Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Quốc khánh 2-9: Tấm ảnh và chữ ký trong hai thời điểm nhạy cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh và A. Patti.

Hồ Chí Minh và A. Patti.

–Trong những thời khắc khó khăn nhất của cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tìm ra giải pháp tối ưu để đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
 

Chuyện tấm ảnh

Những ngày tháng Tám này cứ như cơn cớ để lật lại những trang của Why Vietnam (Tại sao Việt Nam). Bởi tác giả, Archimedes Patti, đã có non tháng ở Hà Nội những ngày tháng Tám năm 1945 ấy.

Cũng cần nói thêm về tác giả cuốn sách nổi tiếng ấy. A. Patti sinh năm 1914 tại New York. Ông gia nhập quân đội Hoa Kỳ từ năm 1941 và trở thành một sĩ quan bộ binh trên chiến trường châu Âu trong Thế Chiến II.

Cuối năm 1944, ông chuyển sang Cục tình báo Chiến lược (OSS - Office of Strategic Services, tiền thân của CIA sau này) và được phân công làm Trưởng ban Đông Dương thuộc Pháp của OSS, hàm Đại úy. Tháng 4 năm 1945, ông sang Côn Minh và có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với lãnh tụ của Việt Minh là Hồ Chí Minh.

Patti đến Hà Nội vào ngày 22 tháng 8 và thực thi nhiệm vụ của mình cho đến ngày 30 tháng 9 năm 1945. Tuy chỉ ở Đông Dương trong 38 ngày nhưng Patti đã kịp chứng kiến những sự kiện chính trị tại đây, khởi đầu cho một cuộc chiến tranh giành độc lập của người Việt Nam, đồng thời được tiếp xúc với nhiều lãnh tụ hàng đầu của Việt Minh trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1980, ông cho xuất bản quyển hồi ký "Tại sao Việt Nam?", ghi chép lại những sự kiện chính trị quan trọng và về vai trò của người Mỹ tại Việt Nam trong giai đoạn này. Chủ đề của Why Vietnam được A. Patti gửi gắm trong một câu thơ cổ của người Ai nhĩ lan ( Ireland) viết về một người thuỷ thủ già đã lỡ tay bắn chết con chim báo bão khiến con tàu của anh ta lạc vào bão tố.

Người thuỷ thủ già là nước Mỹ, con chim báo bão là ký ức của một thời nước Mỹ đã từng là đồng minh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cơn bão tố chính là hậu họa mà nước Mỹ phải gánh chịu khi quên mất ký ức tốt đẹp để tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Hồ Chí Minh!

Có lẽ cái duyên Việt Mỹ khởi sự bằng chuyến nhẩy dù xuống núi rừng Hoà An Cao Bằng của viên trung uý phi công William Saw cuối năm 1944 trong một chuyến bay oanh tạc căn cứ quân Nhật ở Bắc Việt Nam. William Saw bị du kích ta bắt và được dẫn về căn cứ Việt Bắc.

Non tháng trời bị dẫn giải đi khắp nơi qua những chặng đường rừng gian nan, Saw nói mình mừng tưởng phát điên lên khi được dẫn đến gặp Bác. Niềm vui tột độ của Saw không phải là biết mình thoát chết mà anh ta được nói tiếng Anh thoải mái với Bác Hồ sau từng ấy ngày câm lặng!

Tầm nhìn của Bác thời điểm ấy đã rất xa…Phải tranh thủ được mọi lực lượng có thể tranh thủ! A.Patti dường như đã đọc được suy nghĩ ấy trong cuốn hồi ký của mình.

"… Nhờ có đầu óc phân tích, bản chất thực dụng và một sự thông hiểu sâu sắc tình hình chính trị thế giới, ông Hồ đã rất sớm rút ra kết luận phải tranh thủ cảm tình của nước Mỹ. Ông đã xác định được không thể coi Trung Quốc như là một Đồng minh và thậm chí còn hơn thế nữa, có thể trở thành đối kháng. Và với Pháp, sẽ đòi lại Đông Dương làm thuộc địa. Chỉ còn có Mỹ, một khả năng cuối cùng của ông" ( Hết trích)

Rồi Bác đi Côn Minh, mang theo William Saw. Saw được trả cho tướng C. Chennault, Tư lệnh quân đoàn 14 của Quân đội Mỹ làm nhiệm vụ đánh quân Nhật có căn cứ quân sự ở Côn Minh- Quế Lâm Trung Quốc. Tướng Chennault hết sức cảm ơn Giải phóng quân Việt Nam đã cứu phi công Mỹ!

Sau đây là trích đoạn cuộc gặp nổi tiếng ấy trong Why Vietnam:

"Ngày 29-3- 1945 Hồ Chí Minh được đưa đến cơ quan và giới thiệu với tướng Chennault. Chennault rất cảm ơn ông Hồ về việc trung úy phi công được cứu thoát. Ông Hồ đáp lại bao giờ ông cũng sung sướng được giúp đỡ người Mỹ.

Chennault tỏ ra hài lòng về những câu chuyện với ông Hồ. Họ bàn chuyện cứu các phi công bị nạn. Không ai nói gì đến người Pháp hoặc nói chuyện chính trị. Khi sắp từ biệt nhau, ông Hồ nói rằng ông muốn xin một vật kỷ niệm nhỏ... Và tất cả cái mà ông muốn chỉ là một cái ảnh của tướng Chennault...

Ngay đó, một tập ảnh 8x10 được đưa ra. “Hãy chọn lấy”, Chennault cười…


Ông Hồ cầm lấy một chiếc ảnh và hỏi tướng Chennault có vui lòng cho xin chữ ký?' Chennault liền viết ở dưới “Bạn chân thành của anh. Claire L. Chennault”. Theo ý ông Hồ thì việc được tướng Chennault tiếp là hết sức quan trọng vì được coi như là một sự công nhận chính thức của Mỹ. Và tấm ảnh có chữ ký đã trở thành vật có ý nghĩa quan trọng" (Hết trích)

Tư lệnh quân đoàn 14 của Quân đội Mỹ tặng Bác 6 khẩu súng lục, 2 vạn viên đạn và tiền. Nhưng Bác chỉ nhận súng và đạn... Mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh với lực lượng đồng minh chống phát xít cụ thể là quân đội Mỹ đã bắt đầu được thiết lập như thế...

Sau chuyến đi ấy, thiếu tá A.Patti phụ trách cơ quan OSS của quân đoàn 14 và thiếu tá Thomas đã theo Bác về Cao Bằng. Rồi như chính sử đã từng ghi. Một đơn vị biệt kích có tên là Con Nai cũng đã được thành lập nhằm cung cấp những tin tức tình báo về quân đội Nhật.

Lực lượng giải phóng quân của Mặt trận Việt Minh có một đơn vị bộ đội gồm 200 quân do Đàm Quang Trung chỉ huy và Thomas là tham mưu trưởng đại đội mang tên là bộ đội Việt Mỹ. Trong thời gian này máy bay Mỹ đã thả dù tiếp tế cho bộ đội Việt Mỹ vũ khí thuốc men ở sân bay dã chiến Lũng Cò (Cao Bằng)

14 giờ ngày 16-8-1945, đơn vị chủ lực của Việt Nam Giải phóng quân xuất phát từ Tân Trào Tuyên Quang tiến đánh quân Nhật ở Thị xã Thái Nguyên. Cùng ngày bộ đội Việt Mỹ do chi đội trưởng Đàm Quang Trung chỉ huy cũng tham gia đánh Nhật tại thị xã Thái Nguyên.

Ta giành thắng lợi thu 600 súng trường và một số súng máy của Nhật. Bộ đội Việt Mỹ nhanh chóng tổ chức thêm 2 chi đội mới. Đại đội Việt Mỹ được bổ sung thêm quân tổ chức thành chi đội 4 do Đàm Quang Trung chỉ huy và thiếu tá Thomas vẫn làm tham mưu trưởng. Thomas dã viết tối hậu thư bằng tiếng Anh kêu gọi quân đội Nhật đầu hàng.


Hồ Chí Minh Võ Nguyên Giáp và A. Patti.

Chi đội 4 còn nhận lệnh của tướng Võ Nguyên Giáp đưa một trung đội quay lại Tân Trào để đón Bác về Hà Nội. Sau khi cuộc Tổng khởi nghĩa đã thành công ở Hà Nội, một đại đội của chi đội 4 tiếp tục ở Thái Nguyên đánh Nhật. Một số đơn vị của chi đội 4 cũng hành quân tiến về Hà Nội.

Đến ngày 9-9-1945, thiếu tá Thomas và những sĩ quan tình báo của Mỹ trong toán Con Nai đã chấm dứt nhiệm vụ của họ tại Hà Nội. Và Bộ đội Việt Mỹ từ đây cũng không còn tồn tại nữa. Thời gian tồn tại và hoạt động của Bộ đội Việt Mỹ rất ngắn chỉ 50 ngày!

Và sự kiện buổi chiều ngày mồng 2 tháng Chín năm 1945, sau thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc Lập, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số sĩ quan quân đội Mỹ trong phe đồng minh, trong đó có A.Patti và Thomas tham gia xem duyệt diễu binh ở quảng trường Ba Đình. Dưới kỳ đài kia là ban nhạc người Việt Nam chơi bài Star- Spangled Banner (ngọn cờ đầy sao) khá điệu nghệ.

Có lẽ ít người biết chuyện Hồ Chí Minh đã đưa bản nháp Tuyên ngôn độc lập cho ông Mỹ này coi trước!

“Ông Hồ đã cho một xe đến đón và tôi đến ngôi nhà Hàng Ngang vào lúc 10h30. Ông Trường Chinh dẫn tôi đến chỗ ông Hồ.

Trong tay tôi là một bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề.

Tôi ngây ra và ông Hồ thấy ngay là tôi không thể đọc được. Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch.

Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản Tuyên ngôn của chúng ta?

Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ, có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản Tuyên ngôn của ông không?... Ông Hồ dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau và đang như suy tưởng.

Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng câu ấy được à?”. Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng. “Tất nhiên”, tôi trả lời, “tại sao lại không?”.

Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa. Anh ta đọc: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng..., họ đã được tạo hóa trao cho những quyền không thể nhượng lại được, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Cố sức nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và trật tự các chữ “tự do” “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói “đúng”, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do” (Hết trích)

Và chữ ký của Stalin

Chuyến đi Liên Xô bí mật của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1950 là dấu mốc và là bước đi ngoại giao quan trọng đối với cách mạng Việt Nam. Thời gian trôi đi, những chi tiết trong câu chuyện của nhà Việt Nam học người Nga là Anatoli Sokolov đã được giải mật luôn thu hút bạn đọc.

… Chiều 2/1, Người rời An Toàn Khu ở Tuyên Quang, và hướng tới cửa khẩu biên giới Trùng Khánh.

Đoàn gồm 9 người: Hồ Chí Minh, Trần Đăng Ninh, phiên dịch Phạm Văn Khoa, bác sĩ Lê Văn Chánh, bảo vệ Nhật. Nhóm công tác gồm Đại tá Lâm Kính, trợ lý kiêm phiên dịch Lê Phát, vận hành máy vô tuyến Ngô Vi Thiên (cũng là trợ lý cho Trần Đăng Ninh) và Nhiệm vận hành máy vô tuyến.

Ngày 6/1, báo "Sự thật", cơ quan ngôn luận trung ương của ĐCS Đông Dương, đã công bố bức điện mừng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt nhân dân Việt Nam, gửi I. V. Stalin nhân sinh nhật thứ 70 của ông.

12 giờ ngày 22/1, phái đoàn Việt Nam tới Bắc Kinh. Trung Quốc tìm cách giữ bí mật chuyến đi của Hồ Chí Minh, song các cơ quan tình báo nước ngoài vẫn biết và thông tin này sớm xuất hiện trên báo phương Tây.

Ngày 25/1, khi ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh nhận được điện của Stalin, cảm ơn lời chúc mừng nhân sinh nhật lần thứ 70. Bức điện này được đăng trên báo Sự thật. Ngày 30/1, chính phủ Liên Xô tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 1/2, Lưu Thiếu Kỳ chuyển cho Hồ Chí Minh bức điện của Stalin. "Đồng chí Hồ Chí Minh. Vài ngày trước đồng chí Mao Trạch Đông thông báo với tôi rằng đồng chí sẽ bí mật tới Moskva. Tôi rất vui gặp đồng chí ở Moskva". Ngày 3/2, Hồ Chí Minh rời Bắc Kinh đi Moskva. Cùng đi với Bác Hồ có ông Trần Đăng Ninh.

Ngày 7/2, từ Chita, Hồ Chí Minh gửi cho Stalin bức điện.

"1. Tôi hy vọng việc tôi đến Moskva là bí mật bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất việc tôi rời Việt Nam chỉ có một vài thành viên TƯ ĐCS và 2 thành viên chính phủ biết. Thứ 2, tôi cho rằng nếu người Pháp biết tôi rời Việt Nam, họ có thể có hành động chính trị-quân sự.

2. Ngày 3/2, tôi đã đề nghị theo radio quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tính chất chuyến thăm Moskva của tôi.

… Khi đến Moskva, tôi muốn Ngài cho phép tôi tới thẳng chỗ Ngài. Gửi lời chào anh em. Hồ Chí Minh".


Hồ Chí Minh bay bằng máy bay từ Chita tới Moskva. Mikhail Suslov, khi đó là bí thư trẻ nhất của TƯ ĐCS Liên Xô, Tổng biên tập báo Pravda, đã phụ trách chuyến thăm của lãnh tụ Việt Nam tới Moskva.

Bức thư thứ 2 Hồ Chí Minh gửi Stalin

    Đồng chí Stalin thân mến:

    Xin gửi ngài chương trình cải cách ruộng đất của Đảng lao động Việt Nam. Chương trình hành động được lập bởi chính tôi dưới sự giúp đỡ của đồng chí Lưu Shao Shi, Văn Sha San. Đề nghị ngài xem xét và cho chỉ dẫn.

    Gửi lời chào cộng sản.

    Hồ Chí Minh, 31/10/1952


Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Không rõ nhà Việt Nam học trích từ cuốn hồi ký nào của nhà văn Hữu Mai?- XB) kể lại: "Trong một buổi gặp làm việc, nhìn thấy trên bàn (Stalin) có cuốn tạp chí Liên Xô, Hồ Chí Minh cầm lấy nó và đề nghị (Stalin) ký tặng. Stalin mỉm cười và thực hiện yêu cầu của ông, sau đó chuyển cho các đồng chí ngồi cạnh, Molotov, Kaganovich, để họ cùng ký. Hồ Chí Minh mang cuốn tạp chí này về phòng".

Những người đi theo Hồ Chí Minh đều biết, trên bìa tạp chí in chân dung màu Stalin, dưới ghi dòng chữ do chính Stalin viết: "Đồng chí Hồ Chí Minh yêu quý 10/02/1950".

Ngoài ra trên cuốn Tạp chí còn có chữ ký của những người tham dự - V. M. Molotov, L. P. Beria, G. M. Malenkov, N. Bulganin, A. I. Mikoyan.

Cạnh đó là 3 dòng bằng tiếng Trung, viết tay, nhiều khả năng của Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Stalin.

…Tại buổi tiếp chính thức, Stalin xếp ngồi cạnh Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh và Chu Ân Lai. Theo các nhân chứng, nhà lãnh đạo Xô Viết có trạng thái tinh thần tốt và đã nói đùa với các vị khách.

Khi lãnh tụ Việt Nam Hồ Chí Minh hỏi Stalin xem ông có chỉ thị gì cho mình, Stalin nói đùa: "Làm sao tôi có thể chỉ thị Ngài. Ngài là Chủ tịch, theo vị thế còn cao hơn tôi". Hồ Chí Minh tiếp tục đùa: "Ngài đã ký thỏa thuận với các đồng chí Trung Quốc, vậy sao không ký thỏa thuận như vậy với chúng tôi khi tôi đang ở đây". Do Hồ Chí Minh thăm Liên Xô bí mật, Stalin nói: "Nhưng khi đó người ta có thể hỏi Ngài đến đây như thế nào?".

Hồ Chí Minh đáp lại: "Ngài có thể đưa tôi lên máy bay, bay một vòng trên trời, sau đó đưa mọi người tới gặp tôi ở sân bay và thông tin cho báo chí. Mọi thứ sẽ ổn". Stalin cười và nói: "Bạn là những người phương Đông, có tưởng tượng thật đặc biệt".

Nhà lãnh đạo Xô Viết không biết nhiều về tình hình Việt Nam và lãnh tụ Việt Nam cũng biết ít về Xô Viết. Bởi vậy, Hồ Chí Minh chủ yếu nói với Stalin về tình hình Việt Nam, về cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp.

Liên quan tới sự trợ giúp anh em, Hồ Chí Minh cho biết "trước tiên Liên Xô cung cấp một trung đoàn pháo tầm xa 37mm, một số xe tải Molotova và thuộc men cho bệnh viện. Theo các nguồn của Việt Nam, trong thời gian đàm phán với Hồ Chí Minh, Stalin và Mao Trạch Đông thông báo sẽ cung cấp vũ khí cho 6 sư đoàn Việt Nam.

Ngày 17/2, Hồ Chí Minh cùng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai lên tàu rời Moskva. Ngày 4/3, Hồ Chí Minh về tới Bắc Kinh và lưu lại ở đó hơn 1 tuần. Ngày 19/3, Hồ Chí Minh cùng đoàn tùy tùng về Việt Nam, ngày 21/3 trở lại An Toàn Khu.

Một chút vĩ thanh

Cổ nhân có câu hữu danh bất như vô danh. Vô danh bất như đào danh (đào- trốn cái danh của mình). Lại có câu nói lối trong chèo, tuồng ta ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Ngay sau đó là tiếng đế không xưng danh thì ai biết là ai?

Tình thế ngặt nghèo của cách mạng Việt Nam khi ấy, tạm thời phải tìm kiếm sự liên minh để tranh thủ thời cơ biến thành lực lượng sức mạnh, đúng như A. Patti đã nhận xét (phần trích trên): Nhờ có đầu óc phân tích, bản chất thực tế và một sự thông hiểu sâu sắc…

Quốc khánh 2-9: Tấm ảnh và chữ ký trong hai thời điểm nhạy cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ảnh 6
Bìa cuốn tạp chí "Liên Xô trong xây dựng"

Nhưng thuở ấy, thời điểm ấy các đồng chí của Hồ Chí Minh và nữa, quần chúng đông đảo đương có lòng ủng hộ Việt Minh giành độc lập sẵn sàng đồng thuận với chủ trương tranh thủ lực lượng ấy của Hồ Chí Minh nhưng với trình độ giác ngộ, sự nhận thức của quần chúng khi ấy thì các đồng chí lãnh đạo Việt Minh lấy gì làm bằng làm chứng cớ cho sự hợp tác liên minh? Thuyết phục nhất có lẽ là tấm ảnh chân dung tướng C. Chennault, Tư lệnh quân đoàn 14 của Quân đội Hoa Kỳ! Và tấm hình ấy có thể do chính đồng chí Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh hoặc ai đó trong số bạn chiến đấu của Hồ Chí Minh đưa ra?

Về tấm ảnh và dòng chữ “Bạn chân thành của anh. Claire L. Chennault”. Mãi sau này trong hồi ký của mình (Why Vietnam) A. Patti mới ngộ ra: "Ông ấy rất cần một chứng cứ cụ thể để thuyết phục một số người Việt Nam đa nghi rằng ông đã giành được sự ủng hộ của Mỹ".

Về số phận tấm ảnh quà tặng của tướng Claire L. Chennault, người viết bài này cũng đã tìm hỏi nhiều nơi trong đó có Cục Văn thư III Cục Lưu trữ quốc gia. Rồi Bảo tàng Hồ Chí Minh và cả bộ phận tiếp nhận những kỷ vật về Bác Hồ … nhưng vẫn chưa (hoặc không) thấy?

Cũng cần nói thêm về cuốn Tạp chí của Stalin tặng Bác Hồ.

Có lẽ chả cần phải đoán định này khác, ai cũng biết đầu 1950 khi ấy, Việt Nam DCCH đang ở đâu trên bản đồ thế giới? Như nhà Việt Nam học Anatoli Sokolov đã thẳng thắn rằng, nhà lãnh đạo Xô Viết không biết nhiều về tình hình Việt Nam và lãnh tụ Việt Nam cũng biết ít về Xô Viết.

Trang bìa của cuốn Tạp chí có chữ ký của Stalin kèm dòng chữ "Đồng chí Hồ Chí Minh yêu quý 10/02/1950" và rất nhiều lưu bút của các yếu nhân Xô Viết và Trung Quốc khi ấy có lẽ là một thông điệp thuyết phục nhất về sự giúp đỡ của phe ta đối với Việt Nam và nguồn động viên lớn lao đối với quân dân ta cuộc chiến đấu chống Pháp gian nan!

Sau này, đã không có một tài liệu nào đề cập đến số phận của cuốn Tạp chí ấy. Nó đã được sử dụng như thế nào? Và hiện đang ở đâu?

Chính khoảng trống khuyết ấy mà một dạo có chỗ đứng cho một giai thoại như một thuyết âm mưu từng tồn tại dài dài đại loại rằng, sau khi ký và tặng cuốn Tạp chí, Stalin đã nghĩ lại (!?) sao đó. Và cho an ninh bí mật thu lại trước khi Bác Hồ về nước!

Đã có những bài viết dựa theo vài ký ức ít oi hiếm hoi và ít tin cậy đã đề cập đến việc ấy!

Thật kỳ diệu, chỉ mới đây thôi, năm 2019, có thể nói một sự kiện đã được phát lộ. Người ta đã biết về số phận cuốn Tạp chí ấy!

Người tìm ra nó là nhà báo Phan Việt Hùng công tác ở Báo Thiếu Niên Tiên phong trước học ở Nga ( tất nhiên rất thông thạo tiếng Nga) Từ lâu Việt Hùng đã từng ám ảnh về sự kiện này cùng số phận cuốn tạp chí nọ! Việt Hùng cũng đã từng gặp nhà Việt Nam họcA. Sokolov! Tất nhiên A. Sokolov hoàn toàn mù tịt về số phận cuốn Tạp chí ấy!

Khổ công một thời gian dài qua bạn bè và Internet, Phan Việt Hùng đã mò ra cuốn Tạp chí. Nó có tên là "Liên Xô trong xây dựng".

Đó là cuốn họa báo của Liên Xô in màu đầu tiên, xuất bản từ 1930 bằng nhiều ngữ như Anh, Pháp, Tây Ban Nha... Cuốn tạp chí số 11/1949 mà Stalin tặng ấy là số áp chót, bởi từ năm 1950, nó được đổi tên thành "Liên Xô". Tức là cuốn họa báo "Liên Xô" sau này in bằng tiếng Việt mà chúng ta vẫn đọc thời bao cấp, rồi dùng bọc vở học.

Hiện cuốn Tạp chí đương được lưu giữ tại Cục lưu trữ Quốc gia Nga! ( xem ảnh)

Có lẽ lựa một thời điểm thích hợp, người viết bài này sẽ hầu bạn đọc về lộ trình nhọc nhằn tầm thứ di tích ấy của nhà báo Phan Việt Hùng!

Người trông gió bỏ buồm chọn lúc/ Nước cờ hay xoay vạn kiêu binh…

Câu ấy của nhà thơ Tố Hữu chả phải vô tình?

Bác của chúng ta là như vậy đấy!

Xuân Ba
Theo VietTimes

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây