Vì sao dân không thích tặng quà ấm chén?

Thứ bảy - 07/03/2020 20:20
Tại vì dân đã chứng kiến quá nhiều dự án đầu tư, mua sắm tài sản công gây thất thoát lãng phí vì tham nhũng bởi thứ luật bất thành văn chia chác tỷ lệ phần trăm từ dự án.

Ảnh minh họa

Thông tin thành phố Hải Phòng quyết định chi gần 270 tỷ từ ngân sách để tặng mỗi gia đình một món quà trị giá 500 ngàn đồng, quy ra vật chất gồm 2 món: 1 lá cờ tổ quốc và 1 bộ ấm chén, để đánh dấu kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng thành phố, đang nhận được những ý kiến trái chiều của dư luận.

Nhiều người cho rằng đây là một việc làm lãng phí, dù lãnh đạo thành phố lý giải những năm qua, Hải Phòng là địa phương ăn nên làm ra, việc tặng quà là rất ý nghĩa, thể hiện “truyền thống uống nước nhớ nguồn, ghi nhận, tri ân đóng góp, cống hiến của nhân dân với đảng bộ, chính quyền thành phố trong suốt 65 năm qua”.(1)

Quả thực, nghe những lời giải thích của lãnh đạo thành phố, không ai là không đồng tình với quyết định này của Hải Phòng.

Theo ông Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Bình, việc tặng quà không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất mà thể hiện sự gắn bó, trách nhiệm của chính quyền với người dân; đây là một việc làm cẩn trọng, xuất phát từ ý nghĩa thiêng liêng; Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND đã thảo luận rất nghiêm túc; chủ trương và pháp lý là nghiêm túc và đầy đủ.(2)

Cẩn trọng, nghiêm túc, và trách nhiệm là thế, vậy mà tại sao dư luận lại phản ứng?

Tại vì dân đã chứng kiến quá nhiều dự án đầu tư, mua sắm tài sản công gây thất thoát lãng phí vì tham nhũng bởi thứ luật bất thành văn chia chác tỷ lệ phần trăm từ dự án.

Tại vì người Hải Phòng chưa quên công trình nhạc nước 200 tỷ khiến một loạt lãnh đạo thành phố từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch thành phố đến giám đốc sở bị kỷ luật năm 2016.

Tại vì gương Vĩnh Phúc còn sờ sờ ra đó khi năm 2017, lãnh đạo tỉnh này cũng đã quyết định chi 65 tỷ mua ấm chén tặng toàn dân nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh khiến dư luận xôn xao.

Tại vì ấm chén là vật dụng thường ngày, không nhà nào là không có. Mỗi nhà đều có ít nhất một bộ phù hợp với khả năng kinh tế, sở thích và gu thẩm mỹ của mình. Không thể lập luận như ông Phó Chủ tịch Lê Khắc Nam rằng, không dùng thì để chưng làm kỷ niệm. Nếu thế thì dư luận khỏi phải bàn, bởi sự lãng phí đã lộ rõ.

Tại vì dân chưa được hỏi ý kiến dù rằng đây là chủ trương, là quyết định của 100% đại biểu HDND thành phố.

Tại vì “Hải Phòng vẫn còn hàng chục ngàn hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn. Cơm chưa đủ ăn, nói gì đến dùng ấm chén được tặng để pha trà uống nước hay giữ làm kỷ niệm”.(3)

Tóm lại vấn đề sâu xa ở đây là niềm tin của dân trước mỗi quyết định của chính quyền liên quan đến việc chi tiêu ngân sách nhà nước.

Dân nghi ngờ tính minh bạch của dự án. Lãnh đạo thành phố nói “Việc này sẽ được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan để lựa chọn nhà cung cấp” nhưng lại bảo “mặt hàng đó (bộ ấm chén) người ta bán ở thị trường là khoảng 700.000 - 800.000 đồng, nhưng chúng tôi thương thảo để xem xét thì mức giá chỉ còn trên 50%”. (4)

Lạ chưa, đã thương thảo (với đối tác) để giảm giá gần 50% thì “đấu thầu công khai, rộng rãi, khách quan để lựa chọn nhà cung cấp” còn có nghĩa lý gì nữa?

Nhân vụ việc này, thiết nghĩ Chính phủ cũng nên có ý kiến chỉ đạo hoặc có quy định chặt chẽ về việc chính quyền hoặc cá nhân lãnh đạo tặng quà dân, tặng quà cấp dưới nhằm đảm bảo tính minh bạch, thiết thực không mang tính hình thức, phô trương hoặc đánh bóng tên tuổi.

Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, thực hành tiết kiệm chống lãng phí đã và đang là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước thể hiện qua rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Ngân sách Nhà nước 2015, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, Nghị định số 111/2018/NĐ-CP, Quyết định số 64/2007/QĐ-TTg ngày 10.5.2007 của Thủ tướng Chính phủ…

Không thể cứ lập luận, chủ trương này đã được nghiên cứu kỹ, tập thể nhất trí, thậm chí là HDND thông qua mà phớt lờ cảnh báo của dư luận. Không ai sáng suốt hơn trí tuệ nhân dân. Những chủ trương nếu chưa hợp lòng dân thì vẫn có thể sửa đổi, thậm chí là hủy bỏ. Lãnh đạo nếu thực sự vì dân thì phải biết lắng nghe ý kiến phản biện đặc biệt là tâm nguyện của người dân (không phải là thứ tâm nguyện chót lưỡi kiểu “nhân dân đồng thuận” để lấp liếm).

270 tỷ so với ngân sách mấy chục ngàn tỷ của Hải Phòng có thể không thấm tháp gì nhưng cũng đủ để giúp thành phố làm được khối công trình dân sinh như bổ sung ngân sách chống dịch Covid, hỗ trợ người nghèo, xây trường học, bệnh viện, công viên,…


Nguyễn Duy Xuân

Nguồn tham khảo:


(1, 2, 4). https://thanhnien.vn/thoi-su/hai-phong-chi-269-ti-tang-am-chen-xuat-phat-tu-nguyen-vong-nguoi-dan-1190397.html

(3). https://thanhnien.vn/thoi-su/hai-phong-chi-269-ti-dong-tang-qua-toan-dan-pho-truong-va-phan-cam-1190594.html


Nguồn VHNA: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/110-van-hoa-va-doi-song-2/13770-vi-sao-dan-khong-thich-tang-qua-am-chen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay36,739
  • Tháng hiện tại753,564
  • Tổng lượt truy cập54,868,268
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây