Hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái được ghi danh cùng 35 hồ sơ khác trên toàn thế giới. Nghệ thuật xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Trong tiếng Thái, "xòe" có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng.
Chủ thể của nghệ thuật xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam, một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, canh tác chủ yếu nghề trồng lúa nước.
Những người thực hành xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và vị thế xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.
Hồ sơ Nghệ thuật xòe Thái đã đáp ứng toàn bộ 5 tiêu chí do UNESCO đề ra:
- Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể theo định nghĩa tại điều 2 của Công ước 2003;
- Việc ghi danh sẽ góp phần đảm bảo tính phổ biến của xòe Thái và nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể; các biện pháp bảo tồn được đề xuất có khả năng bảo tồn và phát huy di sản;
- Xòe Thái đã được đề cử với sự tự nguyện và đồng thuận của cộng đồng có liên quan;
- Xòe Thái đã được đưa vào một danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật của quốc gia thành viên đề cử di sản, như được quy định tại điều 11 và 12 của Công ước 2003.