Ngữ nghĩa một số địa danh thuộc trường từ vựng núi non ở Nghệ An

Thứ bảy - 14/07/2018 13:03
Liên quan đến trường từ vựng này, cũng cần hiểu thêm rằng, ở Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung không có từ núi mà chỉ có rú, động / đôộng, riêng núi đá vôi thì người Nghệ gọi là lèn.
Địa danh có nguồn gốc tiếng Hy Lạp là “topos” (vị trí) và “omona / onyma” (tên gọi). Tất cả các tên gọi địa lý được đánh dấu, ghi nhận bằng các địa danh - đơn vị tương đương với từ, được lấy từ vốn từ vựng chung hoặc được tạo ra trên cơ sở nguyên tắc ở dạng biến thể của ngôn ngữ văn hóa trong một phương ngữ cụ thể. Khi đã trở thành tên riêng, địa danh gắn liền với một đối tượng cụ thể, có thể là đối tượng địa lý tự nhiên hoặc nhân văn. Tính chất riêng đòi hỏi địa danh phải gắn với ý nghĩa nhất định để cá thể hóa, để khu biệt đối tượng.



Liên quan đến trường từ vựng này, cũng cần hiểu thêm rằng, ở Nghệ An nói riêng và Nghệ Tĩnh nói chung không có từ núi mà chỉ có rú, động / đôộng, riêng núi đá vôi thì người Nghệ gọi là lèn. Trong Dư Địa Chí, Nguyễn Trãi viết: “Kỳ Lân là tên núi, ở bên hữu sông Vĩnh Giang, Lam là tên sông, phát nguyên từ sông Linh Giang…” (5, tr.41). Các tác giả Bùi Dương Lịch, Đại Nam Nhất Thống Chí… cũng đã giải thích, lý giải một số địa danh trên địa bàn Nghệ Tĩnh. Chẳng hạn “núi Mộ Dạ: có tên nữa là Dạ Muỗi, ở cách huyện Đông Thành 18 dặm về phía Nam, cây cối xanh tốt, có nhiều chim công, có đền thờ An Dương Vương…” và “núi Trụ Hải: ở địa phận Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, hình thế cao lớn, cây cối xanh tươi, một dãy chạy thẳng đến biển, có khí thế ngăn sóng gió, nên gọi tên thế. Phía Đông núi là chỗ phát nguyên sông Hoàng Mai…” (4, tr.164). Những trích dẫn từ các thư tịch cổ trên đây đã cắt nghĩa rằng: các địa danh hầu hết có lý do, vấn đề là có tìm hiểu được một cách chuẩn xác cách đặt tên của chủ thể và ý nghĩa của tên gọi đó hay không mà thôi.

Có thể lần tìm ý nghĩa tên gọi của các địa danh thuộc trường từ vựng núi non theo một số căn cứ sau:

* Gọi tên theo dấu hiệu hình thức của đối tượng

Động Yên Ngựa (Mã Yên Sơn), động Mụi (mũi) Thuyền (Yên Thành), động Mồng Gà (Diễn Châu), động Giăng Màn, động Chụp Nón (Thanh Chương), lèn Hai Vai (Diễn Châu), lèn Thủng Buồng (Quỳnh Lưu), lèn Cờ (Yên Thành), rú Rọ Con (Thanh Chương)…

Rú Con Mèo (Kỳ Lân) ở phía Tây Dũng Quyết (rú Quyết) hình dáng trông như con thú nằm. Truyền thuyết dân gian giải thích về ngọn núi này như sau: Tương truyền từ thuở xa xưa ở hạ lưu sông Ngàn Sâu (vùng Hương Sơn, Hương Khê, Hà Tĩnh) có một ghềnh sâu thẳm, thường ngày ông khổng lồ đến bắt cá mang đi bán chợ xa. Nhưng để bắt được nhiều cá hơn, ông khổng lồ bèn nhặt đá chắn ngang sông, trừ một lạch nước vừa đủ để đặt đó hứng cá. Bỗng một hôm, ông khổng lồ đến đặt đó thì gặp ngay một chú mèo đang ăn vụng cá bèn tóm lấy cổ mèo rồi cố sức vung tay ném ra xa. Nào ngờ con mèo bị ném xa vượt sông La, sông Cả rồi rơi xuống gần rú Quyết. Mèo bị rơi xuống đất, dùng bốn chân đỡ thân thể, rồi lâu ngày hóa đá. Vì lẽ đó, người đời sau gọi là rú Con Mèo.

Cũng như thế, ở Yên Thành có rú Mạ Yên (Mã Yên Sơn) hay rú Yên Ngựa có hình dáng giống yên ngựa; động Mụi (mũi) Thuyền (Phúc Thành) có hình dáng giống với mũi thuyền; rú Tháp (Hậu Thành) đứng xa trông giống hình ngọn tháp; đồi Mọm (mõm) Dế (Mã Thành) nhìn từ xa như mõm con dế. Ở Quỳnh Lưu có rú Thiên Mã (Quỳnh Bá) nổi lên giữa đồng ruộng, núi như hình con ngựa; rú Cờ Tiên (Quỳnh Thuận) trên núi có khối đá phẳng, vuông như bàn cờ, có viên đá đặt trên mặt phẳng như quân cờ…

* Tìm hiểu ngữ nghĩa của địa danh núi non qua sắc thái nghĩa của các từ xét theo bình diện từ nguyên

Ví dụ: các địa danh Hán Việt như: Giai Thịnh, Mã Sơn, Chân Thủy, Phú Da, Triều Cảnh, Mộ Dạ, Kỳ Lân, Phượng Linh, Mã Yên Sơn, Thần Vũ, Kim Nghê, Phượng Hoàng…; các địa danh thuần Việt như: động Nịt, động Thị, động Ong, động Lều…, rú Trửa, rú O Bò, rú Nón, rú Đất, rú Bạc, rú Gây (gai), rú Mọ, rú Trét, rú Hốc… Chỉ có 5 địa danh về cồn là Hán Việt, như: Hậu Luận, Thổ Sơn, Thiên Đàng, Phú Lương, Hoàng Lương, còn tất cả là thuần Việt. Với địa danh hòn, lèn cũng tương tự, chỉ có: hòn Thượng, hòn Dạ Sơn, hòn Câu (Câu Sơn), hòn Giang, lèn Tràng Thịnh, Long Minh, Trung Quân, Tùng Sơn, Thượng, Chung Sơn, Bảo Nham, còn lại là địa danh thuần Việt.

Có những trường hợp tồn tại song song cả địa danh Hán Việt và thuần Việt như: động Thờ/Cao Sơn, rú Thông/Mộ Dạ, rú Ta/Mã Yên Sơn, rú Mụa/Tiên Tích Sơn, rú Ngàn/Tạc sơn, rú Đai/Ngọc Đái Sơn, lèn Nhỏ/Tiểu Thạch Sơn, lèn Hai Vai/Lưỡng Kiên Sơn, rú Đụn/Hùng Sơn, rú Ngang/Hoàng Sơn…

Như vậy, những dãy núi lớn, những ngọn núi là danh lam gắn với sự tích lịch sử, văn hóa, với niềm tự hào thì thường được mang tên Hán Việt. Trong khi đó phần lớn các ngọn núi thấp, nhỏ, các hòn, cồn… lại thường mang tên thuần Việt. Hiện tượng tồn tại hai cách gọi Hán Việt, thuần Việt chứng tỏ sự lựa chọn tinh tế của chủ thể đặt ra địa danh cũng như sự phong phú của các phong cách ngôn ngữ giao tiếp.

* Gọi tên núi non có thể dựa vào cây cối

Muốn hiểu các địa danh, chúng ta cần hiểu cách định danh (gọi tên) của chủ thể, của từng khu vực khác nhau gắn với tiếng địa phương. Chẳng hạn: cồn Bục Bục, Ló Hột, Cơn Móc, Trúc, Vưng, Hóp, Cơn, Pheo, Vườn Mít, Chủi…; hòn Trúc, Lách, Trám…; lèn Thị, Chuối, Mưng…; rú Mít, Cơn Quýt, Cơn Nứt, Trè (chè), Bưởi, Sim, Dẻ; khe Lau… Cách định danh theo cây cối thường thấy ở nhiều nơi, song ở Nghệ An có các loài cây bản địa hoặc mang tên cổ như: “Pheo” (đồng nghĩa với Tre, song Pheo là yếu tố cổ hơn: lùm Pheo, đồng Pheo). Cách gọi tên núi non dựa vào cây cối mọc trên đó cũng là cách thường gặp trong hệ thống địa danh tiếng Việt, nhưng chính cách gọi theo tên các loại cây chỉ có trong tiếng Nghệ Tĩnh lại tạo nên nét đặc trưng ngữ nghĩa của hệ thống địa danh xứ này.

* Gọi tên núi non gắn với các sự kiện lịch sử, văn hóa

Có nhiều địa danh gắn với văn hóa dân gian, truyền thuyết, sự kiện lịch sử. Xin nêu ra một vài ví dụ:

Rú Ta (Diễn Thọ, Diễn Châu) gắn với sự tích: Tạ Công Luyện (tự Tôn Tịnh) xuất thân gia đình quý tộc vào thập kỉ 30, thế kỷ XV, lớn lên vào thời kỳ nhà Lê cực thịnh. Năm Tân Mão (1471), ông làm phó sứ, có công lớn giúp vua Lê Thánh Tông dẹp giặc Chiêm Thành, được phong Tướng quân khâm mệnh phó sứ Luyện Khê hầu. Thủy tổ họ Tạ của ông ở làng Bút Điền, Diễn Cát, vợ là người họ Cao, làng Nho Lâm, Diễn Thọ và địa danh rú Ta có gắn với sự tích riêng.

Rú Mụa ở xã Diễn Phú, Diễn Châu có nét riêng: Dưới chân núi có hòn đá to, in dấu một bàn chân nên gọi là rú Chân Tiên - Tiên Tích Sơn. Rú Cơm Nguội ở xã Bài Sơn, Đô Lương cũng gắn với sự tích: có một người đi ăn xin đã chết ở nơi này và bên cạnh có mo cơm nguội. Dân làng thương cảm và đặt tên cho núi là rú Cơm Nguội.

Chiến công của Mai Thúc Loan có gắn với hai dãy núi: Vệ Sơn và Hùng Sơn (rú Đụn). Mai Thúc Loan lấy núi Vệ (ở phía Bắc bãi Sa Nam, huyện Nam Đàn) làm trung tâm đóng đại bản doanh dưới chân núi Hùng Sơn (rú hình con gấu), xây thành Vạn An (yên ổn, lâu dài). Cái tên Vạn An được coi là quốc đô sau khi Mai Thúc Loan xưng đế. Rú Đụn (Hùng Sơn) ở phía Tây bãi Sa Nam sẽ làm chỗ nương thân nếu như thành Vạn An bị thất thủ.

Động Mồng Gà ở Quì Lãng (xã Lăng Thành và Thọ Thành) trước tên là Phi Liêm, phía Tây là rú Động Đình, phía Nam là Mã Yên, trên núi có ao trời, rộng vài trượng. Tương truyền, Phạm Viên (quê làng Yên Bài) tu tiên, gặp thầy tại đây nên có tên gọi động Tiên Sư. Rú Động Đình ở Qui Lai là núi lớn của Yên Thành. Khi Lê Thái Tổ vây thành Nghệ An đã sai Đinh Lễ vây hãm thành Diễn Châu tại núi này. Rú Quả ở Bạch Đường (xã Lam Sơn, Đô Lương) hình tròn như trái cây và phía Nam có đền thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang. Dãy Thiên Nhẫn kéo dài suốt địa phận 4 huyện: Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) và Hương Sơn, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Ở giữa dãy núi nổi lên ba đỉnh cao lớn gọi là Tam Thai. Tương truyền núi có 999 ngọn, ngọn nào cũng có hình dáng chồm lên như muôn ngàn ngựa phi (Thiên Nhẫn). Trong dãy này có ngọn Động Chủ, có thành cổ bằng đá, trên mặt đá có dấu vết người, ngựa, gươm giáo. Ngọn Hoàng Tâm là tổng hành dinh Lục Niên Thành của Lê Thái Tổ và ngọn Hoàng Bảng vào thời Cảnh Hưng năm thứ 30 là nơi Quận công Nguyễn Kiến Đống đóng quân chống lại Lê Duy Mật.

Địa danh nằm trong hệ thống từ vựng của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ xét đến cùng là một bộ thói quen của cộng đồng xã hội nhất định. Cũng như tên riêng nói chung, mỗi địa danh ra đời đều gắn với lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của một cộng đồng cũng như các sản phẩm ngôn ngữ khác được tích lũy hàng ngàn năm, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do vậy, địa danh có chức năng xã hội. “Với chức năng xã hội của nó, tên riêng không phải là một con số, một cái nhãn chỉ có tác dụng đủ để phân biệt mà là một biểu trưng. Ngay cả trong trường hợp là cái nhãn thật như nhãn rượu, nhãn thuốc lá, nhãn máy thu hình… thì khi sản phẩm đã có tên trên thị trường, nó cũng có một giá trị biểu trưng, giá trị mà người ta phải phấn đấu để xây dựng và bảo vệ” (6, tr.234).

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Nhã Bản, Trịnh Như Thùy (1999). Về địa danh Hội An. Tạp chí ngôn ngữ (6), tr.11-17.

2. Đỗ Hữu Châu (1999). Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt. NXB Giáo dục, Hà Nội.

3. Phan Xuân Đạm (2005). Khảo sát các địa danh ở Nghệ An. Luận án tiến sĩ ngữ văn, Đại học Vinh.

4. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997). Đại Nam nhất thống chí (Tập 2). NXB Thuận Hóa.

5. Nguyễn Trãi (1966). Ức Trai thi tập - Dư địa chí. NXB Sử học, Hà Nội.

6. Hoàng Tuệ (2008). Tuyển tập ngôn ngữ học. NXB ĐH Q6, TP. Hồ Chí Minh.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nhã Bản

Nguồn http://www.vusta.vn/vi/news/Thong-tin-Su-kien-Thanh-tuu-KH-CN/Ngu-nghia-mot-so-dia-danh-thuoc-truong-tu-vung-nui-non-o-Nghe-An-31847.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập233
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm232
  • Hôm nay22,560
  • Tháng hiện tại235,128
  • Tổng lượt truy cập60,118,935
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây