Tính cách và tâm hồn người Nam Bộ qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

Thứ hai - 04/07/2022 21:01
- Nguyễn Đình Chiểu – nhà thơ lớn, tiêu biểu cho dòng văn học yêu nước chống Pháp cuối thế kỷ XIX, người mà tên tuổi gắn liền với phong trào đấu tranh oanh liệt của nhân dân miền Nam ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp đặt chân lên đất nước ta.
Danh nhân văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
Danh nhân văn hóa, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu
(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)

Đó là “Ngôi sao có ánh sáng khác thường, càng nhìn lại càng thấy sáng” (Phạm Văn Đồng). Đã hơn một thế kỷ qua, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu in đậm dấu ấn vào tình cảm người dân Nam Bộ và nhân dân cả nước.

Người Nam Bộ đọc thơ, nói thơ, hát thơ, kể thơ, diễn thơ của ông dưới nhiều hình thức dân gian. Thơ văn của nhà thơ – chiến sĩ ấy đã vượt qua biên giới của lý trí đến với bạn bè một số nước trên thế giới. Vậy, điều gì đã làm nên sức hấp dẫn kỳ diệu ấy ở thơ văn ông? Một trong những yếu tố có tính chất quyết định là sự gắn bó chặt chẽ của ông vời đời sống người dân lao động. Qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu ta có thể soi thấy tính cách và thế giới tâm hồn người dân Nam Bộ. Và ta sẽ bắt gặp ở đó nhiều yếu tố văn hoá dân gian của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ta hãy ngược dòng lịch sử tìm hiểu sự hình thành của vùng đất “chín rồng” này để hiểu rõ hơn tính cách và tâm hồn con người Nam Bộ được bộc lộ trong thơ văn của ông. Theo nhiều tài liệu lịch sử ghi nhận thì vùng đất Nam Bộ mới hình thành trên dưới 300 năm nay, theo sự Nam tiến của các chúa Nguyễn. Từ năm 1658 đến 1757 các chúa Nguyễn đã chiếm được các vùng đất từ Biên Hoà đến Hà Tiên. Miền Nam cứ thế được khẩn hoang, mở mang, một mặt lấn dần ra biển, một mặt được nới rộng biên cương sau những chiến thắng lớn với Chiêm Thành, Chân Lạp. Ngày nay vùng đất này đã bát ngát, mênh mông, trù phú vào bậc nhất nước ta:

Miền Nam hết nắng rồi mưa

Cho cam lắm trái cho dừa thêm xanh

Sầu riêng nặng trĩu trên cành

Mãng cầu, măng cụt ngon lành biết bao

Lúa xanh dưới trận mưa rào

Sông sâu nước chảy dạt dào tình quê… (Ca dao)

Trên mảnh đất ấy, chủ nhân của nó cũng là những con người đặc biệt. Phần lớn họ là những người từ miền Bắc, miền Trung dạt vào với ba nguồn: Một là những con người bất khuất vì nghĩa khí không chịu khuất phục chế độ phong kiến, vào đây để sinh cơ lập nghiệp. Hai là những tù nhân, tù binh hay tội đồ bị chúa Nguyễn đày vào để khẩn hoang đất đai. Ba là những lính thú từ miền Bắc và miền Trung tự nguyện theo chúa Nguyễn vào Nam. Ngoài ra còn có một số người gốc Hoa, người Khmer di cư tới. Phần lớn những con người này bất mãn với triều đình phong kiến. Họ có những đặc điểm dễ thấy như: dũng cảm, ngang tàng, phóng khoáng, bộc trực, trọng nghĩa khinh tài, điệu nghệ với tinh thần:

Kiến ngãi bất vi vô dõng dã

Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng

(Nghĩa là: Thấy việc nghĩa mà không làm không phải là người dũng cảm/ Thấy người bị nạn mà không cứu không phải là người anh hùng).

Những con người đó giàu lòng vị tha, có nhân đức, có đời sống tinh thần phong phú, thích nghe nói thơ, thích đọc truyện Tàu. Nhà nghiên cứu Trần Văn Giàu đã nhận xét khá lý thú và xác đáng về tính cách của họ: “Đó là những con người tròn thì ra tròn, vuông thì ra vuông, chứ không méo mó quanh co. Lời nói của họ thẳng như dao dựa chém đá”.

Trên đất nước ta có 54 dân tộc anh em, tuy khác nhau về nhiều mặt nhưng mỗi dân tộc như một tế bào của Tổ quốc, luôn bên nhau tạo nên khối cộng đồng người Việt có truyền thống đoàn kết, nhân hậu, anh dũng, bất khuất, cần cù… Dưới thời thực dân Pháp cai trị, chúng đã chia nước ta ra làm ba kỳ: Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam Kỳ để dễ cai trị, gây mâu thuẫn, mất đoàn kết dân tộc. Đó là chính sách “chia để trị” rất phản động của thực dân Pháp. Thực ra, tổ tiên của người miền Nam cũng là tổ tiên của người miền Bắc, miền Trung, và xa hơn nữa theo truyền thuyết thì đó là những đứa con cùng một bọc của mẹ Âu Cơ. Theo duy vật biện chứng thì tính cách mỗi con người được hình thành bởi nhiều yếu tố như: hoàn cảnh địa lý (môi trường tự nhiên), bẩm sinh di truyền, điều kiện giáo dục của gia đình, xã hội và đặc biệt là sự tự thân vận động của mỗi cá nhân. Trong đó yếu tố giáo dục giữ vai trò quyết định tới sự hình thành và phát triển tính cánh, tâm hồn. Bác Hồ đã nói: Hiền dữ phải đâu là tính sẵn/ Phần nhiều do giáo dục mà nên (Nhật ký trong tù). Ở đây, chúng ta không đi sâu tìm hiểu cá tính của người dân Nam Bộ dưới lăng kính của nhà sử học hay nhà tâm lý mà chỉ tìm hiểu tính cách đó, tâm hồn đó của họ được bộc lộ qua thơ văn Nguyễn Đình Chiểu như thế nào?

Như chúng ta đã biết, Nguyễn Đình Chiểu là con của một bà vợ thứ, sinh ra ở Gia Định (1.7.1822) trong một gia đình nhà Nho nghèo. Từ nhỏ, ông được theo cha đi nhiều nơi, ra học ở Huế. Khi nghe tin mẹ mất, ông đau khổ và trở về Nam thọ tang với biết bao gian nan trên lộ trình… Nhưng điều đau lòng hơn là khi thấy quê hương bị thực dân Pháp xâm chiếm. Ông chạy về quê vợ ở Cần Giuộc rồi sau về “tị địa” ở Ba Tri, Bến Tre. Đây là thời kỳ buồn thảm nhất trong cuộc đời nhà thơ. Ông sống thanh bạch trong sự thương yêu, đùm bọc của sĩ tử và bà con làng xóm.

Sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với vận mệnh đất nước và nhân dân Nam Bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy bi tráng. Thơ văn của ông là hơi thở, là ý tình của người dân Nam Bộ. Có lúc ông là “thầy học giữa làng”, có khi là “thầy lang cuối xóm”. Trong ông, có “ba con người trí thức”. Đó là “thầy thuốc, thầy giáo, và nhà thơ” (Giáo sư Lê Trí Viễn). Dù thời thế có đảo điên, lòng ông vẫn vằng vặc sáng như trăng rằm “Lòng đạo xin tròn một tấm gương”. Mục đích cuộc đời ông là dùng ngòi bút để “chở đạo, đâm gian”, đem lại hạnh phúc cho dân lành:

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà

Bởi vậy, tiếng nói trong thơ ông rất đa dạng. Khi là tiếng giảng về đạo lý làm người của một Kỳ Nhân Sư, khi là lời thăm bệnh của một ông Ngư, ông Tiều trong “Ngư – Tiều y thuật vấn đáp”. Khi là sự lo lắng cho sĩ tử, có lúc là tiếng khóc của trẻ thơ chạy loạn “Bỏ nhà lũ trẻ lơ xơ chạy/ Mất ổ bầy chim dáo dát bay”. Đôi khi trong ông có cái giận lôi đình của một trang hảo hán như Tử Trực, Hớn Minh: “Tôi bèn nổi giận một khi/ Vật chàng xuống đó bẻ đi một giò” (Lục Vân Tiên).

Nhưng tiếng nói sâu xa nhất, vang vọng nhất đến muôn đời sau vẫn là tiếng nói giản dị, mộc mạc của những người nông dân “Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung, chỉ bíêt ruộng trâu ở trong làng bộ”. Thế mà họ vẫn quyết ra tay “bộ hổ”, sẵn sàng “cắn cổ”, “ăn gan”, xé xác quân thù. Đó là tiếng nói của lương tâm chính nghĩa, rất Nam Bộ mà cũng rất thơ. Mỗi lời thơ của ông đều chứa chan lòng nhân đạo và rực lửa chiến đấu. Ngôn ngữ trong thơ ông “là thứ ngôn ngữ bình dân, chân thực, thông dụng, thực tế, có cái vị thơm, cái hương lành của cây trái Nam Bộ – cái hương vị văn miền Nam” (Xuân Diệu).

Phần lớn thơ văn của ông được viết ra khi mắt đã mù, nhờ học trò ghi lại, được nhân dân nhớ và truyền miệng như ca dao. Xuất phát từ phương thức sáng tác mang tính dân gian, và được người dân Nam Bộ dùng để kể, để nói, để hát và trình diễn. Nó hướng tới đối tượng đông đảo là quần chúng ít học. Nhiều bài ông dành riêng cho học trò hay cho con cháu với tính chất “gia huấn ca” nhưng vẫn có tác dụng giáo dục sâu rộng tới mọi lớp người trong xã hội.

Nguyễn Đình Chiểu có một vốn hiểu biết sâu về Nho học, cộng với sự tiếp thu di sản văn hoá dân gian, nhất là những truyện Nôm, truyện Tàu. Và đặc biệt, ông sống rất gần gũi với người lao động nên mỗi ý tình của thơ văn ông cũng là hương vị, là cách cảm, cách nghĩ của người dân Nam Bộ. Dù viết về đề tài nào, thể loại nào, thơ văn ông cũng rất gần gũi quần chúng. Nó khác với thứ văn mang bút pháp ước lệ của một số nhà Nho chuyên “ngâm hoa vịnh nguyệt”. Nó lại càng khác xa vơí thứ văn chương “sa lông” giải trí của giới trí thức tư sản ở thành thị sau này. Truyện thơ của ông có kết cấu từng phần rõ ràng, kết thúc có hậu, nhằm thoả mãn ước vọng của người bình dân lương thiện, và họ rất dễ nhớ, dễ đọc. Mỗi phần, mỗi đoạn đều được diễn đạt rõ ràng, gắn kết với nhau chặt chẽ. Cách chuyển ý, chuyển mạch như một lời kể “Thứ này đến thứ Vân Tiên” hay “Thứ này đến thứ Nguyệt Nga”. Ví như truyện thơ “Dương Từ – Hà Mậu” (DT -HM) đựợc chia ra 12 đoạn rõ ràng: DT – HM đi thi, DT – HM gặp ông Ngư, DT – HM gặp ông Tiều, Tà đạo, Người đạo sĩ, Đaị học chi đạo, Nghi vệ Khổng Tử, Hoà thượng khuyên đời, Một cảnh âm phủ, Tội của bà mụ dốt, DT – HM trở về, Dương Từ xuất gia. Hay trong “Ngư – Tiều y thuật vấn đáp” có bố cục các phần, rõ ràng như từng vị thuốc: Lung khởi, Đạo dẫn, Nhập môn, Nhân Sư, Tra án, Kết mạt…

Ở những bài Văn tế hay thơ Đường, ông đều viết bằng ngôn ngữ giản dị, lời ít ý nhiều, gần gũi mà sâu xa thấm thía. Hàng loạt những từ ngữ của dân cày ùa vào bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” như: côi cút, toan lo, từng ngó, dao phay, thói mạt, mắc mớ, trắng lốp, đen sì, chém, đạp, lướt, xô, xông, ngoài cật, trong tay, đoái nhìn, cám bởi. Tất cả những từ ngữ đó góp phần khắc hoạ được bức tượng đài lộng lẫy về người nghĩa sĩ nông dân anh hùng cứu nước, tự nguyện chống giặc đến cùng, hy sinh anh dũng. Đồng thời cũng gợi lên bao xót xa, thương cảm, kính phục của nhân dân ta đối với người nghĩa sĩ.

Người dân Nam Bộ có đặc tính thương yêu, căm ghét rõ ràng. Những từ như “mạt rệp”, “tinh chiên” đã diễn tả được thái độ căm ghét, khinh bỉ đối với kẻ thù tới mức tột cùng: “Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm”, hay “Ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ”… Họ nhìn sự vật phải thật rõ ràng, đã “đen” là phải “đen sì”, đã “trắng” là phải “trắng lốp”, chứ không mờ ảo chung chung. Khí thế xung trận của người nghĩa sĩ như sấm sét trút xuống đầu kẻ thù qua các từ ngữ gợi hình và những động từ mạnh: nào sợ, chi nài, coi giặc như không, ăn gan, cắn cổ. Nhưng khi buồn, những con người ấy cũng “hai hàng luỵ nhỏ”, và nhìn cỏ cây đâu đâu cũng thấy “muôn dặm sầu giăng”. Nhiều khẩu ngữ, quán ngữ của nhân dân Nam Bộ có mặt trong bài Văn tế như: danh nổi tợ phao, tiếng vang như mõ, tấc đất ngọn rau, bát cơm manh áo, treo dê bán chó… Nhiều câu hỏi tu từ khắc hoạ được tâm trạng nhân vật trữ tình:

– Vì ai khiến dưa chia, khăn xé?

– Ôi làm ra cớ ấy, tạo hoá ghét nhau chi?

– Người ấy vì ai ra cớ ấy?

– Vì ai xui đồn luỹ tan tành, xiêu mưa ngã gió

(Văn tế)

Hay: Vườn luống trông xuân hoa ủ dột

Ruộng riêng buồn chủ lúa khô khan?

(Điếu Phan Tòng)

Hoặc: Biết thuở nào cờ phất trống rung

Hỡi nhật nguyệt hai vầng sao chẳng đoái?

(Văn tế Trương Định)

Mong chờ cũng là đòi hỏi, kêu gọi không phải cho riêng mình mà vì vận mệnh của dân tộc:

Nỡ để dân đen chìm đắm mãi

Này ông Hạ Vũ ở đâu rồi? (Nước lụt)

Hay: Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng

Nỡ để dân đen mắc nạn này? (Chạy giặc)

Họ trông chờ “Thánh đế”, trời đất chăng, nhưng tất cả đều mờ mịt, vô vọng:

Chừng nào Thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông?

Hay: Ngày nào trời đất an ngôi cũ

Nhìn thấy non sông bặt gió Tây?

Hoặc: Bao giờ nhật nguyệt vầng gương sáng

Bốn biển âu ca hiệp một nhà?

Những từ ngữ để hỏi: vì ai, thuở nào, luống trông, hỏi trang, nỡ để, chừng nào, ngày nào, bao giờ… cứ lặp đi lặp lại trong thơ ông như một điệp khúc, nó day dứt như một món nợ lịch sử cần được phải trả. Đất nước loạn ly, dân lành chìm đắm, gió Tây sờ sờ, Thánh đế chỉ là tên gọi, còn nhật nguyệt, trời đất cứ im lìm. Mây đen vẫn phủ khắp các miền Tổ quốc. Nỗi lo và niềm hy vọng cứ thôi thúc nhà thơ và muôn triệu người dân Nam Bộ yêu nước lúc bấy giờ. Những câu hỏi trong thơ ông đặt ra như một ẩn số, biết khi nào có lời giải? Nếu “Văn học là nhân học” (M. Goóc-ki) thì hơn bao giờ điều đó thể hiện rất rõ trong cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu. Ta có thể soi thấy cuộc đời ông qua những lời thơ áng văn ấy. Nhân vật Lục Vân Tiên chính là hình bóng ông phản chiếu gần như nguyên mẫu. Mỗi nhân vật trong truyện thơ Lục Vân Tiên là tượng trưng cho một tính cách, tâm hồn một loại người trong cuộc đời thực ở Nam Bộ. Đó là những con người luôn “trọng nghĩa khinh tài”, hành động, ý nghĩ luôn hướng tới nhân – nghĩa – lễ – trí – tín, những chuẩn mực đạo đức của Nho giáo phong kiến nhưng lại rất dân dã.

Người đọc ai mà chẳng mến yêu, cảm phục một Lục Vân Tiên, một Vương Tử Trực, Hớn Minh, hay ông Ngư, ông Tiều, Tiểu đồng. Và ai chẳng ghét cay ghét đắng loại người gian ác, lật lọng như: Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, cha con Võ Thể Loan. Mỗi nhân vật là một phát ngôn của ông về một điều cần gửi gắm: Tử Trực chung thuỷ, Tiểu Đồng tình nghĩa, Hớn Minh cương trực, Nguyệt Nga kiên trinh thuỉy chung ơn nghĩa. Nàng không thụ động như những cô gái trong các truyện Nôm bình dân lúc bấy giờ mà nàng chủ động chống lại sự áp bức của triều đình, không thể làm theo lời vua khi vua làm việc không hợp với chính nghĩa. Nàng can đảm chống lại số phận và nàng đã chiến thắng. Đối lập với thương là ghét, hai mặt trái ngược nhau nhưng luôn gắn kết hữu cơ. Ông có câu thơ như một tuyên ngôn về lẽ sống: “Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương”. Ông đã để cho ông Quán đứng trên quan điểm người lao động mà dõng dạc tuyên bố thay mình:

Quán rằng ghét việc tầm phào

Ghét cay, ghét đắng, ghét vào tận tâm

Ghét đời Trụ, Kiệt mê dâm

Để dân đến nôĩ, sa hầm sẩy hang

Ghét đời U Lệ đa đoan

Để dân luống chịu lầm than muôn phần…

Những khẩu ngữ Nam Bộ được ông đưa vào thơ đúng lúc, đúng chỗ, khắc sâu được ý tưởng như: tầm phào, ghét cay ghét đắng, lầm than muôn phần, lằng nhằng. Lời chửi của Vương Tử Trực đối với cha con Võ Thể Loan cũng rất dân gian:

Chẳng hay người học sách chi

Nói ra những tiếng dị kỳ khó nghe?

… Khen cho lòng chẳng thẹn lòng

Còn mang mặt đến đèo bòng làm chi?

Lời trách của Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên thật đáng yêu. Nó bình dân, nôm na không một chút văn vẻ mà thấm thía biết bao:

Vật chi một chút gọi là

Thiếp thưa chưa dứt chàng đà làm ngơ

Của này là của vất vơ

Lòng chê cũng phải, mặt ngơ sao đành!

Khi nàng tặng trâm thì Vân Tiên “làm ngơ” nhưng khi nàng tặng “thơ”: “Thiếp xin đưa một bài thơ giã từ” thì chàng bằng lòng ngay: “Vân Tiên ngó lại rằng: ừ”. Nhà thơ Xuân Diệu gọi “đó là tiếng “ừ” vô song, tôi chưa thấy trong truyện nào có. Nó rất quý báu, là hơi tiếng của quần chúng miền Nam vào trong truyện thơ giai nhân tài tử của ta”. Ngôn ngữ nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên gợi ra cái thần thái của ngôn ngữ Nam Bộ. Thầy Pháp thì “hú gió kêu mưa/ sai chim, khiến lợn, đuổi lừa, bắt trâu”, rồi “đau Nam chữa Bắc”. Đó là hạng người lừa dối bằng một thứ ngôn ngữ “lằng nhằng”. Trịnh Hâm thì dốt nát, ngôn ngữ cửa miệng của y rất láo xược. Đó là giọng điệu của hạng người quen ăn trên ngồi trốc, bóc lột, khinh bỉ dân thường. Nó miệt thị ông Quán:

Gối rơm ôm phận gối rơm

Có đâu dưới thấp mà chồm lên cao.

Còn Bùi Kiệm thì được cách điệu hoá bằng lối nói của quần chúng Nam Bộ:

Con người Bùi Kiệm máu dê

Ngồi chề bê, mặt như sề thịt trâu

Cái mặt y được ví với cái “sề thịt trâu” thì thật đáng ghê tởm. Kiều Nguyệt Nga khi đã hành động là làm ngay, không suy nghĩ lâu:

Than rồi bức tượng vai mang

Nhắm chừng nước chảy vội vàng nhảy ngay.

Đó là cái “nhảy” của cô gái Nam Bộ. Nó khác xa với Thuý Kiều khi nhảy xuống sông Tiền Đường, Nguyễn Du còn để cho nàng lưu luyến, suy nghĩ:

Cửa bồng vội mở rèm châu

Trời cao sông rộng một màu bao la.

Ngôn ngữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu luôn mang hơi thở của đời thường. Ông dùng “ngòi viết” chứ không nói “ngòi bút”, “nhem nhèm” thay cho từ “thèm”, và rất nhiều từ khẩu ngữ: cùi dày, hèn chi, thổi hà xì hít… Nhiều thành ngữ, tục ngữ, ca dao, điển tích được ông vận dụng sáng tạo, linh hoạt, như: vật đổi sao dời, sớm còn tối mất, nước xối đầu vịt, ếch nằm đáy giếng…, và nhiều điển tích, điển cố về Trụ, Kiệt, Nghiêu, Thuấn, Quan Vũ, Triệu Tử Long, Bá Di, Thúc Tề…

Có khi ông mượn ý từ câu ca dao:

Ai ai cũng ở trong đời

Chính chuyên trắc nết chết thời cũng ma.

Là rút từ câu: Lẳng lơ chết cũng ra ma

Chính chuyên chết cũng khênh ra ngoài đồng.

Ca dao có câu: Tới đây thì ở lại đây

Bao giờ bén rễ xanh cây hãy về.

Thì ông viết: Tới đây thì ở lại đây

Cùng con gái lão sum vầy thất gia.

Ở một số bài thơ mang tính ngụ ngôn, ông đã chửi bọn tay sai của thực dân Pháp bằng những từ ngữ mỉa mai, khinh bỉ, như: lũ kiến bất tài, giống bèo vô dụng, lổm ngổm giường cao thấy chó ngồi (Nước lụt). Ở các bài Ngựa Tiêu Sương, Con dê, Thảo thử hịch… ông bộc lộ một cái nhìn thâm thuý, làm bật tiếng cười phê phán. Nó khác xa chất uy-mua của người Anh, người Pháp trong một số truyện ngụ ngôn của họ.

Thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu nói chung và truyện thơ Lục Vân Tiên nói chung đã đi sâu vào đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ hơn hai thế kỷ nay, được mọi người nâng niu, gìn giữ, quý trọng. Nhiều câu thơ không cần gọt giũa mà vẫn nói được nhiều điều đơn giản, thẳng thắn, có khi “còn nguyên thuỷ của người Nam Bộ” (Trần Văn Giàu). Truyện Lục Vân Tiên đã đi vào kho tàng ca dao, câu đố, điệu hò của văn hoá dân gian Nam Bộ:

“Hò… ơ… Này này người nghĩa của em ơi/ Lòng em giữ trọn như nàng Nguyệt Nga”, hoặc như: “Hò… ơ… Nàng Nguyệt Nga em bậu ơi/ Anh đây giữ lòng chung thuỷ theo đường anh Vân Tiên”. Ở Thừa Thiên – Huế, truyện thơ Lục Vân Tiên cũng in dấu ấn trong hò Mái nhì, Mái đẩy: “Bớ em ơi! Em đừng suy nghĩ thiệt hơn/ Hãy ở như Nguyệt Nga ngày trước, lòng dạ keo sơn chẳng rời”.

Tóm lại: Thơ văn Nguyễn Đình Chiểu tuy chưa được trau chuốt như văn Truyện Kiều của Nguyễn Du. Các hình tượng, hình ảnh, tính cách, tâm lý nhân vật nhiều chỗ tuy diễn đạt còn đơn giản nhưng vẫn có sức lay động cao tới tâm hồn người đọc. Đó là thơ văn của nhà thơ – chiến sĩ mù loà, được viết ra bằng máu và nước mắt cho đông đảo quần chúng lao động đọc, kể, nói, diễn. Mỗi từ ngữ của ông đều phản chiếu tính cách, tâm hồn người dân Nam Bộ. Nếu ở nước Anh có nhà thơ mù Min-tơn đã viết nên trường ca bất hủ “Thiên đường lạc mất”, nếu ở nước Nga Xô viết có nhà văn N.Ô-trốp-sky trong lúc mù và bại liệt đã viết tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” được xem là sách “gối đầu giường” của nhiều thế hệ thanh niên một thời, thì ở Việt Nam chúng ta rất tự hào có nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu tuy mù nhưng lòng dạ sáng trong đã viết hàng ngàn câu thơ, bài văn làm rạng rỡ thi đàn dân tộc.

Thơ văn của ông trước và sau thời gian thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ là ánh hào quang phản chiếu một giai đoạn lịch sử bi hùng của đất nước. Thứ văn chương ấy là “đòn xoay chế độ, phá cường quyền” (Sóng Hồng), phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh của dân tộc. Đó là thứ văn chương chí nghĩa, chí tình nên hoạ nên nhạc rất nhuần nhụy như chính hơi thở cuộc sống miền sông nước Nam Bộ giàu hoa thơm trái ngọt. Thơ văn của ông đã cắm một mốc lớn ở thế kỷ XIX, nêu cao ngọn cờ yêu nước, chiến đấu hy sinh đến cùng cho hạnh phúc của dân tộc. Ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu “càng nhìn lại càng thấy sáng”.

LÊ XUÂN (Vanvn.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

20/11
NGÀY NHÀ GIÁO VN 20/11
VÌ MỘT NỀN GIÁO DỤC
NHÂN BẢN - DÂN TỘC - KHAI PHÓNG
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập48
  • Hôm nay25,833
  • Tháng hiện tại30,639
  • Tổng lượt truy cập61,189,054
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây