Phát ngôn của lãnh đạo – thước đo lòng dân

Thứ năm - 20/12/2018 02:03
Trong thời đại công nghệ, nhiều phát ngôn của lãnh đạo các cấp được dân chúng biết đến nhiều hơn nhờ sự nhanh nhạy của truyền thông số và mạng xã hội.
Có những phát ngôn khiến lòng dân phấn khởi, đặt niềm tin vào lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Khi công cuộc đốt lò tham nhũng được được nhen nhóm rồi đỏ rực, niềm tin của dân được đẩy lên cao bởi câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”![1]

Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công.”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Lòng dân tin tưởng và hi vọng vì tham nhũng đã thành quốc nạn, đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Có một câu nói của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khiến dân như trút bỏ được nỗi bức xúc bấy lâu nay vì “nỗi lòng biết ngỏ cùng ai”: “Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này"![2] Còn nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì khẳng định: “Người ta ăn của dân không từ cái gì”![3]

Những phát ngôn nói trên khiến lòng dân tạm yên, vì dù sao lãnh đạo cấp cao nhất cũng đã biết, đã hiểu, đã nắm bắt được hiện tình đất nước. Do đó, khi cuộc chống tham nhũng được phát động, lò được đốt lên thì nhân dân đồng tình, tin tưởng và hi vọng dù công việc này chưa bao giờ là dễ dàng cả. Bởi tham nhũng không còn là hiện tượng nhỏ lẻ, cá nhân. Nó liên kết dây mơ rễ má với nhau, tạo nhóm lợi ích, dùng quyền lực nhà nước trong tay để khống chế, vơ vét tiền bạc, tài nguyên, đất đai,…của nhà nước và nhân dân.

Những cuộc thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua đã phát hiện rất nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn. Có những vụ kéo dài hàng chục năm gây bức xúc, làm giảm sút niềm tin của nhân dân như vụ Thủ Thiêm.

Một loạt cán bộ cấp cao, tướng lĩnh bị kỉ luật, kẻ thì bị truy tố, người thì bị cách chức vì tham nhũng hoặc bảo kê tội phạm.

Đó là thành quả của công cuộc đốt lò tham nhũng đang làm nức lòng dân và những cán bộ viên chức chân chính, liêm khiết.

Vậy mà, trong một phát biểu gần đây, người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lại cho rằng: Thanh tra, khởi tố nhiều làm giảm 'nhuệ khí' công chức(!?)[4]

Câu nói ấy của ông khiến dư luận bức xúc và… buồn lòng mấy hôm nay.

Tại sao thanh tra, khởi tố lại làm giảm 'nhuệ khí' công chức? Phải chăng việc thanh tra  phanh phui những hang ổ tham nhũng, lôi cổ chúng ra để luật pháp trừng trị làm nức lòng dân bấy lâu nay lại gây hậu quả làm giảm nhuệ khí công chức? Công chức “giảm nhuệ khí” ở đây là ai? Phải chăng là những cán bộ trung thực, liêm khiết, tài giỏi hay là những kẻ cơ hội, luồn lách như lươn như chạch?

Có lẽ chỉ có người phát ngôn mới hiểu thấu đáo những nghi vấn này.

Còn dư luận thì sao?

Tôi đọc hết comment của bạn đọc mà tịnh không thấy một ý kiến nào đồng tình ủng hộ phát ngôn của vị chủ tịch TP đương nhiệm.

Bạn đọc có nickname Kid viết: “Bác nói hay quá đi! Chính xác là giờ cán bộ các cấp chính quyền vừa đi làm vừa sợ vì không biết lúc nào bị sờ gáy, chỉ cần nghe nói đến kế hoạch thanh kiểm tra hoặc đột xuất 1 cái là giật mình, lo cách mà đối phó ...”

Bạn Trần Thanh Hà: “Thanh tra kiểm tra nhằm đưa các hoạt động của công chức đi đúng đường, đúng luật, các vị làm đúng thì đâu có phải sợ mà nhụt khí thế, kém năng động????

Bạn đọc Van Lam Tran: “Nếu không làm sai và vi phạm pháp luật thi ai cần thanh tra khởi tố, hở ông cán bộ.

Bạn đọc Nguyễn Trí Dũng: “Tôi tin một khi pháp luật nghiêm, bộ máy nhà nước sẽ loại bỏ được những quan chức tham nhũng và phục vụ dân hiệu quả bội phần thậm chí mười lần hiện nay chứ không phải như ông Phong nói, chẳng khác nào nói, diệt tham nhũng rồi còn ai làm việc.”

Bạn đọc Nguyễn Thanh Hà: “Hay thật. Không thể tưởng tượng được là có những suy nghĩ, lập luận kiểu này.”

Nhiều bạn đọc khác nói thẳng.

Bạn đọc Hoài Anh: “Lỡ nhúng chàm nên sợ, không còn năng động nổi nữa”.

Bạn đọc Baoquoc Donga: “Chỉ sâu mọt mới sợ bị thanh kiểm tra thôi.

Bạn đọc Bình Nguyễn: “Quyền lực mà không có giám sát sẽ bị tha hóa! Ai cũng biết điều đó,nếu vì thanh kiểm tra mà cán bộ mất hứng thú công việc thì nên loại bỏ những cán bộ đó cho dân nhờ!

Bạn đọc Ngo Roo: “Ai không làm được thì đi ra cho người khác làm.

Ồ, bạn Bình Nguyễn, bạn Ngo Roo – các bạn nói trúng lắm! Bỗng nhớ lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm…”.

Còn tôi thì nghĩ, ông bà mình dạy thật chí lí: “Uốn lỡi bảy lần trước khi nói”!

09-12-2018
Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:

[1]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/lo-nong-len-roi-thi-cui-tuoi-vao-cung-phai-chay-387640.html
[2]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/mot-con-sau-da-nguy-hiem-huong-gi-mot-bay-19800.html
[3]. https://dantri.com.vn/xa-hoi/pho-chu-tich-nuoc-nguoi-ta-an-cua-dan-khong-tu-cai-gi-1379365809.htm
[4]. http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-tp-hcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
Luong truy cap
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập386
  • Hôm nay30,035
  • Tháng hiện tại671,227
  • Tổng lượt truy cập53,972,276
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây