Được sự đồng ý của tác giả, nguyenduyxuan.net trân trọng giới thiệu tùy bút "Thành phó tuổi thơ tôi" của nhà thơ Lê Vĩnh Tài. Tùy bút này đã được tác giả đăng làm nhiều kỳ trên Facebook cá nhân. (https://www.facebook.com/vinhtai.le.9).
Xin trân trọng cảm ơn nhà thơ.
Tùy bút của nhà thơ Lê Vĩnh Tài
1.
Tôi đã bắt đầu bài tùy bút này bằng những lang thang quanh ngôi trường cũ, bắt đầu bằng những kỷ niệm tuổi thơ nơi phố núi Ban Mê mù sương một thuở với những hàng cây vút cao như rừng giữa phố (bạn có thể hình dung nhờ khu công viên còn lại trong biệt điện Bảo Đại bây giờ), chứ không phải thành phố Buôn Ma Thuột đèn vàng đèn đỏ ngợp nhà gương nắng và bụi hôm nay.
Phố núi lúc ấy hiền lành và thưa vắng hơn bây giờ nhiều . Cùng với những thằng Tí , thằng Tèo sau giờ tan học, tôi trốn nhà đi hoang xuống suối Đốc Học, móc đất sét để tha hồ nhào nặn những con vật cho tuổi thơ của mình và nhận về rất nhiều lấm lem bùn đất. Con suối nhỏ tí, cạn huơ dòng nước lơ thơ trong vắt, chảy ngoằn ngoèo kích thích lòng dũng cảm của tôi theo nó lơ ngơ xa nhà vài ba cây số với một hủ chao không để vớt cá lòng tong và những rong rêu lượn lờ cổ tích. Cái khoảng cách vài ba cây số mau chóng trở nên khủng khiếp, làm tôi mất phương hướng và òa khóc trong chiều. Hút tầm mắt đứa bé mũi xanh là bạt ngàn những vườn rau cải xanh cải trắng ướt đẫm sương sa qui ra cơm gạo chứ không phải toàn hoa như trong truyện cổ tích tôi vẫn thường nghe kể. Ông già hớt tóc quen mặt đã bỏ dở một cái đầu đang nửa trắng nửa xanh trên ghế để dắt tôi về nhà ăn trận đòn nhớ đời cộng với rất nhiều lời than vãn tuyệt vọng dành cho tôi của mẹ.
Bắt đầu bằng những ngôi trường, sao rồi lại có con suối nào chảy qua? Hay lại những mơ mộng văn chương dễ làm người ta mười hai thương nhớ. Không phải, con suối ấy mang tên ông giáo già dạy thế hệ chúng tôi những năm mẫu giáo đầu đời, ông quan Đốc học về hưu mở trường gõ đầu trẻ, một mình cày xới hàng trăm đứa bé lớp mầm lớp chồi nu nú nhụ hoa như bây giờ, quát tháo đét đòn rồi cầm tay từng đứa tập viết. Một mình ông dạo lững thững trong khu nhà thênh thang nắng gió với những đứa trẻ cúi đầu len lét. Đứa nào cũng òa khóc khi ông chỉ mặt lên ngồi cùng ông. Cây bút ông dùng cắm ngòi bút lá tre mỏng như lụa, với cán gỗ thật dài và nặng chạm khắc những đâu đâu, đẹp tới mức cầm vào đã muốn rủn tay. Lại còn dĩa mực xạ đen nhức, to bằng cái khay ta ăn bò né bây giờ. Ôi chao là những dụng cụ tra tấn trẻ con... Vậy mà ông cứ ngồi bên, ứ hự ừ à đến khi nào ông vừa ý mới thôi. Thả về chỗ ngồi vẫn còn hồn xiêu phách loạn. Ấy thế mà mẹ tôi hàng tháng xuống nộp tiền trường vẫn vòng tay thưa thầy xưng con làm ấu thơ còn ấm ức ngạc nhiên hóa mang mang thương nhớ đến giờ... Ngôi trường ấy vẫn còn trong trí nhớ bao nhiêu đứa trẻ với cây thiết bảng vun vút múa lên mỗi khi cả lớp chúng tôi hè nhau gào lên cùng tập đọc, giờ đang là hội trường cho một khối phố của phường Tân Tiến. Cái gì của trẻ con thành của người lớn cũng thấy buồn thiu.
2.
Nhà tôi ở đường Tôn Thất Thuyết, một con đường nhỏ thời ấy (đường Lê Hồng Phong bây giờ). Ngõ hẽm phía sau nhà vẫn là chỗ mẹ tôi và hàng xóm mắc võng ầu ơ đón gió mỗi trưa hè, trong lúc chúng tôi lăn tăn uốn quẫy trên nền gạch bông mát lịm. Rồi thế nào ngang con hẻm ấy cũng có một người đàn ông Tàu gánh chè mè xay với chiếc mũ nhựa kiểu Pháp trắng nhờ trên đầu, ới những tiếng rao nao nao nhung nhớ, thế nào mẹ cũng mua cho mỗi đứa một chén chè chiều. Ngõ hẻm ấy còn nhiều tiếng rao nữa, những tiếng rao ôi ao lảnh lót không biết người ta rao gì nhưng biết người ta bán cái gì, quen thuộc đến mức lớn lên có thể tả thành văn chương như thể cuộn cả buổi trưa hè với miếng bột bánh bèo, đậu xanh, mỡ hành, nước mắm đường ngọt lịm. Con hẻm ấy bây giờ không còn. Phía đường Quang Trung thì một nhà hàng ăn uống quốc doanh (bây giờ là chi nhánh một ngân hàng lớn) bịt mất. Phía đường Ama TrangLong thì nhà dân phố chợ ọp ẹp ván gỗ và cửa hàng vàng bạc kính gương sang trọng chèn lấp sau bao biến động. Chả còn ai qua lại nữa. Cái sức sống từ chợ luồn vào theo theo con hẻm vào từ phía đường Quang Trung thuở nào đã mất. Hẻm vắng không còn nhưng người đàn ông Tàu già ngày ấy như vẫn còn. Đã đàng hoàng mặt tiền nhà cuối Phan Bội Châu, vẫn cha truyền con nối cái nghề ấy. Người con dâu vẫn ngồi lặng lẽ trước nhà mỗi tối, anh con trai lăng xăng bưng bê cho những cặp tình nhân trẻ bây giờ những chén chè đen nhức mắt, vẫn dịu dàng mùi mè ngầy ngậy béo hồi xưa. Tôi đã có lần không chịu nỗi cái hồi xưa ấy, tạt vào làm quen và làm giọt rượu tràn đêm cùng người con trai ôi a đến sáng, tìm lại những dấu vết đã trôi đi. Đã trôi đi như tuổi tên người. Có những điều còn lại. Một điều tôi sẽ kể sau khi bạn đọc cùng tôi nhớ lại một thôi dài. Con đường Nguyễn Thái Học (bây giờ là đường Điện Biên Phủ) ngày trước vẫn xuyên suốt, không bị đứt quãng ở chợ bây giờ. Nữa quay lên đường Y Jut là đình Lạc Giao với cây đa trăm tuổi bao nhiêu rễ phụ tua tủa râu ria bạc trắng và muôn ngàn chú sóc mà mãi gần đây theo gió mưa mới đổ , chắn ngang cả đường Lê Hồng Phong. Ngôi đình huyền thoại của những người Kinh đầu tiên lên xứ Thượng, có mặt trước cả chùa Khải Đoan bằng gỗ quý tuyệt đẹp mà đức Từ Cung làm cho sau này. Những đứa trẻ bị bỏ hoang thời ấy người ta vẫn ẵm xuống chùa dộng một hồi chuông trước khi mang vào Cô nhi viện Bồ đề. Mẹ tôi bảo làm vậy cho những oán khí bay đi. Nhưng lớn lên tôi nghĩ mẹ đã lầm, oán khí ở những người lớn, đâu ở những đứa trẻ con o oe còn chưa nhận được cái qúy nhất để làm người là hơi ấm của mẹ. Nữa phía dưới quay xuống đường Tôn Thất Thuyết (nay là Lê Hồng Phong) là ngôi trường Nguyễn Công Trứ . Đây là ngôi trường dành cho các cậu học sinh nam tiểu học mặc quần soóc. Học sinh nữ với váy đầm phồng ra như những búp bê cột tóc với một cọng thun học ở trường Bà Triệu (nay là trường Võ Thị Sáu). Cái kiểu phân chia nam nữ ấy ở cấp một không sao, nhưng lên lớp lớn hơn thường còn lại những huyền thoại ngày xưa Hoàng Thị mà các trường nữ sinh Gia Long áo tím vẫn phơ phất bay trong mộng tưởng một lớp người. Chính đoạn đường Nguyễn Thái Học bị lấp thành chợ ấy, mất hút cả ngôi trường tiểu học ngày xưa, cái khúc vòng quanh từ sân đình Lạc Giao vào sân chợ, nhộn nhịp người mua kẻ bán và một dãy dài những chiếc xe lam cũ vẫn đậu, phả khói nồng nặc và nổ như tiểu liên để chở người và hàng hóa từ chợ ra muôn hướng... hình như có ngôi nhà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sinh ra và sống cùng bố mẹ những năm xưa lăng lắc trước khi về Huế chập chững tiểu học Nam Giao. Sông kia rày đã nên đồng... Những vùng đất sẽ sang trọng biết bao nhờ những tên người. Người nhạc sĩ đã trở thành tài sản của những người yêu âm nhạc Việt Nam đã chôn nhau cắt rốn ở đây. Diễm ngày xưa đã từng đi ngang đấy. Chỉ riêng điều ấy thôi đủ làm những người dân phố núi yêu Trịnh mỗi đêm nến đỏ đèn khuya thêm sương gió vô hồi.
Góc phố tuổi thơ tôi ngày ấy có nhiều nhà cho thuê phòng. Lẫn trong đủ thứ hạng người ở trọ quanh chợ có một thầy giáo trẻ quê Bình Định. (Thầy vẫn đùa ai hỏi đến khi nghe giọng nói nghẹt mũi của mình bằng câu thơ Bùi Giáng thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà). Tên thầy là Ngọc (mẹ tôi nói tên thầy như con gái, con trai mà tên con gái thì khổ mênh mông). Tôi còn nhớ thầy lên phố núi bao nhiêu lâu vẫn không mang áo lạnh, cứ xuýt xoa rúm người mà đón lễ Noel. Chúa giáng sinh với những hồi chuông mênh mang huyền bí ôm tất cả chúng ta vào lòng. Chắc thầy nói thế cho đỡ rét mà thôi, chứ lũ nhóc chúng tôi chắc chẳng làm thầy an tâm mà giảng chuyện đời, chuyện đạo. Những năm tháng ấy thầy mê hoặc các cô hàng quà bằng những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, không phải Đại bác ru đêm như bây giờ trên báo người ta hay nhắc mà bằng những ca khúc Da vàng đầy u mê tuyệt vọng của ông. Ca từ khẳng khiu hoang mang siêu thực của Trịnh ngự riêng, khoan thai trên một đỉnh trời. Những bài hát của Trịnh Công Sơn thời ấy không chỉ để hát mà nó còn là những bài kinh cầu cho những số phận, cho những lãng quên khi phố núi còn bao nhiêu thứ muộn phiền. Cô đơn giúp ta phải đối diện với chính mình, cả khi mình đầy ắp hay trống rỗng, nhận ra mình không còn những ảo tưởng. Con người ta, có những lúc cái tôi thật cần thiết cho dù sự cô đơn đôi lúc chỉ là nỗi đau , một nỗi đau luôn luôn có thực trong mỗi kiếp người. Sau này có một chị áo dài xanh da trời trường Trung học tổng hợp (nay là Phổ thông trung học Buôn ma thuột) thi thoảng pha phất ngồi bên thầy chiều đi lên đồi cao hát trên những xác người... sau đó lại nghe thầy giảng những bài toán Giải tích đệ nhị cấp thật khó và buồn.
Buồn vì thành phố tuổi thơ tôi đã từng chịu những cơn đau .Một chiếc máy bay chở khách thời ấy từ phố núi đi Sài Gòn đã rơi trong ngơ ngác bao người. Bài hát người em gái ra phi trường thịnh hành hồi ấy được chúng tôi hát nhại thành tàu bay rớt nơi trại cùi, vô tư thơ ấu. Cho đến khi phố núi nhỏ bé với quá nhiều cái tang của những nhà giàu mặt phố (không giàu thì làm sao có tiền đi máy bay), tuổi thơ nhất quỉ nhì ma mới thấm một mai qua cơn mê... Nhà thương Thanh Bình (trạm xá phường Thống nhất), cửa hàng nông cụ Lâm Hiệp Thành (nhà sách trung tâm, TP bank bây giờ), tiệm vàng Kim Môn (cửa hàng bách hoá Điện Biên Phủ- Ama TrangLong lừng lẫy sau ngày giải phóng, Agribank bây giờ)... những đại gia như bây giờ ta hay gọi đã hứng chịu những số phận oan nghiệt làm phố núi gần nhau hơn sau một tai nạn kinh hoàng. Những người lớn đã từ bỏ chiếc mặt nạ hàng ngày để cùng nhau bồng bềnh mây trắng và mưa...
3.
Nhưng thôi, thành phố tuổi thơ tôi còn lập lòe vó ngựa mà biển bây giờ đã mất. Cái khu đất rộng ở ngã ba đường AmaTranglong nhìn xuống Lê Hồng Phong hôm nay sừng sững một tòa cao ốc, ngày ấy là bãi đất trống cỏ mọc như vườn, lõm bõm những chiếc xe ngựa thồ uể oải nằm chờ khách. Không như những thổ mộ hoa đèn Đàlạt, xe ngựa phố núi xù xì ẩm mốc như một chiếc xe tải nhỏ bây giờ, với hai sọt cỏ xanh ngút đàng sau, chất đầy những cô những bà hàng xén và treo đầy thúng giỏ, ngược dốc lọc cọc. Người phu già bao giờ cũng nhảy xuống cho xe nhẹ bớt, rồi vừa đẩy vừa chạy theo tắc họ lung tung ra roi vun vút trên nền âm thanh trơn trợt móng sắt của chú ngựa gầy gõ trên đường tráng nhựa. Cái bến xe ngựa hấp dẫn tôi lạ lùng, mỗi lần dạt vào đấy về bao giờ mẹ tôi cũng đánh, với lý do những đinh mẻ tôn sứt lẫn với phân ngựa nếu dẫm vào sẽ bị phong đòn gánh. Mẹ diễn tả bệnh nhân lên cơn bằng cách lè lưỡi cắn răng và chỉ một ngón tay lên trời để dọa tôi. Bố chỉ chen vào một câu tôi là thằng mó dái ngựa, lớn lên tôi mới hiểu bố nhắc những cú đá hậu trời giáng cuộc đời vẫn luôn dành cho những số phận ngông nghênh. Tôi không được vào chơi với những chú ngựa đã tháo yên cương đang rủ bờm tung vó thì chúng theo tôi vào ngủ giấc mơ. Những chú ngựa bay trên hai cánh với chàng hoàng tử cứu nàng công chúa, bỏ lại những tuyệt vọng mỏi mòn với xô nước cám và những xâu cỏ buồn thiu.
Mà phố núi buồn nhất lúc nào. Lúc mưa. Đẹp nhất lúc nào. Lúc mưa. Mưa buồn vì không có quần áo khô mặc đi học, dép dích bùn lên tới lưng những giọt đất màu nâu lấm tấm rỗ hoa phải giặt mà chả có cơ số để thay. Mưa vui vì ngày mưa mẹ không nấu cơm, đong gạo dắt tôi đi xuống phía cuối đường Hoàng diệu bây giờ, để xay bột về đúc bánh xèo. Nhà cửa dưới ấy còn thưa vắng, mỗi ngôi nhà như một khu vườn hoang quay mình ra phố, rào qua quít bằng kẽm gai cũ hay thưa thớt những hàng chè tàu. Ngôi nhà mà mẹ tôi vào xay bột cũng thênh thang với cánh cổng được làm bằng khung gỗ rồi đan lưới kẽm gai, cột và mở ra bằng sợi dây được xoắn lại từ da trâu, cũng kẽo kẹt khi người ta ngang khu vườn như ru võng. Cái cối đá xay tay tưới nước ấy chắc còn là niềm vui cho biết bao gia đình. Miếng bánh xèo áp chót khi đã hết tóp mỡ, mẹ thường rắc ít giá và tráng chảo thật mạnh cho giòn, cuốn lại cho tôi ngồi kế bên chờ ăn thêm để tranh phần yêu thương của mẹ. Của không ngon đông con cũng hết, mẹ thường dỗ sau mỗi lần như thế bằng ánh mắt xa xôi... Ăn xong thoắt cái đã tràn ra đường tắm mưa, vò xé đầu tóc, cầm chặt lưng chiếc quần đùi vì sợ tụt xuống do sợi thun quần đã dãn, rồi chạy đuổi nhau ơ ới. Mẹ đi bắt về đứa nào cũng đã tím tái móp meo. Bắt về rồi chúng tôi cũng vùng thoát.
Thành phố tuổi thơ tôi còn biết bao bí ẩn cần khai phá. Thời ấy, những quán càphê phố núi chưa nhiều, với những cái tên Uất kim hương, Bâng khuâng, Đồngxanh...lạ lùng những dàn hoa giấy phủ leo kín cổng nhìn như một hang động, bên trong vài ánh đèn xanh đỏ và những tranh ảnh không biết đâu hút hồn những đứa trẻ khao khát vén sương mù. Chúng tôi đứng trước quán nhìn vào, chờ người chủ quán ra xua tay một cái là ù té chạy dài và cười nắc phố. Hồi ấy người ta không uống cà phê mà uống cả không gian và thời gian của quán. Có lần đến chiều tôi thập thò quay lại thấy một người như thầy Ngọc vẫn đang ngồi đấy, như một chiếc lá đang khô dần diệp-lục-tố như thầy và rơi với ly cà phê hờ hững trên bàn. Sẽ chẳng bao giờ dám gian dối một ai/Thị xã trong tôi là những chiều bay nhảy/buổi trưa hè cùng con diều giấy/thả ước mơ bay đến chân trời/Thị xã trong tôi những dãy phố dài/trên nóc một vài chú sẻ/cùng chiếc ná những ngày thơ bé/có những lần tôi đã chịu đòn roi... Tôi làm thơ thật sớm, với những câu thơ thần đồng ngược do bạn bè phong tặng chắc một phần nhờ những lang thang chìm đắm ngắm người thầy giáo trẻ bất đắc chí uống cà phê kiểu nửa đùa nửa thật ấy. Bao nhiêu là nước chảy qua cầu, những giọt cà phê không đường đã gieo những hạt giống đậu đen đậu trắng tính cách đầu đời cho đứa trẻ phố núi đìu hiu.
Đìu hiu như những tiếng dế rúc rích trong đêm trăng non phơi vàng trên con đường lớn nhất hồi ấy (đường Nguyễn Tất Thành bây giờ), lớn nhất cũng chỉ bằng một nửa hiện nay. Một nửa hoành tráng với hai chiều đại lộ độ lại cùng hàng loạt dinh cơ công sở, xưa là sân bay quân sự L19, rậm rì cỏ lác quỳ vàng cúc dại với muôn triệu tấm ri sắt trải dài mút mắt. Những chiếc trực thăng như những con chuồn chuồn khổng lồ lơ đãng xoay đầu, quạt cánh rồi xoay đuôi, mệt mỏi nhưng gấp gáp. Người lớn bao giờ cũng bận rộn, lo cho những con chuồn chuồn rời khỏi đường băng, chả có gì vui. Nhiệm vụ men theo hàng rào lưới B.40 phủ đầy dây leo cỏ dại và những hàng đèn thưa thớt chốc chốc lại rực lên như ánh hoả châu chỉ để lật những tảng đá tìm những chú dế nhảy lóc xóc loi choi bắt bỏ vào hộp quẹt, hôm sau mang ra đá bắt xác lẫn nhau thích thú hơn nhiều. Phải bứt lén một sợi tóc của đứa con gái tóc dài, chờ nó nhăn mặt rồi u ơ xin lỗi. Mắc sợi tóc ấy vào ngàm con dế đực đen nhẫy, quay tít mù tranh nhau thổi cho nó tung hết đôi cánh lụa trắng, thả ra đấu trường hò reo. Đá bắt xác nhưng hồn thì còn lại, còn mãi những tròn xoe ngơ ngác với cái dẫu mỏ của đứa con gái thổi những hơi dài buôn buốt, tê tê. Nơi ban mai cỏ ướt sương rơi/ một hạt nhỏ mơ hồ rơi trên má...Cái cảm giác rừng trong phố bây giờ chỉ còn tưởng tượng trong câu thơ, một hạt nhỏ mơ hồ rơi trên má... Khi chưa có đường Đinh Tiên Hoàng và cầu Chui vắt ngang như bây giờ, con đường Nguyễn Du hiện nay chìm sâu một thung lũng nheo nhìn như vực, lấp giữa những hàng cây bằng lăng hoa tím cổ thụ khiến kẻ muốn tìm nhà như gặp mê cung. Người con gái ở phía ấy thường làm những kẻ đón đưa nhiều phen tuyệt vọng nhạt nhòa. Phố núi trong tôi còn là ngôi nhà của Thủy Tiên chập choạng hàng đêm trong vực sâu ấy, mỗi chiều tôi phải định hướng bằng mắt bờ tường hàng gạch và đặc biệt những tấm ván bắc ngang con mương sâu quá gối để đến tối còn có thể làm kẻ si tình trong cái thung sâu vực thẳm này. Những mắt biếc giáng ngọc cổ cao mắt xanh dù sương khói tận đâu vẫn âm vang những câu ca sương sa nước mắt kẻo ra miệng thế lắt lay/ khổ chàng chín rưỡi ....Ai đã đọc Hoài niệm chiều mưa (NXB Thanh niên-1991) chắc còn nhớ Tiên xa rồi, Tiên ơi... tưởng như trò con trẻ của tháng ngày buồn cười vô vọng. Sao lại có thể nhớ từ đường Nguyễn Tất Thành sang tít đường Nguyễn Du, là bởi muôn ngàn con đường tắt không tên thời ấy Tiên tự nối để có thể về nhà của mình theo ý thích. Những luồng lạch bây giờ không thể nhớ ở đâu, chỉ biết có khi băng cả những khu nhà vườn không rào không cổng, vừa đi vừa sợ những khoảng trống của đêm, ngửi mùi khói ai đốt rẫy mới chiều còn thơm váng vất . Nhắm hướng mà đi hồn nhiên thơ ấu, không phải hỏi nhiều và cong quẹo rối mù theo bảng tên đường của người lớn bây giờ. Có lần nắm tay cũng chỉ để dắt đường mà có kẻ còn hoang vu ngơ ngác. Ngọn đèn đường như mắt người vừa khóc/trăng đêm vỡ ra trên tóc/vỡ những điều ta giấu lâu nay ... sau này tôi viết cũng khi đi trên con đường đèn vàng cao áp hai chiều đại lộ độ lại ấy với không ít râu tóc ngùi ngùi. Những nỗi đau giúp cuộc đời nhiều chai sạn sau này dịu lại? Phố Hoài còn tận xứ Quảng đâu đâu, gọi phố núi là phố Nhớ, được không? Những con phố thương nhớ với những khu vườn mù sương trong mắt người tìm nhau qua tiếng gọi. Tiếng gọi của người con gái dắt người con trai ra khỏi những đồi hoang lạc lối vì mê mải tìm hoa tím dại trong sâu thẳm chiều đi không hết của Hữu Loan. Không quá lời đâu, nếu bạn đọc còn nhớ Mỗi chiều là một phù du/ mỗi chiều là một mịt mù, thế thôi...
4.
Một trăm năm thành phố dưới mắt nhiều người là những cuộc chuyển dời khủng khiếp, từ Bản Đôn trở về Buôn Ma Thuột đóng đại bản doanh, là những cuộc mở đường xuống đồng bằng lên núi với máy xúc xe reo. Một trăm năm để phố núi đã có trường đại học, đã thành thành phố sân bay nhà máy trên cao. Những nền cũ nhà dài đã lui xa nhường chỗ cho những cao ốc mới đầy ánh sáng, làng đã nên phố trong náo nức pha chút bùi ngùi của con người vẫn thật nhiều ảo ảnh. Một chút mênh mang hoài cổ cho huyền thoại có bước chân như gió của chàng tù trưởng ngang dọc trên thảo nguyên này. Thành phố của tôi vẫn tươi ròng niềm vui như đứa trẻ lên mười, yêu như chàng trai mới hai mươi. Em nhỏ môi cong ơi/ hiểu làm sao hết được (thơ Quang Dũng). Cũng như hiểu sao hết tấm lòng của ông già Thuột một trăm năm trước đã cùng với những người con trăm quê cùng nhau xây dựng phố núi, để những linh hồn trú ngụ thành quê hương chứ không còn trôi đi không dấu vết. Bất giác giữa mênh mông gió cuốn bụi mù trời, buồn muôn thuở tuổi thơ tôi lại thấy bà mẹ Thượng ngực trần vú đen gùi con trước ngực, gùi những măng tre bầu bí sau lưng, đi những thôi dài trên những con đường phố nắng sáng như gương. Gió không chỉ cuốn bụi mà cuốn bình minh lên thành những chân trời bảy màu lục lam chàm tím... Những bà mẹ Thượng vẫn tiếp tục sinh ra phố núi, trong mỗi tiếng khóc sơ sinh, trong mỗi hồi sinh tiếp nối, cho cuộc sống thành phố trên cao tồn tại thật mộc mạc thanh bình cả lúc đau đớn nhất. Những chiếc bầu khô của bà mẹ Nữ Oa ở vùng đất Nữ Thần Mặt Trời này vẫn luôn là nguồn nước mát tắm cho những chàng DamSan kiêu hãnh chào đời, thi thoảng vọng lên một tiếng cồng âm âm ông ông u u mang mang gờn gợn. Mang mang như giấc mơ thần sông, thần rừng bí ẩn… của tuổi thơ phố núi thở hơi ấm một trăm năm qua. Một trăm năm phố núi đã sáng tạo ra cuộc sống cho chính mình từ những thế hệ nối nhau mơ giấc mơ trẻ con khắc khởi mà kiêu hãnh ấy. (Còn tiếp)