Chuyện nay mới kể về ngôi đền thờ Bác trên đỉnh Ba Vì

Thứ bảy - 13/08/2022 02:46
Theo nghi thức Nhà nước, ngày 2.9 Dương lịch hàng năm là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Nhưng nếu theo phong tục dân tộc ta, ngày 21.7 Âm lịch mới là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh bước sang 'thế giới người hiền'.
Vì thế, nhiều người vẫn thắp nén hương nhớ Bác vào cả ngày Âm lịch nói trên.

Một trong những nơi lâu nay người dân xem như chốn hương khói linh thiêng ấy chính là nơi Bác trút hơi thở cuối cùng tại Nhà 67 trong Phủ Chủ tịch và một điểm nữa là Đền thờ Bác Hồ đặt trên bình độ 1.100 + 196 m của ngọn núi Ba Vì thuộc Hà Nội. Nơi đây gắn bó với biết bao truyền thuyết huyền bí về Thần Tản Viên (Sơn Tinh), một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt (Tản Viên Sơn Thánh).

Sau khi Bác mất, những người trong dòng tộc quê Bác có trăn trở một điều từ suốt ba chục năm trước đó. Đó là việc an nghỉ của Bác không theo đúng theo phong tục tập quán phương Đông. Tuy nhiên, không ai dám bày tỏ tâm tư này với Trung ương để xử lý cho hài hòa, khi đã xác định nơi đặt thi hài Người vĩnh viễn là Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh như bây giờ.

Vì lẽ đó, những người trong dòng tộc của Người cùng những "tình nguyện viên " có tấm lòng yêu kính Bác, đã chính thức tập hợp nhau lại thành một nhóm để thực hiện di nguyện của Bác. Ban đầu họ đi khảo sát một số địa phương có núi cao, phong cảnh đẹp từ Tam Đảo, Vĩnh Phúc cho tới Ba Vì (Hà Tây cũ) và sau cùng thì thấy không đâu hơn được nơi huyền ảo và kỳ vĩ như đỉnh Ba Vì này.

May mắn là trong quãng thời gian trước đó 10 năm (1989), Đảng, Nhà nước đã cho công bố chính thức bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầy đủ. Vì vậy, việc dòng tộc của Bác đề xuất xây Đền thờ Bác trên núi cao cũng rất phù hợp với gợi mở của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng*.

Ý tưởng của hậu duệ dòng tộc Nguyễn Sinh là tìm một ngọn núi gần Hà Nội có cảnh đẹp để làm một ngôi đền nhỏ thờ Bác. Nhưng ngay lúc đầu, vị này đã nhấn mạnh việc đại sự sẽ làm theo hướng vận động anh em, bạn bè đóng góp, trong đó có cả cá nhân ông. Các cá nhân hảo tâm tự nguyện góp kinh phí cũng hoan nghênh. Ông bảo cả nhóm: "Dứt khoát chúng ta không xin tiền của ngân sách nhà nước."

Khi nhóm tình nguyện tới khảo sát vùng núi Ba Vì thì có thêm một số anh em khác cùng đi, trong đó có ông Lê Huy Ngọ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), ông Nguyễn Văn Đẳng, nguyên Bộ trưởng Lâm nghiệp, lúc này mới nhập về Bộ NN- PTNT làm Thứ trưởng trực, rồi ông Thụ (Cục trưởng Cục Kiểm lâm).

Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Ba Vì
Đền thờ Bác Hồ trên núi Ba Vì

Sau khi đã hài lòng với vị trí trên đỉnh Ba Vì ở độ cao 1.296 m, ý tưởng của vị đại diện dòng tộc Nguyễn Sinh lúc đầu là muốn dựng một ngôi nhà có mái, được cách điệu hình của 1 lá cờ Tổ quốc phủ lên trên.

Ai sẽ thiết kế bây giờ ? Thời điểm lúc đó ông Nguyễn Trực Luyện đang là người đứng đầu Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nhóm tình nguyện đã sang đặt vấn đề nhờ. Hội KTS Việt Nam gợi ý tốt nhất là nên để Hội giúp với tinh thần là tác phẩm kiến trúc mang trí tuệ của tập thể. Ông Nguyễn Trực Luyện sau đó đã giao cho Công ty của KTS Hoàng Phúc Thắng. Khi thiết kế sơ bộ bằng một số phương án thì cuộc họp để chốt lại này được diễn ra tại Ban Quản lý Lăng Bác Lúc đấy đã có thêm Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà cùng dự…

Ngày đó, vị hậu duệ dòng họ Nguyễn Sinh có đưa ra một số phương án, tuy chưa thấy thật là tối ưu. Riêng Bộ trưởng Lê Huy Ngọ thì có góp ý là nên làm theo mô hình trong đình ngoài đền, kiểu rất phổ biến trong dân gian, không nên làm hẳn thành cái đền vì hơi nặng nề và cũng không phù hợp với nguyện vọng của Người với ý tưởng là" xây một ngôi nhà giản đơn". Thế rồi mọi người thống nhất duyệt lại phương án cuối cùng là đi theo hướng này.

Song song với quá trình đó, nhóm tình nguyện phải khảo sát, thiết kế để làm một con đường công vụ lên đến độ cao 1.100 m rồi sẽ đi theo bậc thang thêm 200 m nữa do không thể làm đường hết cả. Song sẽ chọn hướng đền nào đây?

Nhóm khảo sát đã cầm la bàn đi sang thăm nhà Bác ở bên khu Nhà K.9, Đá Chông và cả nhà sàn của Người trong Phủ Chủ tịch cũng như nơi người yên nghỉ trong Lăng. Thật kỳ lạ là ở cả 3 nơi này, giường nằm của Bác đều chỉ có một hướng nhìn là hướng đông - nam, cái hướng hệt như hướng ngôi đền đã định chọn". Cũng vì thế nên họ đã phải thiết kế lại đường lên ngôi đền cho bớt dốc. Tức là đi từ phía sau ngôi đền rồi quay lên đằng trước.

Do kinh phí xây Đền thờ Bác là từ nguồn xã hội hóa, lại là chuyện nhạy cảm vì chưa được cấp trên cho ý kiến, những người làm mang tính tự nguyện và trực tiếp thì "cũng không rõ liệu có được các cụ ủng hộ không", vậy nên việc thi công cứ phải âm thầm, tất nhiên với lòng thành tâm của lớp hậu thế, người khởi xướng việc đại sự này, từ vị hậu duệ của dòng họ Nguyễn Sinh đến Bộ trưởng NN-PTNT Lê Huy Ngọ, sau nữa là Uỷ viên Bộ chính trị Phạm Văn Trà ... đều vui vẻ vào cuộc đầy trách nhiệm. Họ tự tin rằng "rồi trước sau gì thì cũng sẽ được ủng hộ".

Họ thực hiện bí mật mà ngay đến Chủ tịch tỉnh Hà Tây ngày đó cũng không hề hay biết gì dù công trình làm trên địa phận vườn Quốc gia Ba Vì khi ấy là địa bàn của Hà Tây. Cũng vì đây là đất rừng đặc dụng thuộc Bộ NN-PTNT quản lý nên về nguyên tắc, nó không liên quan đến chính quyền địa phương chăng?

Khi thi công được một thời gian, vị hậu duệ đại diện cho dòng tộc của Bác Hồ đã mạnh dạn báo cáo sự việc với Thủ tướng Phan Văn Khải và thật mừng, việc làm này được sự ủng hộ ngay tức thì của Thủ tướng. Thì ra, trong lòng các nhà lãnh đạo đất nước cũng canh cánh nguyện ước này mà họ đều chưa có dịp nói ra.

Vị đại diện của dòng tộc Nguyễn Sinh đã mời Thủ tướng lên thăm để cho ý kiến. Do độ cao khó thực hiện đường công vụ đến gần ngôi đền hơn nữa nên Thủ tướng chê là làm bậc lên như vậy cao quá, người lên sẽ vất vả, nên tính thêm để làm lại. Vậy là kinh phí bị phát sinh và buộc phải tính toán việc đóng góp.

Được biết có khó khăn trong khâu vận chuyển khối tượng Bác bằng đồng to như người thật cùng tấm bình phong đá khổng lồ khắc Di chúc của Bác, Thủ tướng Phan Văn Khải giao nhiệm vụ cho Đại tướng Phạm Văn Trà, Bộ trưởng Quốc phòng lo cùng ...

Một cán bộ quản lý Đền cho biết, mẫu tượng này có xuất xứ nguyên gốc từ tấm hình Bác ngồi ghế đọc Báo Đảng, do chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp tìm chọn giúp rồi nhờ một nhà điêu khắc của quân đội tham gia phác thảo, giữ lấy thần thái của bức hình và chuyển sang mẫu tượng thờ..

Sở dĩ có chuyện mời Đại tướng chọn giúp việc này là vì thời điểm đó, những người cộng sự đầu tiên, gần gũi nhất với Bác cũng không còn ai. Vì thế, theo ông N. thì mọi người đều rất muốn để Đại tướng niềm vinh hạnh chọn mẫu tượng này.

Thấy không có đường bậc thang rộng, Đại tướng Phạm Văn Trà bảo: "Thôi, để quân đội bố trí một chiếc trực thăng thả mấy khối đồng (tượng Bác) và khối đá (tấm bình phong) hạ thẳng xuống Đền thờ". Nghe vậy, Bộ trưởng Lê Huy Ngọ gàn: "Không được đâu ! Ngộ nhỡ mà rơi thì mang tiếng ra nhất là mình đang làm mà chưa báo cáo thượng cấp. Nếu xảy ra cái gì thì chết". Đó là chưa kể, nếu như lại còn chặt cây phá rừng để làm sân đậu cho trực thăng thì ông Ngọ chắc sẽ càng không chịu cho đốn hạ cây vì đây là khu vườn Quốc gia.

Cuối cùng, Bộ trưởng Phạm Văn Trà phải huy động lực lượng Công binh nhập cuộc và vận chuyển những khối đá và tượng đồng bằng cách lắp đường ray đẩy lên. Nghe nói, chỉ một khối đá bình phong, từ chỗ tập kết vì hết đường chuyển ô tô, tuy chỉ cao 200 mét nhưng có độ dài khoảng 2 km nên vận chuyển mất đúng cả tuần mới xong. Song khi chuyển tượng Bác thì phải huy động số đông thợ xây đền, dùng kinh nghiệm cùng gánh thủ công bằng vai thay vì máy móc của lực lượng công binh...

Công trình được hoàn thành sau 6 tháng 7 ngày thi công rất vất vả. Mục tiêu là để kịp đúng ngày giỗ Bác (21.7 Âm lịch ). Ngoài những  người đóng góp cho phần xây bậc thang và phần xây dựng đền thờ cũng như ngôi đình bên ngoài... và còn có sự ủng hộ của Bộ Tư lệnh Lăng (ủng hộ khối lượng đồng nguyên chất đúc tượng Bác); một doanh nghiệp hỗ trợ toàn bộ về phần gỗ của công trình với chất lượng rất cao. Rồi có cả một vị lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh Quân khu 9, khi hay tin cũng tha thiết được đóng góp bằng việc nhận xây chiếc cột cờ. Có đôi vợ chồng là doanh nhân thì xin được xây cổng vào Đền. Và rất nhiều người khác nữa góp tiền bạc sắm đồ thờ...

Ngay vị đại diện dòng tộc Nguyễn Sinh cũng rất ý tứ, cẩn trọng, không muốn mang tiếng dù kinh phí bị phát sinh. Mỗi khi có người xin tham gia thì ông cũng rất cân nhắc. Có trường hợp ông còn yêu cầu mang tiền trả lại người ta vì ông ấy biết rõ chuyện tế nhị vì sao họ muốn ủng hộ ...

Trong thời kỳ chiến tranh, Đảng bộ và quân dân  huyện  Long Mỹ , tỉnh Hậu Giang tự hào về truyền thống cách mạng vẻ vang của quê hương mình - nơi có đền thờ Bác Hồ được lập nên từ khi Bác đi xa. Vượt qua khói lửa đạn bom, đền thờ vẫn vững vàng như tấm lòng kiên trung của người dân nơi đây đối với Đảng, với Bác Hồ.

Trong quá trình xây dựng, từ lúc mới còn là ý tưởng cho đến khi hoàn thành, nhiều lúc cũng gặp khó khăn, song tất cả đều đã vượt qua, đúng như tâm nguyện của mọi người là thực hiện bằng được di nguyện của Bác muốn có ngôi nhà nhỏ trên núi, nơi đặt bình tro của Người để mọi người lên với Bác có chỗ nghỉ ngơi...

Nay, dù không có bình tro, nhưng lại có tượng Bác. Cũng không có các cụ phụ lão trông coi mà thay bằng những cán bộ, nhân viên Kiểm lâm đầy trách nhiệm và nhiệt huyết...

Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ tâm linh kết hợp du lịch của du khách cả nước. Vào ngày giỗ và ngày sinh của Bác Hồ, du khách lại càng đông, nhiều khi tắc nghẽn cả đường. Đến với vườn Quốc gia Ba Vì, không thể bỏ qua khu du lịch tâm linh giàu ý nghĩa này.

Theo ông Trần Viết Hoàn, nguyên Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 2.9.1989, ngày mà Bộ Chính trị công bố lại ngày mất chính thức của Bác, ông đã đón Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Phạm Văn Đồng, nguyên Thủ tướng Chính phủ đến thăm lại Nhà 67, nơi Bác nhắm mắt để thắp nén hương tưởng nhớ Bác vào đúng 9 giờ 47 phút - giờ Bác đi xa. Hai ông đã cho ý kiến là sau này, nên tìm một nơi khác trang trọng để thờ cúng Người.

Ở thời điểm khác, khi cuối đời, ông Phạm Văn Đồng hơn một lần nhắc các cán bộ lãnh đạo Khu di tích, cần làm giỗ Bác cả ngày Âm lịch đúng như phong tục của dân tộc Việt Nam ta, đó là ngày 21 tháng Bảy hàng năm.

"Và theo phong tục cúng giỗ tổ tiên của người Việt Nam, từ 1994, hàng năm cứ đến ngày 21.7 Âm lịch (2.9.1969 nhằm 21.7 Âm lịch), chúng tôi sắp mâm cơm giỗ Bác", ông Trần Viết Hoàn cho hay .

Tại Đền thờ Bác ở Ba Vì, các cán bộ Kiểm lâm của Khu rừng Quốc gia Ba Vì vào ngày đó cũng đều làm mâm cơm giỗ Bác.


Quốc Phong (theo TNO)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập146
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm145
  • Hôm nay25,856
  • Tháng hiện tại238,424
  • Tổng lượt truy cập60,122,231
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây