“Tiếng Việt từ TK 17: tay mặt/hữu - tay tả/trái – tay đăm/chiêu” (phần 31)

Thứ ba - 13/07/2021 03:04
Phần này bàn về các tên gọi tay mặt, tay hữu ... tay tả, tay trái vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ).
Nguyễn Cung Thông[1]

Phần này bàn về các tên gọi tay mặt, tay hữu … tay tả, tay trái vào thời LM de Rhodes đến truyền đạo. Đây là lần đầu tiên các danh từ như vậy được dùng trong tiếng Việt qua dạng con chữ La Tinh (chữ quốc ngữ). Ngoài ra, khái niệm mở rộng về bên mặt (> bên phải) so với bên trái cũng cho thấy sự tương đồng giữa các nền văn hóa khác nhau Các tài liệu tham khảo chính của bài viết này là bốn tác phẩm của LM de Rhodes soạn: (a) cuốn Phép Giảng Tám Ngày (viết tắt là PGTN), (b) Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), (c) Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài 1627-1646 và (d) tự điển Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể tra tự điển này trên mạng, như trang http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.

Các chữ viết tắt khác là Nguyễn Cung Thông (NCT), Hán Việt (HV), Việt Nam (VN), ĐNA (Đông Nam Á), LM (Linh Mục), CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), TVGT (Thuyết Văn Giải Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067), TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1324), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), KH (Khang Hi/1716), P (tiếng Pháp), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Các bản Nôm của LM Maiorica là TCTGKM (Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông), CTTr (bộ Các Thánh Truyện), ĐCGS (bộ Đức Chúa Giê Su). Trang/cột/tờ của VBL được trích lại từ bản La Tinh để người đọc tiện tra cứu thêm. Tương quan Hán Việt ghi nhận trong bài không nhất thiết khẳng định nguồn gốc của các từ liên hệ (có gốc Việt hay Hán).

    Tay hữu, tay mặt – tay tả, tay trái

1.1 VBL ghi rõ ràng các cách dùng tay mặt, tay hữu và tay trái, tay tả và bên hữu, bên tả trong các trang 32, 715, 711, 802, 341 – để ý là thời này không dùng tay phải hay bên phải:

1
  VBL trang 715

VBL trang 106 còn ghi một cách dùng đáng chú ý là chiêu (sinister/L – bên trái, nhưng không ghi cách dùng của chiêu như tay chiêu); không thấy VBL ghi đăm (bên mặt, dextra/L):

VBL trang ghi (tay) mặt là direita (tiếng Bồ) và có nguồn gốc là tiếng La Tinh directus (thẳng, ngay – cho ra các dạng tiếng Anh/Pháp direct, direction và liên hệ đến droite/P). Nét nghĩa mở rộng từ thẳng/ngay thành ra tay/bên phải và đúng (tốt) là hiện tượng khá phổ biến trong ngôn ngữ, phần sau bài viết sẽ ghi lại vài trường hợp thường gặp về khái niệm này.

1.2 PGTN cũng ghi cách dùng tay mặt, tay trái:”giữa hai đứa kẻ trộm, một ở bên tay mặt, một về tay trái, mà đứa ở bên tay trái thì mắng rủa … mà kẻ lành thì cho ở bên tay mặt đức Chúa Jesu phán xét, lại bắt kẻ dữ ở bên tay trái … trở mặt rất vui, rất tốt cùng kẻ lành ở bên tay mặt mà nói ra điều rất lành” trang 225, 272, 273. Các ghi nhận trên cho thấy tay phải thường chỉ người tốt, hay tượng trưng cho quyền lực khác với biểu tượng của tay trái.

1.3 Bản Nôm TCTGKM cũng dùng tay mặt một lần so với tay hữu 7 lần và tả 3 lần, phản ánh phần nào ảnh hưởng cách dùng HV khi kí âm (viết) chữ Nôm:”vì trước lấy tay mặt đặt lên trán … Đoạn trở sang bên tay tả, sau hết trở lại bên tay hữu mà rằng Phi Ri Tô Sang Tô” trang 22 (sđd). LM Maiorica có một cách giải thích khá thú vị khi người ta đánh cá không được kết quả mong muốn:”bởi chẳng đánh lưới bên tay mặt thì chẳng được cá. Ấy là kẻ có ý trái mà làm việc gì thì chớ trông lên thiên đàng, vì sự ấy một phạt mà chớ” trang 48 ‘ĐCGS quyển chi cửu’. Khi lướt qua các tài liệu bằng chữ Nôm (td. TCTGKM, CTTr, ĐCGS) của LM Maiorica để ghi nhận các cách dùng trên thì người viết nhận thấy mặt/trái xuất hiện nhiều lần như hữu/tả (12 lần dùng mặt và trái so với 12 lần dùng hữu và tả). Điều này đáng chú ý khi PGTN chỉ dùng tay mặt/trái cho chữ quốc ngữ (chữ La Tinh) dù trong VBL ghi rõ cả hai cách dùng mặt/trái và hữu/tả. Điều này cho thấy một khả năng là LM de Rhodes hay cộng sự viên không quan tâm (và/hay không biết nhiều chữ Nho[2]) khác với trường hợp của LM Maiorica (qua các bản Nôm, dù có sự cộng tác của một số nhà nho bản địa). Thí dụ như mục hữu, VBL gộp chung các cách dùng tay hữu, bên hữu, bạn hữu làm một – thật ra hữu (bên phải) viết chữ Nho 右 là khác với hữu (bạn) viết là 友.

Cũng nên nhắc lại ở đây về truyền thống văn hóa Tây phương, đặc biệt là cách dùng tay phải hay bên phải. Tay phải (right hand/A) xuất hiện trong Kinh Thánh 166 lần[3], thường dùng làm biểu tượng của sự tốt lành, quyền uy và công bằng (xem mục 1.2). Vua chúa ngày xưa cũng thường dùng tay phải để ‘làm dấu phúc lành’ cho con cháu, ngay cả bây giờ khi tuyên thệ nhậm chức hay ra trước tòa án thì vẫn phải dùng ra dấu hiệu bằng tay phải …v.v… Sách Truyền Đạo/Giảng Viên (Ecclesiastes) 10:2 ghi[4] “Trái tim của người khôn ở bên hữu; còn trái tim của kẻ dại ở bên tả“: đây là một ẩn dụ cho thấy bên phải là hướng tốt lành cho ‘kẻ khôn’. Ngay từ thời đại Trước Công Nguyên, truyền thống chuộng “tay phải” đã khá rõ nét. Tiếng Anh right (bên phải, công bằng, quyền) có gốc là tiếng Anh cổ (Old English) riht là công bằng, đúng, ngay thẳng (lành) – vào khoảng giữa TK 13 mới dùng để chỉ tay/bên phải – so với các tiếng Hà Lan, tiếng Đức recht cũng qua một quá trình đổi nghĩa tương tự. Tiếng Pháp droite (bên phải) có gốc La Tinh directus nghĩa là thẳng (đường/hàng thẳng), sau mới dùng để chỉ tay phải. So sánh với sinistra/L có nghĩa là tay trái, nhập vào các tiếng Anh (sinister), Pháp (sinistre) với nghĩa mở rộng và tiêu cực[5] là hung ác, nham hiểm (ác ý) … Để ý nghĩa liên tưởng này cũng giống như tiếng Việt: (bên) trái ~ (sai) trái, trái (ngược).

Bảng chép tay VBL[6] (tự điển Bồ Việt) vào cuối TK 18, đầu TK 19: đã có cách viết ‘chuẩn hơn’ so với thời VBL (hữu so với hỡu, trái so với tlái). Thứ tự tay hữu và tay tả trước tay mặt, tay trái cho thấy Đàng Ngoài (các tác giả của bảng chép tay) vẫn chuộng cách dùng HV hơn.

    Đăm chiêu

2.1 Đăm (bên phải) xuất hiện trong Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, 24a:

埋招梗吒 埋󰝡梗媄

Vai chiêu gánh cha, vai đăm gánh mẹ

Hay trong các tác phẩm chữ Nôm của Nguyễn Trãi (Quốc Âm Thi Tập) – Ức Trai 46a:

荣華饒体客󰝡招 貧賤埃羅几 重腰

Vinh hoa nhiều thấy khách đăm chiêu (vây quanh). Bần tiện ai là kẻ trọng yêu.

Truyền Kỳ Mạn Lục cũng dùng đăm như trong Nam Xương 3a:

几昭󰝡庄羅拯𠱤𠸂哭沙 渃𪾺

Kẻ chiêu đăm [hai bên tả hữu] chăng là chẳng [không ai là không] sùi sụt khóc sa nước mắt.

…v.v… (trích từ Tự điển chữ Nôm dẫn giải, sđd).

Tiếng Mường (Bi) vẫn dùng tăm (~ đăm) chỉ bên phải như “Tiểnh dùng cốc câl đỉ, ti wềl khả thay tăm là tiểnh” (đến chỗ gốc cây đó, đi về bên tay phải là đến), “Cầm tũa thay tăm, bẳm cơm thay chiêu” (cầm đũa tay phải[7], nắm cơm tay trái) – trích từ ‘Từ điển Mường Việt’ (sđd). Tiếng Khme có ដាំ sdam nghĩa là bên phải (nhưng không có nghĩa là đúng, ngay thẳng, phải khác với sai/trái). So sánh các từ chỉ bên phải[8]: đăm (tiếng Việt), dam¹ (Mường, Thanh Hóa), dam¹/tăm (Mường Bi, Hòa Bình, Sơn La, tᵊàːm (Chứt/Rục), tɐm² (Maleng, Kha Pong), tɐm² (Malieng), tɐ̀m (Chứt, Arem), tɐ̀m² (Chứt/Rục, Chứt/Sách), tam⁴ (Mang), ʨəm⁵⁵ (Bolyu), təm (Ngeg), tam (Kui), ʔatɔam (Bru, Katang [Raviang], ʔatəam (Ta’Oi), ʔatəm (Pacoh), ʔatɤm (Katu/Phuong), ʔatɨəm  (Katu/An Diem), ʔitɯəm (Katu/Triw), tebm (Kensiu), satɒm (Semelai), kơtam (Danaw, Theng). Các dữ kiện này cho thấy đăm có khả năng rất cao là một hiện tượng vùng (gốc Nam Á) khác với các dạng hữu và mặt.

Đăm có một dạng chữ Nôm cổ là 冘 mà âm[9] HV là dâm 淫, tham khảo bài viết “Tiếng Việt từ TK 17: thợ dào, thợ rèn, thợ máy … dộng chúa” (phần 30) về tương quan đ – d, cùng tác giả (NCT). Các dạng chữ Nôm hậu kỳ phản ánh phụ âm đầu lưỡi đ/tr như 潭 沉(đàm trầm) … Vào thời LM Béhaine (1771/1773) thì đăm đã được ghi lại, khác với các tài liệu CG của LM de Rhodes và Maiorica, thí dụ như đăm chiêu là bên phải và bên trái (dextra et sinistra/L), tay đăm là tay phải (manus dextra/L). LM Taberd (1838) và Theurel (1877) chép lại y như tự điển Béhaine, đặc biệt là ở Đàng Ngoài LM Theurel có thêm cách dùng chiêu đăm là khó chịu, buồn rầu, lo lắng. Tục ngữ tiếng Việt có câu “Chân đăm đá chân chiêu“, cho đến thời LM Génibrel (1898) còn ghi câu nói “tay đăm cầm đũa, tay chiêu cầm chén“, phản ánh khuynh hướng dùng đũa bằng tay phải trong xã hội VN.

5

Hình ảnh dùng đũa thời bé cho đến lớn – trích từ các tranh vẽ sưu tầm bởi Henri Oger (1908-1909) “Technique du peuple annamite” – một công trình nghiên cứu văn minh vật chất (nghệ nhân Việt vẽ/viết chữ Nôm). Nam hay nữ đều dùng tay phải để cầm đũa. Cầm bút viết hay vẽ cũng dùng tay phải – tham khảo bài viết[10] “Tại sao ở Nhật người thuận tay trái không được xem là thiên tài?” của tác giả Kengo Abe (22/6/2017).

2.2 Chiêu (bên trái) từng hiện diện trong các tài liệu chữ Nôm cổ – xem phần đăm bên trên. Tiếng Mường (Bi) vẫn còn dùng chiêu chỉ bên trái “Ti tiểnh ngá pa đi, ủn ngé wềl thay chiêu (đi đến ngã ba đó em rẽ trái)”, “thay chiêu tấp niêu chăng pế” (tay chiêu đập niêu không vỡ) –  trích từ ‘Từ điển Mường Việt’ (sđd). Một dạng chữ Nôm cổ dùng chiêu/kiều HV 招, hay 昭 như trong Truyền Kỳ Mạn Lục, Nam Xương 3a

几昭󰝡庄羅拯𠱤𠸂哭沙渃𪾺

Kẻ chiêu đăm [bên cạnh] chăng là chẳng [không ai là không] sùi sụt khóc sa nước mắt.

Chiêu có một dạng chữ Nôm là chiêu HV 招 mà âm trung cổ phục nguyên là *kiau, tương ứng với các ngôn ngữ láng giềng (họ Môn Khme) như tiếng Kơho kiêu là (bên) trái, tiếng Bahnar là ngiĕu so với các tiếng Aslian, Chrau là chiêu. tiếng Mnong (Central) có dạng cɛːw so với cièw (Chứt/Rục), tiếng Stieng có dạng giew so với ʔiaw (Nyaheun), iu (Chăm, phụ âm cuối lưỡi tha hóa để trở thành thanh hầu), pahngiô/gah-iêu (tiếng Hrê) …v.v… Các dữ kiện này cho thấy khả năng chiêu hay *kiau là một hiện tượng vùng (gốc Nam Á) khác với tả HV. Để ý là tiếng Khme có dạng ឆ្វេង /cveɛŋ/ là bên (phía) trái khác với dạng *kiau. Xem lại các cách đọc chữ chiêu/*kiêu 招 (thanh mẫu 章 chương vận mẫu 宵 tiêu, bình thanh khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

止遙切 chỉ diêu thiết (TVGT, ĐV, QV, CV)

諸遙切 chư diêu thiết (NT, TTTH)

之遙切,音昭 chi diêu thiết, âm chiêu (TV, VH, LT, CV, TVi)

朱傜翻 chu dao phiên (BH 佩觿)

時饒切 thì nhiêu thiết (TV, VH, LT)

祁堯切,音翹 kì nhiêu thiết, âm kiều (TV, VH, LT, CV, TVi)

TNAV ghi vận bộ 蕭豪 tiêu hào (dương bình)

CV ghi cùng vần/bình thanh 昭 鉊 招 釗 炤 朝 鼂 (chiêu *chiếu trào)

CV ghi cùng vần/bình thanh 韶 㲈 招 佋 昭 詔 苕 (thiều chiêu *chiếu điều/thiều)

CV ghi cùng vần/bình thanh 橋 招 荍 劭 喬 僑 翹 轎 蟜 蹻 嶠 (kiều chiêu *kiệu *kiểu)

時昭切,音韶 thì chiêu thiết, âm thiều (CV, TVi)

職交切,音昭 chức dao thiết, âm chiêu (CTT) – thời CTT giao đọc gần như jiāo và chiêu đọc gần như zhāo (rất giống nhau)

之笑切,音照 chi tiếu thiết, âm chiếu (KH)

之由切。音周 chi do thiết, âm chu (TVi, KH) …v.v…

Giọng BK bây giờ là zhāo so với giọng Quảng Đông ziu1 và các giọng Mân Nam 客家话: [沙头角腔] zau1 [客语拼音字汇] zau1 zeu1 [宝安腔] zau1 [客英字典] zhau1 cheu1 [陆丰腔] zhau1 [梅县腔] zhau1 [东莞腔] zau1 [海陆丰腔] zhau1 [台湾四县腔] zeu1 潮州话:ziê1/zio1, ziou1/ziao1, giọng Mân Nam/Đài Loan chiau/chio, tiếng Nhật shō và tiếng Hàn cho, gyo. Các dạng liên hệ đến chiêu (trái, không thuận, ngược) là xiêu (tương quan ch-x như chen-xen, chẻ-xẻ, chung quanh – xung quanh …), chéo, tréo, xéo, xẹo (tương ứng với cách đọc chiếu của 招 bên trên). Nhóm từ cùng liên hệ này cho thấy chiêu đã hiện diện trong tiếng Việt từ rất lâu đời.

    Vài cách giải thích khác về ‘tay chiêu’ và ‘tay mặt’

Các học giả trong hội Khai Trí Tiến Đức/KTTĐ (vào đầu thập niên 1930) đã đề nghị một cách giải thích khác về nguồn gốc cụm danh từ tay chiêu dựa vào cách dùng HV chiêu mục:

LM Gustave Hue (sđd) còn ghi cụm danh từ “tam chiêu” là ba bàn thờ ông bà tổ tiên ở bên tay trái và các cách dùng tay chiêu, chân chiêu, của chiêu[11], đăm chiêu.

3.1 Mục/mặc và mặt (bên/tay mặt)

Truyền thống thờ cúng tổ tiên của dân Việt đã có từ lâu và có thể coi như là một tín ngưỡng dân tộc (đạo ông bà). Từ đó bàn thờ tổ tiên trở thành một thành phần của nhà ở, nơi mà hoạt động cúng giỗ rất trang trọng xẩy ra theo định kỳ. Thành ra, các cụ trong hội KTTĐ cũng có lý phần nào khi dựa vào cách trình bày bàn thờ tổ tiên để giải thích cách dùng tay chiêu. Để hiểu rõ hơn cách nhìn này, hãy tìm hiểu các danh từ HV đặc biệt dùng để chỉ bàn thờ tổ tiên thời trước. Xem lại chữ mục/mặc 穆 được ghi nhận trong giải thích trên, chữ này (thanh mẫu minh 明 vận mẫu ốc 屋 nhập thanh, khai khẩu tam đẳng) có các cách đọc theo phiên thiết

穆音默 mục âm mặc (theo Trương Yến 張晏, thời Đông Hán)

莫六切 mạc lục thiết (QV, TV, TTTH, TVi)

莫卜切,音目 mạc bốc thiết, âm mục (TVGT, NT, CV, CTT) CV ghi âm mục – VBL ghi thêm âm mộc (trang 328).

通作繆 thông tác mâu (Lễ Kí, Đại Truyện)

TNAV ghi 入聲作去聲 nhập thanh tác khứ thanh

密北切 mật bắc thiết (CV) – đây là cách đọc cổ mặc của mục, CV trích Đông Phương Sóc Truyện có ghi âm mặc.

莫筆切 mạc bút thiết (KH) …v.v…

Giọng BK bây giờ là mù so với giọng Quảng Đông muk6 và các giọng Mân Nam 客家话:[客英字典] muk8 [海陆丰腔] muk8 [梅县腔] muk8 [台湾四县腔] muk8 [客语拼音字汇] mug6 [陆丰腔] muk7 [东莞腔] muk8 [宝安腔] muk8, Triều Châu mog8, tiếng Nhật moku và tiếng Hàn mok.

Để ý một nét nghĩa cổ của mặc/mục là 古代宗廟次序: 父居左為“昭”,子居為“穆” cổ đại tông miếu thứ tự phụ cư tả vi“chiêu”, tử cư hữu vi“ mục” – tạm dịch/NCT theo thứ tự lễ nghi tông miếu thời cổ thì cha thờ ở bên trái hay chiêu (đời thứ nhất) còn con thờ ở bên phải hay mặc/mục (đời thứ nhì). Cách dùng chiêu mục đã có từ thời Lễ Kí (một trong Ngũ Kinh của Khổng Tử) nói lên phép tắc tế tự: đại khái là thủy tổ ở giữa, bên phải (mặc/mục) và bên trái (chiêu) thờ theo thứ tự gia phả. Chữ mục đã hiện diện trong VBL trong mục hòa và hạ (thượng hòa hạ mục/mộc[12], trang 328) cho thấy mức phổ thông của chữ này, thành ra không ngạc nhiên khi một dạng khác của mục/mộc là mặt (chỉ bên mặt[13]) đã từng có mặt lâu đời hơn. Như vậy thì mặt và mặc/mục có liên hệ gì không? Ngược dòng thời gian, chữ Nôm cũng phản ánh phần nào khả năng lẫn lộn[14] giữa các phụ âm cuối -c và -t như buộc = bộc 僕 hay bột 勃, mụt = mục 目 (ĐNQATV, Đại Tự Điển Chữ Nôm/Vũ Văn Kính/VVK), chợt = trực 直 (Dương Từ Hà Mậu/DTHM: Hà Năng chợt thấy hãi kinh), dạt/giạt = bộ thủ + dặc 弋 (ĐNQATV, VVK), dệt = bộ mịch + diệc 亦 (DTHM, VVK), đất = bộ thổ + đắc 得 (Tự Đức Thánh Chế tự học giải nghĩa ca), lượt = lược 掠 (xâm lược), thút = thúc 束 (khóc thút thít, ĐNQATV, VVK), Đắc (Đắt) Kỷ thường nghe hơn là Đát Kỷ 妲己 (Đát theo Quảng Vận đọc là đương cát thiết, âm đát 當割切,音怛) – để ý thành phần hài thanh 旦 có thể đọc là đát hay đán …v.v… Một số âm HV đánh chú ý như (a) hạt (hột) là hặc/hạch HV 核 Hạch 核 có các cách đọc là 下革切 hạ cách thiết (âm hạch 覈) (Đường Vận, Tập Vận), hay 胡德切 hồ đức thiết, âm hặc 劾; so với các giọng địa phương như Quảng Đông, Hẹ có khuynh hướng đổi phụ âm cuối -c (-ch) thành -t cũng như tiếng Việt[15] hạt hay hột (b) bát còn đọc là bạc 潑 Bát là âm Hán trung cổ: phổ mạt 末 thiết (Ngọc Thiên), phổ hoạt thiết 普活切 (Long Kham Thủ Giám, Tập Vận); nhưng sau này còn đọc là bạc: bàng các thiết, âm bạc 傍各切,音泊 (Vận Bổ) – bạt là nước vọt ra, mở rộng nghĩa trong cách dùng hoạt bát 活潑(c) cách 革 (như cách chức) hay cách 格 (bỏ đi) có thể liên hệ đến cất (cất chức, cất đi) (d) quyết 橛 có một dạng âm cổ là *ki̯uət so với cột và cọc tiếng Việt …v.v… Do đó không khó giải thích trường hợp mặc/mục 穆 đọc thành mặt. Tóm lại, dựa vào phong tục thờ cúng tổ tiên và thứ tự sắp xếp trên bàn thờ (td. nam tả nữ hữu), ta có khả năng giải thích cách dùng tay chiêu (tay trái) và tay mặt (tay *mặc) dựa vào truyền thống chiêu mục, và cũng phù hợp với nhận xét của các học giả hội KTTĐ (qua cuốn Việt Nam Tự Điển).

3.2 Trước đây, người viết (NCT) thường nghĩ đến sự liên hệ của tay mặt và bề/phía mặt, trước mặt: vì tay mặt thường được dùng nhiều lần (td. số người thuận tay phải[16] là 90%), tham dự vào nhiều hoạt động nên thường gặp trong vùng không gian trước mặt. Hướng mặt nhìn tới trước hàm ý đường thẳng (thẳng tới theo tầm nhìn, không xiêu vẹo, cong vòng) hay vuông vức. Ngay cả right tiếng Anh[17] có một nét nghĩa cổ đại là thẳng (không cong vòng)/trực tiếp và nét nghĩa tương ứng là phải lẽ, đúng (thuận theo tiêu chuẩn đạo đức ~ morally correct/A). VBL dành cả một trang (cột 457-458) để ghi lại cách dùng mở rộng của mặt như rắn mặt, ra mặt, trở mặt, trước mặt … Thành ra có khả năng mặt cũng được dùng để chỉ vùng không gian phẳng phiu ở phía trước kể cả bên (tay) phải. VBL không ghi dạng đăm cũng như Ngũ Thiên Tự (sđd), Tam Thiên Tự (sđd), đây là dữ kiện đáng chú ý! Ngũ Thiên Tự trang 124 còn ghi[18]

左 右         …………………        葻招

Tả hữu      …………………        vuông chiêu          (trích Ngũ Thiên Tự, sđd)

Điều này cho thấy tiếng Việt đã từng dùng vuông (vuông vức, thẳng ngay) để chỉ bên mặt. Vuông tiếng Việt tương ứng với phương HV 方 mà một dạng âm cổ phục nguyên là *buaŋ (đọc gần như *buông để cho ra dạng vuông bây giờ < tương quan b-v). Phương HV (hình vuông) cũng có một nét nghĩa cổ là ngay thẳng, đặc biệt hơn nữa là Tự Vị còn ghi một cách đọc là 密北切,音墨 mật bắc thiết, âm mặc (so với dạng mặt tiếng Việt).

VBL ghi rõ ràng liên hệ trực tiếp giữa hai dạng phương và vuông – ngoài ra cách nói thiên viên địa phương ~ trời tròn đất vuông hàm ý đất thẳng/phẳng (không ‘cong’ như bầu trời). Kí tự b trong chính tả tiếng Việt hiện đại là a trong tự điển VBL (xem hình chụp trên), chữ b đuôi quặp này phản ánh giai đoạn trung gian từ b qua v trong tiếng Việt trung đại.

Ngoài ra tay phải có thể xem là phần nối dài ra từ trung tâm của cơ thể con người (tim) ra các bộ phận khác như mặt, tay. Mặt (mũi) còn chỉ phương hướng tổng quát, như mặt trước so với mặt sau, một hình có sáu mặt …v.v… So sánh[19] với tiếng Cùa (Co hay Kor, thuộc họ Môn Khme[20]) có tiː ɓəː nghĩa là tay phải, và tiː ʔjaw   là tay trái, tiếng Mnong [Rölöm] có cách dùng tiː maː nghĩa là tay mặt – ti: là tay, còn ma: có thể là âm mặt đã tha hóa[21] phụ âm cuối -t. Tiếng Mnong có dạng muh mat nghĩa là mặt. Mat tiếng Cùa có nghĩa là mặt hay mắt, tiếng Cùa muh là mũi (tương đồng với tiếng Việt).

mặt/hữu/đăm – trái/tả/chiêu (TK 17)   >   phải/trái[22] (TK 21)         … (1)

Tiến trình (1) cho thấy tiếng Việt đã từng có nhiều cách diễn tả phương hướng (td. chín phương trời, mười phương đất – xem hình chụp trang 610 VBL) cũng như tay/phía. Tuy nhiên đến nay thì chỉ còn hai cách dùng chính là tay phải/trái. Đây có thể là kết quả từ giao lưu văn hóa (td. thầy địa lý, phong thủy, thời Tiên Tần[23] và các đợt Bắc thuộc) và ngôn ngữ trong quá trình Nam Tiến, cũng như phản ánh phần nào sự chú trọng vào đóng góp của bàn tay trong nếp sống đời trước tận dụng rất nhiều sức lực của cơ thể (td. thủ công).

    Tay ‘phải’ (~ tay mặt) bắt đầu xuất hiện

Vào đầu[24] TK 20, cách dùng tay phải bắt đầu xuất hiện như trong tự điển của Ravier và Dronet “Lexique Franco-Annamite” (mục droite – xem hình chụp trên, sđd). Đây là khuynh hướng điều chỉnh lại cách dùng tiếng Việt qua ảnh hưởng của ngữ pháp Tây phương, cũng như trước đó là loại từ con và cái được dùng để chỉ các sinh vật hay tĩnh vật. Nên nhắc lại ở đây là tính từ phải vào TK 17 có nghĩa là đúng, phù hợp với lẽ thường: “Thế gian gọi là âm phủ thì phải, vì chưng là nơi tối tăm mù mịt. Chớ ngờ dưới âm phủ có buôn bán, có ruộng nương, cày cấy, như thế gian này đâu … Thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải” PGTN trang 10, 18. Thậm phải là rất đúng, rất hợp lý:” “thật con thảo kính cha mẹ thì thậm phải” PGTN trang 18, 21, 27 … “bởi ở kiêu ngạo thì ở nơi rất hèn ấy, mà lìa chốn thiên đàng xa lắm thì thậm phải… thì nói đến kính người trước hết thì thậm phải” TCTGKM trang 50, 143 … Sự xuất hiện muộn màng của cách dùng tay phải trong tiếng Việt còn phù hợp với vốn từ trong tiếng Mường (Bi, sđd): phải không có nghĩa là tay/bên phải mà vẫn duy trì các nét nghĩa thời VBL như phái tù (phải tù ~ bị tù), phái lừa (phải lừa ~ bị lừa), phái dam (phải giam ~ bị giam), phái cám (phải cảm ~ bị cảm), phái tlái (phải trái ~ đúng sai) …v.v…

Tóm lại, tiếng Việt trước đây đã có ít nhất ba cách nói mặt/hữu/đăm và trái/tả/chiêu, phản ánh các giao lưu ngôn ngữ với phương Bắc (tiếng Hán Việt hữu/tả thuộc họ Hán Tạng) và các ngôn ngữ láng giềng thuộc họ[25] Môn Khme và Nam Đảo. Ngoài ra, các cách dùng này cũng cho thấy sự đa dạng của bộ phận thân thể (td. tay, thủ công) trong hoạt động xã hội và ảnh hưởng đến ngôn ngữ phần nào. Giao lưu văn hóa và ngôn ngữ Tây phương trong vòng hai thế kỷ 19 và 20 đã để lại nhiều vết tích trong tiếng Việt, một số dấu ấn dễ nhận ra như tem, xăng, bơm … Nhưng một số vết tích tìm ẩn sâu xa trong ngữ pháp nên khó nhận ra như cách dùng loại từ con và cái, bên mặt/đăm/hữu đã thay đổi để chỉ dùng một dạng bên phải mà thôi, phép ẩn dụ dùng tay phải để chỉ người thân tín của mình hay phe/cánh hữu để chỉ một xu hướng chính trị …v.v… Tuy các ngôn ngữ trong bài này không liên hệ với nhau – như tiếng Việt so với tiếng Anh, Pháp – nhưng các nét nghĩa hầu như đều mang tính chất tương đồng: phải dùng chỉ tay phải và lẽ đúng (thuận) của đa số và trái chỉ tay/bên trái và sai với lẽ phải (khác với đa số, ‘lẽ phải của thiểu số’). Có lẽ đây là dấu ấn của sự giao thoa tinh tế giữa ngôn ngữ, văn hóa và quá trình hình thành con người (td. ADN và di truyền[26]). Đa số của tập thể[27] còn có một hệ luận quan trọng là dẫn đến quyền uy hay sức mạnh (phải, tay phải) trong xã hội. Hi vọng bài viết nhỏ này là động lực cho người đọc cảm thấy thích thú và tìm hiểu sâu xa hơn về ngôn ngữ và văn hóa truyền thống của người Việt.

    Tài liệu tham khảo chính

1) Pigneau de Béhaine (1772/1773) – Bá Đa Lộc Bỉ Nhu “Dictionarium Annamitico-Latinum” Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ (Thành Phố HCM – 1999).

                                    (1774/Quảng Đông à Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) “Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ” 聖教要理國語 viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).

2) Phillipe Bỉnh (1822) “Sách Sổ Sang Chép Các Việc” NXB Viện Đại Học Đà Lạt, 1968.

                                (khoảng 1794-1802) “Nhật Trình Kim Thư Khất Chính Chúa Giáo” – xem bài viết trên mạng như https://www.scribd.com/document/118931952/Nh%E1%BA%ADt-Trinh-Kim-Th%C6%B0-Kh%E1%BA%A5t-Chinh-Chua-Giao-Philiphe-B%E1%BB%89nh … Các sách viết tay bằng chữ quốc ngữ, Nôm, Bồ Đào Nha khác như Sách Các Kinh, Các Truyện Thánh và phép lạ, Các Kinh Thường Đọc (Nôm) và thường không có trang đầu với đầu đề cuốn sách (title) rõ ràng – có thể đọc từ thư viện Vatican với mã số từ Borg.tonch.1 đến Borg.tonch.41

3) Đỗ Quang Chính (1972) “Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659” NXB Đuốc Sáng (Sài Gòn).

4) Đoàn Trung Còn (1959) “Tam Thiên Tự” Trí Đức Tòng Thư in kỳ đầu (hai quyển), NXB Văn Hóa Thông Tin tái bản lần thứ năm có sửa chữa và bổ sung (Thành Phố HCM, 2003).

5) Nguyễn Quang Hồng (2015) “Tự điển chữ Nôm dẫn giải” Tập 1 và 2 – NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ Nôm (Hà Nội).

6) Gustave Hue (1937) “Dictionnaire annamite-chinois-français” Imprimerie Trung-hoà – NXB Khai Trí (Sài Gòn) in lại năm 1971 theo bản gốc năm 1937.

7) Nguyễn Văn Khang (Chủ biên), Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (2002) “Từ điển Mường Việt” NXB Văn Hóa Dân Tộc (Hà Nội).

8) Vũ Văn Kính/Khổng Đức (2002) “Ngũ Thiên Tự” NXB Văn Hóa Thông Tin (Thành Phố HCM).

9) Vương Lộc (2002) “Từ điển từ cổ” NXB Đà Nẵng – Trung Tâm Từ Điển Học (Hà Nội).

10) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII) “Mùa Ăn Chay Cả”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển thượng”, “Thiên Chúa Thánh Mẫu – Quyển trung”, “Đức Chúa Giê-Su – Quyển chi cửu & Quyển chi thập”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội Kinh”, “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông”/TCTGKM, “Kinh Những Ngày Lễ Phục Sinh – Quyển thứ ba”, “Các Thánh Truyện”/CTTr. Sách lưu hành nội bộ (năm xuất bản 2002/2003, LM Nguyễn Hưng).

11) Chris McManus (2002) “Right hand left hand. The Origins of Asymmetry in Brains, Bodies, Atoms and Cultures” NXB Weidenfeld & Nicolson (London, Anh Quốc). Có thể xem bản dịch ra tiếng Việt “Những Bí Ẩn Của Tay Phải Và Tay Trái” NXB Trẻ …

                               (2019) “Half a century of handedness research: Myths, truths; fictions, facts; backwards, but mostly forwards” – có thể đọc toàn bài trên trang này https://journals.sagepub.com/doi/full/10.1177/2398212818820513 …v.v…

12) Hoàng Thị Ngọ (1999) “Chữ Nôm và tiếng Việt qua bản giải âm Phật Thuyết Đại Báo Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

                                    (2016) “Từ điển song ngữ Hán Việt: Chỉ nam Ngọc âm giải nghĩa” khảo cứu, phiên âm, chú giải/Hoàng Thị Ngọ – NXB Vă Học (Hà Nội).

13) Henri Oger (1908/1909) “Technique du peuple annamite” có thể xem trên mạng như trang này chẳng hạn http://ndclnh-mytho-usa.org/KhoSachCu/Technique%20du%20Peuple%20Annamite%20(Henri%20Oger)%201909.pdf …v.v…

14) H. Ravier và J.B. Dronet (1903) “Lexique Franco-Annamite” Imprimerie de la mission (Kẻ Sở).

15) Alexandre de Rhodes (1651) “Phép Giảng Tám Ngày” – Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 – Sài Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.

                                     (1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân Việt, Đỗ Quang Chính – NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).

                                    “Tường Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing, Escondido (California/Mỹ, 1994?).

                                    “Lịch sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646” dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên – Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).

16) Nguyễn Ngọc San/Đinh Văn Thiện (2001) “Từ điển từ Việt cổ” NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

17) Jean Louis Taberd (1838) – tên Việt là cố Từ – “Dictionarium Annamitico-Latinum” Serampore (Bengale).

18) Bùi Khánh Thế (Chủ biên)/Phú Trạm, Quảng Đại Cẩn (1996) “Từ Điển Việt Chăm” NXB Khoa Học Xã Hội – Trung Tâm nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á (Thành Phố HCM).

19) Nguyễn Cung Thông (2019) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6)” có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn  https://nghiencuulichsu.com/2018/06/22/tieng-viet-thoi-lm-de-rhodes-cach-goi-ngay-thang-thoi-gian-phan-6 / …v.v…

                                        (2020) “Tiếng Việt thời LM de Rhodes – cách gọi ngày tháng/thời gian (phần 6A)” có thể tham khảo toàn bài trên trang này chẳng hạn.   http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-cc-cch-dng-cha-nhatcha-tucha-nhthin-cha-phan-6a/ …v.v…

                                          (2021) “Tiếng Việt từ thế kỷ 17 – từ Luận Phép Học đến Khoa Học” (phần 27) – có thể đọc toàn bài trên trang này chẳng hạn http://conggiao.info/tieng-viet-tu-the-ki-17—tu-luan-phep-hoc-den-khoa-hoc-phan-27-d-59158 …v.v…

20) Nhiều tác giả (1992) “Tiếng Việt và các ngôn ngữ dân tộc phía Nam” NXB Khoa Học Xã Hội (Hà Nội).

21) Pierre-Gabriel Vallot (1898) “Dictionnaire franco-tonkinois illustré” NXB F.H. Schneider (Hà Nội).

                                          (1905) “Grammaire Annamite à l’Usage Des Français de l’Annam Et Du Tonkin” Imprimeur-Éditeur F. H. Schneider, HaNoi

22) Hoàng Xuân Việt (2006) “Tìm hiểu lịch sử chữ quốc ngữ” NXB Văn Hóa Thông Tin (Hà Nội).

Chú thích:

[1] Nghiên cứu ngôn ngữ độc lập ở Melbourne (Úc) – email nguyencungthong@yahoo.com

[2] Các tác giả rành Nôm và Nho sau này như LM Béhaine/1772/1773 ghi hai mục hữu khác biệt (hữu/bạn 友 và hữu/bên phải 右), còn LM Taberd/1838 ghi ba mục khác nhau cho hữu/bạn, hữu/bên phải và thêm hữu/có 有.

[3] Trích từ bài viết https://vnexpress.net/truyen-thong-tong-thong-my-dung-kinh-thanh-trong-le-nham-chuc-4221584.html . Thống kê từ một tác giả khác cho thấy ít nhất 132 lần “tay phải” (at least 132 times) hiện diện trong Thánh kinh, td. tham khảo bài viết này chẳng hạn https://www.heholdsmyrighthand.com/p/why-right-hand.html#:~:text=As%20I%20began%20doing%20some,for%20the%20%E2%80%9Cright%20hand.%E2%80%9D. Trong khi đó tay trái xuất hiện 25 lần trong Thánh kinh với nghĩa tiêu cực – tham khảo bài viết https://www.rroij.com/open-access/left-handedness-the-bible-and-the-quran-implications-for-parentsand-teachers-.php?aid=85407 …v.v…

[4] Có nhiều bản dịch từ tiếng Do Thái của đoạn này, td. tiếng Anh cơ bản “The heart of the wise man goes in the right direction; but the heart of a foolish man in the wrong” hay Good News Translation “It is natural for the wise to do the right thing and for fools to do the wrong thing” …v.v…

[5] Chú ý: sinistra/L có nghĩa tốt lành đối với người La Mã (Roman) nhưng có nghĩa tiêu cực đối với người Hi Lạp (Greeks). Các nét nghĩa ngược như vậy đã được LM Taberd ghi nhận trong tự điển La Tinh – Việt của LM Taberd (1838). Tuy nhiên các ngôn ngữ Tây phương chỉ thấy dùng nét nghĩa tiêu cực (xấu, ác) của sinistra.

[6] Bản chép tay này có thể là một người cùng thời với LM Philiphê Bỉnh, tuy không có ghi ngày tháng và tác giả, nhưng dựa vào cách viết và nội dung chép tay ta có thể đoán vậy. Bản chép tay của LM Philiphê Bỉnh không thêm vào một số chi tiết như bản chép tay này, td. “chày hành” (pistillus/L) – xem hình chụp ở trang này.

[7] Các câu nói này cho thấy khuynh hướng xã hội truyền thống chuộng tay phải dùng đũa (cũng như cầm bút).

[8] Trích từ trang http://sealang.net/monkhmer/dictionary/ và http://sealang.net/khmer/dictionary.htm …v.v…

[9]冘 đọc là dư châm thiết 餘針切 (NT, ĐV, QV) 余箴切 (TVGT); dư châm phản 餘針反 (LGTK), dặc hàm thiết 弋咸切 (TV), di châm thiết 夷針切 (TV, VH, LT) âm dâm 音淫. Ngoài ra còn đọc là do (以周切 dĩ chu thiết/ĐV, di chu thiết 夷周切/TV/VH…Chữ hiếm 冘 có nghĩa là (a) không yên/di động < hành mạo 行貌/TVGT (b) hồ nghi. Có liên hệ gì đến cách dùng “khách đăm chiêu” (khách qua lại, Nguyễn Trãi) không? So với đam 眈 (td. đam đam ~ nhìn chằm chằm) – cần được tìm hiểu sâu hơn với nhiều dữ kiện tương ứng.

[10] Đọc toàn bài trên trang này https://vn.japo.news/contents/doi-song/bon-mua/30394.html .

[11] Của chiêu là của trộm cắp, của gian lận (Huỳnh Tịnh Của, sđd) ~ objet volé, injustement acquis; Génibrel không ghi n ngay sau chữ 昭 chiêu hàm ý chiêu không phải là tiếng thuần Việt (Nôm – Génibrel viết tắt là n).

[12] Tự điển Béhaine (1772/1773) ghi lại ba lần ‘thượng hòa hạ mục’ với hàm ý là người trên (như quan lại) cần có sự hòa thuận và người dưới (như lương dân) cần phải thương yêu nhau;”Chúa Dêu cho thiên hạ thượng hòa hạ mục” MACC trang 122 (bản Nôm của LM Maiorica). Trong MỘT BẢN VĂN MỤC LỤC THỜI CHÍNH HÒA (Ất Sửu 1685, tác giả Nguyễn Thị Trang – Thông báo Hán Nôm năm 2000) có câu “Gái trai phải chốn, vậy nên tài nữ tú trai thanh, Cao thấp có ngôi, mới phải phép thượng hòa hạ mục“.

[13] So sánh mục 目 có một dạng âm cổ là *miuk so với mắt tiếng Việt (một dạng âm cổ tiền-Môn Khme là *mat), có thể là giao lưu ngôn ngữ thời Tiên Tần – cũng như giang/sông 江 so với *krong và tên gọi 12 con giáp …v.v..

[14] tương quan đồng đại giữa phụ âm cuối -c và -t: chọc chọt, thọc thọt, phức phứt (td. bán phứt đi)…

[15] Thí dụ hạch đọc là wat6, hat6 (Quảng Đông), hu̍t / ha̍t / he̍k / hia̍k (Phúc Kiến), fut8 (Sa Đầu Giác Khang).

[16] Số người thuận tai trái là 40%, thuận mắt trái là 30%, thuận chân trái là 20% nhưng thuận tay trái là 10% – tham khảo bài viết của Hannah Fry trên trang này chẳng hạn (4/10/2016) https://www.bbc.com/future/article/20160930-the-mystery-of-why-left-handers-are-so-much-rarer … Tuy số người thuận tay trái có ít, nhưng lại không thiếu những nhân vật rất nổi tiếng của thế giới: thiên tài vật lý Albert Einstein, nhà soạn nhạc Mozart, J.S Bach, Beethoven hay những họa sĩ lừng lẫy trong giới hội họa Picasso, Michelangelo, Leonardo Da Vinci, cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, tỷ phú Bill Gates …

[17] Tiếng Anh left (tay/bên phải) có gốc tiếng Anh cổ *lyft nghĩa là yếu, dại, vụng về và tiếng Proto-Germanic *luft-; so với right (phải, đúng). Đây là kết quả của tay trái không thuận và thường yếu hơn tay phải, không liên hệ gì đến dạng quá khứ left của động từ leave (rời). Phải cẩn thận khi so sánh các cách dùng trùng hợp như trên vì dễ làm ta lạc đường: td. chiêu là sáng, bàn thờ bên trái, kêu gọi, uống nước, đãi (gạo) …

[18] Các tác giả Vũ Văn Kính/Khổng Đức phiên là buông chiêu so với vuông chiêu theo người viết (NCT). Chữ HV 葻 là chữ hiếm với các cách đọc là lam (盧含切 lô hàm thiết/TVGT/QV/TV/LT) hay phong (符風切 phù phong thiết/TV/LT) nghĩa là cỏ lay động vì gió, vì vậy chữ 葻 có thể là chữ Nôm tự tạo. Ngoài ra,bản Ngũ Thiên Tự này xuất bản trễ nhất là vào khoảng đầu TK 20, sau tự điển Béhaine gần 13 thập niên, nhưng LM Béhaine đã ghi cách dùng đăm chiêu (bên phải và bên trái) ở Đàng Trong. Điều này cho thấy có sự khác biệt trong các từ chỉ (bên) phải và giải thích phần nào tại sao VBL đã không ghi dạng đăm.

[19] Trích từ trang http://sealang.net/monkhmer/dictionary/ và http://sealang.net/khmer/dictionary.htm …v.v…

[20] Tiếng Cùa (Co, Kor, Khùa) là thổ ngữ ở Quảng Nam và Quảng Ngãi.

[21] Khuynh hướng tha hóa phụ âm cuối -c hay -t: như tiếng Mường (sđd) có các dạng mã (mặc, đố mã là đồ mặc), mờ (một, mờ khảng là một tháng), mò là mỗi, một (mò tlăm là một trăm) …v.v…

[22] Cách dùng HV như tả chỉ bên trái dùng trong “cánh tả” chẳng hạn: đây là thuật ngữ chính trị có nguồn gốc từ cách mạng Pháp (1789–1799) lúc mà những người ngồi bên trái thường phản đối chế độ quân chủ và ủng hộ cách mạng – khác với nhóm người ngồi bên phải (phe/cánh hữu) của quốc hội Pháp. Tả (trái) và hữu (phải) là từ góc nhìn (ghế ngồi ở trên) của Chủ Tịch quốc hội Pháp. Tiếng Việt hiện đại không dùng các từ HV như tả, hữu một cách tự do như thời VBL – thí dụ như cách dùng tử, nhân, tiểu, thậm, vô, cùng, trở, quốc vào thời này.

[23] Tham khảo loạt bài “Nguồn gốc Việt (Nam) của tên gọi 12 con giáp” cùng tác giả (NCT), chiêu (bên trái > bàn thờ bên trái) có thể đến từ phương Nam. Thí dụ như Khổng Tử từng viết về văn minh Bách Việt/phương Nam đã ổn định vào thời đại của mình mà dùng cho xã hội phương Bắc …

[24] Các tài liệu như tự điển Béhaine (1772/1773), Taberd (1838), Huỳnh Tịnh Của (1895), Génibrel (1898), Bonet (1899) ở Đàng Trong và Vallot (1898) ở Đàng Ngoài đều không ghi cách dùng tay phải như của Ravier/Dronet. Tuy nhiên, năm xuất bản của tự điển Ravier/Dronet là 1903, nhưng mất nhiều năm để soạn ra (ghi trong phần giới thiệu/Préface) thành ra cách dùng tay phải đã có mặt trễ nhất là năm 1903 ở Đàng Ngoài.

[25] Trái tiếng Việt có một dạng âm cổ phục nguyên là *klaj, khác với dạng trái (quả) mà VBL ghi là blái có một dạng âm cổ phục nguyên là *plaj; so với một dạng chữ Nôm cổ của trái (quả) là ba 巴 + lại 賴. Một dạng chữ Nôm cổ của trái là 債 (trái HV). Trái (tay trái) tiếng Mường (Bi) còn là tlái, tiếng Poọng (~ Thổ, Cuối) là kla:j. so sánh với tiếng Khme ក្លាយ klaay nghĩa là sai (trái), giả, không đúng, đã thay đổi và tiếng Môn ကၠဲ (klai, dịch ra). Ngoài ra, tiếng Mường (Bi) còn có tính từ đái là trái như thay đái là tay trái, có liên hệ gì đến đãi HV 歹 (trái, bậy, xấu) hay không: cần tham khảo nhiều văn bản cho thêm chính xác.

[26] Khi so sánh số người tiền sử Neanderthal thuận tay trái thì vẫn là khoảng 10%, giống như số người thuận tay trái hiện đại – xem bài viết https://www.bbc.com/future/article/20160930-the-mystery-of-why-left-handers-are-so-much-rarer hay https://www.sapiens.org/column/field-trips/handedness-neanderthals/ …v.v…

[27] Tuy nhiên thiểu số (như 10% thuận tay trái) khác biệt không hoàn toàn có nghĩa là sai trái!

Nguyễn Cung Thông

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập136
  • Hôm nay30,458
  • Tháng hiện tại754,361
  • Tổng lượt truy cập54,869,065
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây