Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988)
“Tây Tiến” là tượng đài bằng chữ (cho nên nó sẽ bền lâu hơn các tượng đài chất liệu khác) không chỉ của Đoàn binh Tây Tiến bất tử mà của cả một thế hệ thanh niên Hà Nội nói riêng và thành thị nói chung, những người trai trẻ hào hoa đã dấn thân vào gian khổ trường chinh cùng dân tộc để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc những năm buổi đầu chính quyền Cách mạng.
Còn “Mắt người Sơn Tây”, một trong những bài thơ tình đẹp nhất trong thi ca Việt mà trong đó tình cảm trai gái được đặt nhuyễn tuyệt vời với khung cảnh – tình yêu quê hương cùng không khí bi tráng và cảm hứng công dân nồng đượm một thời.
Đó là chưa kể những bài thơ hay khác như “Không đề I”, “Đôi bờ”, “Mây đầu ô”…
Quang Dũng là nhà thơ lịch duyệt, cao lớn và đẹp bậc nhất làng thơ Việt một thời, đã thế, thơ tình của ông lại hay nên nhiều bài thơ của ông, đặc biệt là thơ tình đã được phủ lên một màn sương không biết là giai thoại hay sự thật. Và một số bài thơ của ông có nhiều dị bản. Cận ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh Quang Dũng (11/10/1921-11/10/2021), tôi đến nhà chị Bùi Phương Thảo, con gái út của ông với mục đích làm rõ một số điều “nghi vấn”.
Phải nói ngay là bài thơ tầm cỡ nhất của Quang Dũng về nội dung và nghệ thuật là “Tây Tiến” không bị rơi vào tình trạng trên. Thứ nhất, nó không phải thơ tình nên không có bóng giai nhân nào thấp thoáng phía sau. Thứ hai, có lẽ theo tôi nghĩ, mặc dù là một tuyệt tác, nhưng là một bài thơ khó thuộc nên nó không được truyền khẩu rộng rãi (chị Bùi Phương Thảo có kể một chuyện vui rằng tại một cuộc vui, người ta treo “thưởng”ai đọc thuộc được bài Tây Tiến thì được hôn con gái nhà thơ, nhưng không có ai giật được giải đó cả). Mà không truyền khẩu, chỉ lan đi dưới dạng văn bản thì ít có dung sai. Lai lịch của nó người ta chỉ căn cứ vào một nguồn duy nhất là một ghi chép trong sổ tay của Quang Dũng, đại ý: Năm 1948, Đoàn Quân Tây Tiến trở về xuôi, Quang Dũng được điều đi công tác khác. Trong một hội nghị ở khu 3 tại Phù Lưu Chanh, một địa phương thuộc Hà Đông, ông đã làm bài “Nhớ Tây Tiến” (Sau này Quang Dũng mới sửa bỏ chữ “Nhớ” đó đi) rất nhanh trong giờ nghỉ rồi đọc ngay trong hội nghị và được hoan nghênh nhiệt liệt.
Còn chuyện bài thơ được in là do một văn nghệ sĩ có mặt trong hội nghị đã mang bài thơ đó cho Xuân Diệu và nhà thơ này đã nhanh chóng đưa nó vào tạp chí Văn Nghệ ở chiến khu Việt Bắc. Nhưng sau bài thơ bị phê bình khá nặng là rơi rớt tính “tiểu tư sản”… Sau này, khi nó lại được phổ biến rất rộng rãi, các bản in đều thống nhất không sai một chữ so với bản chép tay của Quang Dũng. Và cũng không có giai thoại nào phát sinh quanh nó ngoài những hồi ức của cựu binh Tây Tiến về những địa danh, những hình ảnh trong bài.
Tình hình lại rất khác với bài “Mắt người Sơn Tây”, một bài thơ mà rất nhiều bản in có những câu, chữ khác nhau, có bản có thêm nguyên 4 câu: “Cho nhẹ lòng nhớ thương/ Em mơ cùng ta nhé/ Bóng ngày mai quê hương/ Đường hoa khô ngấn lệ” (chị Thảo nói bản Quang Dũng chép tay bài thơ mà gia đình đang giữ không có các câu này). Chị Thảo cho biết đã và đang nỗ lực tra cứu nhưng nhiều chỗ khác nhau hiện nay chưa có cứ liệu để biết chắc đó là do “tam sao thất bản” trong quá trình truyền khẩu bài thơ hay do những sửa chữa sau này của chính Quang Dũng.
Có lẽ vấn đề này là một công việc không chỉ để gia đình mà cả giới nghiên cứu làm. Trong bài này tôi không sa đà vào chuyện khó này mà chuyển sang cái hấp dẫn hơn. Đó là những giai nhân nào đứng đằng sau các tuyệt tác như “Mắt người Sơn Tây”, “Đôi bờ”, “Không đề I”, “Không đề II’, “Đêm Bạch Hạc”…?
Cứ như lời chị Thảo thì những mối tình của nhà thơ được viết trong các bài báo bấy nay hầu hết đều không có cơ sở và đáng nghi. Trước hết là “Mắt người Sơn Tây”. Người ta vẫn cho rằng nguồn cơn của bài thơ này là vào khoảng năm 1947, trước khi lên đường đi Tây Tiến, đơn vị của Quang Dũng có qua và đóng lại một thời gian ở vùng Chợ Đại – Cống Thần, Hà Đông, bên bờ sông Đáy. Đây là vùng tự do sát nách Hà Nội bị tạm chiếm. Ở đó có cô hàng cà phê tên là Nhật, được mọi người đặt cho một cái tên Nhật là Akemi, là một cô gái rất xinh đẹp. Cô trở thành nàng thơ, người trong mộng không chỉ của Quang Dũng mà rất nhiều anh tài kháng chiến qua lại nơi này thời đó.
Có tác giả còn viết xác định và ly kỳ hơn rằng Akemi là một cô gái con nhà gia thế ở Sơn Tây, lưu lạc mà trở thành vũ nữ ở một số câu lạc bộ ở Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám, nơi nhiều sĩ quan Nhật lui tới. Họ rất mê vẻ đẹp hơi giống con gái Nhật của cô nên đặt tên cho cô là Akemi. Đầu kháng chiến chống Pháp, Akemi mở hàng cà phê ở Chợ Đại – Cống Thần. Có người còn viết là hình như Akemi là tai mắt của quân báo ta.
Có người viết rằng Akemi được nhiều người mê, trong đó có Quang Dũng. Nhưng thi sĩ không chiếm được trái tim người đẹp vì thời gian ông lưu lại đó ngắn, và quanh giai nhân có nhiều sao sáng. Người có diễm phúc được Akemi dành tình cảm được viết tắt là T.S, Trung đoàn trưởng trung đoàn 172 Tây Tiến. Tôi tra cứu thì đó chỉ có thể là Tuấn Sơn, một cán bộ chỉ huy tài năng của Quân đội ta đã hy sinh năm 1948 vì bom hoặc pháo ở khu vực Hoà Bình.
Nhưng cũng có nhiều người viết Akemi là người tình của Quang Dũng, rằng ông từng rút bút đề thơ lên vách quán của cô: “Tóc như mây cuốn, mắt như thuyền/ Khuấy nước kênh Đào sóng nổi lên/ Ý nhị mẹ cười sau nếp áo/ Non sông cùng đắm giấc mơ tiên”. Rằng sau này, Akemi bỏ kháng chiến vào thành, nên ở ngoài này Quang Dũng nhớ thương mới viết bài “Đôi bờ” có những câu: “Rét mướt mùa sau chừng sắp ngự/ Kinh thành em có nhớ bên tê?” để hướng về người cũ giờ đã ở trong đất kinh kỳ. Rằng sau Quang Dũng về Hà Nội có đi tìm Akemi nhưng không thấy vì cô vào Nam rồi sang Mỹ. Khi đã ở tuổi xế chiều, Akemi mới cung cấp cho ai đó mấy câu thơ Quang Dũng đề vách quán ngày nào. Còn bà Bùi Thị Thạch, người vợ ở với Quang Dũng suốt đời là người ông gặp mấy năm sau đó ở một vùng trung du, nơi bà Thạch tản cư.
Chị Bùi Phương Thảo nói đối với gia đình chị thì chuyện đó khó có thể là sự thật. Không ai từng nghe Quang Dũng thổ lộ về chuyện đó. Đem chuyện hỏi bà cô, người em gái kế Quang Dũng thân gần hiểu ông nhất thì bà nói không hề có những chuyện như vậy. Đối với chị Thảo thì phương án sau đây có vẻ gần sự thật hơn: Cùng đi trong đơn vị Tây Tiến với Quang Dũng có hoạ sĩ Quang Thọ, cùng người Hà Tây với nhà thơ (Quang Dũng người huyện Đan Phượng, Quang Thọ người huyện Quốc Oai). Hai ông thân nhau nên Quang Thọ có ý ghép đôi người em gái của ông với Quang Dũng. Cô gái này tên Kha, có đôi mắt to đẹp nổi tiếng. Nhưng chuyện không thể vì Quang Dũng đã có vợ từ năm 1946. Có thể cô Kha mới là nguyên mẫu của người con gái trong “Mắt người Sơn Tây”.
Lại nói chuyện tình của Quang Dũng với vợ là bà Thạch. Bà Thạch nhà ở tận Yên Bái, là một cô gái rất hiện đại, đầu những năm 1940 đã mặc quần soóc, đi xe đạp thể thao và cũng thơ phú dạt dào. Khoảng năm 1942-1943, Quang Dũng có chuyến chu du kéo dài đến 2-3 năm lên vùng Tây Bắc, sang tận Vân Nam, gặp gỡ, giao du với Đảng trưởng Quốc Dân Đảng Vũ Hồng Khanh ở đó. Ông hay dừng lại Yên Bái nơi có bạn học. Nhà của ông thuê ở cạnh nhà bạn mà cô Thạch là em gái. Cô Thạch bắt đầu để ý đến ông khi một hôm đứng ở thềm huýt sáo giai điệu bài “Biệt ly” của nhạc sĩ Doãn Mẫn. Hai người làm quen rồi yêu nhau. Khi xa, Quang Dũng ước hẹn khi nào trở lại mà nàng chưa lấy chồng thì nhất định sẽ kết đôi.
Sau Cách mạng tháng Tám, ở quê nhà, cha mẹ Quang Dũng có chấm cho ông một người con gái cũng xinh đẹp và môn đăng hộ đối. Quang Dũng dường như cũng xiêu xiêu nhưng bạn bè ông nhắc là trước khi đi bước quyết định nên trở lên Yên Bái xem người cũ thế nào, nếu chưa lấy chồng thì nên thực hiện lời ước hẹn xưa. Quang Dũng là người trọng nghĩa nên trở lên Yên Bái và đến hè năm 1946 thì ông rước vợ về quê. Năm 1947 thì hai người sinh con trai đầu lòng là nhạc sĩ Quang Vĩnh sau này. Chuyện là thế nên năm 1947, Quang Dũng – người cưới vợ khoảng 1 năm và vừa có con trai đầu lòng khó có thể có nghĩa nặng tình sâu với một cô Akemi nào đó. Chuyện cũng là thế nên mới có nhân vật mà bạn thân của Quang Dũng là nhà thơ Trần Lê Văn đặt là “cô gái vườn ổi”, và mới có các bài “Không đề I” và “Không đề II”, trong đó “Không đề I” là bài thơ tuyệt tác, được viết sau đến 10 năm (1970) nhưng lại được đánh số trước bài “Không đề II” (1960).
Đọc hai bài thơ này, thấy rõ ràng là trước khi lấy vợ, Quang Dũng có vẻ thực sự đã xao xuyến với cô gái ở quê, “cô gái vườn ổi”, và những rung động xưa cũ ấy đã ngân lên trong tâm hồn đa cảm, hào hoa của thi sĩ thành những câu thơ nghe có niềm tiếc nuối: “Em đã xa rồi – chim gọi nắng/ Em còn nghe thấy nữa bao giờ” (Không đề II), “Em mãi là hai mươi tuổi/ Ta mãi là mùa xanh xưa/ Những cây ổi thơm ngày ấy/ Và vầng hoa ngâu mưa thu/ Tóc anh đã thành mây trắng/ Mắt em dáng thời gian qua” (Không đề I)…
Quang Dũng đã tròn 100 năm từ ngày sinh, và ông cũng đã rời dương thế 33 năm (13/10/1988-13/10/2021). Những người cùng thời và bạn bè ông hầu hết đã ra đi. Có thể rồi màn sương giai thoại quanh các tác phẩm của ông sẽ không bao giờ được vén lên. Nhưng điều đó không phải là quá quan trọng. Quan trọng là vẫn còn mãi đó với những người yêu thơ Việt Nam, với văn học sử Việt Nam những bài thơ bộc lộ sâu sắc, tài hoa đến thế tâm hồn Việt Nam, tinh thần Việt Nam một thời không thể nào quên, vẻ đẹp của tiếng nói cha ông cùng những cung bậc tình cảm của con người.
________________________________
QUANG DŨNG
Tặng Bùi Thanh Dung*
Sơn Tây mắt thẳm vọng thơ ông
Phủ Quốc chậm nguồn vẫn dòng sông
Vẫn đồng Bương Cấn, Sài Sơn núi
Xứ Đoài mây trắng giữa tầng không
Mây đầu ô, mây lang thang, mây Tây Tiến
Mai Châu giờ chỉ một cung đường
Sài Khao, biên ải nay gần quá
Man điệu hồn về thăm cố hương
Lính râu ria mơ dáng người thương
Đôi bờ Đáy lạnh ấm ánh dương
Bạch Hạc đêm về ai thao thức
Ai nhớ thương ai quán bên đường…
Bài thơ này lấy ý, hình ảnh hoặc tên các bài thơ nổi tiếng của Quang Dũng: “Mắt người Sơn Tây”, “Tây Tiến”, “Mây đầu ô”, “Đôi bờ”, “Đêm Bạch Hạc”, “Lính râu ria”, “Quán bên đường”.
_________
* Bùi Thanh Dung là cháu nội của Quang Dũng, một người hồi nhỏ rất gắn bó với ông.
Theo Lê Xuân Sơn/Báo Tiền phong
VNPN