những đoạn thơ ca hò vè. Một số hiện tượng đời thường được miêu tả trong Số đỏ, chẳng hạn như bói toán, từ lâu đã hiếm thấy trong đời sống thực tế ở thành thị, đặc biệt là những nội dung về xem quẻ bằng cách lập lá số tử vi, nếu không có sự nghiên cứu chuyên sâu thì quả thực rất khó lý giải, nói gì đến dịch.
Lại nữa, Việt Nam là một đất nước mà Phật giáo và tín ngưỡng dân gian song song tồn tại và thịnh hành, một số thuật ngữ chuyên dụng trong đền chùa, nếu như không có trải nghiệm của bản thân thì khó lòng hiểu được nội dung và dịch cho chính xác. Chưa kể đến việc phiên dịch thơ ca hò vè theo thể lục bát của Việt Nam trong tiểu thuyết này, bản thân việc dịch thơ đã khó, lại thêm tính đặc thù của thể thơ khiến cho độ khó càng tăng lên gấp bội.
Năm 2017, tôi đọc lại Số đỏ và nhận thức sâu sắc hơn tính chất của bức tranh phong tục xã hội trong tiểu thuyết. Đủ loại nhân vật nhỏ bé khác nhau ở Hà Nội dưới thời Pháp thuộc, những quan chức bản địa trong chính quyền thuộc địa, những mối quan hệ xã hội phức tạp, những quan niệm về sinh, lão, bệnh, tử cũng như những phong tục, tập quán xã hội khác nhau, sự đua đòi và chạy theo Âu hóa, thay bộ đồ Âu phục nhưng lại không thể thoát khỏi xung đột tư tưởng với lề thói cũ…, tất cả đều được Số đỏ khắc họa một cách sâu sắc, sinh động, khó quên. Đọc Số đỏ, có lúc tôi nghĩ đến A.Q chính truyện của Lỗ Tấn, có lúc nghĩ đến Lôi vũ của Tào Ngu, lúc lại nghĩ đến Tiền Chung Thư với Vòng đời vây bủa.
Bối cảnh xã hội của Số đỏ được đặt tại Hà Nội, trung tâm của chính quyền thực dân Pháp tại Bắc kỳ lúc bấy giờ và cũng là đô thành mấy trăm năm của Việt Nam. Ở những con người nơi đây, tư tưởng xã hội bảo thủ luôn song hành với xu hướng nóng lòng hiện đại hóa nhằm tự cứu mình, và đó cũng chính là lý do khiến cho Số đỏ mang nhiều tính chất mà tiểu thuyết Trung Quốc thời đó không hề có.
Khách sạn Bồng Lai được nhắc đến trong tiểu thuyết chính là khách sạn Hòa Bình ở Hà Nội hiện nay. Đây là một trong những kiến trúc kiểu Pháp có quy mô lớn được xây dựng ở Hà Nội trong thời gian từ năm 1926 đến năm 1930, đồng thời cũng là chốn ăn chơi đô hội của Hà Nội lúc bấy giờ. Giờ đây mỗi lần đi bộ ngang qua đó, tôi lại nghĩ đến tình huống xảy ra trong khách sạn này ở Số đỏ, quả thực không hiểu khách sạn đã lưu lại một dấu ấn lịch sử địa lý cho tiểu thuyết hay chính là tiểu thuyết đã ghi thêm một dấu ấn văn học cho khách sạn.
***
Tôi vô cùng vui mừng khi được biết dịch giả Hạ Lộ đã dịch Số đỏ sang tiếng Trung. Hạ Lộ tốt nghiệp Tiến sĩ nghiên cứu về giao lưu văn học Trung – Việt tại Khoa Văn học Đại học Bắc Kinh; cô thường xuyên sang Việt Nam để nghiên cứu, tìm hiểu mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng giữa văn học Trung Quốc và văn học Việt Nam, nghiên cứu sự phát triển của văn học Việt Nam. Cô đồng thời cũng là giảng viên giảng dạy văn học Việt Nam, đặc biệt là thơ ca Việt Nam.
Bên cạnh việc dịch cuốn tiểu thuyết này, Hạ Lộ cũng công bố một số bài nghiên cứu như “Trào lưu Tây hóa ở Việt Nam những năm 1930: trường hợp Vũ Trọng Phụng và tiểu thuyết Số đỏ của ông” (2017) hay “Số đỏ và truyền thống văn học Việt Nam” (2017). Những nghiên cứu này đều thể hiện kiến giải độc đáo của cô về Số đỏ.
Năm 2019, tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh do cô dịch xuất bản ở Trung Quốc và được đón nhận nồng nhiệt. Dịch thuật đi đôi với nghiên cứu chính là sự đảm bảo chắc chắn cho thành công trong việc dịch một tiểu thuyết có độ khó cực cao như Số đỏ.
Trong dịp phiên bản tiếng Trung của Số đỏ sắp được ra mắt, Hạ Lộ hy vọng rằng tôi sẽ viết một lời tựa ngắn cho cuốn tiểu thuyết này. Vẫn biết rằng mình không đi sâu nghiên cứu về Số đỏ, song xuất phát từ sứ mệnh thúc đẩy giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Việt Nam, tôi thực sự mong muốn giới thiệu bản dịch của Hạ Lộ, giới thiệu bức tranh phong tục Việt Nam những năm 1930 của Vũ Trọng Phụng tới độc giả Trung Quốc.
Ngày 10/5/2021
Bùi Thiên Thai dịch
Theo Văn nghệ số 37/2021