Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Giao thông xứ mình sao phải bật đèn xe suốt ngày?

Đấy là câu hỏi dư luận đang đặt ra đối với Bộ GTVT khi bộ này công bố dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi để lấy ý kiến người dân.
 
Khoản 3, Điều 27 của dự thảo Luật quy định: “Trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau”.

Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, quy định trên được tham khảo từ công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước 1968), nhằm tăng nhận diện, giúp người lái dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông. Đặc biệt xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được, từ đó giảm tai nạn giao thông.

Đồng quan điểm với Bộ GTVT, chuyên gia về ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng cho rằng việc bắt buộc bật đèn xe cả ngày Việt Nam cần áp dụng sớm vì châu Âu đã sử dụng từ 20 năm nay. Xe ban ngày mà vẫn bật đèn làm giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%, vì ánh sáng của đèn có thể làm cho tài xế nhận diện từ xa.

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận thì hoàn toàn ngược lại. Hầu hết ý kiến đều cho rằng đây là quy định không khả thi ở Việt Nam, một nước có điều kiện thời tiết khác xa các nước châu Âu.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, "quy định này chỉ phù hợp với các nước châu Âu, ánh sáng ban ngày không đủ, sương mù nhiều, cần bật đèn để nhận diện”. “Nên tôi cho rằng việc bật đèn xe máy vào ban ngày với nước ta là không cần thiết. Đặc biệt việc bật đèn cũng không giảm thiểu được tai nạn giao thông, mà còn tác dụng ngược, như ô nhiễm môi trường, gây chói mắt…”, ông Quyền nói.

Cá nhân người viết xin phản biện lại quan điểm của Bộ GTVT và chuyên gia Nguyễn Minh Đồng.

Việc tham khảo Công ước 1968 là cần thiết nhưng không thể áp dụng một cách máy móc, rập khuôn mà phải có sự cân nhắc, chọn lọc sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết và môi trường giao thông ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, cần làm rõ các khái niệm: Tầm nhìn, tầm nhìn hạn chế và tầm nhìn che khuất.

Tầm nhìn là khoảng không gian có thể nhìn thấy được vật ở xa trên mặt đất hoặc mặt biển, tuỳ thuộc vào độ trong suốt của khí quyển. Bởi vậy, khi độ trong suốt của khí quyển bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết như mù, sương, khói bụi, mưa bão, màn đêm,… thì tầm nhìn bị hạn chế. Khi tầm nhìn hạn chế, người tham gia giao thông cần sử dụng đèn xe để cảnh báo cho các phương tiện khác đi ngược chiều.

Tầm nhìn che khuất xảy ra khi khoảng không gian ngay trước mặt bị che chắn bởi vật thể nào đó. Trong trường hợp này, việc bật đèn (nhìn thấy bằng mắt) không khả dụng mà phải dùng cảnh báo bằng còi xe (nghe bằng tai).

Lãnh thổ Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới nên các hiện tượng thời tiết như mù, sương rất ít xảy ra, do đó ảnh hưởng giao thông của các hiện tượng này nhất thời, không đáng kể. Trong trường hợp tầm nhìn hạn chế xảy ra, người tham gia giao thông đều tự giác bật đèn nhận diện.

Vì những lý do trên nên việc áp dụng việc bật đèn xe cả ngày như quy định của Công ước 1968 là khiên cưỡng, máy móc, phi thực tế; không thể vin cớ “vì châu Âu đã sử dụng từ 20 năm nay” để áp dụng cho Việt Nam.

Cũng không thể ngụy biện rằng, bật đèn xe ban ngày là “nhằm tăng nhận diện, giúp người lái dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông”. Trong thực tế, cường độ ánh sáng của đèn xe không đủ để lấn át ánh sáng mặt trời đến mức có thể “giúp người lái dễ dàng nhận diện các phương tiện đang lưu thông”.

Còn lập luận cho rằng “xe tải thường có những điểm mù mà người ngồi trong ô tô không phát hiện được” nên cần bật đèn xe để giúp giảm tai nạn giao thông thì quả thực đây là cách biện minh theo kiểu râu ông nọ chắp cằm bà kia.

Điểm mù là những vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất (bởi thân xe) và không nằm trong tầm nhìn của người điều khiển dù đã có gương chiếu hậu. Các vị trí điểm mù thường gặp là điểm mù gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe, điểm mù phía sau xe. Bởi thế dù bật đèn xe kiểu gì thì cũng không có tác dụng giúp lái xe khắc phục được điểm mù.

Tôi cũng không hiểu sao chuyên gia ô tô, xe máy Nguyễn Minh Đồng dựa vào đâu mà đưa ra số liệu “Xe ban ngày mà vẫn bật đèn làm giảm được tai nạn trực diện khoảng 20%”, bởi Việt Nam chưa áp dụng luật bật đèn xe suốt ngày để lấy đó làm cơ sở khảo sát thực tế.

Xem ra, lập luận của các nhà soạn luật và những ai đồng quan điểm không đủ sức thuyết phục dư luận về chủ trương bật sáng đèn xe ban ngày nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Đấy là chưa nói đến tác hại của nó, có thể kéo theo một loạt hệ lụy khác như ô nhiễm môi trường, giảm tuổi thọ các bộ phận của xe, dễ gây nóng xe dẫn tới cháy nổ.

Vậy mà, Bộ GTVT vẫn cố lôi ra một ý tưởng học theo xứ người đã bị xếp vào ngăn kéo từ 15 năm nay. Năm 2005, Uỷ ban ATGT quốc gia cũng đã từng đề xuất ý tưởng bật đèn xe máy khi lưu thông ban ngày nhưng rồi phải rút lại vì vấp phải sự phản đối gay gắt của dư luận.

10-5-2020
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:

https://plo.vn/do-thi/giao-thong/bo-gtvt-de-xuat-xe-may-phai-bat-den-suot-ca-ngay-911328.html

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây