Nhắc đến các dự án du lịch tâm linh, nổi tiếng nhất phải kể đến khu tâm linh núi chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) và khu du lịch tâm linh Tam Chúc (tỉnh Hà Nam). Dẫu vậy, vẫn còn ở đó rất nhiều những dự án du lịch tâm linh ngàn tỷ khác đang được thi công hoặc “xin chủ trương, ý kiến của Đảng và Nhà nước”.
Điển hình gần đây nhất chính là dự án Khu du lịch Sinh thái và Văn hóa tâm linh Lũng Cú đang được triển khai ở xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) vây quanh Núi Rồng, nơi có di tích cột cờ Lũng Cú - một điểm linh thiêng về chủ quyền biên giới của cả nước. Và đáng chú ý hơn cả là tất cả những dự án này đều được xây dựng trên những vùng diện tích rộng lớn hàng ngàn héc ta.
Nằm ngay cột cờ Lũng Cú, tại thôn Thèn Pả, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn (Hà Giang), một ngọn núi đang bị "oanh tạc" để xây dựng khu du lịch tâm linh Lũng Cú (ảnh: Hữu Thắng).
Bàn luận về vấn đề trên, phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi trực tiếp với GS.TS Trần Ngọc Vương - Nhà nghiên cứu Văn hóa và Lịch sử tư tưởng phương Đông để làm rõ những nội dung liên quan.
- PV: Các thuật ngữ về khu du lịch tâm linh dường như đang có sự đánh tráo về khái niệm. Du lịch tâm linh đang được khai thác về giá trị kinh tế nhiều hơn, vậy Giáo sư có thể tách bạch rõ ràng câu chuyện tâm linh và làm du lịch kiếm lời của các doanh nghiệp hiện nay?
Tâm linh là một khái niệm không thể gắn với du lịch. Du lịch tâm linh là một khái niệm tự sướng, không có định nghĩa về khái niệm này. Thế giới có du lịch tôn giáo, nhưng bản chất nó bắt nguồn từ những chuyến hành hương từ hàng ngàn năm qua của các tín đồ đến những điểm tôn giáo linh thiêng cổ xưa, những thánh tích để cầu nguyện, hành hương chứ không một ai đến một cơ sở mới tinh để du lịch.
Việc một doanh nghiệp xây dựng một ngôi chùa mới, xây dựng trên một vùng đất mà trước đó chẳng có một chút câu chuyện liên quan đến bối cảnh gắn với lịch sử văn hóa thì không thể gọi nó là công trình tôn giáo, tâm linh.
Nếu xây một ngôi chùa thật lớn, một ngôi chùa mới tinh rồi “thổi” tâm linh rồi để bán vé thu tiền thì đó chính là kinh doanh tâm linh, kinh doanh tài sản quốc gia, buôn thần bán phật để sinh lợi nhuận.
- Bản chất của việc xây dựng một công trình về mặt tôn giáo xuất phát từ những mong muốn và nguyện vọng của cộng đồng. Tuy nhiên, hiện thực tế cho thấy, việc chính quyền địa phương đang giao đất rừng cho một doanh nghiệp dưới dạng dự án du lịch gắn với tâm linh đang giống như “nguyện vọng của một doanh nghiệp”, Giáo sư nhận định thế nào về việc này?
Nhu cầu xây dựng phải là những công trình có ý nghĩa đặc biệt, trước hết và chủ yếu là ưu tiên cho những mục đích công cộng, an ninh quốc phòng.
Như tôi đã nói, có 2 loại hình hoạt động doanh nghiệp đang đứng tên dưới dạng du lịch đó là du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Cả 2 loại hình này đều có rất nhiều những biểu hiện bất ổn mà cụ thể là nó chiếm dụng những vùng tài nguyên và công thổ, mà thường những khu vực này đều có những vị trí nhạy cảm, có giá trị to lớn về vai trò cảnh quan, và đều là đất rừng. Có nơi được xây ở rừng đầu nguồn, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.
Một ngọn núi trên cao được khai thác một cách vô nguyên tắc thì nó sẽ gây tác động và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan cũng như cư dân ở những khu vực phía dưới, tiềm ẩn những nguy cơ như bão lũ, sạt lở cả một khu vực.
Hơn nữa, cư dân địa phương sẽ bị ảnh hưởng về nguồn lợi, sinh hoạt đời sống sẽ ảnh hưởng nhất định về mức độ. Và câu chuyện giao đất ở các khu du lịch tâm linh sẽ có nhiều dấu hỏi được đặt ra về vấn đề quản lý đất đai.
Đáng nói, những báo cáo về đánh giá tác động môi trường của những dự án này được lập ra chỉ để đối phó, để trả lời cho các cơ quan quản lý hơn là tính toán một cách xác đáng những tác động lợi và hại của nó. Và phải chăng, tất cả những đánh giá đấy đều tìm cách giảm thiểu đến mức tối đa những tác động nguy hại hoặc tiêu cực nói chung đến mức tối thiểu.
- Những khu du lịch tâm linh đều do địa phương tự cấp đất cho các doanh nghiệp ở những khu vực núi đá rộng hàng héc ta, rồi các khu du lịch tâm linh này ngẫu nhiên được gọi là chùa. Khi đó, những người xây dựng chùa sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi, nó giống như một "vỏ bọc" cho kinh doanh du lịch, nhằm trục lợi, Giáo sư thấy sao?
Quản lý đất đai trên cả nước là theo vùng lãnh thổ, cấp chính quyền. Chính quyền cấp tỉnh về mặt nguyên tắc mang tính pháp lý thì có quyền được cấp đất. Nhưng cấp đất để xây dựng 1 dự án mà gọi là du lịch tâm linh ấy thì đã được thẩm định, đã được ban ngành phê duyệt hay chưa? Nếu gọi đó là công trình văn hóa tâm linh, vậy lấy cái gì để làm nội dung tâm linh ở cái địa danh đó? Và khi chính quyền cấp đất cho doanh nghiệp như vậy thì nói chính xác là doanh nghiệp kinh doanh tâm linh - một loại mặt hàng quá đặc biệt.
Đất đai, diện tích lãnh thổ là những thứ không đẻ thêm được nhưng lại đang có những quy hoạch du lịch tâm linh chiếm giữ vùng diện tích đất đai quá rộng lớn. Còn nếu để nhìn nhận về ý nghĩa kiến tạo đối với những giá trị về mặt xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể phải nghi ngờ về những dự án du lịch tâm linh này.
- Cuối cùng, xin đề cập đến câu chuyện thuế ở các khu du lịch tâm linh, Giáo sư nhận thấy thế nào về vấn đề này?
Tôi xin khẳng định, chưa ai có thể thu thuế ở chùa và đất tôn giáo vẫn có sổ đỏ nhưng không phải đóng thuế. Cơ quan kiểm toán chưa bao giờ đưa chùa chiền vào đối tượng để kiểm toán, trong khi đó, người dân mở ra một cơ sở kinh doanh mà có doanh thu vài chục triệu/ tháng là lập tức bị thu thuế. Sự lập lờ giữa một công trình tôn giáo với một dự án du lịch sẽ dẫn đến những tiêu cực về thuế.
Với những chùa như Bái Đính, Tam Chúc, Giáo hội có quyền nhận sở hữu không, đó có phải đất tôn giáo để không phải chịu thuế không? Muốn được công nhận quyền sở hữu thì Giáo hội phải chứng minh quyền sở hữu của mình từ xưa với mảnh đất đó.
Và nếu doanh nghiệp đã kinh doanh tâm linh thì cần thiết đánh thuế công khai, minh bạch và rõ ràng từng hạng mục tại các dự án đó, cắt cử đội kiểm toán mang tính Nhà nước theo dõi tất cả mọi sổ sách về chi tiêu, về nguồn thu thu được từ các khu du lịch tâm linh này.
Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư!
Thu Huyền - Phạm Tùng
Nguồn https://www.nguoiduatin.vn/gs-ts-tran-ngoc-vuong-du-lich-tam-linh-la-khai-niem-tu-suong-a454565.html