Kim Liên - Địa linh nhân kiệt

Thứ ba - 27/04/2021 16:28
Địa danh Kim Liên, Nam Đàn có một môi trường cảnh quan và lịch sử, văn hóa đáng tự hào, được người đời tôn vinh là vùng địa linh nhân kiệt.
 
Núi Chung
Núi Chung

Một chi nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy theo hướng Đông đến hết địa phận huyện Thanh Chương thì chia làm hai nhánh. Nhánh bên phải là dãy Thiên Nhận, nhánh bên trái là dãy Đại Huệ, như hai cánh tay khổng lồ ôm trọn lấy địa bàn huyện Nam Đàn. Giữa địa bàn huyện Nam Đàn nổi lên một ngọn núi gọi là núi Chung. Núi Chung là cảnh quan tiêu biểu của quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả bảy làng của xã Kim Liên: làng Sen (Kim Liên), làng Chùa (Hoàng Trù), làng Sày (Mậu Tài), làng Gáo (Nguyệt Quả), làng Trại (Tính Lý), làng Đình (Ngọc Đình), Kẻ Móng (Vân Hội) để ở quanh núi Chung.

Núi Chung cao gần 50m, nhưng đứng trên đó có thể nhìn thấy cả một vùng rộng lớn chứa đựng một hàm lượng lớn trầm tích phù sa lịch sử văn hóa phong phú, đậm đà sắc thái xứ Nghệ.

Phía Tây có dãy Hùng Sơn (Rú Đụn), từ xưa đã được liệt vào hàng “danh sơn mây khói tụ” (Nghệ An ký), ở nơi đó có dấu tích Đế đô Vạn An, ngôi đền thờ và khu mộ của Mai Hắc Đế, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nổi tiếng chống ách xâm lược nhà Đường từ năm 713 – 723.

Phía Tây Nam có dãy Thiên Nhận trùng trùng, điệp điệp như “đàn ngựa ruổi theo” (Nghệ An ký), ở trên đó có thành Lục Niên, đại bản doanh của Lê Lợi trong công cuộc đánh đuổi quân xâm lược Nhà Minh, giải phóng đất nước và Sùng chính thư viện do La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đứng đầu dưới triều đại Vua Quang Trung.

Phía Đông Nam có dãy Lam Thành, với ba ngọn Triều Khẩu, Phượng Hoàng, Nghĩa Liệt đứng kề Ngã ba Tam Chế trên dòng sông Lam, một thời kỳ đã làm chỗ đứng chân cho lỵ sở sở Hoan Châu. Ở trên núi có thành Lam, nơi diễn ra kỳ tích “Ăn cỗ đầu người” của Nguyễn Biểu, một danh thần đầy khí phách hiên ngang dưới Thời Trần Trùng Quang khi giáp mặt đối đầu với tướng giặc Minh là Trương Phụ.

Phía Bắc có núi Đại Huệ, thế núi nguy nga đẹp như tranh vẽ. Trên sườn núi có thành quách của Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương xây dựng để bảo vệ nền độc lập dân tộc trước ngọn sóng xâm lăng của phong kiến phương Bắc.

Tiếp phía dưới núi Đại Huệ là dãy Đại Hải và Thai Phong giăng giăng như bức trường thành chống chọi với phong ba biển cả. Theo huyền thoại được lưu truyền trong ký ức dân gian vùng này thì ở trên núi Thai Phong có một huyệt đất phát Hoàng đế với cảo địa lý: “Dĩ Lam Thành sơn vi kỳ, dĩ Chung Sơn vi cổ, dĩ Thai Sơn vi kiếm, dĩ Hồng Lĩnh vi vạn mã, thiên binh, phát tại Nam phương, tiền Vương, hậu Đế” (Nghĩa là: lấy núi Lam Thành làm cờ, lấy núi Thai làm kiếm, lấy núi Hồng Lĩnh làm tướng mạnh, binh hùng, phát tại phương Nam, lúc đầu xưng Vương, sau làm Hoàng đế). Nơi cát địa đó đã bí mật táng hài cốt vị đức tổ của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Bên dòng Lam giang đại thủy mạch của xứ Nghệ, cách Kim Liên về phía Tây khoảng 4km, ở sát tả ngạn là làng Đan Nhiệm, quê hương của Phan Bội Châu, người khởi xướng phong trào Đông du, mở đầu cho xu thế hội nhập quốc tế để cứu nước trong những năm đầu thế kỷ XX.

Đứng trên núi Chung, phóng tầm mắt ra xa, ta thấy được làng Thông Lạng, quê hương của Lê Hồng Phong, làng Xuân Nha, quê hương của Phạm Hồng Thái, thành phố Vinh, nơi sinh của Nguyễn Thị Minh Khai, làng Tùng Ảnh, quê hương của Trần Phú, làng Đông Thái, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là quê hương của Phan Đình Phùng, và dưới chân dãy Hồng Lĩnh ở địa bàn huyện Nghi Xuân là quê hương của đại thi hào Nguyễn Du và của nhà thơ, nhà quân sự, nhà kinh tế Nguyễn Công Trứ.

Núi Chung là một thắng cảnh và cũng là nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa. Trên đó có ngôi chùa Đạt, thờ Phật tổ Như Lai, đền Thánh Cả, thờ Nguyễn Đắc Đài, một danh tướng có công đánh giặc Bồn Man, dưới thời nhà Trần. Năm 1885, khi thực dân Pháp đến xâm lược mảnh đất này, Vương Thúc Mậu, người con của đất Kim Liên đã lập đội Chung nghĩa binh nơi đây, phất cao cờ nghĩa để bảo vệ quê hương. Núi Chung còn là nơi đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của thời dựng Đảng, Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), cách mạng tháng Tám năm 1945 và tiếp nối oanh liệt mãi tới ngày nay.

Cách ngày nay mấy thế kỷ các bậc tiền nhân sống ở nơi đây đã tự hào lấy cảnh núi Chung tượng trưng cho đất, lấy cảnh bàu cự Thủy tượng trưng cho nước nên đã đạt tên cho quê hương mình là xã Chung Cự. Địa danh xã Chung Cự đã tồn tại được mấy trăm năm, đến sau cách mạng tháng 8 năm 1945 dưới chính quyền mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, địa danh xã Kim Liên được ra đời thay thế địa danh xã Chung Cự.

Về đời sống tinh thần, người dân Kim Liên cũng có bản sắc độc đáo.

Vùng Kim Liên, Nam Đàn từ xưa đã nổi tiếng là nơi có thuần phong mỹ tục, có truyền thống hiếu học và khổ học. Trong cuộc đấu tranh để sinh tồn, nhân dân nơi đây rất chú trọng việc nâng cao kiến thức cho con em mình. Dù đói cơm đứt bữa, nhiều gia đình vẫn tìm thầy cho con em học dăm ba chữ của Thánh hiền để biết làm người. Vì thế, ở Kim Liên đã hìnhthành một lớp nhà Nho bình dân – trí thức nông thôn.

Theo “Đăng khoa lục” thì từ đời Vua Dương Hòa (1613) đến năm Mậu Ngọ (1918) là năm tổ chức kỳ thi chữ Hán cuối cùng ở Trung Kỳ, xã Chung Cự (Kim Liên ngày nay) trong suốt 96 khoa thi đã có 193 người đậu đạt gồm có Hiệu sinh (Thời Lê), Tú tài (Thời Nguyễn), Hương cống (Thời Lê), Cử Nhân (Thời Nguyễn), Phó bảng. Khoa thi Kỷ Mão (1639) cả xã có 10 người thi đậu, làng Kim Liên có 6 người. Khoa Tân Mão (1651), cả xã đậu 7 người, làng Kim Liên đậu 4 người. Khoa Canh Tý (1660), cả xã đậu 6 người thì cả 6 người đều ở làng Kim Liên…

Đầu thế kỷ XX, ở huyện Nam Đàn có 4 người được nhân dân suy tôn là “Tứ hổ”, đó là Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương và Nguyễn Sinh Sắc, trong đó chỉ có Phan Bội Châu là người làng Đan Nhiệm, còn lại đều là người làng Kim Liên.

Mảnh đất Kim Liên từ xưa là một trung tâm nổi tiếng sinh hoạt hát Ví phường Vải. Đây là môi trường giao lưu tình cảm thông qua lao động quay xa, kéo sợi và cũng là môi trường thi trí, thử tài giữa nam thanh, nữ tú. Nhờ những buổi sinh hoạt văn hóa dân gian này mà trước đây nhiều người, trong đó có phụ nữ, tuy không đọc được chữ Hán, nhưng nói về nội dung chữ nghĩa hàm chứa trong đó thì họ lại thông hiểu, có khi đặt tới mức sâu sắc. Những đêm gió mát, trăng thanh, điệu Ví phường Vải nhẹ nhàng cất lên đã làm xao xuyến lòng người, đánh thức tình yêu lứa đôi và gợi lên mối tình quyến luyến quê hương, xứ sở, đã bồi đắp cho con người sống ở đây một vốn văn hóa dân gian phong phú, lạc quan yêu đời.

Kim Liên từ xưa đã là xứ sở của cây sen. Hàng năm khi tiếng chim tu hú gọi hè về vọng khắp đó đây, là lúc cây sen mọc lên đầy các ao, đầm, tạo nên cảnh trí “lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng” tỏa hương thơm ngát làng quê và đã làm dịu bớt khí nóng nực đầu hè do ánh mặt trời chiếu rọi xuống.

Trong thực tế ở làng quê chỉ có sen màu trắng (bạch liên) và sen màu hồng (hồng liên), không có sen màu vàng (kim liên), nhưng các bậc tiền nhân nơi đây đã có một ước vọng cao xa đặt tên cho làng quê mình là “sen vàng”, tên chữ là “Kim Liên”.

Trong kho tàng sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1595) có câu:

“Thủy trung tàng bảo cái, thị thử Thánh nhân hương” (nghĩa là: Trong hồ nước có chứa đựng vật quí, đó chính là cái làng của ông Thánh). Cái vật quí như cái lọng vàng đó là bóng lá sen.

La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp (1723-1804), người trí thức lớn nhất của Việt Nam ở thế kỷ XVIII, ở ẩn trên núi Bùi Phong dưới chân dãy Thiên Nhận, khi chu du tới đất Kim Liên, Nam Đàn tọa lạc trên đỉnh núi Chung, linh cảm được hào khí của mạch cát địa nơi đây đã ứng tác câu thơ mang tính dự báo về tương lai:

“Chung sơn tam đỉnh hình vương tự,
Kế thế anh hùng vượng tử tôn”.

Nghĩa là:

“Núi Chung ba đỉnh hình chữ Vương
Con cháu đời nối đời là anh hùng”.

Niềm tin lạc quan về tương lai của nhân dân Kim Liên đã trỗi dậy từ câu sấm ký của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, nay nghe câu thơ mang tính dự báo cho tương lai của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, thì niềm tin lãng mạn tích cực đó càng mãnh liệt hơn.

Bước sang những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vùng Kim Liên, Nam Đàn và cả xứ Nghệ lại lan truyền một câu sấm ký kỳ lạ: “Đụn sơn phân giới, Bò Đái thất thanh, Nam Đàn sinh thánh” (nghĩa là núi Đụn phân giới ra làm hai, khe Bò Đái mất tiếng, đất Nam Đàn sinh Thánh).

Sống dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nhân dân ta đã bao phen nổi dậy để giành lại độc lập, tự do, nhưng đều bị đàn áp khốc liệt sa vào cảnh đầu rơi, máu chảy vô cùng tang thương, nên ai cũng tha thiết ước vọng có “Thánh Nam Đàn” xuất hiện.

Ngày 23-02-1905, Phan Bội Châu rời tổ quốc sang Nhật Bản gõ lên hồi chuông cứu nước vang động, mở đầu cho phong trào cứu nước theo xu hướng mới của thời đại. Ngọn cờ cứu nước của Phan Bội Châu đáp ứng lòng khao khát mong chờ của nhân dân. Có thể nói lúc này trong ý thức và niềm tin của dân tộc Việt Nam, trong đó có nhân dân quê hương Nghệ An thì hình tượng Phan Bội Châu là vị “Thánh Nam Đàn”.

Ngày 18/6/1925, trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu (Trung Quốc) để làm lễ kỉ niệm tròn một năm ngày liệt sĩ Phạm Hồng Thái hy sinh và chuẩn bị cải tổ Quốc Dân đảng theo sự gợi ý của Nguyễn Ái Quốc thì Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc ở ga Bắc Thượng Hải.

Thực dân Pháp đã cướp mất đi thời cơ tốt nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà chí sĩ yêu nước lừng danh họ Phan, chúng đưa Cụ về giam lỏng trong ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự của kinh thành Huế.

Sau đó mấy năm, giữa sự rình mò, bao vây của bọn thực dân Pháp, Phan Bội Châu thấy cần phải tổng kết cuộc đời hoạt động của mình để làm bài học kinh nghiệm cho thế hệ mai sau bằng cuốn hồi ký “Phan Bội Châu niên biểu”. Trong cuốn sách đó, nhiều lần Cụ trân trọng nhắc tên ông Nguyễn Ái Quốc.

Tại ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, Huế, có người đã hỏi Cụ: “Thánh Nam Đàn là ai?” thì Cụ nói ngay: “Thánh Nam Đàn là ông Nguyễn Ái Quốc”. Rồi Cụ chân thành khuyên một số thanh niên có tâm huyết với vận mệnh đất nước lúc ấy không nên theo Cụ nữa, mà theo ông Nguyễn Ái Quốc để hoạt động cứu nước.

Trong bối cảnh lịch sử đó, ở xã Chung Cự, nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã xuất hiện một gia đình văn hóa và yêu nước tiêu biểu. Đó là gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Các thành viên trong gia đình này đều là những người có phẩm chất văn hóa cao đẹp và cũng là những người trực tiếp lao động thực sự, có cuộc sống cao thượng bằng kết quả lao động của chính mình.

Gia thế của ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan đã sản sinh, hun đúc và giáo dưỡng nên những người con giàu lòng nhân đạo cao cả và biết hạn chế những dục vọng tầm thường, để nuôi dưỡng những hoài bão lớn lao vì dân, vì nước. Họ đã sáng tạo ra những giá trị văn hóa mới góp phần tích cực làm phong phú và nâng cao chất lượng văn hóa của dân tộc Việt Nam trong thời hiện đại.

Nguyễn Sinh Cung là người con ưu tú bậc nhất của một gia đình văn hóa và yêu nước tiêu biểu, lớn lên trong vùng địa linh Kim Liên, Nam Đàn nổi tiếng. Nguyễn Sinh Cung đã biết tiếp theo một cách sâu sắc có chọn lọc những trầm tích phù sa văn hóa lịch sử của gia đình và quê hương để có một hành trang ban đầu, rồi được bổ sung, hoàn thiện trên con đường vạn dặm hoạt động cứu nước, cứu dân, kết quả đã gặt hái được toàn thắng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cả thế giới tôn vinh là danh nhân văn hóa kiệt xuất.

Yués Robin, nhà văn hóa Pháp, đầu xuân năm 1974 đến tham quan, chiêm ngưỡng những di tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên đã trân trọng ghi vào cuốn sổ vàng mấy dòng cảm tưởng:

“Tôi đặc biệt xúc động bởi chuyến đi thăm này tại một mảnh đất địa linh, nơi mà người ta cảm thấy nhịp đập của trái tim lớn Việt Nam và những kỷ niệm đẹp về Hồ Chí Minh vĩ đại, mà sự vĩ đại của Người đã vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường của nhân loại”.

Theo http://thegioidisan.vn/vi/kim-lien-dia-linh-nhan-kiet.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập140
  • Hôm nay24,100
  • Tháng hiện tại236,668
  • Tổng lượt truy cập60,120,475
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây