Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Văn hóa “nhịu miệng”: SOS!

Hiện tượng "tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh" (chữ của nhà báo Bùi Hoàng Tám) bằng mọi cách kể cả việc lươn lẹo ngôn từ đang làm méo mó tiếng Việt và vẩn đục văn hóa ứng xử nơi cơ quan công quyền, trên báo chí và mạng xã hội.
Cuối cùng thì VTV cũng đã lên tiếng xin lỗi vụ BTV ví người bán hàng rong là sống ký sinh trùng trên những con phố.

Trong bản tin Tài chính sáng 19/8, biên tập viên VTV Thu Hương thay mặt VTV đã nói lời xin lỗi những người bán hàng rong và khán giả vì đã để xảy ra "lỗi tác nghiệp nghiêm trọng".

Trước đó, trong bản tin Tài chính kinh doanh ngày 17.8 trên kênh VTV1, biên tập viên Anh Quang nói: “những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố này, sẽ tồn tại ra sao".

Câu nói của biên tập viên Anh Quang lập tức khiến nhiều người bức xúc. Họ cho rằng đây không thể coi là "tai nạn nghề nghiệp" của một cá nhân để rồi chỉ mình biên tập viên Anh Quang với nickname Wang Phố Cổ trên trang Facebook phải xin lỗi vì "nói nhịu".

Đây cũng không phải là lần đầu tiên VTV mắc lỗi nghiêm trọng vì “vạ miệng”. Nói “vạ miệng” cũng chưa thật chính xác, đúng ra là sự khiếm khuyết về tri thức và văn hóa (văn hóa ứng xử). Bởi có khiếm khuyết về tri thức và văn hóa thì mới dễ dẫn đến “vạ miệng”.

Vậy BTV nói “những gánh hàng rong, vốn được xem là sống ký sinh trùng lên trên những con phố" sai chỗ nào?

Thứ nhất về ngữ nghĩa. Trong trường hợp này dùng “ký sinh trùng” hay kí sinh” đều không chuẩn. Từ điển tiếng Việt (GS Hoàng Phê chủ biên, bản Vietlex) giải nghĩa "kí sinh" là "sống trên cơ thể sinh vật khác, bằng cách hút chất dinh dưỡng từ cơ thể sinh vật ấy".

"Kí sinh" hiểu theo nghĩa bóng là "ăn bám". “Ký sinh trùng” là loại vi sinh vật “bám vào kí chủ để "ăn", tức hút dinh dưỡng (như tầm gửi) hoặc hút máu (như bọ chét, giun sán...)” (Hoàng Tuấn Công, nhà nghiên cứu ngôn ngữ học).

Cách nói “sống ký sinh trùng’ là rất tối nghĩa vì tiếng Việt không có dạng tổ hợp cụm từ theo kiểu này. Chỉ có thể nói “sống như ký sinh trùng” tuy nhiên, trong thực tế chẳng ai nói như vậy.

Thứ hai là về nhận thức. Gọi người bán hàng rong “sống ký sinh trùng lên trên những con phố" là kém hiểu biết về đối tượng, về thành phần kinh tế vỉa hè. Gánh hàng rong trên con phố vốn là hình ảnh quen thuộc, rất riêng của phố phường Việt mấy chục năm nay. Những người hành nghề bán hàng rong thuộc tầng lớp lao động nghèo khó, bươn chải cực nhọc trong cuộc mưu sinh hằng ngày bằng mồ hôi, nước mắt của mình. Dù thiếu thốn, cơ cực nhưng chưa bao giờ và không bao giờ họ ngửa tay xin ai, ăn bám vào ai. Tâm hồn họ trong sáng, thanh cao và tử tế; họ không bị cuốn vào vòng đời ô trọc như bao kẻ mũ cao áo dài khác.

“Với tôi, hình ảnh của những người bán hàng rong với đôi quang gánh hoặc với một chiếc xe đạp thô sơ cùng với những điều giản dị khác đã làm lên một phần phong vị đô thị Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội” (Nhà văn Nguyễn Quang Thiều).

Thứ ba là về thái độ. Từ nhận thức sai trái như thế dẫn đến thái độ miệt thị cũng chả có gì là khó hiểu. Nhiều người cho rằng cách nói này dù vô tình cũng khiến người bán hàng ron cảm thấy tủi thân. Một tài khoản trên mạng xã hội bình luận chua chát: “Người bán hàng rong vẫn đi làm bằng mồ hôi, nước mắt cực nhọc, sao gọi là ký sinh trùng ghê rợn vậy. Thật khủng khiếp... Mùa Covid-19 này, kiếm ăn vốn đã khó mà không nghĩ là kiếm sự tử tế còn khó hơn gấp bội".

Vụ “vạ miệng” này không thể nói là sơ suất, càng không thể do “nói nhịu” bởi chương trình không phải truyền hình trực tiếp, phát thanh viên đọc theo kịch bản có sẵn đã qua nhiều khâu kiểm định.

Trước khi vụ “nhịu miệng” này của VTV xảy ra chưa lâu, một bài báo đăng trên trang điện tử nọ cũng khiến dư luận bức xúc. Bài báo có tựa đề “Giai thoại về tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột”. Tựa đề này đã được báo chỉnh sửa, còn liên kết tĩnh (tựa đề gốc) là: “Tên gọi thành phố Buôn Ma Thuột: 'Thằng Thuột' là 'thằng' nào?” vẫn lưu trên Googole.

Tác giả bài báo viết: “Như vậy, Y Thuột có lẽ cũng không hẳn là một nhân vật tai to mặt lớn gì, chỉ vì là con trai cả của ông tù trưởng mà cái tên "Thuột" trở thành một phần tên làng, mà ngày nay là tên thành phố lớn nhất Tây Nguyên. Được biết, trong dân gian còn lưu truyền cách gọi dân dã “Y Thuột” là “Thằng Thuột” và câu hỏi: “”Thằng Thuột” là “thằng” nào?”...

Tác giả bài báo phạm phải hai sai lầm lớn. Một là lấy câu thành ngữ “tai to mặt lớn” để đánh giá vị thế xã hội của Y Thuột là khiên cưỡng và thiếu tôn trọng. Hai là bịa ra câu chuyện “dân gian còn lưu truyền cách gọi dân dã “Y Thuột” là “Thằng Thuột” và câu hỏi: “”Thằng Thuột” là “thằng” nào?”. Một thái độ hành xử khiếm nhã, coi thường tiền nhân.  

Cả hai vụ “nhịu miệng” nói trên đều chung điểm xuất phát: Sự thiếu hụt tri thức văn hóa của không ít người đang làm cái công việc “định hướng” nhận thức, giao tiếp xã hội – đây là hệ quả đáng buồn của việc đào tạo, tuyển dụng con người vào những vị trí công việc mà đáng lẽ ra phải chuẩn mực về mọi mặt.

Bệnh sính nói chữ đang ngày càng phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ phóng viên, MC, cho đến các phát ngôn của quan chức,...

“Đại ngôn, ngoa ngôn, hoang ngôn, hoắng ngôn, ngạo ngôn, ngu ngôn, kiêu ngạo ngôn ...đủ thứ kiểu viết, nói trên trời dưới đất, trong khi tiếng Việt ấm áp, giản dị, trong sáng thì không dùng”; “Tiêu đề báo chí bây giờ liên tục sai, sai nội dung thông tin, sai chữ, sai nghĩa, sai chính tả, kiểu " 1 người chết 2 người tử vong...” (Nhà văn Nguyễn Quang Vinh).

“Khi sai thì xin lỗi ngay chỗ sai, sai ở đâu xin lỗi ở đó, điều đơn giản như thế mà không làm được là sao”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói.

Hiện tượng "tranh công, chối tội, đổ lỗi, thanh minh" (chữ của nhà báo Bùi Hoàng Tám) bằng mọi cách kể cả việc lươn lẹo ngôn từ đang làm méo mó tiếng Việt và vẩn đục văn hóa ứng xử nơi cơ quan công quyền, trên báo chí và mạng xã hội.

19-8-2020
Nguyễn Duy Xuân

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây