“Nhân bản” luận án tiến sĩ, vì đâu nên nỗi?

Thứ hai - 16/05/2022 16:09
Sau khi luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội lại phát hiện thêm một loạt luận án tương tự, đăng tải trên chuyên trang “Luận văn, luận án” của Bộ GD và ĐT.

Tình trạng "loạn" tiến sĩ không phải bây giờ mới có mà đã từng diễn ra từ trước khi Bộ GD và ĐT ban hành Thông tư 08 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ ngày 4/4/2017.

Tuy nhiên, thay vì siết chặt khâu tuyển sinh và đào tạo để chấm dứt vấn nạn "nhân bản" tiến sĩ thì tháng 6/2021, Bộ lại ban hành Thông tư 18. Thông tư này thay thế Thông tư 08 nhưng sự ra đời của nó càng khiến dư luận lo lắng bởi thông tư mới bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố bài báo quốc tế đối với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là điểm “thụt lùi”, hạ chuẩn chất lượng đào tạo so với quy chế 08 năm 2017, để rồi những luận án như "tiến sĩ cầu lông" vẫn được thông qua.

Theo Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, “yêu cầu luận án tiến sỹ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có ‘tiến sỹ thật’ và “không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật… không thể ngăn được việc cho ra lò các ‘tiến sỹ rởm’.

Nói “nhân bản” luận án tiến sĩ là không oan

Sau khi luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh (NCS) Đặng Hoàng Anh xuất hiện trên truyền thông, mạng xã hội lại phát hiện thêm một loạt luận án tương tự, đăng tải trên chuyên trang “Luận văn, luận án” của Bộ GD và ĐT. Xin nêu tên một vài luận án:

Nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục thể chất cho sinh viên các Trường Đại học tại Thành phố Vinh; Nghiên cứu xây dựng một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất của Trường Đại học Phú Yên; Nghiên cứu nội dung môn GDTC cho sinh viên trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá; Cải tiến chương trình Giáo dục thể chất cho sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội; Xác định nhu cầu và tiêu dùng Thể dục thể thao khu dân cư Thị xã Từ Sơn Tỉnh Bắc Ninh; Nghiên cứu lựa chọn giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất cho sinh viên Trường Đại học Hải Phòng; Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng Giáo dục thể chất cho học sinh các trường tiểu học Tỉnh Thanh Hóa, …

Trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam cũng trở thành đối tượng nghiên cứu của một luận án tiến sĩ với tên gọi "Nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin điện tử Thể dục Thể thao Việt Nam" của NCS Ngô Thịnh Hường.

Một chuyên gia sau khi đọc luận án này đã thốt lên: "Quá dễ với 2 bước để trở thành tiến sĩ giáo dục học. Một, chọn một trang tin điện tử. Hai, nghiên cứu giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của trang tin đó…".

Những “luận án” sau đây khác gì chuyện “nhân bản” cừu Dolly: "Chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Nông từ năm 2004 đến năm 2015", "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên từ năm 1997 đến năm 2010", "Quá trình chuyển biến kinh tế - xã hội tỉnh Hà Nam từ năm 1997 đến năm 2012", "Quá trình chuyển biến cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ năm 1992 đến năm 2012", "Chuyển biến kinh tế - xã hội huyện Từ Liêm, TP Hà Nội dưới tác động của quá trình đô thị hóa từ năm 1996 đến năm 2013".[1]

Vì sao có hiện tượng “nhân bản” luận án tiến sĩ?

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: “Xã hội phát triển yêu cầu phải có những tiến sĩ thật, người học thật, người thầy hướng dẫn cũng phải thật. Nếu cứ dễ dãi, nhắm mắt cho qua thì nền học thuật của Việt Nam không thể phát triển được".[2]

Tiến sĩ Phạm Hiệp, Giám đốc Nghiên cứu - Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, nhận xét nhiều đề tài tiến sĩ có tên gọi na ná nhau, nội dung viết "giống nhân bản như cừu Dolly". Theo ông, nguyên nhân dẫn đến sự thật đáng lo ngại này là do “thầy kém tạo ra trò kém, càng ngày càng đi xuống và có lỗi dần".
Theo một PGS Đại học Bách khoa Hà Nội, vấn đề không chỉ nằm ở NCS mà là người hướng dẫn và cơ sở đào tạo, phải được sự đồng ý của người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ thì đề tài nghiên cứu mới được thông qua.[4]

Đào tạo tiến sĩ: đề án chồng đề án, chạy theo số lượng, duy ý chí và đầy tham vọng

Năm 2000, Đề án "Đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước" (Đề án 322) được phê duyệt, với tổng kinh phí là  2.500 tỷ đồng (tương đường 152 triệu USD). Đề án có lộ trình thực hiện từ năm 2000 đến năm 2005, tuy nhiên, nó đã phải kéo dài tới 10 năm.

Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, trong thời gian thực hiện Đề án 322, có 4.590 người được gửi ra nước ngoài đào tạo,  trong đó có 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước chỉ có 3.017 người  gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên ĐH. Tuy thời gian kéo dài gấp đôi so với dự kiến ban đầu nhưng đề án 322 chỉ thực hiện được 50% kế hoạch.

Ông Phạm Sỹ Tiến, người đầu tiên nhận trọng trách điều hành Đề án 322, từng nhận định: “Điều đáng buồn nhất của đề án là người học được Nhà nước đầu tư rất tốt, nhưng sau khi về nước không phát huy được năng lực của mình, không có môi trường để phát triển nghiên cứu tiếp”.

Sau khi Đề án 322 dừng, ngày 7/6/2010, Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010 – 2020” (Đề án 911) được phê duyệt với tham vọng trong 10 năm đào tạo ít nhất 20.000 tiến sĩ. Đề án có tổng kinh phí dự kiến 14.000 tỷ đồng.

Năm 2016, sau 6 năm thực hiện, đề án 911 chỉ tuyển được 2.062 nghiên cứu sinh đào tạo trong nước, đạt 36% chỉ tiêu. 2.926 người trúng tuyển đào tạo ở nước ngoài nhưng chỉ có 1.961 người (gần 34% chỉ tiêu) được làm thủ tục đi học… Những con số ấy quá ít ỏi so với mục tiêu đào tạo 20.000 tiến sĩ của đề án.

Bộ GD-ĐT khẳng định: Đề án 911 không thể đạt được mục tiêu theo kế hoạch và buộc phải dừng. Tuy nhiên, cuối năm 2017, Bộ lại tiếp tục công bố dự thảo Đề án mới. Đến ngày 18/1/2019, Đề án được phê duyệt, chính thức mang tên "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030" (còn gọi là Đề án 89).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, để nâng tỉ lệ giảng viên ở các cơ sở giáo dục đại học đạt trình độ tiến sĩ lên 35% vào năm 2025, cần đào tạo 9.000 tiến sĩ với kinh phí dự kiến lên đến 12.000 tỉ đồng. Một tham vọng quá lớn cho thời hạn 6 năm (2019-2025).

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng đưa ra mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ như vậy là duy ý chí: “Đề án 911, Bộ GD-ĐT đề ra mục tiêu quá lớn so với tình hình thực tế về nguồn tuyển cũng như chất lượng của NCS, khả năng đào tạo của các trường ĐH trong nước. Vậy mà chưa có tổng kết, đánh giá đã vội vàng xây dựng đề án mới thì tôi cho đây là cách làm không khoa học".[5]

Theo GS Đặng Hùng Võ, nếu không được thực hiện nghiêm túc thì đề án của Bộ GD-ĐT sẽ biến thành đề án cấp bao nhiêu bằng tiến sĩ chứ không phải là đào tạo bao nhiêu tiến sĩ.  

Khi văn bằng tiến sĩ là passport để thăng quan tiến chức

Chưa nói đến thời xa xưa, cách đây ba chục năm thôi, danh xưng tiến sĩ, giáo sư trong mắt mọi người có cái gì đó thiêng liêng. Hồi còn học đại học, biết thầy cô dạy mình là giáo sư, tiến sĩ, sinh viên chúng tôi lòng đầy ngưỡng mộ, khâm phục bởi trình độ học vấn hơn người của họ.

Sau này, tìm hiểu thêm thì thấy tiêu chuẩn dành cho học vị tiến sĩ là rất cao. Theo đó, ứng viên học vị tiến sĩ phải có kiến thức uyên bác và làm chủ kiến thức về một đề tài khoa học, phải có khả năng mở rộng hay phát triển thêm tri thức về đề tài đó.
 
Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn thuộc phần cứng khác như chứng chỉ ngoại ngữ, bài báo khoa học. Học tiến sĩ thực chất là làm nghiên cứu khoa học, không có nghiên cứu khoa học thì không thể trở thành tiến sĩ.

Luận án tiến sĩ phải thể hiện đóng góp mới vào tri thức chuyên ngành. Những tri thức như thế có thể chưa có khả năng ứng dụng trong tương lai gần, nhưng có thể góp phần thúc đẩy chuyên ngành phát triển lên một mức cao hơn.

Bởi yêu cầu cao về trình độ nên ba bốn chục năm về trước, người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ còn rất hiếm hoi. Nhưng chỉ từ sau năm 2000 lại nay, riêng về tiến sĩ, số lượng đã tăng đột biến.

Theo số liệu của Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và công nghệ, tính tới năm 2016, Việt Nam có hơn 24.000 tiến sĩ. Trong đó, theo Bộ GD-ĐT, số tiến sĩ làm việc trong các cơ sở nghiên cứu và trường đại học, cao đẳng khoảng 15.000 người (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư).

Như vậy là sẽ có khoảng 9000 tiến sĩ (chiếm gần 40%) làm việc ngoài môi trường dạy học, nghiên cứu, tức là đảm nhận những công việc mà ở đó, tấm bằng tiến sĩ không mấy phát huy tác dụng về mặt chuyên môn.

Có địa phương như Hà Nội, ban hành Nghị quyết đặt mục tiêu từ giữa năm 2021 đến năm 2025 có 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ trở thành tiêu chuẩn cứng trong việc cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ. Trào lưu đổ xô đi học thạc sĩ, làm nghiên cứu sinh rộ lên. Đủ kiểu mánh khóe để đạt cho được tấm bằng danh giá, từ công nghệ “cắt dán”, sao chép đến, mua bán, lót tay, bôi trơn,… Chỉ cần hội đồng “gật” thì dù đề tài “không hiểu để làm gì” vẫn cứ được thông qua với số điểm cao ngất.

GS Nguyễn Văn Tuấn (Đại học New South Wales, Australia) cho rằng, “văn bằng tiến sĩ ở Việt Nam đã bị hiểu méo mó. Thay vì nó là một chứng chỉ để làm nghiên cứu khoa học, văn bằng tiến sĩ đã trở thành một giấy passport để thăng quan tiến chức”.

Chừng nào quy chế đào tạo còn bị “nương tay” bởi những người cầm chịch, chừng nào học vị tiến sĩ còn là chỉ tiêu hay đề án phấn đấu, chừng nào việc bổ nhiệm cán bộ còn trọng bằng cấp thì chừng đó không thể chấm dứt vấn nạn “tiến sĩ cầu lông” nở ra cấp tập từ những “lò ấp” mà dư luận đã chỉ đích danh và lên án.

11/5/2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

[1, 2, 3, 4] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-luan-an-tien-si-duoc-nhan-ban-20220507223632562.htm
[5] https://nld.com.vn/thoi-su/de-an-dao-tao-9000-tien-si-duy-y-chi-20171113220413613.htm


 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay10,977
  • Tháng hiện tại10,977
  • Tổng lượt truy cập55,202,438
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây