Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Thế nào là hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu?

Nói nôm na, như một độc giả đã bình luận trên báo Tuổi trẻ Online: Hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu là bất kể cái gì có thể nuôi sống và đảm bảo đời sống để người dân có đủ sức khỏe mà chống chọi với dịch bệnh.
Chiều 18/7, anh công nhân Trần Văn Em ở Nha Trang đi mua bánh mì và nước uống bị Phó chủ tịch phường xử phạt vì ông ta cương quyết cho rằng, bánh mì không phải lương thực, thực phẩm, không phải thiết yếu. Vụ việc ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận, đến mức, Phó chủ tịch phường giờ có thêm biệt danh mới: “Thọ bánh mỳ”.

Chưa hết nóng với vụ “Thọ bánh mỳ” thì ngay sau đó, báo chí lại tiếp tục phản ánh những vụ việc khác, tương tự.

Cũng chiều 18/7 anh Hồ Minh Phúc đi từ nhà ở Hóc Môn đến địa điểm nhận hàng của nhà xe Phương Trang trên đường Lê Hồng Phong, quận 5 để nhận thùng hàng thực phẩm của gia đình gửi từ Kiên Giang lên. Khi đến đường Võ Thị Sáu, quận 3, anh Phúc bị tổ công tác của đội CSGT Bàn Cờ lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng vì lý do “ra ngoài trong trường hợp không cần thiết”, mặc dù anh Phúc đã trưng ra tin nhắn thông báo nhận hàng của nhà xe Phương Trang; trong biên bản anh Phúc cũng ghi rõ lý do ra đường là “để nhận thực phẩm tiếp tế dưới quê Kiên Giang gửi lên”.
 
Mạng xã hội lại xôn xao khi xuất hiện thông tin về biên bản có nội dung "ra đường không lý do chính đáng (mua bắp)" do Đội kiểm tra liên ngành UBND xã An Vĩnh Ngãi, TP Tân An, Long An lập để xử phạt một người dân trong lúc địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16.

Ngoài ra, theo phản ánh của báo chí, một số mặt hàng phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân như các loại đồ uống, sữa, nguyên liệu chế biến,... có thời hạn sử dụng ngắn nhưng bị “quay đầu xe” khi lưu thông vì không được xếp vào nhóm hàng hóa thiết yếu.

Những hiện tượng trên cho thấy sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vốn đã khó khăn lại càng thêm khó khăn của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong thời điểm dịch COVID-19 đang rất căng thẳng.

Vấn đề đặt ra cho các địa phương khi phải thực hiện Chỉ thị 16 là xác định được nội hàm của cụm khái niệm “hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu” là gì?
Nhiều địa phương đã ra văn bản, chỉ thị để làm rõ nội dung này. Tựu trung lại, “hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu” bao gồm:

- Thực phẩm tươi sống: thịt (các sản phẩm từ thịt), thủy sản (các sản phẩm từ thủy sản), rau, củ, quả (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây, trứng (các sản phẩm từ trứng).

- Hàng công nghệ phẩm như bánh kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, đường, dầu thực vật, sữa các loại, mì gói, các loại nước uống, giải khát.

- Lương thực: gạo, vừng, đậu, ngô, khoai, sắn; bột, tinh bột (các sản phẩm từ bột, tinh bột).

- Các nhu yếu phẩm cần thiết: khẩu trang, sản phẩm dùng để tẩy rửa, diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân, nước kháng khuẩn, giấy vệ sinh.

- Các mặt hàng kim khí, điện máy phục vụ các hoạt động của gia đình, nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh (vật tư ngành điện dân dụng, công nghiệp, nông nghiệp, điện tử, vật tư ngành nước, vật tư nguyên liệu xây dựng, ...).
 
Nói nôm na, như một độc giả đã bình luận trên báo Tuổi trẻ Online: Hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu là bất kể cái gì có thể nuôi sống và đảm bảo đời sống để người dân có đủ sức khỏe mà chống chọi với dịch bệnh.

Công văn số 2601/VPCP-KGVX ban hành ngày 3-4-2020 về việc thực hiện Chỉ thị số 16 của Văn phòng Chính phủ cũng nêu rõ: "nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết" như: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn…; Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở…”.

Văn bản hướng dẫn của Chính phủ như thế là rõ ràng, đầy đủ. Vướng mắc chính là ở chỗ, các đơn vị và cá nhân khi thực thi nhiệm vụ hoặc là không nắm bắt đầy đủ các chỉ thị, công văn liên quan đến giãn cách xã hội; hoặc là vận dụng một cách máy móc, cứng nhắc trong việc giám sát người dân khi có nhu cầu cá nhân phải ra khỏi nhà.

23-7-2021
Nguyễn Duy Xuân



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây