Con gà gô – Truyện ngắn của Hồng Chiến

Thứ sáu - 10/09/2021 18:45
Con người và cuộc sống nơi vùng đất Tây Nguyên huyền thoại là nội dung phản ánh chủ yếu trong các sáng tác của Nguyễn Hồng Chiến. Tác phẩm của anh thể hiện chân thực, sinh động đời sống, sinh hoạt, phong tục của người Tây Nguyên qua cách cảm nhận trong sáng, ngộ nghĩnh của lứa tuổi thiếu nhi.
Nhà văn Hồng Chiến
Nhà văn Hồng Chiến

Nguyenduyxuan.net: Nhà văn Hồng Chiến (Nguyễn Hồng Chiến) sinh năm 1957 tại Thanh Hóa. Hiện đang sống và làm việc tại Đắk Lắk. Anh là Hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Hội viên Hội VHNT Đắk Lắk.

Con người và cuộc sống nơi vùng đất Tây Nguyên huyền thoại là nội dung phản ánh chủ yếu trong các sáng tác của Nguyễn Hồng Chiến. Tác phẩm của anh thể hiện chân thực, sinh động đời sống, sinh hoạt, phong tục của người Tây Nguyên qua cách cảm nhận trong sáng, ngộ nghĩnh của lứa tuổi thiếu nhi.

Tác phẩm đã in: Chuyện kẻ người đi săn (tập truyện ngắn, 1996), Đội lốt (tập truyện ngắn, 2002), Zàng phạt (tập truyện ngắn, 2003), Tiếng kêu chim én (bút ký, 2009), Bí mật rừng thiêng (truyện dài, 2010), Bí mật của H'Loan (tập truyện ngắn, 2016), Chuyện nhặt trên thảo nguyên (tập truyện thiếu nhi, 2019),...

 
Giải thưởng:

– Giải ba – Đài tiếng nói Việt Nam và Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cho kịch bản truyền thanh “Câu chuyện sau chiến tranh”, năm 1987.

– Giải C – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk lần thứ I (giai đoạn 2003-2008) cho tập truyện “Yàng  Phạt”.

– Giải C – Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh đắk Lắk lần thứ II (giai đoạn 2008 – 2013 cho truyện vừa “Bí mật rừng thiêng”.

– Giải C – Hội VHNT các DTTS Việt Nam cho tập truyện ngắn “Bí mật của H’Loan”, năm 2016.


Nguyenduyxuan.net xin trân trọng giới thiệu truyện ngắn "Con gà gô" của nhà văn Hồng Chiến:

Tiếng hót của chim vang lên giữa trưa nắng, âm vang lan tỏa bao trùm cả ngôi nhà rồi tản ra, lan dần qua những hũm cây, theo các sườn đồi, nhỏ dần chỉ còn lại tiếng “gia” tha thiết vọng lại.

Hiền giật mình, tỉnh hẳn cơn buồn ngủ tụt xuống giường chạy lại gọi mẹ.

– Mẹ ơi, chim biết hót rồi!

Mẹ Hiền gấp tập bài đang chấm giở quay lại bảo:

– Mẹ nghe rồi nhưng mới có mười ba giờ, con đi ngủ tiếp đi, ba mươi phút nữa hãy dậy.

– Mẹ cho con ra chơi với chim đi. Đấy, nó lại hót nữa đấy.

Mẹ gật đầu. Hiền chạy ngay ra đầu hồi nhà đứng ngắm con chim đang cố gắng rướn cao cổ, đầu hơi cúi xuống cất lên tiếng hát êm ái. Thế là thiếu ba ngày nữa mới đầy năm tháng mà nó đã biết hót rồi.

Nhớ hôm ấy ba về cả nhà đang vui vẻ quây quần quanh mâm cơm, bỗng vang lên mấy tiếng: “quạ, quạ, quạ” xé tan không khí buổi trưa thanh bình. Cả nhà bỏ mâm cơm ăn dở chạy ra sân tưởng quạ bắt gà con.

Thấy người chạy ra, con quạ vừa lao xuống đống rơm dưới gốc cây mít hoảng hốt lao vút lên, miệng không ngớt kêu gào như tiếc rẻ trước khi bay về dãy núi phía xa.

Ba đi lại phía đống rơm và kêu lên:

– Có con gà bị thương! À, con đa đa con.

Hiền vội vã chạy lại, thấy ba đang khẽ khàng đặt con chim nhỏ bé như chú gà con, lông nâu nhạt mịn như tơ, trên lưng có vệt lông vàng kéo dài từ đỉnh đầu xuống đuôi loang vết máu tươi. Con chim run lẩy bẩy, đầu nghẹo về một bên. Mẹ chạy vội vào nhà lấy lọ ôxi già và bông cho ba rửa vết thương, chắc là do móng chân của lão quạ độc ác găm vào bên hông làm toạc cả một đoạn da dài.

Ba khéo léo rắc thuốc lên vết thương rồi đặt nhẹ nó vào cuộn bông trắng tinh đã được dàn ra giống như một chiếc ổ xinh xắn. Buổi chiều, ba kiếm cây, ván, lưới sắt đóng một cái chuồng, đặt chim vào và dặn Hiền:

– Con nhớ hàng ngày kiếm mối cho nó ăn.

Thế là từ đó ngày ngày ngoài giờ đi học, Hiền tranh thủ bắt những con mối trắng ngần, béo, tròn nung núc thả cho chim ăn. Thỉnh thoảng mẹ cho thêm nắm vừng, nắm tấm bỏ vào chuồng. Cu cậu hay ăn đáo để.

Từ một chú chim bé nhỏ, chỉ lớn hơn ngón chân cái Hiền một chút, thấm thoát hai tháng sau đã to bằng vốc tay. Bô lông tơ màu nâu hôm nào, nay đổi qua màu bồ hóng, điểm thêm những nốt trắng, đen, vàng, trông chim như một chú gà hoa mơ, thật thích mắt. Con chim là niềm tự hào của Hiền, bọn bạn đến chơi đứa nào cũng đứng ngẩn ra nhìn không biết chán. Nhất là khi nó ăn, chiếc mỏ vàng nhỏ bé cẩn thận mà chính xác gắp từng con mối, hạt mè một cách nhanh chóng như người ta tập đếm, mấy chiếc lông cổ rung rung theo nhịp mổ. Bọn bạn thích thú quan sát và la chí chóe khi đoán trúng hạt mè hay con mối chim mổ ăn. Những lúc học xong bài, bọn bạn đứa mang đến nhúm hạt mè, đứa mang đến ít bông cỏ may cho chim. Tất cả chỉ mong nó lớn xem đẹp như thế nào. Không ngờ hôm nay nó lại hót, tiếng hót êm ái mà thanh cao, nghe xao xuyến lạ lùng. Nếu biết tin này lũ bạn hẳn phải ngạc nhiên lắm và cả ba nữa khi về sẽ ngạc nhiên cho mà xem. Cái tin quan trọng này phải báo cho ba biết mới được.

Hiền chạy vào nhà nói với mẹ:

– Mẹ ơi, con viết thư báo cho ba biết con chim đã biết hót rồi nhé!

– Con quên rồi sao, ba sắp về phép rồi đấy!

– Da!

Hiền vui quá nên quên, ba đi đã gần năm tháng và hôm qua viết thư về báo sắp được nghỉ phép. Không biết cái Đồn Biên phòng nơi ba ở có con chim này không nhỉ, nếu không có, tặng luôn nó để ba mang lên đó cho vui. Biết đâu chim hót giúp ba đỡ nhớ hai mẹ con Hiền. Đúng rồi, nhất định phải tặng ba mới được. Tiếng chim lại cất lên cao vút giữa không gian như xua bớt đi cái nắng gay gắt đang đổ lửa thiêu chín cả mặt đất ba-zan đỏ au ngi ngút bốc khói.

*

Bỗng nhiên tiếng phanh xe kèm theo một làn bụi mỏng như khói cuộn vào sân. Hiền ngẩng mặt lên đã thấy bác Tư đá chân chống chiếc xe Dream II màu mận chín còn mới ngay sát thềm, vội vã bước lại gần chuồng chim nghiêng nghiêng, ngó ngó.

Cả thị trấn này không ai lạ gì bác Tư, người nổi tiếng về chơi chim cảnh và chọi chim. Mùa nào loài ấy, từ con chim chào mào nhỏ bé đến cu gáy, cu xanh, bách thanh, vàng anh… bác đều có cách để nhử bắt. Người ta nói nhờ tiền chim chọi mà bác mua đất, xây biệt thự ngay ngã tư thị trấn huyện. Tài chọi chim của bác Tư ở chỗ chỉ cần nghe tiếng chim kêu thôi cũng biết nó bao nhiêu tuổi, tính khí thế nào, hoặc chỉ nhìn nơi đàn chim ăn qua là có thể đoán biết có bao nhiêu con, sẽ bắt được bao nhiêu con trong đàn đó v.v…

Đó là bí mật nghề nghiệp truyền đời của dòng họ nhà bác, chưa có ai ở thị trấn này học được.

– Con chào bác!

Hiền lễ phép khoanh tay chào bác Tư, làm bác giật mình quay lại.

– Chào cháu, cháu học lớp mấy?

– Dạ thưa, cháu học lớp năm ạ!

– Con cô giáo có khác, mới bằng này đã học lớp năm rồi. Má có nhà không?

– Thưa bác có ạ!

Bác Tư nhìn lại con chim một lần nữa rồi vội vã bước vào nhà. Sau khi nhận ly nước mẹ Hiền mời, bác Tư hỏi luôn:

– Tôi muốn chị để lại cho tôi con gà gô kia.

– Con chim đó của cháu Hiền.

– Chị bảo với cháu, cho tôi đổi chiếc xe đạp Mini Nhật lấy con gà gô. Nếu cháu đồng ý tôi chở cháu lên phố ưng màu gì tôi cũng chiều.

– Việc này để tôi hỏi cháu đã.

Hiền có linh cảm không hay khi bác Tư đến nhà và quả đúng như dự đoán, bác Tư lại thích ngay con chim quý nhà Hiền. Có cái xe đạp đi học cũng thích thật, nó ngoài cả mơ ước của Hiền. Nhưng còn ý ba, lỡ ba buồn thì sao? Mà Hiền còn tính tặng ba nữa, nghĩ vây Hiền nói thẳng:

– Đây là vật kỷ niệm của ba, dù bác có trả bao nhiêu cháu cũng không thể bán.

Biết có thuyết phục mẹ con Hiền cũng không được, bác Tư mới nói:

– Nói thật với chị và cháu, con gà gô này ngoài Bắc người ta thường gọi là con “đa đa” hay “con bắt tép kho cà” cũng là một mà thôi, loài này hiếm lắm. Mỗi cặp bao giờ cũng có lãnh thổ riêng, không con nào khác được bước tới lãnh địa của chúng. Nếu lỡ tới sẽ xãy ra một trận quyết chiến nảy lửa cho đến lúc kẻ xâm nhập “biên giới” bỏ chạy mới thôi. Vì đặc tính này của gà gô mà chúng dễ bị dụ vào bẫy. Đặc biệt con gà gô của nhà mình thuộc vào hàng quý hiếm của gà chọi. Trên cổ có tới ba hàng cườm đen xen kẽ, tỏ rõ nó dai sức và tiếng gáy sẽ vang xa hơn. Nuôi gà chọi loài này phải chọn được con có giọng thanh, khi gáy tiếng vọng xa làm con gà gô khác dù ở xa cũng nghe được. Tiếng thanh còn biểu hiện sự yếu đuối để đánh lừa các con gà khác lao vào chọi. Đôi mắt của con gà này màu nâu có vành đen, chứng tỏ sự gan lỳ. Dưới mi mắt có hai nốt đỏ như hai hạt mè, dấu hiệu của gà hay – có thể nói nó là gà chúa rất quý hiếm. Tôi ngồi ở nhà nghe nó gáy mà phát ham nên mới đi theo tiếng gáy đến đây. Chiều nay chị cho cháu đi với tôi, bên nhà có chiếc lồng cũ còn tốt lắm, đi chọi thử một lần sẽ biết. Thôi tôi về, bốn rưỡi chiều tôi quay lại.

Từ nhỏ đến giờ chỉ nghe bác Tư chọi chim chứ có ai được bác rủ đi bao giờ và chắc cũng không ai biết bác chọi ra sao. Hôm nay bác đến rủ Hiền là một điều lạ. Hiền nghe cũng xuôi tai và thấp thỏm đợi chờ.

*

Mặt trời nghiêng ngiêng rắc những tia nắng vàng nhạt lên mọi vật. Thỉnh thoảng từng cơn gió mát rượi ào ào lướt qua lật ngược các tàu lá khua rối rít, trông thật ngộ nghĩnh. Bác Tư đưa Hiền ra cánh đồng cỏ gianh khô cong nằm rạp xuống sát mặt đất như có ai đó dùng xe lu cán lên. Bác để xe bên lề đường dẫn Hiền đến bên gốc cây lồng bàng mọc cạnh một đống mối to như con trâu nằm. Bác rẽ cỏ gianh đặt chiếc lồng rồi phủ thêm mấy cọng cỏ khô lên trên. Cửa lồng hướng về phía bắc. Xong đâu đó, hai bác cháu đi bộ khoảng năm chục mét ngồi núp sau một lùm cây đợi. Vừa mới bẻ lá ngồi xong, con chim đa đa hay nói theo cách bác Tư là con gà gô của Hiền đã cất tiếng gáy. Tiếng gáy có gì đó như buồn rầu, não nề, khắc khoải lan tỏa trên đồng cỏ. Đặc biệt tiếng cuối cùng của câu: “Cục bắt sét đa… đ… a” cứ nhỏ dần, nhỏ dần, tạo thành tiếng nấc nghẹ ngào, đau đớn. Hiền thì thào hỏi bác Tư.

– Tại sao những tiếng cuối cùng nghe như nghẹn ngào nấc cụt vậy bác?

– Nó quý là ở chỗ ấy đấy. Nhìn kìa!

Theo phía bác Tư chỉ, Hiền thấy bóng một con gà gô vừa bứt mình lên khỏi ngọn cỏ giang đôi cánh ngắn vẫy lia lịa đâm bổ vào đống mối đặt bẫy.

“Cách”, tiếng sập bẫy khô khốc vang lên. Bác Tư kéo tay Hiền vui vẻ bảo: Xong rồi!

Hiền hớn hở chạy lại đống mối thấy một con gà gô mắc bẫy đang lồng lộn dưới tấm lưới ni lông nhỏ bé. Nó cố vùng vẫy nhưng không sao thoát ra được.

Bác Tư ngắm con gà gô mới bị sập bẫy bảo:

– Con này vũ phu, chỉ có thịt thôi không chọi được. Hôm nay thử thế là đủ, chiều mai ta đi nữa. Giờ về thôi.

Bác Tư đưa Hiền về tận nhà và nhất định không nhận con gà gô mới bắt được. Bác bảo cho Hiền làm thịt. Con gà gô mắc bẫy có lẽ nặng hơn một ký, ngực nở tròn lẳn, toàn thân khoác chiếc áo màu nâu nhạt điểm xuyến những chấm trắng, đen đều khắp mình. Chiếc mỏ be bé trông giống như mỏ gà, màu vàng. Đôi mắt tròn xoe, đen nhánh viền một hàng lông mi dài, màu đen bao quanh tròng mắt. Duy có cái đuôi cụt ngủn như bị ai dùng kéo hớt bớt. Hiền ngắm con gà gô với vẻ sung sướng. Ngày mai mấy đưa bạn tha hồ mà tròn mắt thán phục con gà chọi của mình. Hiền tự nhủ: Thôi để đó hôm nào ba về chiêu đãi một bữa.

Chiều hôm sau ba đột ngột trở về. Hiền mừng quýnh chạy ra đỡ chiếc ba lô và khoe ngay.

– Ba ơi con gà gô nhà mình biết gáy rồi đó, nó gáy hay lắm.

– Vậy à! Thế là nó đã trưởng thành, tự kiếm sống được rồi, nên thả nó về với rừng con ạ.

– Sao lại vậy được? Bác Tư trả chục triệu mà mẹ không bán đấy.

– Không bán là đúng. Con gà gô này thuộc loài thú quý hiếm, cần được bảo vệ đấy.

– Nhưng dùng nó để làm mồi bẫy tốt lắm. Chiều qua con bẫy được một con đấy.

– Thật à!

Hiền liến thoắng kể cho ba nghe chuyện bẫy gà chiều hôm qua và thành công dễ như thế nào.

– Thế con có nhớ chỗ đặt bẫy hôm qua không?

– Nhớ chứ ạ, nhưng để làm gì hở ba.

– Con mang cả hai con gà gô đi theo ba.

Ba vội vã đứng dậy lấy xe đạp chở Hiền ra chỗ bẫy gà hôm qua. Lưng áo ba ướt đẫm mồ hôi trong lúc gió chiều lồng lộng thổi. Đến bên đống mối đặt bẫy, ba bảo Hiền.

– Con thả con gà bắt được hôm qua ra.

Nhìn mặt có vẻ không vui của ba, Hiền mở cửa lồng. Con gà gô lập tức lao vù ra vẫy cánh rối rít bay lên rồi lao vun vút đến đám cỏ gianh cạnh cây chà và xanh ngắt có những chiếc lá nhọn hoắt như lông nhím. Ba nhanh nhẹn bước như chạy lại nơi con gà gô vừa đáp xuống, vạch bụi cây tìm gì đó. Hiền lon ton chạy theo và vô cùng sửng sốt khi ba vạch mấy tàu lá chà là phía trên để lộ ra chiếc ổ đơn sơ được lót bằng những cọng rác khô. Trên ổ một con gà gô xõa cánh rũ rượi nằm che cho mấy quả trứng màu trắng xanh phía dưới. Một đàn kiến đông đúc, lổm ngổm bò qua thành tổ vây lấy chú gà tội nghiệp.

Đứng bên cạnh ổ là chú gà gô mới được thả, lông cổ xù ra dựng đứng, hai cánh xòe ra hai bên như như sẵn sáng đánh nhau.

– Sao lại thế hả ba?

– Con không biết sao! Con gà gô con bắt với con này là một đôi. Khi con mái ấp trứng, con trống bảo vệ xung quanh để chống kẻ thù, bảo vệ tổ. Hôm qua con mang con gà gô nhà mình ra đây, con gà trống xông ra đuổi kẻ thù xâm phạm lãnh thổ của nó và bị bắt, nên con mái còn lại một mình buồn mà chết. Con thấy chưa, nếu dùng chim chọi hay gà chọi để nhử bắt được một con sẽ làm hàng chục con khác chết theo. Như vậy chẳng bao lâu những loài chim quý sẽ bị tuyệt chủng. Như vậy là lỗi con ạ!

– Con hiểu rồi ba!

Hiền trả lời rồi lầm lũi bước lại bên chiếc lồng nhôt con gà gô của mình mở cửa, nâng nó ra. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời, con gà gô được ngắm nhìn không gian mênh mông chứ không phải trong song sắt nan lồng. Nó ngần ngừ nhìn trời đất bao la như có vẻ ngạc nhiên lắm. Hiền lấy tay vuốt ve lên lưng nó. Mắt gà gô chớp chớp như bịn rịn, không muốn chia tay. Hiền nói nhỏ:

– Tao trả mày về với rừng. Hãy bay đi nhé.

Hiền tung nó lên cao. Như chỉ chờ có vậy, con gà gô vỗ cánh rối rít bay vút về phía chân trời và nhỏ dần, nhỏ dần, cho đến khi hòa lẫn vào trời xanh.

– Con làm vậy là đúng lắm.

Mặt trời khuất dần một nửa nơi đỉnh núi Chư Pa. Xa xa những tia nắng màu hồng cuối cùng nhạt dần, ba đèo Hiền trở về, từng cơn gió đẩy giúp phía sau làm chiếc xe đạp ba chở Hiền hình như nhanh hơn. Bất chợt từ phía sau lưng, tiếng con gà gô gáy vang lên, vọng đến: Cục, bắt sét đ… a đ…a. như một lời chào tạm biệt.

Hồng Chiến

Tổng số điểm của bài viết là: 15 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập160
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm153
  • Hôm nay22,840
  • Tháng hiện tại235,408
  • Tổng lượt truy cập60,119,215
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây