Voi là voi ơi!

Chủ nhật - 20/02/2022 02:38
Bao giờ thì những chú voi ở Bản Đôn hay ở hồ Lắk có thể sống vô tư, nhí nhảnh như chú voi trong lời hát “tham ăn với lại ham chơi” để rồi mỗi khi có du khách đến thăm “Đầu gật gù chú vẫy chiếc vòi/Khéo đung đưa theo nhịp chiêng vui”?
 

“Những chú voi
Đầm mình vượt sông
Lằn lưng
Cõng  khách
Vây vẩy đuôi cụt...”


Hình ảnh trên trích từ bài thơ “Tháng Ba Tây Nguyên” tôi “ghi” được trong một lần tới khu du lịch Buôn Đôn cách đây hơn mười năm.

Rồi gần đây nhất, một ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu năm ngoái, tôi lại về Buôn Đôn trong chuyến đi cùng người nhà từ quê hương Nghệ An vào thăm thú Tây Nguyên. Những chú voi ở đây vẫn thế, ngày ngày cần mẫn, nhọc nhằn “Đầm mình vượt sông/Lằn lưng/Cõng  khách”.

Hình ảnh đó cứ ám ảnh tôi bao năm qua, mỗi khi nhắc đến voi Đắk Lắk.

Mới đây nhất, cộng đồng mạng lại dậy sóng sau khi một du khách đăng tải bài viết và những hình ảnh về voi bị hành hạ, oằn mình cõng khách du lịch trong những ngày xuân Nhâm Dần 2022 vừa qua.

Dòng trạng thái trên Facebook của du khách cho biết, tại buôn Jun (hồ Lắk) có dịch vụ cưỡi voi ở ngay bên hồ: "Mỗi nhân viên hướng dẫn voi đều cầm 1 cây gậy với phía đầu là móc sắt dùng để móc vào tai và đầu voi điều hướng đi và "răn" chúng. Đầu con nào cũng chằng chịt những vết thương cũ và mới ...”

Còn ở Bản Đôn, ngày Tết có tổng cộng 6 con voi, chúng phải làm việc từ 8 giờ đến 17 giờ và chỉ nghỉ 30 phút giữa trưa, để phục vụ hàng trăm người xếp hàng dài dưới nắng gắt đợi đến lượt cưỡi voi dạo một vòng dưới lòng sông Sêrêpôk. “Chúng chở người tham quan liên tục không ngừng nghỉ. Những tấm mía được mời chào hỗ trợ cho voi ăn không thể thấm tháp với khẩu phần ăn hàng ngày. Và cứ thử ngẫm xem nếu bạn vừa phải vác gạo trên lưng vừa ăn thì có nuốt nổi không???" – chia sẻ của du khách trên dòng trạng thái của mình.

Chuyện voi “lằn lưng cõng khách” như du khách phản ánh không mới, không lạ. Những chú voi ở Bản Đôn, ở Lắk đã làm việc đó từ hàng chục năm nay, khi Buôn Đôn, hồ Lắk trở thành một trong những điểm du lịch hút khách nhất của địa phương.

Vì sinh kế, nhất là sau một thời gian dài tạm dừng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, du lịch cưỡi voi lại “nở rộ”. Voi tiếp tục bị “bóc lột” sức lao động, bị “bạo hành”, khiến dư luận không khỏi bức xúc và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) buộc phải lên tiếng.

Trước nguy cơ loài động vật quý hiếm này bị đe dọa tuyệt chủng, hơn mười năm trước, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk với tổng kinh phí 61 tỷ đồng.

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn voi được thành lập. Trung tâm có nhiệm vụ hàng đầu là “quản lý bảo tồn các sinh cảnh, quần thể voi hoang dã; thực hiện các chính sách, kỹ thuật chăm sóc sức khỏe và sinh sản voi nhà; tổ chức giáo dục môi trường, duy trì và phát triển truyền thống quản lý chăm sóc, nuôi dưỡng voi nhà”.

Năm 2012, HĐND tỉnh Đắk Lắk thông qua Nghị quyết 78/2012/NQ-HĐND về việc quy định một số chính sách bảo tồn voi. Mới đây nhất, ngày 10/12/2021, HĐND tỉnh lại tiếp tục thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 78 nói trên.

Được biết, từ năm 2016 đến nay Tổ chức Động vật châu Á đã hỗ trợ công tác bảo tồn voi tại Đắk Lắk với số tiền tài trợ 350.000USD. Riêng với dự án ký kết chuyển sang mô hình du lịch thân thiện, chấm dứt hoạt động cưỡi voi, dự kiến Tổ chức Động vật châu Á sẽ tài trợ cho Đắk Lắk trên 2 triệu USD. Trong đó, sẽ hỗ trợ tài chính cho chủ voi, nài voi để bù đắp phần thu nhập bị mất khi ngừng hoạt động du lịch cưỡi voi, triển khai hỗ trợ mô hình thân thiện voi...

Đó quả là một nguồn kinh phí không hề nhỏ, nhằm bảo tồn voi trong đó có yêu cầu chấm dứt bạo lực đối với voi và tiến tới chấm dứt hoạt động du lịch cưỡi voi, chuyển sang mô hình du lịch thân thiện như AAF đã đề xuất.

Hiện đã có mô hình du lịch thân thiện đang thu hút du khách yêu động vật hào hứng trải nghiệm tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Theo đó, voi được gỡ bành, tháo xích, được thả trong rừng; du khách trải nghiệm theo voi vào rừng, tìm hiểu đặc tính thú vị của voi.
 
Có tiền, có hành lang pháp lý, có cơ quan chuyên trách việc bảo tồn, có hình mẫu tổ chức du lịch voi thân thiện. Thế tại sao voi vẫn phải nai lưng ra cõng khách, voi vẫn phải chịu đau đớn, thậm chí là đổ máu để chủ nhân của nó kiếm tiền mưu sinh? Đó là câu hỏi không dễ gì giải đáp được trong ngày một, ngày hai. Nó tùy thuộc vào sự quyết liệt trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của địa phương và cơ quan chức năng, vào sự thay đổi ý thức, thói quen làm du lịch của người dân.

Bao giờ thì những chú voi ở Bản Đôn hay ở hồ Lắk có thể sống vô tư, nhí nhảnh như chú voi trong lời hát “tham ăn với lại ham chơi” để rồi mỗi khi có du khách đến thăm “Đầu gật gù chú vẫy chiếc vòi/Khéo đung đưa theo nhịp chiêng vui”?

11-2-2022
Nguyễn Duy Xuân
Đăng báo Đắk Lắk cuối tuần số 5 (6864), 20-2-2022 (bản báo có chỉnh sửa)
Đăng Thời báo VHNT của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, số 07 (82) (báo đăng nguyên bản tác giả gửi.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập35
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm33
  • Hôm nay13,616
  • Tháng hiện tại1,071,152
  • Tổng lượt truy cập55,185,856
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây