Địa danh có nguồn gốc từ nguyên quán
admin100
2022-01-28T19:13:00-05:00
2022-01-28T19:13:00-05:00
http://nguyenduyxuan.net/que-huong-dat-nuoc/dia-danh-co-nguon-goc-tu-nguyen-quan-11218.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/source/xuan-lam.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ sáu - 28/01/2022 19:13
- Trong hành trình mở cõi về phương Nam, những lưu dân Việt trên bước đường khai phá, lập nghiệp trên vùng đất mới đã mang theo vốn liếng, kinh nghiệm sản xuất, những hành trang văn hóa, trong đó có tên những làng quê cũ trên con đường chinh phục của mình.
Địa danh được ví như những tấm bia lịch sử-văn hóa, nên ngoài chức năng định danh nó còn là truyền thống văn hóa được bảo lưu, giữ gìn, đồng hành với cơ nghiệp. Trong quá trình ấy, nhiều địa danh ở miền Bắc, miền Trung đã được “dịch chuyển” vào phía trong, có tên gọi được giữ nguyên hoặc biến đổi cho phù hợp ở nơi mới.
Bình Ba là một đảo nhỏ diện tích trên 3km2 thuộc xã Cam Bình (thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa). Đảo nằm trong vịnh Cam Ranh, cách thành phố Nha Trang khoảng 60km về phía Nam, cách cảng Ba Ngòi (Cam Ranh) 15km về phía Đông. Trên đảo có 4 thôn là Bình Hưng, Bình An, Bình Ba Đông và Bình Ba Tây. Chữ “Bình” trong địa danh này vừa có nghĩa là “bình yên”, đồng thời cũng là “Bình Định”, để ghi nhớ tổ tiên từ Bình Định vào đây lập nghiệp giai đoạn khoảng cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18. Ở Bà Rịa Vũng Tàu có xã Bình Ba (huyện Châu Đức) do dân Khánh Hòa mang vào.
La Chữ (đúng ra là La Chử) là thôn thuộc xã Phước Hữu (huyện Phước Dân, Ninh Thuận) lập năm 1885, hiện còn hương ước năm 1929. Hưởng ứng phong trào Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông Phan Lành lãnh đạo nghĩa quân lập căn cứ tại vùng Nha Chá chống thực dân Pháp. Đình La Chữ mang phong cách kiến trúc Huế, còn lưu giữ các sắc phong đời vua Thành Thái, Duy Tân; lễ Kỳ yên ngày 16.2 âm lịch.
Làng La Chử là một ngôi làng nhỏ thuộc xã Hương Chữ (huyện Hương Trà xưa; nay là phường Hương Chử, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế), lập cuối thế kỷ XIV, vốn nổi danh là vùng đất học xưa nay. Thời Nguyễn, làng La Chử có tới 18 cử nhân, hương cống làm việc ở kinh thành, trong đó nổi danh là họ Hà; có người làm đến bộ trưởng, tỉnh trưởng chính quyền Sài Gòn.
Phường Phú Quý thuộc tổng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên, cuối thế kỷ XVIII. Từ đây, địa danh Phú Quý dịch chuyển vào Nam trên các chặng đường. Ở Quảng Ngãi, thôn Phú Quý (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) lập từ sau năm 1945. Đến Ninh Thuận thì có thôn Phú Quý, ngã ba Phú Quý thuộc thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước).
Vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738 – 1765), chính quyền Đàng Trong đã tổ chức trên đảo Phú Quý (nay là huyện Phú Quý, Bình Thuận) các đơn vị hành chính với 14 làng và 1 ấp. Mỗi làng được lập trên cơ sở một nhóm nhỏ ngư dân, đôi lúc chỉ có từ 10 – 12 tráng đinh và thường mang những tên cũ ở miền Trung trước khi đến đây lập nghiệp: Thoại Hải, Thế Hanh, Thế An, Hội Thiên, Hội Hưng, Hương Lăng, Mỹ Xuyên, Phú Ninh, An Hòa, Hải Châu, Thương Hải, Triều Dương, Hội An, Mỹ Khê và ấp Quý Thạnh.
Tại Nam Bộ, thôn Phú Quý thuộc tổng An Bảo (huyện Tân An, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thanh), nay là xã Phú Quý thuộc huyện Cai Lậy (Tiền Giang).
Làng Đông Ba và chợ Đông Ba trước thuộc xã Mỹ Hải (nay là phường Mỹ Đông, TP Phan Rang Tháp Chàm), là nơi cộng đồng người Huế vào sinh sống.
Theo sách Non nước Ninh Thuận của Nguyễn Đình Tư, đến thời điểm năm 1969, thôn Đông Ba thuộc xã Mỹ Hải, quận Thanh Hải (Ninh Thuận). Năm 1964, các xóm Đông Ba Trên, Đông Ba Giữa, Đông Ba Dưới bị lụt lớn (năm Thìn) nên phải dời lên xóm Đông (nay là xã Đông Hải, TP. Phan Rang Tháp Chàm).
Đông Ba là chợ lớn nhất ở thành phố Huế, tọa lạc tại phường Phú Hòa. Chợ cũ xây năm 1887, chợ mới xây năm 1899 bên ngoài cửa Chính Đông (Đông Hoa).
Đông Ba có dạng gốc là Đông Hoa, đến năm 1842 đổi thành Đông Ba để khỏi phạm huý vì mẹ vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa, người ở Thủ Đức (Gia Định).
Phường Thanh Hải (TP. Phan Thiết, Bình Thuận) có giáo xứ Thanh Hải, vốn là nơi đồng bào Công giáo ở Thanh Hóa di cư vào đây lập nên, mang theo tên làng quê cũ.
Ở Đắk Lắk hiện có một số địa danh ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ như Cao Bằng, Chi Lăng, Đông Sơn, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Hải Hà, Vụ Bản, Lạng Sơn, Mê Linh, Nam Hà, Thái Bình, Yên Thành, Quảng Tín, Điện Bàn, Thăng Bình… đây là những địa danh được đặt tên theo những địa bàn cư trú cũ của đồng bào ở các tỉnh phía Bắc đến Đắk Lắk để lập nghiệp chủ yếu từ sau năm 1954. Chẳng hạn, xã Hòa Thắng là nơi định cư của một số đồng bào Mường quê ở Hòa Bình, Gia Nghĩa là nơi định cư của người Việt ở Quảng Ngãi, một số địa danh bắt đầu bằng chữ Quảng do người Việt ở các xứ Quảng đặt…
Huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có 29 dân tộc thiểu số như: Kơ Ho, Mạ, Tày, Nùng và phần lớn người Kinh là dân gốc Hà Nội vào xây dựng vùng kinh tế mới sau khi thống nhất đất nước. Nhiều xã của huyện là địa danh của tỉnh Hà Tây cũ (Đan Phượng), tỉnh Nam Hà và thành phố Hà Nội (Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Phúc Thọ). Lâm Hà có nghĩa là “người Hà Nội trên đất Lâm Đồng”.
Huyện Cát Tiên (Lâm Đồng) có 2 địa danh là xã Quảng Ngãi, xã Đức Phổ do người dân ở Quảng Ngãi vào đặt. Đức Phổ là tên một huyện của Quảng Ngãi.
Ấp Nghệ Tĩnh (Đà Lạt) cũng do những người dân ở Hà Tĩnh vào đây thành lập năm 1940 với diện tích 36ha để trồng rau. Ấp Hà Đông và ấp Nghệ Tĩnh có chung một ngôi đình thờ Thành Hoàng.
Ở Đà Lạt còn có 2 ấp Sào Nam và Tây Hồ thành lập năm 1952, đa số là những người làm công, gồm người Quảng Nam và người Nghệ Tĩnh làm thuê cho các chủ vườn Nghệ Tĩnh. Sào Nam là tên hiệu của Phan Bội Châu, quê ở làng Đan Nhiễm (xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, Nghệ An), Tây Hồ là hiệu của Phan Chu Trinh, chí sĩ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người làng Tây Lộc (huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ), nay là xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh, Quảng Nam).
Đồng Nai có nhiều địa danh gốc từ miền Bắc, miền Trung như: ấp Thanh Hóa (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), trùng với tên tỉnh ở miền Bắc. Ấp Bùi Chu (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom), làng Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường, Nam Định). Ấp Trà Cổ 1 (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom), Trà Cổ là phường thuộc thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Làng Trà Cổ khi xưa thành lập do dân từ Đồ Sơn (Hải Phòng) ra khai canh, đánh cá. Ngôi đình Trà Cổ ở thôn Nam Thọ mang niên đại từ thế kỷ 16 thời Hậu Lê nên lịch sử làng có hơn 400 năm. Ấp Quảng Đà (xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom) do dân Quảng Nam Đà Nẵng vào đây lập nghiệp.
Ấp Thị Cầu thuộc xã Phú Ðông (huyện Nhơn Trạch), còn phường Thị Cầu ở miền Bắc thì thuộc thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ấp Nam Hà (xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ) để nhớ về tỉnh Nam Hà xưa. Phường Tân Biên (TP. Biên Hòa) có nghĩa là “người Hà Nội mới ở Biên Hòa”.
Xã Kim Long và chợ Kim Long (huyện Châu Đức) do cộng đồng dân gốc Huế vào đây lập nghiệp đã mang theo tên ngôi làng danh tiếng ở đất Huế, nổi tiếng với gái đẹp:
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi.
Ở huyện Châu Đức còn có một số địa danh có tiền tố “Quảng” như một cách lưu giữ truyền thống của cộng đồng Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Đức (Huế), Quảng Trị khi vào đây khai phá, lập nghiệp như các thôn: Quảng Long (xã Kim Long), Quảng Tây, Quảng Thành (xã Nghĩa Thành), Quảng Giao, Quảng Hà (xã Xuân Sơn). Thôn Quảng Long (xã Kim Long) đa số dân cư có nguồn gốc từ Quảng Nam và Quảng Ngãi, một ít ở Quảng Trị.
Ấp Hải Sơn thuộc xã Phước Hòa (huyện Tân Thành), nhưng xã Hải Sơn ở quê quán thì nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Móng Cái (Quảng Ninh). Ấp Kim Hải thuộc phường Long Hương (TP. Bà Rịa). Kim Hải là một xã nằm ở phía Nam huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Ấp Lam Sơn thuộc xã Phước Thành (huyện Tân Thành). Ở quê hương Thanh Hóa, Lam Sơn là thị trấn thuộc huyện Thọ Xuân, nơi diễn ra cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi đánh đuổi quân Minh xâm (1418-1427). Ấp Sông Cầu (xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức) trùng với tên huyện Sông Cầu của Phú Yên.
Chợ Đông Đô (phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) là ngôi chợ của dân Hà Nội vào đất Bình Dương sinh sống, để nhớ về đất thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ở Thành phố Hồ Chí Minh một số chợ lấy theo tên các địa phương từ miền Bắc, phần đông là đồng bào theo Công giáo như: chợ Thạch Đà (phường 9, quận Gò Vấp); Thạch Đà là một xã thuộc huyện Mê Linh (thành phố Hà Nội). Chợ Bùi Phát (phường 12, quận 3) ghép từ 2 địa danh Bùi Chu và Phát Diệm. Làng Bùi Chu thuộc xã Xuân Ngọc (huyện Xuân Trường, Nam Định), có nhà thờ được xây dưới thời Pháp thuộc. Còn Phát Diệm là thị trấn của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, nhà thờ ở đây xây dựng từ năm 1875.
Chợ Bùi Môn ở ấp Tân Tiến (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), lập năm 1955, có giáo xứ Bùi Môn, là tên ghép từ Bùi Chu là quê cha đất tổ và Hóc Môn với ước muốn sẽ gắn bó lâu dài ở nơi vùng đất mới này.
Ấp Hà Đông ở thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) thành lập năm 1938 do Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Hà Đông nhân dịp vào Đà Lạt thấy ngành trồng rau ở đây phát triển nên cùng ông Trần Văn Lý và ông Lê Văn Định, Hội trưởng Hội Tiểu canh nông công nghệ vận động thành lập. Người dân ở ấp Hà Đông (Đà Lạt) gốc từ làng Ngọc Hà (tỉnh Hà Đông cũ, nay là phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, thỉnh thoảng có một xóm Huế nằm lọt thỏm trong những cộng đồng dân cư địa phương. Những xóm Huế này phần đông cư dân là người miền ngoài như Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên… Người ta gọi những người Huế này là mấy ông ghe bầu do ngày xưa họ đến lập nghiệp nơi đây bằng đường biển.
Xóm Huế (xã Định Bình, TP. Cà Mau), xóm Huế (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), xóm Huế (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau), cầu Huế (xã Thới Bình, huyện Thới Bình, Cà Mau), cống Huế (xã Phú Cường, Cai Lậy, Tiền Giang), cầu Cống Quế (đúng ra là cầu Cống Huế, xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang).
Ở miền Đông Nam Bộ có đường Xóm Huế ở xã An Bình (huyện Phú Giáo, Bình Dương), xóm Huế ở thị xã Phước Long (Bình Phước), xóm Huế ở xã Tân An Hội (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh). Đây là xóm có nhiều người gốc Huế hoặc nhiều người gốc Trung Bộ và Bắc Bộ vào định cư đã có từ năm 1964.
Kinh Huế ở thị trấn Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau), kinh Huế ở xã Đông Hưng (huyện Cái Nước, Cà Mau), rạch Thầy Huế (huyện Long Hồ, Vĩnh Long).
Hồ Tĩnh Tâm là tên khác của hồ Nước Ngọt (TP. Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Còn ở Huế đó là cái hồ nằm ở Đông Bắc kinh thành, thuộc làng Diễn Phái, sau đổi là Trung Hậu, nay thuộc phường Thuận Thành và Thuận Lộc, thành phố Huế.
Thôn Bình Lãng thuộc tổng Thuận Đạo (huyện Thuận An, phủ Tân Bình, trấn Phiên An), nay là ấp Bình Lãng (thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ, Long An). Bình Lãng là một xã thuộc khu vực giữa huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), ít nhất năm 1588 đã có tên này. Làng Bằng Lãng (Bảng Lảng) tên gốc Bình Lãng thuộc tổng Kim Long, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên vào năm 1774. Bằng Lãng có nghĩa là “sóng yên”, do hiện tượng đồng hóa thanh điệu: thanh hỏi (đối với người Huế, hỏi và ngã là một thanh) đồng hóa thanh huyền thành thanh hỏi.
Dinh Long Hồ thuộc châu Định Viễn, lập năm 1732, lỵ sở đặt tại thôn An Bình Đông, huyện Kiến Đăng; thị trấn Long Hồ, huyện Long Hồ nay thuộc tỉnh Vĩnh Long. Còn làng Long Hồ ở huyện Kim Trà (phủ Thừa Thiên), được ghi nhận trong sách Ô châu cận lục từ năm 1555.
Rạch Phong Điền ở thôn Nhơn Ái (tổng Định Bảo, quận Châu Thành, tỉnh Cần Thơ), nay là thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ) trùng tên với huyện Phong Điền (phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa, 1834) vào cuối thế kỷ XIX.
Chợ Phong Điền lập năm 1878, đầu tiên tọa lạc bên rạch Trà Niềng nên gọi là chợ Trà Niềng. Sau khi bến lở nên dời chợ qua địa điểm hiện nay, gần rạch Phong Điền nên lấy tên chợ đặt cho tên rạch. Thời Pháp thuộc, chợ Phong Điền là một trong 9 chợ lớn nhất ở khu vực Cần Thơ: Cần Thơ, Cái răng, Trà Ôn, Trà Lược, Tân Quới, Bình Thủy, Ô Môn, Thạnh Xuân. Nguyễn Liên Phong đã ca ngợi về ngôi chợ này trong sách Nam Kỳ nhơn vật diễn ca (1909):
Chợ Phong Điền nhóm quá đông.
Cái Vồn chợ ở ruộng đồng quanh xa.
Thị trấn Phong Điền thành lập ngày 16.1.2007, trên cơ sở tách một phần diện tích xã Nhơn Ái. Trên địa bàn thị trấn có chợ nổi Phong Điền được hình thành từ lâu đời và khu mộ nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. Huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện nay cũng có thị trấn Phong Điền thành lập ngày 22.11.1995. Xã Phong Điền còn có ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau).
Rạch Trường Tiền chảy trên địa bàn xã Mỹ Khánh, từ sông Cần Thơ vào sâu địa bàn xã Giai Xuân gặp rạch Bông Vang (huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ). Cầu Trường Tiền ở ngay vàm rạch, nối liền tuyến Lộ Vòng Cung từ Cái Răng vô Phong Điền. Còn ở thành phố Huế cầu Trường Tiền thuộc phường Phú Hòa và phường Phú Hội. Ngoài ra còn có bãi Trường Tiền, phố Trường Tiền và vùng Trường Tiền.
Ở Nam bộ có nhiều địa danh mang tên Phú Xuân như: xã Phú Xuân (huyện Tân Phú, Đồng Nai); xã Phú Xuân, sông Phú Xuân, cầu Phú Xuân, chợ Phú Xuân (trước năm 1975 thuộc xã Phú Xuân Hội, quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định; nay thuộc huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh); xã Phú Xuân (huyện Phú Tân, An Giang); ấp Phú Xuân (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long).
Xã Phú Xuân là đơn vị hành chính thuộc tổng Phú Xuân (huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên) vào cuối thế kỷ XVIII. Ở Huế có làng, tổng, chợ, cầu mang tên Phú Xuân và nó còn là thủ phủ, hoàng thành, kinh thành, đô thành của chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này.
Ấp Gò Công (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân, Cà Mau) có nghề đáy biển do những người dân quê gốc từ Gò Công Đông (Tiền Giang) mang xuống đây. Quận 9 (TP. Hồ Chí Minh) có rạch Gò Công, cầu Gò Công (phường Long Thạnh Mỹ và Trường Thạnh). Ngày xưa, nơi này cũng trồng nhiều dưa hấu, lại không biết có mối quan hệ gì với Gò Công của đất Tiền Giang.
Tìm hiểu, nghiên cứu những dạng thức địa danh này ta sẽ biết được hành trình khai phá của ông cha, sự hình thành các cộng đồng dân cư ở vùng đất mới, tâm thức của lưu dân qua cách thức đặt địa danh, góp phần vào việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống cũng như việc quản lý địa danh hiện nay.
NGUYỄN THANH LỢI