Sau đó đến thời nhà Lý, lễ này được tổ chức long trọng hơn và là một trong những ngày hội chính của triều đình vào mùa xuân. Đời nhà Hồ, thì hầu như phong tục này không còn được giữ.
Sang thời nhà Nguyễn, vua Gia Long đã quy định ruộng tịch điền và vua Minh Mạng khôi phục lại nghi lễ này và coi như một đại lễ quan trọng. Vua Minh Mạng từng xuống dụ xem việc này "thực là chính sự quan trọng của đấng vương giả". Nhà vua còn cho khảo sát lại nghi thức cử hành đại lễ này dưới các triều đại vốn cho rằng quá giản lược, vì thế tháng 2 âm lịch năm 1828 vua giao cho bộ Lễ soạn thảo chu đáo các điển lễ làm thành thông lệ lâu dài. Đến triều Tự Đức, nghi lễ được tu chỉnh cho bớt rườm rà và phù hợp với hoàn cảnh hơn. Từ nghi thức cho đến cách tổ chức, quy định người cày cho rõ ràng, nghiêm túc, thành kính vì nhà Nguyễn xem đây là một nghi lễ hết sức quan trọng thể hiện lòng trọng nông nghiệp của triều đình. Theo đó, sau nghi lễ, vua là người đầu tiên xuống ruộng cày, 3 lần đẩy cày đi, 3 lần đẩy cày lại, sau đó đến các vị hoàng công thân phiên, chỉ những người chức cao bổng hậu mới được tham dự, cày 5 lần rồi đến bá quan văn võ mỗi người cày 9 lần, cuối cùng là các vị kỳ lão hương thôn và lão nông... lần lượt cho đến khi kết thúc.
Lễ tịch điền thời hiện đại
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần ra đồng thăm hỏi, xắn quần lội ruộng cùng bà con nông dân.
Năm 2009, sau gần 100 năm ngừng tổ chức, lễ tịch điền được chính thức khôi phục tại Đọi Sơn thuộc tỉnh Hà Nam vào mùng 5-7 tháng giêng, và từ năm 2010, có sự tham gia của các vị chủ tịch nước đương nhiệm là Nguyễn Minh Triết (2006-2011), Trương Tấn Sang (2012-2016).
Sáng mùng 7 Tết Nhâm Dần 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên (Hà Nam) để cùng xuống đồng, tham dự lễ hội Tịch điền.
Sau màn múa trống khai hội cùng màn múa rồng, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã dâng hương linh vị Vua Lê Đại Hành và Thần Nông.
Một lão nông tái hiện hình ảnh Vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo Vua Lê và Thần Nông, sau đó lão nông này đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày 3 sá, theo sau là các cô gái đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc. Người được lựa chọn vào vai vua phải là lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và phải là thành viên của gia đình văn hóa.
Tiếp đó, Chủ tịch nước cùng một số vị lãnh đạo thực hiện nghi thức xuống đồng đầu năm.
Lễ hội Tịch điền không chỉ thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, lòng biết ơn tiền nhân, ý thức tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp để đời sống được no đủ, hạnh phúc.
Tiếng trống khai hội xuống đồng rộn ràng cùng với những sá cày “đánh thức đất đai, khai Xuân động thổ”, cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu, người dân ấm no hạnh phúc.
nguyenduyxuan.net tổng hợp