Thế giới nghệ thuật thơ tình yêu trong ‘Lá chiêm bao’ của Đặng Bá Tiến

Thứ năm - 28/10/2021 21:08
Thơ tình yêu, cứ đọc mà mê, cứ đọc mà say, cứ đọc mà nhớ… Với tập Lá chiêm bao của nhà thơ Đặng Bá Tiến, điều đó hẳn đúng lắm thay!
 

Nhà thơ Đặng Bá Tiến là tác giả của một số tập thơ và trường ca được bạn đọc chú ý những năm gần đây: Lời chân thành với cỏ (Thơ, 2009), Rừng cổ tích (Trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (Thơ, 2017). Vốn xuất thân từ một nhà báo, đi nhiều và tiếp cận nhiều với mảng hiện thực đời sống nên thơ anh giàu chất thời sự, ôm chứa nhiều cảnh đời và cuộc sống bộn bề với biết bao suy tư, trăn trở. Hiện thực đất nước, nhất là vùng đất Tây Nguyên huyền thoại, được anh phản ánh trong thơ mình hết sức chân thành và sâu sắc về nội dung tư tưởng. Bên cạnh những đề tài có tính chất “đại tự sự”, Đặng Bá Tiến cũng là nhà thơ có cái tôi nội cảm rất phong phú qua mảng thơ tình yêu. Tập thơ Lá chiêm bao của anh ra mắt lần này sẽ nói hộ với chúng ta điều đó.


Bìa tập thơ “Lá chiêm bao” của Đặng Bá Tiến.

Tôi đọc 90 bài thơ viết về tình yêu của Đặng Bá Tiến, thấy hồn mình dạt dào cảm xúc, bâng khuâng sống lại những kỷ niệm buồn vui, luyến nhớ về tình yêu. Các bài thơ trong tập Lá chiêm bao được viết qua nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời tác giả, nên trạng thái cảm xúc đa dạng, thế giới hình tượng thơ cũng rất phong phú. Bước vào khu vườn thơ tình yêu của Đặng Bá Tiến, người đọc bắt gặp ngay chân dung người tình hiện lên thật đẹp và lộng lẫy. Khi vui cũng như lúc buồn, người tình hiện về trong tâm hồn thi nhân bao giờ cũng là một giai nhân diễm tuyệt. Háo hức đợi chờ phút giây hò hẹn “anh rung ngày cho mặt trời chóng rụng”, Đặng Bá Tiến chỉ ao ước được nhìn thấy người yêu kiều diễm dưới trăng đêm: “Không gì tuyệt vời hơn trăng giữa tháng/trời sinh ra trăng để chiều những người tình/ dưới trăng em là người diễm tuyệt/ ánh mắt nụ cười… tất thảy lung linh” (Trăng). Anh mong chờ mỗi ban mai về để được nhìn thấy người yêu trên đường trong ngọn gió “bồng bềnh mái tóc”, được nhìn nụ cười quyến rũ và đắm say. Dường như tâm hồn và nhịp tim của thi nhân chưa bao giờ thôi dan díu với người tình: “Mỗi ban mai/ em thả bước trên đường/ nắng bịn rịn má hồng/ gió bồng bềnh mây tóc/ eo thon ảo dưới áo hồng phơ phất/ một chút cười thôi/ mà đuôi mắt buộc bao người” (Mỗi ban mai).

Đặng Bá Tiến bảo mình là người có “trái tim điên”. Vâng, anh “điên” nên ngay trong giấc chiêm bao cũng say lòng yêu dấu. Người tình hiện về xao động từ sóng mắt, nụ cười. Nó là mắt, là môi mà cũng là rượu tình dâng lên sóng sánh. Say từ thuở trẻ trai đến khi cuộc đời đã chín, đã trải nghiệm với biết bao buồn vui giữa cuộc sống trần gian: “Mắt người chuốc rượu mộng mơ/ say từ thuở ấy bây giờ còn say!/ Đêm nay ghé bến lông mày/ lại mơ thấy mắt dâng đầy rượu xưa…” (Mắt người xưa). Thêm nữa, đâu phải chỉ có lúc hẹn hò trong đêm trăng hay buổi ban mai đón đợi người tình, ngay cả khi xa cách ngàn trùng, không còn chung bước trên đường đời vạn dặm, hình tượng người tình vẫn ám ảnh hồn anh, trong cả giấc chiêm bao. Người yêu lúc này vừa liêu trai, vừa gần gũi, vừa khơi gợi muôn trùng kỷ niệm, vừa giằng xé đến xa xót cõi lòng anh qua bóng dáng huyền hồ, lộng lẫy: “Lạ thay là cặp mắt đen/ dù đêm tối vẫn ánh lên dịu hiền/ lạ thay là mái tóc huyền/ cứ như dòng suối chảy bên ta nằm/ lạ thay khuôn mặt trăng rằm/ ta buồn lại ghé thì thầm cùng ta” (Trái tim điên).

Vẻ đẹp của lời nói, tóc mai, vóc dáng người tình cứ thế cợt đùa qua tháng qua năm da diết và cháy bỏng. Đọc xong tập thơ Lá chiêm bao, ta thấy nhà thơ Đặng Bá Tiến lúc nào cũng suy tư, hoài vọng về bóng hình người mình yêu dấu. Vì vậy, hình tượng người tình trong tập thơ tràn ngập nỗi niềm với nhiều cung bậc cảm xúc của thi nhân. Ánh mắt, chân mày, tóc mây, miệng cười buộc bao đôi mắt, ngay đến cái gót chân trần của giai nhân cũng ngân lên khúc nhạc “bổng trầm” để nhà thơ “mong” một lần được người đẹp “dẫm qua” dù tâm hồn lắng đợi trong cả khổ đau và tuyệt vọng: “Ô hay cái gót chân trần/ của giai nhân cũng bổng trầm lời ca/ ta nằm mong được dẫm qua/ một lần đau bởi gót hoa cũng đành!” (Một lần trên cỏ). Ánh mắt là rượu say, gót hồng của người tình cũng nồng nàn hơi rượu tỏa. Có lẽ ít người trong chúng ta, chưa dễ gì ai yêu đắm say và tha thiết lại có cảm hứng mãnh liệt trước giai nhân đến thế. Đặng Bá Tiến yêu thương tình nhân, hòa nhập hồn mình trong từng hơi thở, dáng đi, ánh mắt, nụ cười và cả cái “gót chân” của giai nhân kiều diễm: “Gót hồng đâu phải rượu say/ thoáng nhìn/ bao kẻ quên ngay lối về/ gót hồng đâu phải bùa mê/ một lần chạm mắt thì về nhớ nhung…” (Gót hồng). Như còn chưa thỏa khi viết về chân dung người tình, cái lúm đồng tiền của người mình yêu một lần nữa cũng cứ ám vào tim, xâm chiếm trong cả giấc chiêm bao mỗi lúc đêm về khiến cho tâm hồn thi nhân biết bao mộng mơ, sầu nhớ: “Cái-lúm-đồng-tiền chỉ gặp một lần thôi/ đêm xâm chiếm chiêm bao/ ngày ào vào mơ mộng/ tôi ngẩn ngơ ngơ ngẩn/ Cái-lúm-đồng-tiền cứ ám vào tim” (Cái lúm đồng tiền).

Có thể nói rằng, chân dung người tình là hình tượng trung tâm để từ đó Đặng Bá Tiến ngân lên nhiều cung bậc cảm xúc về tình yêu đôi lứa. Dường như trong cuộc đời này, có bao nhiêu nốt trầm xao xuyến dấu yêu là có bấy nhiêu sắc thái biểu cảm trong tình yêu. Đọc Lá chiêm bao, ta bắt gặp một Đặng Bá Tiến đắm say và tha thiết vô cùng trong tình yêu. Anh van vỉ người tình dẫu khi đang xa cách. Anh xem trái tim mình chính là quả địa cầu mà ở bất kỳ nơi đâu đều có thể lắng nghe hơi thở người mình yêu dấu. Nguyễn Bính để cho cô gái van xin: “Nhà em xa cách quá chừng/ Em van anh đấy, anh đừng thương em” (Xa cách – Nguyễn Bính). Nói thế là đã yêu nhiều lắm rồi. Nhưng với Đặng Bá Tiến, anh càng bộc trực và khẳng định tình cảm mãnh liệt, nồng cháy của mình nhiều hơn nữa khi yêu: “Em đừng ngại xa/ em chớ sợ xa/ nếu người yêu em có trái tim tựa quả địa cầu trong lồng ngực/ ngàn cây số anh vẫn nghe hơi thở em khi trở mình thao thức/ giữa lòng anh/ em luôn giữa lòng anh” (Khi anh yêu). Anh nồng nàn, mãnh liệt không đến độ vồ vập, nhưng quyết liệt khi nghi ngờ lời hẹn ước kiếp sau. Anh hiện sinh và khao khát được yêu, được sống, được đa đoan ngay trong chính kiếp này: “Kiếp sau còn có nhân gian?/ kiếp sau người có đa đoan với người?/ kiếp sau còn đất? còn trời?/ kiếp sau người có trao người nụ hôn?” (Kiếp sau). Anh mơ mộng, đắm say trong hoài tưởng một chiều mưa Kỳ Phương để rồi cảm thấy mình mắc nợ với người yêu. Lúc này ta mới thấy trong tình yêu, Đặng Bá Tiến là người có trách nhiệm, sống đắm đuối mà nhân văn, không bao giờ nỡ tình phụ rẫy: “Suốt đời tôi mắc nợ/ cơn mưa chiều Kỳ Phương/ cõng nhau qua đồng lũ/ mà mong đồng rộng hơn” (Mắc nợ). Anh đắm say, tha thiết bao nhiêu thì cũng đau lòng bấy nhiêu khi nhận ra nỗi đau tình ái hiện về trong cơn mưa hôn kỷ niệm: “Bây giờ ôm nỗi niềm xưa/ tôi nằm mơ lại cơn mưa một chiều/ tình say khi đã dâng triều/ mưa hôn em đổ bao nhiêu cho vừa” (Mưa hôn).

Tha thiết, say đắm bao nhiêu, nhà thơ càng mong chờ được gặp người yêu mỗi giờ mỗi phút. Không lúc nào, chưa bao giờ tâm trí người tình si Đặng Bá Tiến lại không thôi mong mỏi, nhớ thương và khao khát được hẹn hò, gặp gỡ. Có cơn mưa trắng trời trắng đất, nơi hẹn hò cây đại thu cũng co ro mà nhà thơ vẫn thấy lòng mình “héo khô” chỉ vì không gặp được người yêu dấu: “Mưa mưa mưa/ đường mơ ngập sóng/ nơi hẹn hò/ đại thụ co ro/ đất trời ướt sũng/ lòng anh héo khô” (Mưa héo). Từ cơn “mưa héo” không gặp được người yêu đến nỗi cô đơn bên biển Nha Trang ngày về xa vắng, trước sau lòng anh đều bồi hồi một nỗi nhớ nhung, tưởng tiếc. Trong cô đơn buồn nhớ, hồn thi nhân hòa vào tiếng sóng biển lang thang của một đêm Nha Trang vời vợi vắng bóng nhân tình. Tâm trạng ấy là điệu “sóng lòng dào dạt” của Đặng Bá Tiến trong cô đơn khắc khoải trước ngàn trùng biển cả: “Tôi thương biển lại thương mình/ sóng lòng dào dạt cũng đành lẻ đôi” (Đêm bên biển Nha Trang). Trong Chùm thơ không đề gồm 17 bài, nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu được nhà thơ Đặng Bá Tiến viết rất sâu lắng, cấu tứ khá ấn tượng. Có lẽ lúc đó, những bài thơ nhỏ và rời này chỉ như một tiếng vọng thẳm sâu bất chợt trào dâng mãnh liệt khiến nhà thơ chộp được và viết liền một mạch. Nỗi nhớ nhung, sự đơn côi bật trào nên thiết tha đến từng câu chữ.

Chẳng hạn ở Bài số 1 trong Chùm thơ không đề, tác giả có cách cảm nhận về nỗi nhớ rất hay, trực cảm mà mới lạ, bình dị mà sâu sắc nên mang sắc thái biểu cảm riêng: “tôi nhặt dưới đáy mộ thời gian/ hài cốt của tình yêu một thuở/ ngâm chín trong rượu nồng thương nhớ/ những đêm buồn tôi uống hồn tôi”. Anh nhớ thương người tình trong hoài niệm từ một mùa thu ở Ea Nhôn xao xác lòng người. Những cánh rừng đã chết, em cũng biền biệt vời xa. Hai nỗi đau hòa chung thành một, rừng xưa dâu bể, bể dâu; người xưa cũng “rụng” trái tim về với người khác. Đặng Bá Tiến lắng lòng rưng lệ khi đón mùa thu vàng trên đất Ea Nhôn. Đọc những dòng thơ viết về mùa thu ở rừng hòa trong khúc nhạc buồn ly biệt của khúc tình thu hiu hắt ta mới hiểu được trái tim đa sầu, đa cảm của thi nhân nhiều hơn: “Rừng xưa giờ bao nỗi bể dâu/ em cũng để trái tim mình rụng/ nhưng thu vàng Ea Nhôn/ còn hoài trong tâm tưởng/ và trái tim ta rưng lệ lúc thu về” (Thu Ea Nhôn). Cảm thức cô đơn, nhung nhớ trong tập thơ Lá chiêm bao nhiều khi hiện lên thật buồn và da diết. Một đêm thương nhớ người yêu nhòa lệ, chỉ còn biết “nhặt mảnh trăng rơi gối đầu”, tâm trạng Đặng Bá Tiến xót xa, hoài cảm: “Đầu lăn trên gối như mài/ mòn đêm nỗi nhớ về ai chẳng mòn” (Mòn đêm).

Ngoài cảm xúc nhớ thương và nỗi cô đơn trong tình yêu, tập thơ Lá chiêm bao cũng ngập tràn tâm trạng mất mát, hoài niệm và nuối tiếc. Thực ra, các cung bậc cảm xúc trong tình yêu thường đan xen, hòa lẫn vào nhau không dễ tách rời. Ở đây, chỉ tạm thời nhận diện qua nhiều góc cạnh để người đọc có cái nhìn sâu mà thôi. Có lẽ trong cuộc đời, điều mất mát làm ta xót xa nhất, đau khổ nhất, dễ khóc nhất chính là nỗi mất mát trong tình yêu. “Gió đâu gió mát sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng thế này” (Ca dao). Cái cảm giác nhớ người dưng, mất người dưng mà bao đời nay thi nhân đã tạc nên những tượng đài nghệ thuật thi ca bất tử. Thơ tình yêu viết về nỗi mất mát, cô đơn của Đặng Bá Tiến thật đáng yêu, anh không chì chiết, đay nghiến mà chỉ bịn rịn, tưởng tiếc bằng một cảm xúc nhẹ nhàng và rất mực thành tâm. Đã từng “sa lưới” trong tình yêu, rồi tình yêu tuột khỏi tay cầm, Đặng Bá Tiến bồi hồi hoài niệm giấc mộng tình yêu huyền nhiệm một thời yêu đương: “Mùa sang thuở ấy thơ ngây/ ngẩn ngơ… vuốt tóc, trăng đầy kẽ tay/ bồi hồi… tán vải cũng say/ lời thương đan lưới… dụ hây hẩy tình/ ta sa lưới tới bình minh/ tưởng như đời đã đóng đinh vào thuyền” (Lá chiêm bao). Trong sự hoài niệm, tiếc nuối về một tình yêu không trọn vẹn, nhiều khi Đặng Bá Tiến xót xa như một niềm ân hận trong đời, trách mình không bằng con chuồn kim đan nắng chiều vào cỏ biếc. Hình tượng thơ thật đẹp và lãng mạn càng tăng thêm nỗi mất mát, xót xa: “Con chuồn kim một thoáng trong chiều/ luồn bao sợi nắng vàng vào cỏ biếc/ Anh ngang dọc suốt đời vì sao chẳng biết/ không luồn nổi sợi tình vào trái tim em?” (Ghen với chuồn kim). Anh tiếc thương một mối tình lãng mạn đã không thành khi trở lại dòng sông Cầu kỷ niệm. Một chút “giá như” nhìn có vẻ giản đơn mà xa xót biết dường nào: “Giá như ngày ấy sông Cầu/ người đi để lại một câu hẹn hò” (Sông Cầu). Đặng Bá Tiến bồi hồi tưởng tiếc những kỷ niệm tình yêu đã qua từ hơi thở của người tình vương vấn, ám ảnh như hương nồng, như rượu say để rồi suốt đời không làm sao quên được: “Trong nhiều giấc mơ/ ta vẫn nghe những hạt mưa thánh thót/ dù bốn mươi năm/ chiều chờ cơn giông ngớt/ hơi thở em hồi hộp đến bây giờ!” (Hơi thở em hồi hộp đến bây giờ).

Đọc Lá chiêm bao, có lẽ chúng ta đều cảm nhận rằng, phần nhiều tình yêu trong thơ Đặng Bá Tiến là những mối tình luyến thương qua hồi ức kỷ niệm. Anh khao khát, đắm say, đợi chờ, thương nhớ… tất cả đều bắt nguồn từ sự day trở, chiêm cảm trong hiện tại của một người đã trải qua nhiều dâu bể cuộc đời. Thơ tình Đặng Bá Tiến nhờ đó có đủ độ lùi về thời gian để độ chín của cảm xúc được thăng hoa và sự trải nghiệm của một tâm hồn đắm say với tình yêu dâng đến tận cùng đỉnh điểm. Tổng kết lại đời mình, quả như lời đề từ anh viết: “Bao năm làm áng mây trôi/ mong đời nhẹ bổng như hơi rượu nồng/ đâu hay cuối giấc phiêu bồng/ trái tim bỗng ửng ráng hồng má em!” (Chuộc). Chính vì lẽ đó, tình yêu trong thơ anh thánh thiện và biết hiến dâng một cách trọn vẹn. Chúng ta đừng mong trong thơ Đặng Bá Tiến có những cảm xúc nồng cháy và sự thăng hoa thiên về thân xác, nhục thể. Đặng Bá Tiến viết thơ tình phần lớn khi đã có cái nhìn chiêm nghiệm về đời sống, về tình yêu một cách lắng sâu. Anh sẵn sàng sống hiến dâng cho tình yêu thêm đẹp. Thế nên, trong tập Lá chiêm bao, người đọc sẽ bắt gặp những câu thơ tình thật giàu cảm xúc nhân bản và thánh thiện, nó là sự dâng hiến và hi sinh trọn vẹn cho tình yêu: “với em, anh là quả táo/ em có thể ăn chơi, có thể nhai giòn/ anh chỉ ngọt và lặng thầm dâng hiến/ như quả táo hiền không biết tuyên ngôn” (Chùm thơ không đề – Bài số 10). Ngay khi gặp gỡ lại người tình, anh cũng trách cứ nhẹ nhàng, cộng thêm một chút hờn dỗi thật đáng yêu. Lúc ấy, thế giới tình yêu trong tâm hồn thi nhân thật đẹp đẽ và hồn hậu, nó như giọt nước mát thần tiên dâng hoài trong tâm tưởng để hóa thành bao nguồn suối lệ yêu thương: “Em cứ xa/ gặp gỡ mà chi/ để tôi được nuôi giấc mơ hoài trong tâm tưởng” (Sống với giấc mơ). Anh chân thật và dại khờ trong tình yêu như một lời tự thú ngây thơ đến tội nghiệp: “Tôi, thằng đàn ông chỉ có trái tim/ yêu đến độ nung hồn nên vần điệu/ yêu đến mức dù câu thơ kết liễu/ cuộc đời mình/ vẫn viết/ bởi vì yêu !” (Chiếc khăn). Quả đúng như Victor Hugo đã từng nói: “Vì yêu, trái tim trở nên can đảm. Nó chỉ toàn những gì thuần khiết, chỉ dựa vào những gì cao thượng và lớn lao”. Cho nên, trong tình yêu, xét cho cùng là phải biết sống hết mình cho người mình yêu, yêu là sự dấn thân và tận hiến cho nhau trọn vẹn. Đọc thơ tình Đặng Bá Tiến, sẽ không khó lắm khi phát hiện những câu thơ tình yêu lấp lánh chất nhân văn cao đẹp và thánh thiện, sẵn sàng dâng hiến vì nhau bởi rung động tình trường.

Qua tập thơ Lá chiêm bao, thế giới hình tượng thơ tình yêu của Đặng Bá Tiến nhìn chung không quá lạ xa với người đọc. Cảm thức văn hóa – thẩm mỹ về tình yêu của anh gần gũi và thân thuộc với chúng ta biết chừng nào. Chân dung người tình, những cung bậc cảm xúc trong tình yêu của thơ Đặng Bá Tiến, ta vẫn gặp đâu đó ngoài cuộc đời, trong mỗi trái tim khi vang vọng nhớ thương về một miền yêu dấu cũ. Có điều, chính thế giới hình tượng bình dị và quen thuộc ấy lại được tác giả chuyên chở bằng một hình thức nghệ thuật mang dậm dấu ấn rất riêng, không trộn lẫn. Vì vậy, với Lá chiêm bao, người đọc sẽ bắt gặp những giá trị nghệ thuật đặc sắc, khẳng định cá tính sáng tạo, góp phần mang lại thành công nhất định cho tập thơ này.

Lâu nay, các mô típ có tính biểu tượng trong thơ tình yêu Việt Nam từ ca dao đến thơ hiện đại thật đa dạng và phong phú. Trong ca dao, ta bắt gặp các biểu tượng thuyền – bến, mận – đào, trúc – mai…; đến thơ hiện đại, các biểu tượng trên vừa tiếp tục được kế thừa, đồng thời được các nhà thơ có tài sáng tạo thêm như hoa khuê các – bướm giang hồ, biển – bờ, sóng – bờ, thuyền – biển của Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh… đã bồi đắp thêm những giá trị nghệ thuật cho nền thơ dân tộc. Đọc Lá chiêm bao của Đặng Bá Tiến, tôi bỗng nhận ra hình tượng cỏ xanh đã ám ảnh xuyên suốt tập thơ như một biểu tượng. Có cỏ xanh đợi chờ, thương nhớ. Có cỏ xanh hoài niệm, khát khao. Có cỏ xanh thủy chung bền chặt. Có cỏ xanh hiến dâng, thánh thiện. Có cỏ xanh xót xa, tiếc nuối… Cỏ xanh thăm thẳm qua nhiều chiều không gian, thời gian. Cỏ là giường chiếu, cỏ là nệm tình, cỏ là nỗi đợi chờ êm ái… Có thể nói rằng, xuyên suốt tập thơ, hình tượng cỏ xanh bạt ngàn, thăm thẳm đã làm nên vẻ đẹp tình yêu và chuyên chở cảm xúc tình yêu của nhà thơ đến với trái tim người đọc. Trong Lá chiêm bao, cỏ không đơn thuần chỉ là không gian của thiên nhiên, trời đất, nơi tình yêu ước nguyện hẹn hò. Cỏ có khi hiện lên như một người tình kiều diễm, biết khao khát, đợi chờ; biết nhớ nhung, hoài niệm. Cỏ hóa thân vào cảm xúc của thi nhân, giăng mắc tràn đầy trong ký ức. Hãy lắng nghe cỏ bồi hồi, run rẩy, đắm say: “tháng này/ mùa thu năm ấy/ trăng nhuộm vàng sông Đáy ngừng trôi/ gió hồi hộp/ cỏ xanh run rẩy/ khi lần đầu hai đứa chạm môi…” (Nhớ). Cỏ hiện về qua tâm thức hoài niệm, xuyến xao: “Giá như ngày ấy ông trời/ dẫn hai người tới hai nơi cách trùng/ thì đâu có chuyện tao phùng/ để rồi nhớ mãi một vùng cỏ non” (Giá như). Cỏ đợi chờ, thủy chung qua thời gian để rồi nơi vườn thu xưa cũ, trăng triệu năm còn yêu tha thiết và cỏ cũng đan thanh chờ mãi một cuộc tình: “này em/ trăng và vườn thu như đã kết hôn nhau/ ánh trăng vàng và lá vàng đang xôn xao quấn quýt/ trăng triệu năm vẫn còn yêu tha thiết/ em thấy không/ thảm cỏ biếc đang chờ…” (Vườn thu). Cỏ ám ảnh hồn thi nhân ngày sáng ánh mặt trời hay đêm về mơ mộng, cỏ khát thèm từ thuở đôi mươi hay đã qua trải nghiệm trường đời: “Tuổi 20 trên vạt cỏ êm/ muốn uống cả trời sao thiếu nữ/ anh lên rừng xuống bể/ mãi khát thèm đại dương…” (Nỗi khát sa mạc). Hòa nhập nỗi lòng thi nhân, cỏ xanh đôi khi cũng biết xót xa, tiếc nuối và mơ tưởng những gì chưa trọn vẹn trong tình yêu: “Bây giờ cỏ đã rối bời/ sương đêm đã cóng cả lời cầu mong” (Nỗi niềm); “Thì tự ru mình/ võng cỏ đung đưa/ trái tim hỡi đừng buồn ai lỡ hẹn” (Dỗ trái tim). Do đó, tôi có thể khẳng định rằng, trong tập thơ Lá chiêm bao gồm 90 bài thơ tình này, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã giúp người đọc có được một cảm thức thẩm mỹ khá toàn diện về hình tượng cỏ xanh. Có lẽ ít có thi nhân nào lại chắp đôi cánh cho lá cỏ hiền lành, đơn sơ một dung mạo tinh thần đủ đầy, nhiều trạng thái cảm xúc và đáng yêu nhường ấy. Có bao nhiêu cung bậc tình yêu thì biểu tượng cỏ xanh trong tập thơ Lá chiêm bao cũng hát ca, nhớ thương, đợi chờ… ngân nga chừng ấy cung điệu. Nhờ đó, biểu tượng cỏ xanh đã góp phần hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn và diện mạo tình yêu trong thơ Đặng Bá Tiến.

Ngoài biểu tượng cỏ xanh như một thông điệp đầy ám ảnh và chuyên chở nhiều cung bậc cảm xúc trong tình yêu, tập thơ Lá chiêm bao còn cho ta bắt gặp hình tượng căn phòng xuất hiện với một tần số khá cao. Căn phòng, cánh cửa, then cài, vách tường… như những mảng không gian ngưng đọng để nơi đó nhà thơ bộc lộ cảm xúc nhớ thương, đợi chờ, buồn đau, mất mát trong tình yêu. Người con gái có mái tóc dài, đẹp chỉ một lần lướt qua trong đời, nhưng Đặng Bá Tiến ám ảnh trong nỗi đợi chờ mòn mỏi. Từ đó, ngọn gió đất trời như cũng có màu từ mái tóc em bay. Trong căn phòng cô lẻ, một tâm hồn vẫn khát khao gặp lại hình bóng cố nhân: “Năm qua/ rồi lại tiếp qua năm/ chiếc ghế vắng trong phòng vẫn đợi/ mỗi chiều tím anh lại ngồi nhặt sỏi/ ném xuống hồ cho nước bớt đơn côi” (Ngọn gió có màu). Trong bài thơ Chiếc khăn khá dài như một niềm tâm sự thầm kín, nhà thơ nhiều lần tự chất vấn chính mình về chiếc khăn người con gái bỏ lại trong căn phòng rồi ra đi mãi mãi. Hình tượng thơ giống mô típ “quên áo” trong ca dao, song lại ám ảnh người đọc, khơi dậy nhiều cảm xúc qua hình tượng “căn phòng vò võ thân trai”: “Em quên/ hay cố tình để lại/ chiếc khăn len thoang thoảng hương nhài/ tôi cài then mong mùi hương ở mãi/ trong căn phòng vò võ thân trai” (Chiếc khăn). Căn phòng trở thành một ám ảnh của thi nhân, có lẽ ở đó có biết bao kỷ niệm, biết bao dồn nén nhớ thương. Với Đặng Bá Tiến, căn phòng không đồng lõa với ái ân, với tình yêu xác thịt; căn phòng chính là nơi kỷ niệm tràn về, là sự hoài tưởng xa xôi một giấc mộng tình yêu đã ngàn trùng xa cách. Căn phòng là nơi anh thả con thuyền ký ức ngược thời gian để tìm đến dĩ vãng êm đềm, hạnh phúc thuở xa xưa: “Ở đây mai vừa hé nụ vàng/ ngoài ấy đào hẳn vừa môi thắm?/ anh lại ngồi bên song yên lặng/ thả con thuyền ký ức ngược thời gian” (Ký ức). Xót xa hơn, có nhiều khi nhà thơ lặng lẽ một mình, nói với bóng mình trên vách, trong tay ly rượu tràn trề mà không thể cười, không thể khóc, không thể say: “Nghĩ đời mình… ngày đã cuối chiều/ chỉ bầu bạn với bóng mình trên vách/ rượu một ly không thể cười không thể khóc/ không thể say nên không thể vơi buồn” (Một chút chiều xuân).

Bên cạnh các biểu tượng mang đậm tính thi pháp, tôi nhận thấy nhan đề của tập thơ cũng rất ấn tượng và góp phần cho sự thành công về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ. Chúng ta đều biết, trong sáng tạo thi ca, một quy luật mà các nhà thơ theo đuổi đó là phải làm “lạ hóa” từ cảnh vật, con người, cảm xúc, tâm trạng… Nhất định phải cho nó một diện mạo mới, một khuôn mặt mới, một vóc dáng mới. Lúc đó, cơ may ngôn ngữ đời sống mới thăng hoa và thế giới nghệ thuật mới thực sự sống động nhờ vao tài năng của tác giả. Nhan đề Lá chiêm bao được nhà thơ Đặng Bá Tiến lấy từ tên một bài thơ trong thi tập. Đây là một thi đề rất gợi nhờ vào định từ “chiêm bao”, điều ấy làm cho chiếc lá trong cõi thơ được ảo hóa và huyền diệu hơn nhiều. Phải chăng đó là chiếc-lá-tình-yêu mà nhà thơ đã rong ruổi kiếm tìm suốt tháng năm trong cuộc đời mình, một giấc mộng tình yêu muôn thuở, một nỗi khát vọng vô bờ của con người trong cõi nhân sinh ? Cũng có thể đó là cái đẹp đã thăng hoa trong tư tưởng và hồn người để ngân lên thành những âm điệu ngôn từ khói sương bảng lảng. “Lá chiêm bao” đã hóa thành cảm xúc, cội nguồn thi hứng cho tác giả chăng? Có lẽ, với nhà thơ Đặng Bá Tiến, tình yêu là cõi “không xa nhưng không thật gần” (Trịnh Công Sơn), nó thấp thoáng mơ hồ như một làn sương mỏng. Quan niệm này dường như có lần Xuân Diệu đã viết trong thơ: “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu” (Vì sao?). Chiếc “Lá chiêm bao” ấy cũng là “mây nhè nhẹ”, “gió hiu hiu” giữa cõi đời ngàn năm bất tận.

Phần lớn ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng trong Lá chiêm bao được biểu đạt khá trực cảm, chân mộc thông qua một cảm xúc mãnh liệt từ điệu hồn tác giả. Trong tình yêu, những cung bậc cảm xúc được nhà thơ bung tỏa chân thành, không quá cầu kỳ, cách điệu. Mong ngóng được sớm gặp người tình, Đặng Bá Tiến cứ muốn “hô mưa gọi gió”, thể hiện khát vọng cá nhân tha thiết, muốn tước đoạt cả quyền năng vô biên của tạo hóa. Mặt trời là của anh mà vầng trăng cũng là “của riêng ta đấy”. Chính cách diễn đạt mới mẻ ấy đã mang đến cho thơ anh một vóc dáng riêng về mặt cảm xúc là cực mạnh, cực điểm: “Anh rung ngày cho mặt trời chóng rụng/ cho vầng trăng sớm ngự đỉnh trời/ trăng của muôn người và của riêng ta đấy/ giờ hẹn hò đã tới em ơi!” (Trăng). Thơ tình yêu Xuân Diệu cũng có cái khao khát vô biên và tuyệt đích ấy, song có lẽ vẫn nhẹ nhàng hơn: “Ta muốn tắt nắng đi/ Cho màu đừng nhạt mất/ Ta muốn buộc gió lại/ Cho hương đừng bay đi” (Vội vàng). Xuân Diệu “muốn” còn Đặng Bá Tiến hành động thật, “rung ngày” thật. Nhiều động từ được nhà thơ dùng nghe thật lạ, thật khác người. Anh “hốt chiều’, anh “nhuộm hồn trong màu tím nhớ”, cầu mong được nằm trong võng gió êm đềm mà lắng nghe hơi thở của người tình, mơ ước được em một lần máy mắt để lòng mình ấm buổi chia phôi. Cả một trời thực và mộng cứ đan cài, tan hòa vào nhau không sao phân định: “Anh hốt chiều vào túi hoàng hôn/ rồi nhuộm hồn trong màu tím nhớ/ Trời thương cảm ru anh trong võng gió/ nơi mây về em có máy mắt không ?” (Hơi thở một người). Viết về nỗi nhớ trong tình yêu, Đặng Bá Tiến có những cách biểu đạt thật ấn tượng: “Tôi uống ngập cả hồn tôi như lũ/ để trẫm mình trong rượu nhớ nhung/ ấy là khi hồn tôi thoát xác/ bay tìm em quấn quýt tương phùng” (Thoát xác). Dù có lúc trực cảm, mạnh mẽ khi diễn đạt những yêu thương, nhớ nhung, mất mát trong tình yêu, song thơ tình Đặng Bá Tiến vẫn có những gam màu ngôn ngữ dễ thương, yêu ái và giàu sắc thái biểu cảm qua một số hình tượng thơ thật đẹp và lãng mạn. Hãy nghe anh so sánh tháng giêng và em đồng hành như một nỗi khát khao vẫy gọi ngàn đời: “Tháng Giêng là gái chưa chồng/ em như cây cải trổ ngồng rực hoa!” (Tháng Giêng). Hãy nghe anh say đắm và “bồng bềnh theo cảm xúc” trong một “Đêm Lào Cai” lãng đãng, nồng nàn: “Lào Cai/ rượu thơm tràn ngực ai/ mắt trẫm mình trong mắt/ Em như là mùa gặt/ ta chờ từ mạ non…” (Đêm Lào Cai). Bài thơ Một lần trên cỏ hay và độc sáng khiến người đọc khó quên nhờ cách diễn đạt thật ấn tượng qua các phép tu từ ẩn dụ, nhân hóa và sự thăng hoa của cảm xúc nằm ở hai câu thơ cuối bài mà tôi gọi đó là “vết xước hoa” từ “gót hoa” của giai nhân kiều diễm: “ta nằm mong được dẫm qua/ một lần đau bởi gót hoa cũng đành” (Một lần trên cỏ). Một chữ “sầu” trong bài Giá như đã làm cho sông Cầu như một sinh thể biết yêu thương, hờn giận. Sông Cầu hóa thành con sông của niềm tương tư, sầu muộn và cả nỗi xót xa ngàn đời của đôi lứa yêu nhau. Nhà thơ Đặng Bá Tiến vô tình đã “đổ sầu” cho con sông thi ca nhạc họa ấy đeo đẳng kiếp sống của một nhân tình hoài niệm, nhớ thương: “Giá như ngày ấy sông Cầu/ không xanh đến mức đổ sầu cho ai” (Giá như). Ngoài một số biện pháp tu từ nghệ thuật giàu sáng tạo về mặt ngôn ngữ, cách biểu đạt ấn tượng thăng hoa từ cảm xúc của hồn thơ tác giả, người đọc còn bắt gặp một số bài thơ có cấu tứ mới mẻ, nhờ đó mà ta khó quên và cứ mãi đằm sâu trong ký ức, dù chỉ đọc một vài lần. Có thể kể ra đây một số thi phẩm tiêu biểu như Trăng, Mưa héo, Một lần trên cỏ, Ghen với chuồn kim, Gót hồng, Khi anh yêu, Trái tim điên, Chùm thơ không đề (Bài số 10), Đêm Lào Cai, Giá như…, Hơi thở em hồi hộp đến bây giờ, Chiếc khăn, Mắc nợ… Tóm lại, trên bình diện ngôn ngữ nghệ thuật, thơ viết về đề tài tình yêu của Đặng Bá Tiến, ngoài nét thô mộc và trực cảm của một nỗi lòng tha thiết và đắm say, cách biểu đạt giàu tính hình tượng thông qua ngôn ngữ và những kiểu biểu đạt mới mẻ bằng chính điệu hồn thăng hoa từ cảm xúc đã góp phần làm nên những thành công của Lá chiêm bao.

Tìm hiểu thế giới nghệ thuật thơ tình yêu trong tập thơ Lá chiêm bao của nhà thơ Đặng Bá Tiến là một hành trình dài, vẫn cần lắm những góp sức của nhiều nhà phê bình, độc giả khắp nơi trên mọi miền đất nước. Với tư cách là người viết yêu mến thơ anh, khao khát được khám phá thơ tình yêu của một tác giả vốn khá thành công ở các đề tài thế sự nóng bỏng, gai góc trong cuộc sống đương đại, vì vậy tôi chỉ mới phác họa một vài cảm nhận hết sức khái quát diện mạo ban đầu. Đọc và bao quát 90 bài thơ tình trong một tập thơ khá dày dặn, hiểu thấu tường những rung cảm, đắm say, khổ đau, mất mát… của một tác giả thơ là điều không dễ, nên cái phần “trầm tích”, phần chìm của “tảng băng” xin độc giả hãy đồng hành khai mở, phát hiện thêm. Thơ tình yêu, cứ đọc mà mê, cứ đọc mà say, cứ đọc mà nhớ… Với tập Lá chiêm bao của nhà thơ Đặng Bá Tiến, điều đó hẳn đúng lắm thay!

Lê Thành Văn

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập123
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm122
  • Hôm nay31,822
  • Tháng hiện tại755,725
  • Tổng lượt truy cập54,870,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây