Khi cổng chào không phải để... chào

Chủ nhật - 25/09/2022 20:10
Dư luận như lạc vào ma trận chữ nghĩa về một cái cổng chào "vĩ đại". Nhưng ngôn từ dẫu có đẹp cũng không thể làm son phấn để phết lên hình hài cái cổng có một không hai này đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Thị Diệp Thanh
Tranh biếm họa của họa sĩ Nguyễn Thị Diệp Thanh

- Ủa, thế thì để làm gì? Bạn tôi thắc mắc.

- Để… giải ngân chứ còn làm gì nữa! Ông bạn ngồi cạnh đã nhanh nhẩu trả lời thay tôi.

Đấy là mẩu chuyện phiếm cà phê sáng xoay quanh câu chuyện cổng chào trăm tỉ đang thu hút sự chú ý của dư luận mấy ngày qua.

Ừ, để giải ngân - đấy là nói theo ngôn ngữ kinh tế học chứ đời thường người ta gọi là gì nhỉ, à phết phẩy. Dường như đã thành thói quen trong nếp nghĩ của dân mình hiện nay, hễ nói đến dự án là nghĩ ngay đến chuyện tiêu cực, chia chác phần trăm. Họ không phải không có lí khi đặt nghi vấn như thế bởi tự thân nhiều công trình xây dựng đậm chất "dự án", vừa khánh thành xong đã xuống cấp hoặc không hữu dụng đã nói lên điều đó.

Cổng chào trăm tỉ mà dư luận quan tâm mấy ngày qua là cổng chào "cấp tỉnh" ở Quảng Ninh. Theo thiết kế, hạng mục cổng chào có diện tích hơn 75.000m2, làm bằng khung thép với 8 cột chính có độ cao từ 38 - 43m, vốn đầu tư cho công trình này là 198 tỉ đồng.

Lí giải về cái "cổng tỉnh" đồ sộ này, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh không tiếc ngôn từ để ngợi ca, rằng đây là công trình kết hợp hài hòa giữa hai yếu tố: di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và Trung tâm phật giáo Yên Tử gồm: đài sen, hồ cảnh, đồi nhân tạo, giao thông cảnh quan; rằng công trình đảm bảo được các tiêu chí uy nghi, vững chãi, ấn tượng, đặc biệt, khác biệt, hiện đại và phản ánh được truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Quảng Ninh; rằng cổng tỉnh là công trình văn hóa mang ý nghĩa xã hội cao, sẽ là điểm nhấn quan trọng, tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới Quảng Ninh và là một sản phẩm du lịch độc đáo, giúp quảng bá và phát triển tiềm năng du lịch của địa phương.

Dư luận như lạc vào ma trận chữ nghĩa về một cái cổng chào "vĩ đại". Nhưng ngôn từ dẫu có đẹp cũng không thể làm son phấn để phết lên hình hài cái cổng có một không hai này đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Chuyện về cổng chào thì còn nhiều thứ để nói lắm. Khoảng hai chục năm lại nay, kinh tế phát triển, "văn hóa cổng chào" nhờ thế mà cũng nở rộ. Bây giờ ở bất cứ địa phương nào, từ làng xã, thôn bản đến cấp huyện, tỉnh, thành phố đâu đâu cũng bắt gặp cổng chào, thứ công trình được dựng lên gần như cùng một model bằng bê tông, sắt thép. Và chức năng duy nhất của nó hoặc là nhắc nhở cho du khách biết ranh giới địa lí giữa hai địa phương, hoặc là để treo khẩu hiệu ngày lễ tết. Chi phí cho những cái cổng chào như vậy nhỏ thì cũng dăm bảy triệu như cổng "Thôn Văn hóa", to thì hàng tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ như cổng tỉnh Quảng Ninh nói trên.

Không chỉ cổng chào, còn một thứ cổng khác cũng đua nhau mọc lên như nấm sau cơn mưa. Đó là cổng các cơ quan, đoàn thể, trường học, tổ chức xã hội… Không biết tự bao giờ, cổng cơ quan trở thành "biểu tượng" ganh đua theo kiểu "con gà tức nhau tiếng gáy". Cách đây gần chục năm, ở một trường chuyên nghiệp vùng cao nọ, vị hiệu trưởng vừa nhậm chức đã ngay lập tức thực hiện phương châm "phá cũ xây mới", đập cái cổng cơ quan mới mới chỉ ba bốn năm tuổi để xây cổng mới với chi phí gần một tỉ, tương đương tòa nhà 3 tầng có diện tích sàn cỡ vài trăm mét vuông. Đây là "đời" cổng thứ tư của nhà trường và cũng là hoành tráng nhất nhì tỉnh lúc bấy giờ.

Nhưng cái cổng một tỉ ấy chỉ là hạng cháu chắt nếu đặt bên cạnh cái cổng của một cơ quan quân sự địa phương sắp sửa khánh thành. Dư luận đồn đoán chi phí xây cái cổng hoành tráng này hết đâu năm bảy tỉ. Có lẽ đây là cái cổng cấp cơ quan hàng tỉnh to nhất nước. Nó sừng sững như một tòa nhà 3 tầng bên cạnh trục đường lớn của thành phố khiến khách bộ hành đi qua đều phải ngước lên nhìn mà thán phục bởi cái sự uy nghi, đồ sộ của nó.

Nhìn những cái cổng ngốn tiền tỉ như thế, lòng dân không khỏi ngậm ngùi. Người ta đang vô tư vung tiền thuế của dân vào những công trình mà công năng hạn chế, gây lãng phí, thất thoát.

Những cái cổng tỉnh, cổng huyện kia liệu có góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế và an sinh xã hội địa phương như lãnh đạo kì vọng? Những cái cổng cơ quan công quyền hoành tráng ấy liệu có làm nên chất lượng quản lí nhà nước hay là càng khoét sâu ranh giới ngăn cách với người dân?

12/10/2016
Nguyễn Duy Xuân (Rút từ tập Chuyện nhặt cà phê sáng)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm78
  • Hôm nay17,583
  • Tháng hiện tại17,583
  • Tổng lượt truy cập55,209,044
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây