Nhà thơ Trần Dần: Cái chưa biết mới là cái mới

Thứ hai - 16/05/2022 21:22
- Có những con người mà ta chỉ gặp một đôi lần trong đời để rồi mãi nhớ, mãi ám ảnh về họ. Với tôi, Trần Dần là một người như vậy.
Nhà thơ Trần Dần (1926 -1997)
Nhà thơ Trần Dần (1926 -1997)

Tôi đã đọc Người người lớp lớp của ông từ lúc học trường làng ở Quảng Bình trong tủ sách cha tôi để lại. Trong tưởng tượng của tôi, ông là một chiến binh cao lớn, oai vệ lắm.

Nhưng khi gặp ông lần đầu ở Huế cách đây chừng ba mươi năm, tôi chợt ngớ ra trước một ông già nhỏ bé, bạc trắng tóc râu, một chân bị liệt phải chống chiếc gậy trúc, đi đứng nhọc nhằn, lên bậc tam cấp phải có người dìu đỡ.

Tiếng ông nói vang, ấm nhưng thường bị hụt hơi vào cuối câu, nên rất khó nghe. Chỉ đôi mắt ông là rực sáng long lanh như hai hạt ngọc. Đôi mắt ấy phát sáng cho ta đọc được một tính cách mạnh mẽ. Đôi mắt lấp lánh của một tư chất thông minh, nhạy cảm và đầy tin cậy.

Và khi tiếp xúc nhiều lần với ông, nghe ông kể chuyện và đọc thơ văn ông, tôi nhận ra một điều lý thú: Ngôn ngữ của ông cũng long lanh ánh sáng, rất ấn tượng như mắt ông!

Chuyến ông được Phùng Quán tháp tùng vào Huế đầu tháng 5.1988, theo ông kể là chuyến vô Huế lần thứ hai. Hồi còn trẻ, năm 1946, ông theo một bóng hồng vô Huế như một lữ khách giang hồ.

Sau ba mươi năm ngồi một chỗ ở Hà Nội, vào Huế ông được mời tiếp xúc, đối thoại với công chúng hai buổi ở Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên (cũ), và ở nhà văn hóa Thanh niên Thành đoàn Huế.

Sau hai buổi ra mắt ấy, ông lại ngồi tại khách sạn số 2 Lê Lợi, chỗ ông được bao trọ. Tại đây tôi có 3 buổi sáng trò chuyện với ông. Nói đúng hơn là tôi đặt câu hỏi rồi nghe ông nói. Và ghi chép như một nhà báo. Ông nói rất hay, rất cuốn hút.

Sáng ngày 11.5.1988, tôi đến khách sạn hầu chuyện ông. Thấy ông ngồi một mình trên giường, tôi hỏi sao không đi chơi đâu đó với anh Quán.

Ông nói: “Phùng Quán ngồi không yên, chỉ thích đi. Mình ngồi ba chục năm quen rồi. Ngồi mà vẫn đi, vẫn ngao du. Mình có cuốn sổ bụi, sổ ngao du. Mình đi chơi lang thang trong cuốn sổ này. Đây là sổ để ghi tất cả những gì mình nghĩ ra, có khi ngoài cả ý thức. Đó là cách đi của mình”.

Đang nói, ông chợt dừng lại, chớp mắt, hỏi tôi: “Ngô Minh có quen Dương Tường không?”. Tôi bảo có đến nhà uống rượu với anh ấy mấy lần. Ông bảo: “Dương Tường hợp với tính mình, nó ngồi được. Nghĩ nhiều hơn đi!”.

Tôi hỏi ông có thích uống rượu không, Huế có rượu Chuồn, rượu Hiếu ngon chẳng khác gì rượu làng Vân ngoài Bắc.

Ông bảo: “Mình không uống được nhiều rượu. Vui thì làm một ly. Nhưng nói chung thì không uống. Mình chỉ nghiện thuốc lào. Thuốc lào phải hút bằng đóm, châm vào đèn dầu hỏa như các cụ ở quê, mùi muội đèn làm cho thuốc bắt hơn”.

Tôi lái sang chuyện thơ. Ông phấn chấn hẳn lên. Thơ là cái thăm thẳm. Thơ là cái không lường được như Aristoteles nói. Không thể lường được với các nhà thơ! Cụ Hồ có lần khuyên cụ Phan Bội Châu: “Lập thân tối hạ kỵ văn chương”. Cụ Phan không nói gì mà chỉ cười. Rồi cụ Phan vẫn lấy văn chương mà lập thân.

Văn chương có hai loại: Văn chương quân tử và văn chương tiểu nhân. Văn chương tiểu nhân thì không lập thân được. Văn chương cụ Phan hướng tới mục đích là văn hiến, văn hóa, là khai sáng.

Vào Huế, mình thấy Huế là xứ thơ. Thơ là trời, là đất, là vũ trụ. Ở đây, vừa có trời, vừa có trăng non, lại vừa có đất. Ở các thành phố hiện đại, trẻ con không biết có ông trăng, không biết có trời, lại không biết có đất vì chỗ nào cũng gạch lát và đường nhựa.

Ở phố Cổng Tỉnh (Nam Định) quê mình cũng có trời, có đất. Trời đất Cổng Tỉnh cho mình tiểu thuyết thơ Cổng Tỉnh! Tôi rất kinh ngạc khi ông đọc cho tôi nghe một danh sách dài trên 30 cuốn sách mà ông viết trong 30 năm qua, như: Người người lớp lớp, Nhất định thắng, Cách mạng Tháng Tám (1955-1956).

Đó là các tác phẩm Đây Việt Bắc (thơ, 1957), 17 tình ca (1958-1959), Cổng Tỉnh (1960, dạ khúc trường thiên), Đêm núm sen (1961, tiểu thuyết); Những ngã tư và những cột đèn (tiểu thuyết, 1964), Mùa sạch (thơ, 1965), Một ngày Cẩm Phả (1965, tiểu thuyết), Con trắng (1967, thơ hồi kí), Động đất tâm thần (tập thơ 1974), Thơ không lời – Mây không lời (tập thơ 1978), Thiên thanh – 77 – ngày ngày (1979), 36 – thở dài – Tư Mã dâng sao (thơ, 1980), Thơ mini (1987) v.v… và rất nhiều tác phẩm văn học dịch.

Quả là một sức sáng tạo kì lạ. Đa số các tác phẩm trên chưa được in.

Gần đây, ông được Nhà xuất bản Hội Nhà văn in Bài thơ Việt Bắc (1990) và tập thơ Cổng Tỉnh (1995). Tập Cổng Tỉnh được tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1995. Âu đó cũng là niềm an ủi đối với ông sau mấy mươi năm vắng bóng trên văn đàn. Nhưng còn rất nhiều bản thảo của ông chưa được xuất bản, mong sao các tác phẩm ấy sớm đến được với độc giả.

Sáng hôm sau ông lại say sưa nói với tôi về thơ. Trần Dần cho rằng làm thơ là làm chữ. Con chữ nó đẻ ra nghĩa, sẽ được nhiều nghĩa. Cái biết rồi là nghĩa, cái chưa biết là chữ. Nếu làm thơ mà làm nghĩa rồi mượn chữ để diễn đạt nghĩa thì nghĩa sẽ hẹp.

Cái chưa biết mới là cái thăm thẳm, cái chưa biết chính là cái mới. Nguyễn Du vừa làm chữ, vừa làm nghĩa. Ví dụ câu “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” là làm nghĩa.

Còn câu “Mai sau dù có bao giờ” là làm chữ. “Ngô Minh thấy không, ông nhấn mạnh, câu thơ toàn hư tự mà lại đa nghĩa, đa cảm! Có anh bạn làm thơ ở Hà Nội, tôi và Phùng Quán thường gọi là Chúc “Bờ sông”, còn có cả bài thơ một chữ: Xong – Vợ chồng – Xong. Một bài thơ thật đa nghĩa, mới mẻ. Tôi có lời bình rất tâm đắc về bài thơ ông Chúc ấy, nhưng bị Phùng Quán chê là quá dài dòng.

Lời bình của tôi là: “Vợ chồng/ Cái mớ bòng bong ấy gọi là xong”. Chữ của thơ nó khiếp thế đấy. Gần đây tôi làm nhiều thơ ngắn. Cực ngắn, gọi là thơ mini. Mỗi bài chỉ có hai câu. Cũng muốn đưa ra một loại thơ mới, trọng cái chữ hơn.

Ví dụ bài một câu: “Mưa rơi không cần phiên dịch” hay bài hai câu: “Có những chân trời không có người bay/ Lại có những người bay không có chân trời…”.

Tôi nhắc lại chuyện 1946, ông cùng với Đinh Hùng và một số bạn thơ lập nên nhóm Dạ Đài với tuyên ngôn thơ tượng trưng. Chủ trương làm cuộc cách mạng đổi mới thơ ca.

Thực tế ông vừa là người chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp, đánh trận Điện Biên Phủ, viết tiểu thuyết ca ngợi người lính cách mạng, đồng thời ông là chiến sĩ thơ luôn trung thành, xông xáo với ước vọng đổi mới thơ ca.

Ông nhìn xa, lặng lẽ châm đóm thuốc lào, rồi ông nói, giọng trầm hơn: “Đúng, tôi muốn thơ phải luôn luôn mới. Hôm qua tôi nói trước công chúng là chôn tiền chiến, chắc có người chưa hiểu hết ý. Thơ văn tiền chiến là thành tựu. Không thể phủ nhận. Nhưng thế hệ mình phải có cái của mình chứ.

Thơ phải luôn luôn tự đổi mới. Bắt chước tiền chiến là một loại bệnh. Tôi gọi nó là bệnh đèm đẹp. Giống như người trồng hoa mà mỗi buổi sáng lại đi rưới nước hoa vào những luống hoa.

Quen dần trong nếp cũ, sẽ không còn khả năng vạch ra cái mới, cái có ích, tức là mất khả năng khám phá, là chết dần với những cái cũ lặp lại. Loài người phải luôn khám phá sáng tạo. Tự do là tất yếu là một phát kiến lớn.

Nhưng Hội nghị Triết học bàn tròn Pháp cho rằng Tự do là phản tất yếu cũng là một phát kiến cách mạng. Con người không thể bay vì con người không có cánh – đó là tất yếu. Nhưng con người muốn bay và bay được – đó là phản tất yếu.

Những người lắp cánh bằng màng mỏng vào tay, bay từ lầu cao xuống đã chết. Đó là cái chết của ước muốn bay. Đó là khởi đầu của khoa học hàng không vũ trụ. Đó là tự do. Đi vào cái mới, khám phá cái mới cũng có thể phải chết. Nhưng nếu không có sự khai phá, dấn thân của một cá nhân, một nhóm, một thế hệ, thì cả nhân loại chỉ có tự do sống trong cái cũ. Vì thế mà tôi luôn chủ trương đổi mới thơ”.

Chiều 14.5.1988, tôi mời cơm ông, Phùng Quán và một số anh em nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Lập, Vĩnh Nguyên tại căn phòng tập thể của mình ở chân dốc Bến Ngự. Anh em thì uống rượu với đồ nhắm.

Riêng nhà thơ Trần Dần được ưu tiên các loại bánh Huế như bánh nậm, bánh bèo, bánh bột lọc… Cuộc rượu hôm đó phải thắp đèn dầu vì mất điện. Dù vậy câu chuyện văn chương vẫn rôm rả đến tận nửa đêm.

Sáng hôm sau, gặp lại tôi, ông bảo: “Ở Huế ăn ngon, hợp khẩu vị, không cay như món ăn Ấn Độ. Bánh của nhân loại Huế, nhân loại tím, là chúa sơn lâm! Các nơi khác có nguyên liệu mà không làm được. Cái ngon, cái mới cũng có sẵn đâu đó như là bánh Huế. Chỉ có người thích làm, dám làm, biết làm mới làm được…”.

Ông tự gọi mình là Tư Mã Gãy. Ấy là sự buồn của đời ông. Nhưng trong tôi ông bao giờ cũng là ấn tượng mạnh. Giờ đây, ông đã là người thiên cổ, tôi viết mấy dòng này như nén nhang tưởng niệm ông, một người suốt đời vì những con chữ Việt.

NGÔ MINH
 Tags: ám ảnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập153
  • Hôm nay29,161
  • Tháng hiện tại433,061
  • Tổng lượt truy cập60,316,868
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây