Vanvn- Nhắc đến Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), ai cũng nhớ ngay bài viết nổi tiếng của nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc in trên tạp chí Văn học tháng 7 năm 1963, khi ông khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là nhà thơ lớn của văn chương nước ta.
Trong lịch sử văn hóa Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu có vị trí danh dự, là một nhà văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Triết lý văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu là triết lý nhân sinh. Tư tưởng của Nguyễn Đình Chiểu dường như đã vượt qua tư tưởng Tống Nho chính thống. Tư tưởng Nho giáo của Nguyễn Đình Chiểu đang trên quá trình Việt hóa – bình dân hóa một cách sâu sắc. Triết lý ấy thể hiện trong bài Than đạo:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
Nếu như truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, một sáng tác đầu đời khi vừa gặp trắc trở của số phận, nêu chuyện đạo lý con người, sống nhân nghĩa: Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh là câu trau mình; thì truyện thơ Nôm Dương Từ – Hà Mậu lại khuyến cáo con người nên tìm về chính đạo, biết yêu cái chính, ghét cái tà, con người phải biết tu thân. Truyện thơ Nôm Ngư Tiều y thuật vấn đáp, một quyển sách dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, sáng tác những năm cuối đời vẫn đậm đà tư tưởng ấy của Nguyễn Đình Chiểu; đạo đức của người thầy thuốc, tư tưởng yêu nước và nội dung y thuật đan cài với nhau. Có thể thấy tư tưởng của nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu ở các khía cạnh: đạo nghĩa, làm việc nghĩa, tu thân (vỏ là Nho giáo mà lõi là phong cách sống của người Việt Nam Bộ: thấy việc nghĩa không làm là đồ bỏ). Nguyễn Đình Chiểu là một mẫu hình nhân cách văn hóa. Từ chối của Nguyễn Đình Chiểu trước đề nghị của viên Tham biện tỉnh Bến Tre, Michel Ponchon năm 1883, không nhận tiền bạc, quà tặng, không nhận lại ruộng vườn của ông ở Gia Định mà người Pháp chiếm đoạt qua câu nói khảng khái trước Michel Ponchon “Đất vua không ai trả thì đất riêng của tôi có sá gì”, là bằng chứng xác thực nhất về phẩm chất không màng danh lợi của một nhân cách lớn. Ở phương diện công dân, biến cố đau thương của đất nước khi bị xâm lược, khiến Nguyễn Đình Chiểu càng thể hiện rõ phẩm chất của một nhà văn hóa lớn. Cả cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sống theo triết lý này. Hành động trong cuộc sống thường ngày của Nguyễn Đình Chiểu là công việc của một thầy giáo. Lựa chọn nghề thầy giáo xuất hiện với các nhà nho ở Việt Nam khi không có khả năng ra làm quan, hoặc thôi không làm quan, trở về làng. Nguyễn Đình Chiểu lựa chọn nghề thầy giáo sau biến cố của cuộc đời. Ông ba lần đi chuyển nơi ở: từ quê mẹ (nay là quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) đến quê vợ (nay là huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An), rồi về làng An Đức (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Vì thế, trường học của người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu cũng thay đổi ba lần. Thông thường, các nhà nho sử dụng nhà mình làm nơi dạy học. Trường của thầy giáo mù lòa như Nguyễn Đình Chiểu, chắc cũng như trường của các nhà nho khác.
Cách dạy của các nhà nho là truyền khẩu, giảng bài từ sách. Học trò ngồi ghi chép, hỏi, làm bài trong thời gian “Thập niên đăng hỏa” (Mười năm đèn sách) hoặc lâu hơn. Học để đi thi, thi đỗ ra làm quan. Thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu dạy bằng trí nhớ của mình. Nội dung mà các nhà nho dạy học trò là nội dung các bộ sách Tứ thư, Ngũ kinh, sách kinh điển của Nho giáo ở thời nhà Nguyễn (1802-1945). Nội dung các sách này thấm vào Nguyễn Đình Chiểu, bởi bắt đầu đi học, ông học thầy đồ trong làng, mấy năm học gười thầy ở Huế mà tương truyền là Thái phó, thì tri thức, văn hoá của Nguyễn Đình Chiểu là Nho giáo thời nhà Nguyễn là đương nhiên.
Với Nguyễn Đình Chiểu, “Sau khi học vỡ lòng trong sách Minh tâm bửu giám (Gương báu soi sáng cõi lòng), Nguyễn Đình Chiểu tiếp tục nghe thầy giảng dạy về “dưỡng khí”, “tập nghĩa” nhất là nghe thầy truyền đạt lại cách giáo dục của thầy mình, xuất phát từ tâm tính tốt của người Gia Định “Trung dũng khí tiết, trọng nghĩa, khinh tài” sẵn có, phát huy tâm tính ấy lên, cốt là làm nhiều việc nghĩa để bồi dưỡng có hiệu quả khí phách trung dũng của học sinh”(1). Người thầy giáo mù lòa dạy học trò ở Gia Định, ở Cần Giuộc, ở Bến Tre hẳn dạy cho học trò những điều người thầy tâm huyết. Có hai nhân vật khá nổi tiếng chắc chắn là học trò của người thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu: thứ nhất là Nguyễn Thị Khuê (tức Sương Nguyệt Anh) (1864-1921), nhà thơ, nữ chủ bút (Tổng biên tập) đầu tiên của báo chí Việt Nam; thứ hai là Nguyễn Đình Chiêm (1869-1935), làm nghề đông y, ngoài sáng tác, dịch thơ, ông còn là tác giả tuồng… Nhiều người dân vùng Ba Tri, Bến Tre hiện nay vẫn ghi nhớ ông nội, ông thân sinh của mình là học trò của Nguyễn Đình Chiểu. Cả hai học trò Nguyễn Thị Khuê (tức Sương Nguyệt Anh), Nguyễn Đình Chiêm của thầy giáo Nguyễn Đình Chiểu đều là những nhân vật có đóng góp sâu sắc cho sự đổi mới của văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX.
Cùng với việc mở trường dạy học, Nguyễn Đình Chiểu còn bốc thuốc chữa bệnh. Từ năm 28 tuổi đến khi qua đời năm 67 tuổi, gần 40 năm Nguyễn Đình Chiểu là thầy thuốc chữa bệnh cứu người. Với một thầy thuốc bình thường, điều ấy đã là một đóng góp, nhưng với một thầy thuốc mù lòa như Nguyễn Đình Chiểu, càng đáng ghi nhận. Tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp (Ngư Tiều vấn đáp nho y diễn ca) của ông gồm 3.642 câu thơ, trong đó phần lớn là thơ lục bát, có xen 21 bài thơ và một số bài thơ ca, phú… trích từ các sách thuốc đông y Trung Quốc. Đây là một tác phẩm viết dưới hình thức thơ để dạy nghề làm thuốc chữa bệnh, “nhằm chấn hưng y học cổ truyền, xây dựng một nghề y chân chính. Tác giả – tức Nguyễn Đình Chiểu – đã lên án các việc làm bất chính hại đến tính mạng con người”(2). Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp cho rằng Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu là tác phẩm khẳng định y đức học Việt Nam. “Về y đức học, Nguyễn Đình Chiểu không ngừng lại ở chỗ săn sóc miễn phí cho người nghèo mà đi xa hơn, quên mọi quyền lợi riêng tư,… Từ chối lễ vật quả là tốt, nhưng y đức học Nguyễn Đình Chiểu bảo khi cần, phải chịu hy sinh thân thể mình”(3). Trong số 500 tác phẩm y học cổ truyền Việt Nam bằng Hán Nôm, Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế xứng đáng. Y đức mà Nguyễn Đình Chiểu chủ trương trong tác phẩm này, và thực hiện trong cuộc đời làm thầy thuốc chữa bệnh cứu người:
Xưa rằng: Thầy thuốc học thông
Thể theo trời đất một lòng hiếu sinh
Giúp người chẳng vụ tiếng danh
Chẳng màng của lợi, chẳng ganh ghét tài
Sự uyên thông về y lý, tất cả những tâm huyết về nghề y và tấm lòng đối với đất nước đã được thể hiện ở tác phẩm Ngư Tiều y thuật vấn đáp, một tác phẩm nổi tiếng dạy đạo cứu người và đạo làm người trong hoàn cảnh nước không còn chủ quyền, người dân chịu cơ khổ. Từ triết lý văn hóa thể hiện trong sáng tác văn chương đến hành động trong cuộc đời dạy học, làm thầy thuốc, ở Nguyễn Đình Chiểu luôn có sự nhất quán.
Trong giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế, Nguyễn Đình Chiểu cũng có vị trí xứng đáng. Năm 1864, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp: bắt đầu từ bản của G.Aubaret, sau đó có bản dịch của Janneau (1873), Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)… có ít nhất 7 bản tiếng Pháp. Năm 1895-1897, Eugene Gibelt, một người Pháp đã nhờ tác giả Lê Đức Trạch vẽ minh họa truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên, với 1.200 bức tranh minh họa. Năm 1899, Eugene Gibelt đã tặng tác phẩm này cho Viện hàn lâm văn khắc và mỹ văn của Pháp. Năm 2016, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã cho xuất bản tác phẩm này bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Năm 1986, truyện thơ Lục Vân Tiên còn được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của Giáo sư Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Éric Rosencrantz. Với 3 thứ tiếng và 9 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba sau Truyện Kiều của Nguyễn Du và Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhận xét về con người và tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, năm 1864, G.Aubaret cho rằng truyện thơ Lục Vân Tiên “chứa đựng những tình cảm, những khát vọng chẳng mấy khi tìm thấy trong tinh thần Trung Quốc… Trong quyển sách này, chúng tôi đã nhận ra những đặc điểm chính của một dân tộc,… coi nó như là một trong những sản phẩm hiếm có của trí tuệ con người, có cái ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc”(4).Năm 1883, Abel des Michels cho rằng Lục Vân Tiên là một trong “những tập truyện thơ thì có một giá trị lớn và người ta có thể nêu lên một số có thể xem là những kiệt tác thật sự, rất độc đáo, mạnh mẽ và có duyên… quyển Lục Vân Tiên, tập truyện thơ bình dân vào bậc nhất của xứ này”(5).
Năm 1972, N.Nikulin, Giaos sư của Liên Xô cũ, và Hoàng Giật Cầu, người Trung Quốc, đã có các bài viết sắc sảo giới thiệu Nguyễn Đình Chiểu .
Năm 2013, Giáo sư Trịnh Văn Thảo (Cộng hòa Pháp) khẳng định: “Nguyễn Đình Chiểu đã sống xứng đáng với nước với dân, xứng đáng là một trí thức dấn thân, một bậc thức giả yêu nước thương dân dùng ngòi bút đấu tranh không mệt mỏi. Ông là một tấm gương sáng ngời cho trí thức mọi thời đại, vì đâu phải trí thức nào cũng dám dùng ngòi bút của mình để chở đạo trừ gian”(6).
Năm 2016, theo TS. Pascal Bourdeax (Trường Cao đẳng thực hành Ephe của Cộng hòa Pháp): truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu là một tác phẩm giá trị, có một không hai; theo TS. Olivier Tessier (Viện Viễn Đông bác cổ Pháp) truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trên mọi phương diện của đời sống cũng như nếp nghĩ của con người Nam Bộ.
Năm 2021, nhà xuất bản của Đại học tổng hợp Viễn Đông (Liên bang Nga) xuất bản cuốn sách Nguyễn Đình Chiểu bằng hai thứ tiếng Nga, Việt của tác giả Nguyễn Chí Bền. Theo Tiến sĩ Ngữ văn A.Ia. Sokolovsky, Giáo sư Khoa Châu Á Thái Bình Dương, Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Giáo dục Việt Nam thuộc Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), việc xuất bản cuốn sách Nguyễn Đình Chiểu của tác giả Nguyễn Chí Bền giúp cho bạn đọc Nga hiểu biết về nhà thơ, nhà văn hóa Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam.
Trong những tháng cuối năm 2021, Đại hội đồng UNESCO sẽ họp thông qua nghị quyết đưa Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của Việt Nam vào danh sách những danh nhân mà UNESCO và các quốc gia thành viên kỷ niệm 200 năm sinh, cùng một số danh nhân do các quốc gia khác đề nghị. Nếu quyết định này được thông qua, sẽ thực sự là một tin vui với chúng ta. Hy vọng Nguyễn Đình Chiểu sẽ là danh nhân thứ năm của Việt Nam được UNESCO vinh danh, sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh và Chu Văn An.
NGUYỄN CHÍ BỀN
Văn Nghệ số 26/2021
_________________________
(1) Ca Văn Thỉnh, Nguyễn Sỹ Lâm, Nguyễn Thạch Giang biên khảo và chú giải, Nguyễn Đình Chiểu toàn tập, tập 1, Nxb. Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1980, tr.48.
(2) Lê Trần Đức, bài Tìm hiểu Ngư Tiều y thuật vấn đáp in trong tập Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa và Thông tin, Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre xuất bản, Bến Tre, 1984, tr. 65.
(3) Bài Y đức học Việt Nam trong Ngư Tiều y thuật vấn đáp, in trong tập Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa và Thông tin, Hội Văn nghệ Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre xuất bản, Bến Tre, 1984, tr. 147, 148.
(4) Bản in trên báo Châu Á, loại thứ 6, tập III, tháng Giêng và tháng hai, (Paris 8-1-1864- bản dịch của Lê Xuân Ninh).
(5) Trích ở quyển Lục Vân Tiên, Nxb. Ernet Lerơux, Paris, 1883 – bản dịch của Lê Xuân Ninh.
(6) Trả lời phỏng vấn của RFI, tạp chí Văn hóa ngày 5-7-2013.