Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Bạo lực trong nhà trường: vì đâu nên nỗi?

Hồi chuông cảnh tỉnh dù đã được gióng lên từ lâu nhưng xem ra vấn nạn nhức nhối này không những không được ngăn chặn mà còn có xu hướng gia tăng.

Chuyện bạo lực học đường dư luận không còn mấy xa lạ.

Hồi chuông cảnh tỉnh dù đã được gióng lên từ lâu nhưng xem ra vấn nạn nhức nhối này không những không được ngăn chặn mà còn có xu hướng gia tăng.

Thời gian gần đây, qua thông tin báo chí phản ánh, nhiều vụ bạo hành trong học sinh và cả sinh viên diễn ra với cách hành xử mang tính chất côn đồ ngày càng rõ.

Không những thế, bạo lực học đường còn lan sang cả giáo viên – đội ngũ đang gánh trên vai trọng trách “trồng người” của xã hội.

Một vụ việc xảy ra gần đây khiến dư luận bức xúc bởi không hiểu chuyện gì đã và đang diễn ra trong môi trường được coi là chuẩn mực của đạo đức và ứng xử.

Cô giáo Hồ Thị Tâm – nhân vật chính trong clip được quay sáng 22-10 tại lớp 10A9 Trường THPT Hai Bà Trưng, thành phố Huế - bị một nam đồng nghiệp bẻ tay mời ra khỏi lớp với lý do "làm loạn trong lớp": tổ chức chia tay học sinh (sau khi bị lãnh đạo trường cắt dạy nhưng không có lý do thỏa đáng).



Hình ảnh cắt từ clip

Gạt sang một bên chuyện đúng sai của cái gọi là “làm loạn trong lớp” của cô giáo Tâm thì hành vi của thầy giáo bẻ tay, “áp tải” đồng nghiệp ra khỏi lớp trước mặt học trò là điều không thể chấp nhận được. Một hành vi phản giáo dục, khiến mọi lời có cánh về răn dạy đạo lý của thầy cô và nhà trường bấy lâu nay tan thành mây khói.

Tôi cũng không tán thành quan điểm của thầy hiệu trưởng Ngô Đức Thức khi trao đổi với báo chí, cho rằng “Tất cả đều có lỗi”.[1]

Theo ông Thức, thầy Phong (người bẻ tay mời cô Tâm ra khỏi lớp) hành động “hơi cứng, không tế nhị và làm cho đoạn clip đó gây ngộ nhận trên mạng xã hội”; “Cô Tâm cũng có lỗi sai khi cô có mặt ở lớp nhưng không được sự đồng ý của giáo viên ở lớp đó. Khi giáo viên chủ nhiệm mời cô Tâm ra khỏi lớp, cô ấy đã không chịu đi ra”; “Học sinh cũng sai. Các cháu đã được giáo dục văn hóa ứng xử khi tham gia vào mạng xã hội, nhưng vẫn để xuất hiện clip nói trên, làm xấu đi hình ảnh nhà trường”’ “Bản thân tôi cũng sai. Tôi là thủ trưởng đơn vị nhưng đã để xảy ra sự việc nêu trên”.

Xem ra, như trần tình của hiệu trưởng thì sự việc chẳng có gì ghê gớm. Lỗi không chỉ riêng ai. Một cách nhìn nhận vụ việc theo kiểu “hòa cả làng”.

Không nhận chân được bản chất vấn đề, bạo lực học đường sẽ không bao giờ chấm dứt, trái lại ngày một trầm trọng thêm trong môi trường giáo dục không chỉ riêng một nơi nào.

Xin lưu ý thêm, theo phản ánh của báo chí, cô giáo Tâm từng lên tiếng, đề nghị làm rõ việc lãnh đạo nhà trường không dân chủ, có sự khuất tất trong thu chi các khoản tiền của học sinh.[2]
 
Liệu vụ việc nêu trên có phải là cái kết của điều mà dư luận vẫn thường nói “đấu tranh thì tránh đâu”. Vì thế, người ta bất chấp, không ngại hành xử theo kiểu “xã hội đen” ngay trong trường học. Không hiếm những chuyện tương tự đã diễn ra trong ngành mà báo chí và dư luận từng phản ánh.

Nhiều năm qua, các nhà giáo, nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề bạo lực học đường; nhiều bài viết đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã mổ xẻ, đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Song, dường như chưa có một giải pháp hữu hiệu nào từ phía nhà trường, ngành giáo dục và cả xã hội nhằm giảm thiểu vấn nạn nhức nhối này.

Gốc rễ vấn đề chính là câu trả lời cho câu hỏi đang được dư luận đặt ra đối với ngành giáo dục: Bạo lực trong nhà trường vì đâu nên nỗi?

Giáo dục là quá trình tự thẩm thấu những giá trị đạo đức và tri thức của con người. Giáo dục không thể nhồi nhét một sớm một chiều. Dường như chúng ta đang mắc phải sai lầm ở góc độ này. Biết bao thế hệ học trò bị nhồi nhét kiến thức đến nghẹt thở, không một khoảng trống trong ngày, trong tuần để vui chơi, giải trí, để "tiêu hóa" những gì mình thu lượm được trong qua trình học hỏi.

Trong một môi trường giáo dục như thế, học sinh chẳng khác gì gà công nghiệp, thiếu đi những kỹ năng sống cần thiết, thiếu đi những hành vi ứng xử văn hóa dù bài học đạo đức hay giáo dục công dân vẫn được thầy cô giảng dạy mỗi ngày.

Những lệch lạc trong môi trường sư phạm cũng là tác nhân không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho học sinh. Bệnh thành tích, dối trá; những ông thầy bà cô thiếu gương mẫu trong lời nói và hành động; giáo dục coi trọng đồng tiền (chạy thầy, chạy điểm, lạm thu, dạy thêm học thêm),… đang ngày ngày một tác động xấu đến tâm hồn trong trắng của học sinh, khiến các em mất phương hướng trong việc định hình nhân cách, lối sống.

Những bài học giáo dục công dân xơ cứng, những lời răn dạy sáo rỗng của thầy cô không đủ để đánh bật được những tiêu cực ngoài đời mà sức cám dỗ của nó đối với học sinh là không giới hạn.

Tác động xấu của xã hội còn len lỏi vào từng căn nhà, góc phố. Gia đình thời hiện đại cũng không còn là nơi an toàn cho con trẻ. Có thể thấy ba xu hướng hiện nay trong giáo dục gia đình. Một là "quên" trách nhiệm giáo dục con cái bởi phụ huynh bị cuốn vào công việc mưu sinh thường ngày. Hai là o bế chiều chuộng con thái quá về mọi mặt, cho con trẻ sử dụng điện thoại ngay cả khi đang học tiểu học; tập cho con trẻ xài tiền mà không kiểm soát. Ba là dạy con theo kiểu bệnh sĩ, luôn gây áp lực học hành, thành tích, chạy thầy, chạy trường, chạy điểm.

Trong một môi trường sống và học tập "tứ bề thọ địch" như vậy, làm sao con em chúng ta tránh khỏi hư hỏng? Cho nên, bạo lực học đường gia tăng chẳng có gì lạ. Nó chứng tỏ sự bế tắc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ trong cuộc sống hiện đại. Sự bế tắc đó là hệ lụy tất yếu của những tiêu cực trong xã hội, nhà trường và gia đình. Mà suy cho cùng là do người lớn - những người đáng lẽ ra là gương sáng dẫn đường cho họ đi tới tương lai với tư cách công dân.

29/10/2022
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/hieu-truong-ngoi-truong-xay-ra-vu-co-giao-bi-be-tay-tat-ca-deu-co-loi-20221028123232104.htm
[2] https://tuoitre.vn/co-giao-bi-be-tay-day-ra-khoi-lop-hoc-o-hue-toi-thay-hut-hang-va-bi-xuc-pham-20221027172648877.htm


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây