Ngày Tết trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài

Thứ hai - 04/01/2021 15:47
Tô Hoài (1920 -2014) là một trong những “cây đại thụ” của nền văn xuôi  Việt Nam hiện đại. Ông không chỉ giữ kỉ lục về số lượng và thể loại tác phẩm xuất bản (hơn 200 đầu sách), mà còn được mệnh danh là nhà văn “của những  phong tục, tập quán đất nước” .

Hình ảnh trong phim Vợ chồng A Phủ

Nếu trước Cách mạng tháng Tám - 1945, Tô Hoài tạo nên “thương hiệu”  bằng truyện vừa “ Dế mèn phiêu lưu kí” (1941) thì sau Cách mạng tháng Tám -1945, người đọc nhớ nhiều đến ông với tập truyện “ Truyện Tây Bắc”(1952), đặc biệt  truyện ngắn xuất sắc  nhất của tập truyện này “ Vợ chồng A Phủ”. Tác phẩm  cũng được chính nhà văn viết thành kịch bản phim cùng tên - một trong những bộ phim kinh điển của nền điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ muốn đề cập đến một “điểm nhấn” trong phong cách nghệ thuật của nhà văn là văn hoá phong tục người  Mông (Mèo) vào những  ngày tết trong  truyện ngắn Vợ chồng A Phủ( Ngữ văn 12 tập II – nxb GD Việt Nam -2007).

Nhà văn Tô Hoài có lần tâm sự về quá trình “thai nghén” tập truyện Tây Bắc nói chung, Vợ chồng A Phủ nói riêng, rằng ông được  đi thực tế 9 tháng  trong chiến dịch Tây Bắc với  bộ đội, dân công, cùng chung sống với đồng bào các dân tộc Tày,Nùng, Thái, Dao, Mèo ... Nhà văn của“ sự thật của đời thường” đã khẳng định với chúng ta những gì tác giả viết ra đều là những gì “tai nghe mắt thấy” những nét phong tục,tập quán vừa lạ lẫm trần trụi , có thể là độc đáo và có khi là hủ tục quái dị…

Trước hết, ta  tìm hiểu phong tục, tập quán người Mông vào dịp “tết đến xuân về” . “…Tết đến thì vui chơi, trai gái đánh pao , đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách…”. Có thể nói chơi ném pao, đánh quay, thổi sáo rủ bạn yêu  không chỉ là những trò chơi dân gian mang tính tập thể, nơi tụ tập trai gái đậm màu sắc phong tục trong  ngày Tết ,lễ của người Mông, mà còn có nhiều nét giống chơi đánh đu, hát giao duyên ở miền xuôi. Không gian văn hoá này  là nơi giao duyên “trao gửi tâm tình” của các chàng trai cô gái các dân tộc Tây Bắc, cũng là nơi phô diễn tài năng của các chàng trai với người mình yêu, như những cô gái  xứ Nghệ thử tài đấng mày râu qua lối hát ví –dặm : “Đến đây hỏi khách  tương phùng / Chim chi một cánh dạo cùng nước non” ?

Tôi muốn nói kĩ và sâu về tiếng sáo rủ bạn yêu và lời dân ca mà tiếng sáo Mèo “bày tỏ” ngân nga, lan toả trong truyện . Hãy nghe Tô Hoài viết : “ Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng sáo ai rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi
Mày đi làm nương
Ta không có con trai con gái
Ta đi tìm người yêu.”


Không hiểu sao viết đến đây, tôi nhớ ngay cái hình ảnh núi non trùng điệp và lời tiếng sáo làm xao xuyến người xem ngay đầu trong bộ phim Vợ chồng A Phủ chính nhà văn viết kịch bản, đại khái : trời chỉ có sao sớm ,sao khuya… núi  chỉ có hai người yêu nhau… đầy lãng mạn, ám ảnh !

Nếu người Ê đê có văn hoá Cồng Chiêng làm nên bản sắc độc đáo văn hoá Tây Nguyên, thì sáo và khèn cũng đã góp phần tạo nên nét độc đáo trong văn hoá Tây Bắc nói chung– văn hoá âm nhạc  của người  Mông nói riêng (người ta vẫn nói nhiều đến tiếng sáo Mèo là vậy.)  Thế  là, sau bao nhiêu năm “ lùi lũi như con rùa sống trong xó cửa” đến tê dại tâm hồn khi làm dâu trừ nợ trong nhà Pá Tra, lần đầu tiên Mị nghe và nhẩm thầm lời tiếng sáo rủ bạn đi chơi vọng lại “thiết tha bồi hồi”. Tiếng sáo như lay động tâm hồn nguội lạnh,  đánh thức các giác quan tưởng như đã ngủ quên của Mị . Từ “vô cảm, vô thức, vô ngôn” ,lần đầu tiên tâm hồn Mị đã “cựa quậy” . Không biết tiếng sáo rủ bạn yêu thiết tha bồi hồi hay lòng Mị bồi hồi tha thiết ? Hẵn đây là tiếng sáo của người con trai chưa có vợ con : “ Ta không có con trai con gái / Ta đi tìm người yêu” đã dội vào tâm khẳm khắc khoải của Mị đau đáu lâu nay .

Và thế là cùng với men rượu bữa cơm Tết cúng ma  ,tiếng sáo gọi bạn yêu  như một ma lực làm trổi dậy sức sống mãnh liệt  trong tâm hồn người đàn bà tưởng như  băng giá này! “Nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng…Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”.Tiếng sáo rủ bạn yêu được Tô Hoài cho vận động trong không gian và thời gian nghệ thuật rất ý tứ . Ban đầu : “ Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi” . Rồi  “tai Mị nghe văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Đến “tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng bay ngoài đường” ;và cuối cùng “ trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo…Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi những đám chơi” .Gắn với sự vận động của tiếng sáo là sự thức tỉnh trong tâm hồn cùng những hành động từ thấp đến cao của Mị: thoạt đầu  “Mị nghe …thiết tha bồi hồi, Mị ngồi nhẩm thầm bài hát”, rồi “lòng Mị thì đang sống về ngày trước…Mị thấy phơi phới trở lại,trong lòng đột nhiên vui sướng…Mị muốn đi chơi.Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay,chứ không buồn nhớ nữa, Nhớ lại ,chỉ thấy nước mắt ứa ra”. Và “ Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi .Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách…”.

Tiếng sáo Mèo có hồn ,đủ sức lay động mãnh liệt bởi đã ủ ấp trong nó khát vọng “tìm người yêu” cháy bỏng cùng giai điệu trữ tình của lời ca . Bây giờ xin nói về lời ca trong những bài dân ca được tiếng sáo “tung tẩy” . Trước tiên : “Mày có con trai con gái rồi/ Mày đi làm nương/ Ta  không có con trai con gái/  Ta đi tìm người yêu” .Rõ ràng, đây là sự trải lòng không còn gì thật hơn của chàng trai Mèo chưa có “mảnh tình vắt vai” ; cũng là quy luật của con người: trai lớn tìm vợ, gái khôn gả chồng , như lời bài hát giao duyên người Kinh: “ Đến duyên em, em phải lấy chồng” .Cách  nhân xưng  cũng rất bình đẳng, khác lạ: Mày - Ta ; không phải đi làm rẫy như người Ê đê mà là “đi làm nương”.Tiếp nối  là những lời bài hát khác đậm chất văn hoá phong tục Tây Bắc gắn với các trò chơi dân gian của trai gái: “ Anh ném pao ,em không bắt/ Em không yêu quả pao rơi rồi…” Hay :Em không yêu, quả pao rơi rồi .Em người nào, em bắt pao nào…” Tôi liên tưởng cô gái Mông bắt pao người mình yêu trong cuộc chơi ném pao chẳng khác gì cô gái dưới xuôi nhận miếng trầu mà chàng trai ý tứ  mời mọc trong ca dao trữ tình: “Trầu này trầu tính,trầu tình/ trầu loan ,trầu phụng trầu mình lấy ta.”( có cô gái trong bài ca dao khác không dám nhận trầu chàng trai mời ,đã thổ lộ: “thưa rằng, bác mẹ em răn/ làm thân con gái chớ ăn trầu người”!) Tôi đồ rằng ,cùng với tiếng sáo Mèo , lời các bài dân ca mà tiếng sáo  chàng trai gọi bạn yêu trong những ngày Tết trên bản người  Mông Tây Bắc không chỉ góp phần làm nên bản sắc văn hoá các dân tộc Tây Bắc, mà còn tạo nên chất thơ, chất trữ tình bay bỗng vời vời , góp phần “neo đậu” tác phẩm trong lòng bạn đọc hơn nửa thế kỉ nay!

Bây giờ  xin nói sang các tập tục của người  Mông. Trước hết là “bữa cơm Tết cúng ma,…chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng (như lên đồng)vẫn còn người nhảy lên xuống, run bần bật.”Chắc hẵn rằng trong bữa cơm cúng này  phải có rượu (vô tửu bất thành lễ) . Bữa cơm Tết cúng ma  này có gì đó rất giống bữa cơm Tất niên người Kinh chiều 30 Tết. Đó là bữa cơm đoàn tụ gia đình sau một năm bươn chải, mưu sinh. Đó còn là bữa cơm bày tỏ lòng hiếu kính của con cháu  dâng bề trên để báo cáo kết quả làm lụng một năm vất vã ,nhọc nhằn. Đó còn là bữa cơm anh em, bà con láng giềng chia sẻ những vui buồn, động viên, an ủi nhau hướng về một năm mới đầy hứa hẹn ,cùng tương lai với bao hi vọng… Điều lạ là bữa cơm Tết cúng ma nhà Pá Tra còn có cả “chiêng đánh ầm ĩ, người ốp đồng” như hé lộ màu sắc mê tín dị đoan và cả bản chất khoe giàu sang, quyền lực nhà quan thống lí, tên “chúa đất” khét tiếng này !

Một tập tục rất độc đáo nữa là tục cướp vợ của người Mông .Theo phong tục hôn nhân của người Mông: được sự thuận tình của người con gái, để thể hiện tình yêu, sự mãnh mẽ và quyết đoán của mình, người con trai cùng bạn bè bí mật “cướp” cô gái mang về nhà mình, sau đó mới đến trình cho bố mẹ cô gái biết . Trong truyện, A Sử lợi dụng cơ hội Mị ra gặp người yêu đã tổ chức bắt cóc cô về làm dâu để trừ nợ . Như vậy, tục cướp vợ của người Mông, ẩn chứa nhiều ý nghĩa  nhân văn sâu sắc: trước hết nó được đồng thuận của người mình yêu (thuận tình); được nhiều bạn trai “đồng tâm hiệp lực”. Hơn thế ,sau khi mang vợ “cướp được” về, chàng trai sang nhà gái trình báo  lễ phép đàng hoàng, thể hiện tình yêu mãnh liệt, bất chấp rủi ro. Người Kinh có câu tục ngữ: “ Cưới vợ thì cưới liền tay/ Chớ để lâu ngày có kẻ dèm pha.” Đây có lẽ là nét giao thoa trong văn hoá phong tục  các vùng miền,  được coi là một nét độc đáo đậm  bản sắc trong phong tục hôn nhân người Mông chăng ?

Trên đây là  cảm nhận ban đầu về những nét văn hoá phong tục người Mông trong dịp “ Tết đến xuân về” được Tô Hoài chấm phá trong “Vợ chồng A Phủ”. Tìm hiểu văn hoá phong tục người Mông nói riêng, các dân tộc Tây Bắc nói chung giúp ta hiểu sâu hơn về những nét độc đáo, đầy chất thơ,chất trữ tình trong bản sắc văn hoá người Mông, các dân tộc Tây Bắc ,làm nên vẻ đẹp phong phú đa dạng , đậm  chất trữ tình nhân văn của văn hoá phong tục Việt Nam “đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc điểm này tô đậm thêm “dấu vân tay”,tài năng nghệ thuật miêu tả phong tục sắc sảo giàu chất thơ ,chất trữ tình của nhà văn Tô Hoài. Và rằng :sự thật đời thường (thực tế),vốn sống và tài năng sẽ làm nên sức sống ,sức lay động của tác phẩm, củng cố vị thế nhà văn trên văn đàn dân tộc! Bài viết như là nén tâm nhang kính dâng hương hồn nhà văn nhân kỉ  niệm 100 ngày sinh của tác giả ./.

Hữu Hợp
Hội VHNT Đắk Lắk

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập324
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm322
  • Hôm nay36,739
  • Tháng hiện tại752,279
  • Tổng lượt truy cập54,866,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây