Nay, nhà văn đã đồng ý với đề nghị của nhạc sĩ Phạm Tuyên, cho công bố những trang viết của ông trên blog của chúng tôi.
Năm nay, chúng tôi xin trích đăng tập tư liệu với tiêu đề từng phần và lời dẫn, lời bình của chúng tôi.
Xin chân thành cảm ơn thâm tình của nhà văn và xin mời bạn đọc theo dõi phần 4 trong tập tư liệu có một không hai này.
Trang đầu và trang cuối tập bản thảo của nhà văn Sơn Tùng
—o0o—
Ghi theo lời cụ Đào Nhật Vinh
CỤ ĐÀO NHẬT VINH – 13 phố Nguyễn An Ninh, quận 1 Sài Gòn – nay là quận 1 Tp. Hồ Chí Minh.
Cụ Đào Nhật Vinh quê Trực Ninh, Nam Định. Năm 1913, Đào Nhật Vinh cùng làm việc trên tàu Viễn Dương với Văn Ba – Nguyễn Tất Thành từ Le Havre, hải cảng ở Bắc Pháp quốc. Hành trình từ Tây qua Âu-Á-Phi-Mỹ, tận Argentine tới Terre de Feu. Đào Nhật Vinh có vốn chữ nho, chưa biết chữ quốc ngữ; “Anh Văn Ba dạy chữ quốc ngữ cho Đào Nhật Vinh và mấy anh em thủy thủ…"
Năm 1919, ông Đào Nhật Vinh không làm việc trên tàu viễn dương nữa, đến thành phố Bordeaux lập gia đình, mở hàng ăn và vẫn thân giao với Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Paris cho đến năm 1923 khi Nguyễn Ái Quốc bí mật qua nước Nga – Xô Viết.
Mùa hè 1946, Hồ Chủ tịch Thượng khách thăm nước Pháp, ở lại Paris gần 4 tháng để “cứu vãn hòa bình”
– Cụ Đào Nhật Vinh ngày ấy là “Việt kiều yêu nước” với tình cố cựu cụ được gần gũi Bác trong thời gian này. Cuối cuộc kháng chiến chống Pháp, cụ bị trục xuất về Sài Gòn.
Năm 1975, 30 tháng tư Sài Gòn và miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tôi vào Cố đô Huế, Phan Thiết, Sài Gòn, Sa Đéc, Cao Lãnh…để sưu tầm tư liệu Bác Hồ ngay từ tháng 5-1975. Nhờ nhà văn Lê Hương (một cơ sở Cách mạng ở Sài Gòn) đưa tôi tới 53C Cao Thắng, quận 3 gặp giáo sư Hồ Tường Vân, con gái nhà chí sĩ Hồ Tá Bang sáng lập viên Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh, Phan Thiết do Duy Tân hội chủ xướng. Nhờ đây, tôi gặp được cụ Đào Nhật Vinh ở 13 phố Nguyễn An Ninh, gần chợ Bến Thành. Cụ đang ở tuổi 80 mà rất minh mẫn, có bộ nhớ nhiều tầng, có hệ thống và mạch lạc… sau những ngày làm việc với cụ, cụ tặng lại tôi những kỷ vật về Bác Hồ với cụ ngày còn làm việc ở nước ngoài. Đầu năm 1976 cụ về Hà Nội thăm cố hương, vào lăng viếng Bác Hồ
PHẦN 4: NGUYỄN ÁI QUỐC ĐÍCH THÂN TỔ CHỨC “BỮA CƠM BẮC, THẾT KHÁCH BẮC”
Lời dẫn của Phạm Tôn: Năm 1922, Phạm Quỳnh đi Pháp dự hội Đấu xảo thuộc địa tổ chức tại Marseille, có mang theo một cuốn nhật ký tùy thân nhỏ bằng bốn ngón tay. Trong đó có ghi: “Juillet, 13, Jeudi: ăn cơm An Nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường (6 Rue des Gobelins).” Còn trên tạp chí Nam Phong, khi đăng Pháp Du Hành Trình Nhật Ký, ông viết công khai: “Thứ năm 13 tháng 7 năm 1922: (…) Chiều hôm nay, ăn cơm với mấy ông đồng bang ở bên này. Mấy ông này là tay chí sĩ vào hạng bị hiềm nghi nên bọn mình đến chơi không khỏi có trinh tử dò thám. Lúc ăn cơm trong nhà, chắc lũ đó đứng ngoài như rươi! Nhưng, họ cứ việc họ, mình cứ việc mình, có hề chi! Đã lâu không được ăn cơm ta, ăn ngon quá. Ăn cơm ta, nói tiếng ta, bàn chuyện ta thật là vui vẻ thỏa thích. Ăn no, uống say, cười cười nói nói…Mai là ngày hội kỷ niệm dân quốc (tức ngày quốc khánh Pháp 14/7-PT chú)…Anh em đi dạo chơi một lượt các phố đông cho biết cái cảnh ngày hội của Paris thế nào”
—o0o—
Cụ Đào Nhật Vinh bồi hồi kể: – Năm 1919 tôi rời đại dương, lên cạn sinh sống ở Bordeaux, nhưng tháng nào tôi cũng về Paris gặp anh Nguyễn Ái Quốc và thăm hai cụ “nghè ta” (Phan Châu Trinh) cụ “nghè Tây” (Phan Văn Trường) và anh em thủy thủ đã lên cạn làm ăn. Từ sau ngày Nguyễn Ái Quốc đưa ra “Tám yêu sách của người An Nam” đến Hội nghị Hòa Bình Versailles, anh em thợ thuyền, lính thợ và các giới khác đến 6 Villa des Gobelins với niềm ngưỡng vọng “Ngũ Hổ” – Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền.
Giữa năm 1921 đến giữa năm 1923 “điểm hẹn” Nguyễn Ái Quốc ở số 3 Marché des Patriaches. Mỗi kỳ báo Le Paria in ra, tôi đến gặp anh Nguyễn nhận báo, đưa về Bordeaux phát hành. Bà con người Việt mình nhận Le Paria đưa tiền rất hời để ủng hộ báo. Sôi động nhất, tháng 3/1922 vua Khải Định đến Paris và phái bộ dự “Hội Chợ Thuộc Địa” ở Marseille. Nguyễn Ái Quốc viết nhiều bài chế giễu vua Khải Định đăng trên các báo Le Paria, Le Journal du Peuple, L’Humanité (Báo Nhân Đạo của Đảng Cộng Sản Pháp – PT chú) ,…Những bài gây xôn xao nhất: Les lamentations de Trưng Trắc (Lời than vãn của bà Trưng Trắc – PT chú), đăng trên tờ báo L’Humanité số 24/6/1922; Les civilisateurs (Những nhà khai hóa-PT chú)số 22/6/1922 và bài Hygiène mental (Vệ sinh tinh thần-PT chú); La haine des races (Hận thù chủng tộc – PT chú)…Nguyễn Ái Quốc còn sáng tác vở Con Rông Tre, chưa in trên báo, mới công diễn một lần ở Club du Faubourg (Câu lạc bộ ngoại ô-PT chú) mà tiếng vang rộng lớn trong Việt kiều. Đặc biệt, nhà chí sĩ Phan Châu Trinh nhục mạ vua Khải định bằng “Thư Thất Điều” chữ nho. Cụ Phan Văn Trường chuyển sang chữ Pháp, ông Nguyễn chuyển sang quốc ngữ.
Thời gian này, nhà đương cục Pháp theo dõi, kiểm soát gắt gao người Việt và bắt làm “thẻ cá nhân”. Cụ Phan Châu Trinh ông Nguyễn Ái Quốc “được”A. Sarraut mời đến Bộ Thuộc địa “nhắc nhở”…Họ theo dõi chặt chẽ cụ Phan Châu Trinh, ông Nguyễn Ái Quốc không chỉ ở Paris mà cả ở hải cảng Marseille. “Hội Chợ Thuộc Địa” mở cửa từ đầu tháng 4/1922. Công việc chuẩn bị cho hội chợ từ tháng giêng. Cụ Phan Châu Trinh đến Marseille, ở tại nhà ông thợ ảnh Tạ Văn Cần, vợ đầm. Ông Nguyễn Ái Quốc có hôm cùng ở với cụ Phan tại nhà ông Cần, có hôm ở nơi khác và về Paris lo liệu công việc báo Le Paria.
Một nhóm anh em thợ thuyền, thủy thủ chúng tôi được nhận vào phục dịch Hội Chợ như anh Phan Hiếu Kính, anh Nguyễn Minh Quang, anh Vũ Văn Long…cho nên chúng tôi được đến gần các vị trong phái bộ tháp tùng nhà vua như: quan tuần phủ Cao Bằng Vi Văn Định, ông Phạm Quỳnh – Tổng thư ký Hội Khai Trí Tiến Đức, ông Nguyễn Văn Vĩnh, một bỉnh bút lừng danh Đồng Văn Nhật Báo, Đông Dương Tạp Chí, Notre Journal, Notre Revue…Ông đã từng dự cuộc Đấu xảo Marseille 1906, ông Quỳnh quen biết cụ Phan Châu Trinh từ trường Đông Kinh Nghĩa Thục 1907, cụ cử Can là hiệu trưởng. Cho nên ông Phạm Quỳnh, ông Nguyễn Văn Vĩnh mấy lần đến nhà ông Tạ Văn Cần đàm đạo với cụ Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc. Tôi được làm chân điếu đóm của các cụ. Có một cuộc đàm đạo, ông Bạch Thái Toàn cùng dự với bốn cụ. Bạch Thái Toàn là con trai cụ Bạch Thái Bưởi. Lúc khởi đầu trên sông nước của tôi là “bồi tàu” Trưng Trắc của Công ty Bạch Thái Bưởi. Chính vì vậy mà tôi được thân quen với ông Bạch Thái Toàn. Ông Toàn là thư ký “Hội Thân Ái” mà Nguyễn Ái Quốc là một trong những người lập hội. Nhờ ông Bạch Thái Toàn mà tôi biết được chút ít lai lịch của các cụ.
Đầu tháng 7/1922, tôi không còn nhớ chính xác là ngày nào, tôi trong hội chợ cùng với anh bạn đi ra phố thấy đằng phía trước ông Nguyễn Ái Quốc cùng ông Phạm Quỳnh đang sóng bước chốc chốc ghé đầu vào nhau có lẽ đang nói thầm…(Chúng tôi nhấn mạnh – PT) Tôi và anh bạn quay trở lại…chiều hôm ấy tôi về nhà ông Tạ Văn Cần, gặp cụ Phan và ông Nguyễn đang ở đây. Ông Nguyễn dặn nhỏ với tôi: thứ năm tuần tới, ngày 13/7, Vinh đến “cụ nghè Đông Ngạc” nhé. Đến sơm sớm, đó…Tức là tôi đến số 6 Villa des Gobelins, cụ nghè Đông Ngạc là tiến sĩ luật khoa Phan Văn Trường. Cách nói lóng này chỉ một số trong nhóm chúng tôi biết. Tôi đến sớm để làm “bữa cơm Bắc, thết khách Bắc”. Tôi vừa làm bếp vừa tự hỏi – Không biết vị khách quý nào đến mà cụ nghè Tây (Phan Văn Trường) và Nguyễn Ái Quốc thết đãi, cụ Phan Châu Trinh bị cảm mạo nên không về Paris được. Hơn 8 giờ thấy ông Phạm Quỳnh tới. Ông Nguyễn Ái Quốc đợi ở cửa (Chúng tôi nhấn mạnh –PT) và đưa dẫn ông Phạm Quỳnh vào phòng. Tôi đem khay trà lên phòng mời khách. Chỉ có ba vị trong phòng thôi. Và ba vị đàm đạo tới 11 giờ, tôi cũng vừa sửa soạn xong bữa, mất công nhiều là món lòng lợn, rau thơm gia vị tầm cho ra được các thứ ấy không dễ. Có thịt gà luộc, canh chua, cá rán, thiếu rau muống luộc, cà pháo, tương Bần. Tôi được dự đồng bàn, đồng bữa với ba vị và hầu chuyện. Trong bữa ăn các vị không nói chuyện thời cuộc mà nói nhiều về phong hóa của nước nhà, tục lệ từng miền – và giữa bữa ăn tôi được ông Phạm Quỳnh khen: bữa cơm Việt món nào cũng ngon, đượm vị hương quan. Nhất là món lòng lợn, đặc biệt là món dồi.
Cụ Phan Văn Trường, ông Nguyễn Ái Quốc gật gù tương đắc. Tôi chợt nhớ đến câu ca dao nói về món lòng lợn, buột miệng luôn:
Nhìn mặt mà đặt hình dong
Con lợn có béo, miếng lòng mới ngon
Đủ tim, gan, cổ hũ, ruột non…
Mà dồi lại dở chẳng ngon cỗ lòng
Cụ Phan vốn ít cười, đã phì cười. Ông Phạm nâng ly rượu lên nhìn tôi tươi cười và ông Nguyễn cùng nâng ly rượu, rồi cụ Phan cũng nâng ly chúc mừng. Ông Phạm Quỳnh nghiêm trang nói:
– Anh Đào Nhật Vinh đã hàng chục năm xông pha khắp chân trời, đáy biển nào Á, Âu, Phi, Mỹ mà hồn quê, quốc túy không phai mờ! Chúc mừng anh.
Ông Nguyễn Ái Quốc tập Kiều:
Đồng bàn, đồng bát, đồng bang
Hồn quê theo áng mây ngàn cố hương.
Anh Đào Nhật Vinh một đầu bếp ngoại hạng mà lại mở quán ăn bình dân!…”
Sau bữa cơm đầm ấm, tôi bái biệt cụ Phan Văn Trường, ông Nguyễn Ái Quốc, ông Phạm Quỳnh rồi trở lại hải cảng Marseille.
Hà Nội – Chiếu Văn
8-12-2008
12/11 Mậu Tý
(Chữ ký và con dấu của nhà văn Sơn Tùng)
Lời bình của Phạm Tôn: Sáng 20/3/2009, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cùng Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học Nghiên cứu, xác minh tư liệu và địa chỉ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở nước ngoài từ năm 1911-1941. Trong 43 tham luận của các nhà nghiên cứu, cán bộ bảo tàng gửi đến, có tham luận của Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, nhan đề Những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và hoạt động trên đất Pháp 1917-1923. Chúng tôi thiết nghĩ, những tư liệu của nhà văn Sơn Tùng như Nguyễn Ái Quốc đích thân tổ chức “bữa cơm Bắc, thết khách Bắc” (thuật chuyện năm 1922 tại Marseille và Paris) và Lúc này còn cụ Phạm Quỳnh thì… (thuật chuyện năm 1946 tại Fontainebleau), cả hai đều diễn ra trên đất Pháp, sẽ là những tư liệu bổ sung quý giá và hiếm có.
Cụ Đào Nhật Vinh vốn có giao tình lâu năm với cụ Lê Văn Nghiêm là nhạc phụ chúng tôi, nên ngày 2.9.1978 cụ đã dự lễ cưới chúng tôi và còn nói chuyên thân mật với mọi người có mặt hôm đó.
---
Theo Đỗ Hoài Giang: https://www.facebook.com/groups/373876840199844/user/100005375341561/