‘Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc’ từ góc nhìn ngôn ngữ học

Thứ ba - 12/07/2022 05:21
- Vượt ra khỏi phạm vi một bài văn tế, chỉ dùng trong nghi thức tang ma, Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc mang một thông điệp ngữ nghĩa rất hào sảng, hùng hồn và xứng đáng được coi là một kiệt tác của Nguyễn Đình Chiểu…
 

(Kỷ niệm 200 năm ngày sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, 1.7.1822 – 1.7.2022)  


Tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của Nguyễn Đình Chiểu là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bài điếu văn được viết năm 1861, tế vong hồn các nghĩa quân – là những người nông dân Cần Giuộc, tỉnh Long An – đã đứng lên tấn công quân Pháp cùng những kẻ làm tay sai cho Pháp và hi sinh (ngày 14.12.1861).

Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trở nên bất tử vì giá trị của nó đã vượt lên mọi bài văn tế thông thường (không chỉ là bài văn khóc người chết, tế người chết). Được viết từ một ông đồ mù lòa, không có khả năng tham gia chính sự hay chiến trận, nhưng nó thực sự là một bản “hùng văn” thể hiện khí phách, ý chí quật cường và lòng tự hào dân tộc trước ách ngoại xâm, trước nỗi đau tột cùng: những người con quê hương, những chiến sĩ anh hùng đã ngã xuống.

Ở đây, tôi xin khảo sát tác phẩm này từ góc nhìn ngôn ngữ học văn bản theo quan điểm của lý thuyết lập luận.

***

Xét từ góc độ văn bản học, một trong những giá trị của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là cấu trúc hoàn chỉnh, tính lập luận của nó. Đây chính là thông điệp ngữ nghĩa của bài tế đem lại. Muốn thế, chúng ta phải xem xét nhiều nhân tố góp phần làm nên tổng thể văn bản: ngôn ngữ, cấu trúc văn bản, cấu trúc lập luận và giá trị ngữ nghĩa hàm chứa trong văn bản.
Kiệt tác “Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc” được tái bản nhiều lần

Nói chung, mọi sản phẩm ngôn ngữ khi được hiện thực hóa trong giao tiếp đều hướng tới lập luận. Mỗi phát ngôn (utterance), mỗi mệnh đề, mỗi câu (sentence) đều biểu thị một phán đoán. Các phán đoán kết hợp sẽ tạo nên lập luận. Thí dụ, phát ngôn: “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chém đầu thần đi đã” là một câu ghép, có 2 mệnh đề, liên kết theo quan hệ kéo theo (A → B). Chỉ từ một câu ghép này đã làm thành một lập luận hoàn chỉnh. Câu nói của Trần Quốc Tuấn đã khẳng định một ý chí đanh thép, thể hiện thái độ dứt khoát không thể chuyển lay của ông trước giặc ngoại xâm.

Mọi lập luận đều được xây dựng trên cơ sở luận cứ (argument). Khi ta có một câu, chẳng hạn “Ở hiền gặp lành”, thì lập luận được thiết lập từ 1 luận cứ (ở hiền). Hay câu “Mưa to và gió lớn thế này dễ mất mùa”, thì lập luận có 2 luận cứ (mưa to và gió lớn). Lập luận càng nhiều luận cứ càng có giá trị xác tín và có hiệu quả thuyết phục cao.

Bài văn tế của Nguyễn Đình Chiểu có 30 liên, 60 vế theo thể văn biền ngẫu, bao gồm nhiều phần. Theo thông lệ một bài văn tế có 4 phần (lung khởi, thích thực, ai vãn, kết). Theo cách phân chia cấu trúc văn bản, ta cũng có thể chia thành 3 khối nội dung để phân tích.

Khối 1. Mở đầu. Đây là đoạn văn khởi đầu bài tế, có 4 câu, 2 liên. Giống như mọi bài tế, từ đầu tiên “hỡi ơi” như một câu than, thể hiện tình cảm tiếc thương của tác giả. Nhưng sau 2 câu đầu (“Súng giặc đất rền/ Lòng dân trời tỏ”) là 2 câu luận, khái quát nghĩa khí, chiến công và ý nghĩa của các chiến binh Cần Giuộc (“Mười năm công vỡ ruộng, chưa ắt còn danh nổi như phao/ Một trận nghĩa đánh Tây, thân tuy mất tiếng vang như mõ”).

Khối 2. Đoạn kể về cuộc đời, thân phận, công đức, chiến công của những chiến binh. Khối này được phân chia thành 3 khối nhỏ, 3 tiểu đoạn, ranh giới phân chia bắt đầu bằng các từ và cụm từ liên kết như “nhớ linh xưa”, “khá thương thay”, “ôi”, “nhưng nghĩ rằng”.

Tiểu đoạn 1. Bắt đầu bằng “Nhớ linh xưa” đến “dốc ra tay bộ hổ”. Với 7 liên, 14 câu, tác giả đã hồi tưởng lại hình ảnh, công việc mà người mất vẫn thường làm. Đó là:

1.a) Những người chỉ biết “côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, quen với “việc cuốc việc cày, việc bừa việc cấy” mà “chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung” (trường nhung: nơi đánh nhau). → Ý lập luận: Họ là những người nông dân chân chất, sống hiền lành, không phải là người thích hợp nơi chiến trận;

2.b) Những người nghe tiếng “phong hạc” (“phong thanh hạc lệ, thảo mộc giai binh”: nghe tiếng gió thổi hạc kêu, nghe tiếng gió thổi ngỡ là giặc đến đánh), thấy “bòng bong che trắng lốp” (chỉ “cánh buồm vải nhiều dây của tàu Pháp”), “ống khói đen sì” mà “muốn tới ăn gan, muốn ra cắn cổ”, trước tình thế đó, họ “chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi” mà quyết “dốc sức ra tay bộ hổ (bộ hổ: bắt hổ, giết hổ). → Ý lập luận: Tuy là nông dân chất phác nhưng trước tình cảnh quân xâm lược xuất hiện họ đã tỏ rõ thái độ căm ghét và muốn đánh đuổi chúng.

Tiểu đoạn 2. Bắt đầu bằng “Khá thương thay” đến “tàu thiếc tàu đồng súng nổ”, 6 liên 12 câu. “Khá thương thay” là một lời than tiếc trước tình cảnh những người nông dân Cần Giuộc phải vào vai lính chiến, đánh nhau với quân Pháp rất mạnh về vũ khí. Họ không phải “quân cơ quân vệ”, “Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn/ Chín chục trận binh thư, đâu chờ bày bố”. Trang phục, trang bị vũ khí, họ chỉ “ngoài cật có một manh áo vải”, “trong tay cầm một ngọn tầm vông”, “hỏa mai đánh bằng rơm con cúi”, “gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay”. Thế mà họ đã “đốt được nhà dạy đạo”, “chém rớt đầu quan hai nọ”, “đạp rào lướt tới coi giặc cũng như không”, “xô cửa xông vào liều mình như chẳng có”… → Ý lập luận: Dù tương quan khí giới chênh lệch nhưng các chiến binh vẫn lập nên chiến công đáng nể. Điều này nói lên sự can trường, dũng cảm, không sợ giặc, không sợ hy sinh của họ.

Tiểu đoạn 3. Bắt đầu bằng “Ôi” đến “ở với man di rất khổ”. Đoạn này có 2 phân đoạn: 1. Từ “ôi” đến “cho đáng số”; 2. Từ “Nhưng nghĩ rằng” đến “rất khổ”. Hướng diễn giải, thể hiện niềm tiếc thương “xác phàm vội bỏ”, “da ngựa bọc thây”, “cỏ cây mấy dặm sầu giăng, già trẻ hai hàng lụy nhỏ”, song “sống làm chi theo quân tà đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc” thì “thấy chỉ thêm buồn”, “sống làm chi ở lính mã tà (mã tà: cảnh sát), chia rượu lạt, gặm bánh mì” sao bằng “thác theo tổ phụ”. → Ý lập luận: Nỗi đau mất mát (chết) là có thực, nhưng chết một cách hiên ngang, không chịu cúi đầu khuất phục trước quân thù mới thật là hiển vinh.

Khối 3. Phần kết thúc bài tế, bắt đầu từ “Ôi thôi thôi” đến “Có linh xin hưởng”, gồm 6 liên, 12 câu. Phần này có 2 tiểu đoạn.

Tiểu đoạn 1 (“Ôi thôi thôi” đến “dật dờ trước ngõ”).

Tiểu đoạn 2 (“Ôi” đến “Có linh xin hưởng”). → Ý lập luận: Tên tuổi, chiến công, khí phách của những nghĩa quân sống mãi.

***

Qua việc phân đoạn và phân tích các khối văn bản của Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, ta có thể hình dung ra cấu trúc lập luận của một các đoạn này:

+ Khối 1: 1 luận cứ (giới thiệu sơ bộ) → chưa kết luận.

+ Khối 2: 3 luận cứ → 3 kết luận.

+ Khối 3: 2 luận cứ → 2 kết luận.

Cả 3 khối làm nên tổng thể một lập luận khái quát: → Sự hi sinh của những nghĩa quân Cần Giuộc quả là một nỗi đau khôn cùng. Nhưng sự hy sinh đó không vô ích và vô nghĩa. Lòng trượng nghĩa, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần quả cảm, những chiến công của họ được truyền tụng và sống mãi trong lòng nhân dân. Họ mãi mãi bất tử (“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia/ Sống thờ vua, thác cũng thờ vua, lời dụ dạy đã rành rành, một chữ ấm đủ đền công đó”).

Chính vì vậy, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là một văn bản đặc biệt (về thể loại, nội dung, từ ngữ, lối viết) được thể hiện qua ngòi bút một nhà thơ yêu nước. Nó không phải là một bài văn nghị luận, nhưng dưới góc nhìn của lý thuyết lập luận thì bài tế lại là một văn bản có giá trị lập luận rất cao. Bài văn tế này không chỉ là nỗi xót thương trước sự ra đi của các nghĩa quân, mà còn là sự bày tỏ niềm kính trọng, sự ngưỡng mộ của tác giả, nói hộ nỗi lòng của nhân dân Cần Giuộc (và xa hơn là nhân dân Nam bộ) trước khí phách của những “nông dân áo vải”, dám đương đầu với ách cai trị của thực dân đế quốc.

Vượt ra khỏi phạm vi một bài văn tế, chỉ dùng trong nghi thức tang ma, Văn tế nghĩa sĩ Cần Guộc mang một thông điệp ngữ nghĩa rất hào sảng, hùng hồn và xứng đáng được coi là một kiệt tác của Nguyễn Đình Chiểu.

Đã có nhiều bài văn tế trong lịch sử, như Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du; Văn tế đồng bào chết vì nạn bão lụt ở Nghệ Tĩnh của Phan Bội Châu; Văn tế Võ Tánh, Văn tế Ngô Tùng Châu, Văn tế trận vong tướng sĩ của Đặng Đức Siêu, Nguyễn Văn Thành (Nguyễn Q. Thắng) và sau này có nhiều bài văn tế hay điếu văn nổi tiếng được nhiều người biết đến.

PGS-TS PHẠM VĂN TÌNH (Thể thao & Văn hóa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập232
  • Hôm nay32,313
  • Tháng hiện tại465,855
  • Tổng lượt truy cập60,349,662
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây