Nhà văn Lê Lựu: Người của thời chưa xa vắng

Thứ năm - 10/11/2022 15:21
- Sau nhiều năm chống chọi bệnh nặng, nhà văn Lê Lựu vừa qua đời tại quê nhà Khoái Châu – Hưng Yên chiều ngày 09.11.2022, hưởng thọ 81 tuổi.
Nhà văn Lê Lựu: Người của thời chưa xa vắng

Nhà văn Lê Lựu sinh ngày 12.12.1942 tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Tác phẩm của ông từng được trao nhiều giải thưởng: Truyện ngắn “Người cầm súng”, giải Nhì báo Văn Nghệ năm 1968; Tiểu thuyết “Thời xa vắng”, giải A Hội Nhà văn Việt Nam 1990. Ông cũng vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học – nghệ thuật đợt 1.

Cũng khá lâu rồi tôi không gặp nhà văn Lê Lựu. Khoảng gần chục năm trước, tôi từng đến tìm ông ở ngõ 319 Tam Trinh, Hà Nội. Trung tâm Văn hóa doanh nhân nơi ông làm Giám đốc đóng đô ở đấy. Chỗ làm việc đồng thời là nơi ở của ông. Ai đã từng gặp Lê Lựu đều thấy toát ra ở ông sự xuề xòa, giản dị đến tuềnh toàng. ít ai nghĩ tác giả của những tiểu thuyết lừng lẫy trên văn đàn Việt như “Thời xa vắng”, “Hai nhà”, “Sóng ở đáy sông” lại sống giản đơn như thế…

Thực ra với những người đã thân, đã quen nhà văn Lê Lựu, sự đơn giản, hồn nhiên trong cuộc sống của ông không có gì lạ. Ông sinh hoạt đơn giản, ăn nhanh, uống nhanh. Thậm chí có chút gì đó như sự vội vàng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh – người gắn bó với nhà văn Lê Lựu trên dưới hai mươi năm ở tạp chí Văn Nghệ Quân Đội từng nói: ở Lê Lựu luôn toát lên một sự cuốn hút, không hề khéo léo, không hề xã giao. Hình như nó có sẵn trong tiềm tàng bản năng, trong tít sâu cội rễ của văn hoá dân gian, nơi xứ sở đồng quê Phủ Khoái của ông.

Ngay từ lúc Lê Lựu còn khỏe, còn sung sức đi đó đi đây, nói năng hào hứng thì xung quanh ông đã xuất hiện những câu chuyện kể, vui vui, trào lộng, có chút gì đó như giai thoại. Dù những câu chuyện ấy toàn do bạn văn thân thiết, cùng làm việc với ông kể ra. Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khiến nhiều người bất ngờ khi tung ra chi tiết, Lê Lựu hay đi chợ, và mua một con cá kiểu gì ông phải xin thêm một con cua. Trung Trung Đỉnh thì viết: Lê Lựu không phải là người ki bo nhưng “xem” ông mua cá mua rau thì thấy thật tội cho mấy bà hàng cá hàng rau. Mua mớ rau muống mà ông vật lên vật xuống mớ rau đến phát nản lòng, cuối cùng ông lại kì kèo thêm bớt, đòi bà hàng rau thêm cho kẹp kinh giới.

Tính Lê Lựu là thế, bởi ông quan niệm đi chợ thú nhất ở chuyện mặc cả thêm bớt. Ai không biết “thưởng thức” điều đó thì tự đánh mất đi cái thú đi chợ.

Hơn chục năm trước, cú tai biến đã ghì nhà văn Lê Lựu xuống, khiến “bữa thuốc nhiều hơn bữa cơm”. Nhưng ông luôn cố gắng, không trông chờ, ỉ lại. Gần đây, bệnh nặng hơn, khiến ông nằm nhiều hơn…

Thực tình, tôi biết nhiều người thích nghe chuyện về các nhà văn. Những chuyện bên lề. Những chuyện gia đình… Với Lê Lựu, những chuyện như vậy mà kể, thì nhiều, có thể thành cuốn sách dày, với nhiều chi tiết cực kỳ hấp dẫn. Nhưng không hiểu sao, tôi luôn mong muốn độc giả khi nhớ về một nhà văn nào đó, hãy nhớ tác phẩm của người đó, nhớ đến những đóng góp của người đó cho nền văn học Việt Nam.

Với Lê Lựu, dù ông lập ra một trung tâm văn hóa và hoạt động có lúc khá hiệu quả, dù ông có lập ra quỹ nhà văn Lê Lựu để hàng năm trao cho các tác giả – tác phẩm văn chương xứng đáng – như năm nay vừa trao cho 10 tác giả ở nhiều vùng miền đất nước – thì tôi vẫn muốn độc giả nhớ và đọc lại những tác phẩm ông.
2 cuốn sách “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông” làm nên tên tuổi nhà văn Lê Lựu đều đã được dựng thành phim.

Tôi muốn dừng lại ở hai cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu vừa được tái bản với hình thức mới. Đó là tiểu thuyết “Thời xa vắng” và “Sóng ở đáy sông”. Cuối tháng 4 vừa qua, nhà văn Lê Lựu cùng luật sư riêng của mình đã ký giấy ủy quyền cho Công ty Cổ phần Sbooks  ở TP.HCM tái bản hai cuốn sách này, trong thời gian 5 năm.

Nhà văn Lê Lựu xuất bản “Thời xa vắng” lần đầu năm 1986, ngay sau đó, được bạn đọc nồng nhiệt tìm đọc, được giới phê bình coi là tác phẩm mở đầu cho một xu hướng của văn học đổi mới – xu hướng nhận thức lại thực tại.

“Thời xa vắng” lấy bối cảnh với cuộc hôn nhân ép buộc từ khi còn bé cứ ám ảnh nhân vật chính Giang Minh Sài. Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngay từ khi ra đời cuốn sách đã gây ra một tiếng vang lớn vượt quá sức tượng của tác giả. Cuốn sách đã để lại một dấu ấn trong văn học Việt Nam cuối thế kỷ 20 và trong lòng độc giả. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà cho rằng, có lẽ “Thời xa vắng” bền lâu bởi một hình ảnh của nhân vật nông thôn mới bắt đầu thành hình, bởi hồi chuông cảnh tỉnh được gióng lên vào thời kỳ chớm đổi mới, và vẫn còn vọng ngân đến hôm nay, và cả mai sau.

Một nhà phê bình khác thì nhận xét: “Công cuộc đổi mới đất nước vừa được mở ra thì ngay lập tức văn học đã ghi được dấu ấn bất ngờ bằng tác phẩm “Thời xa vắng” của Lê Lựu. Ông viết từ mình, rút ruột mình ra mà kể chuyện mình, chuyện một người nhưng là chuyện của nhiều người, chuyện của một thế hệ, chuyện của một thời. Cái thời đó tác giả gọi là “thời xa vắng” nhưng thật ra vẫn chưa qua. Đó là cái thời nhân vật Giang Minh Sài sống không phải là mình, nửa đời trước sống cho cái mình không có, nửa đời sau sống chạy theo cái không phải của mình.

Nhân vật văn chương này đã được nhớ tên, được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào..” Nhân vật văn học Giang Minh Sài sau đó được coi như một định ngữ chỉ một kiểu người, một kiểu sống, điều này rất ít có trong văn chương nhiều năm trước đó vốn chỉ có hình tượng nhân vật tập thể mà không thể gọi tên một nhân vật cụ thể nào.

Tiểu thuyết “Thời xa vắng” đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa vào năm 2003 do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện, phim đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2004.

Với “Sóng ở đáy sông”, ngay sau khi công bố vào năm 1994, tiểu thuyết này đã thu hút độc giả, giới phê bình và cả giới làm phim. Tiểu thuyết này nhanh chóng được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, và năm 2000, bộ phim cùng tên do Lê Đức Tiến làm đạo diễn được phát sóng trên kênh VTV1 gây xôn xao dư luận. Tiểu thuyết kể về một chuỗi những sai lầm liên tiếp của Núi – người được sinh ra bởi sai lầm của người cha, sau những lần “không thể kìm hãm trước con ở” khi “đang thời bừng dậy rừng rực”.

Cuộc đời Núi trượt dài trong tăm tối. Bất hạnh đeo đẳng. Chiến tranh và một thời kỳ bao cấp có thể khiến con người ta trở nên vĩ đại hoặc thấp hèn… “Với lối viết mộc, hiện thực; với những triết lý, ẩn dụ, phúng dụ được nhà văn Lê Lựu sử dụng khá tinh tế và thuần Việt, chắc chắn lớp bạn đọc hôm nay sẽ được bước vào một thời khắc riêng khác, và hình dung về một giai đoạn đầy biến động đã lùi xa…”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà nhận xét.

Đã khá lâu, những tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Lê Lựu chỉ được nhắc đến trong các bản tham luận, các bình luận văn chương, mà ít thấy tại các nhà sách hay các sàn giao dịch trực tuyến. Độc giả ngày nay muốn tìm đọc các tác phẩm của Lê Lựu chỉ có thể lục trên mạng, và không đầy đủ. Với mong muốn nối lại các văn bản chữ nghĩa mang đậm ý nghĩa một giai đoạn, qua lăng kính tài ba của nhà văn Lê Lựu, Sbooks đã mời họa sĩ Kim Duẩn vẽ bìa và họa sĩ Linh Giang minh họa, để đưa những tiểu thuyết nổi tiếng này đến với bạn đọc. Nhóm làm sách đã gấp rút thực hiện, với tấm lòng tri ân sâu sắc, khi mà trong thời khắc này, nhà văn đang trong giai đoạn tỉnh thức, không còn có thể hiểu được nghe được những lời ngợi ca…

Quả vậy, với Lê Lựu lúc này, ông không cần nghe thêm những lời ngợi ca nữa. Điều ông mong muốn, có lẽ là sự im lặng vĩnh cửu. Nhưng ngay cả khi điều đó là đúng, thì những tác phẩm văn học sau khi được nhà văn sinh ra, có cuộc sống riêng. Nhà văn sau khi cấp “hộ chiếu” để đứa con tinh thần của mình bước vào đời, nó sẽ sống một đời sống riêng, mà tác giả muốn cũng không được.

Bây giờ, “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”, hay những tác phẩm khác của nhà văn Lê Lựu, như “Mở rừng” (tiểu thuyết), “Mặt trận của người lính” (tập truyện ngắn), “Trở lại nước Mỹ” (tập bút ký), “Đại tá không biết đùa” (tiểu thuyết), “Hai nhà” cùng hàng chục cuốn sách khác của ông, đều có cuộc sống riêng và được độc giả thế hệ sau đọc lại để sẻ chia và thấu hiểu cha đẻ của nó: nhà văn Lê Lựu! Tất nhiên, như nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ: “Có thể với góc nhìn mới, với những tầng tri thức hiện đại, độc giả ngày nay sẽ nhìn ra những vấn đề khác biệt với lớp độc giả những thập niên trước, sẽ có được tâm thức mới để khai mở lại văn bản câu chữ”.

THANH XUÂN
Báo Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập143
  • Hôm nay28,288
  • Tháng hiện tại432,188
  • Tổng lượt truy cập60,315,995
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây