Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


“Hằng” hay “hàng”?

Hẳn nhiều người cho rằng, những cặp từ hằng ngày - hàng ngày, hằng tuần - hàng tuần, hằng tháng - hàng tháng, hằng năm - hàng năm… là một. Cho nên, không ít người dùng lẫn lộn những cặp từ này.
 
Vì gần âm nên những cặp từ trên thường xuyên bị nhầm lẫn. Thật ra, đây là những cặp từ khác nhau. Hai yếu tố “hằng”, “hàng” quy định sự khác nhau này. Về từ nguyên, cả hai yếu tố trên đều có nguồn gốc Hán, bắt nguồn từ chữ “hằng” (bộ tâm, nghĩa là “lâu bền, mãi mãi”) và chữ “hàng” (bộ hành, nghĩa “hàng, lối, dãy”) trong tiếng Hán. Khi vào tiếng Việt, nét nghĩa gốc này vẫn còn được bảo lưu.

Trong đó, “hằng” biểu thị “tính liên tục của một hoạt động diễn ra trong suốt cả thời gian dài” (như hằng mong) và “tính lặp đi lặp lại một cách định kỳ theo từng đơn vị thời gian được nói đến” (như báo ra hằng ngày, tháng giêng hằng năm). Còn “hàng” có nghĩa là “tập hợp người hoặc vật nối tiếp nhau thành một dãy dài, thường theo một khoảng cách đều đặn” (như xếp hàng, hàng cây), từ đó mang nghĩa biểu thị “số lượng nhiều không xác định, nhưng tính bằng đơn vị được nói đến” (như hàng nghìn cổ động viên).

Rõ ràng, khi đứng riêng, “hằng” và “hàng” đã khác xa về nghĩa. Khi làm phụ từ đứng trước danh từ chỉ đơn vị thời gian, chúng quy định sự khác nhau giữa các cặp từ. Khi nói “hàng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm” có nghĩa là “nhiều giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm [nhưng không xác định được là bao nhiêu]” (nói khái quát). Còn khi nói “hằng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm” có nghĩa là “lặp lại trong từng giờ/ ngày/ tuần/ tháng/ quý/ năm”. Chẳng hạn, “tôi đọc sách hằng tuần” (tức tuần nào cũng đọc) khác với “tôi đọc sách hàng tuần liền” (tức đọc trong nhiều tuần).

Như vậy, những cặp từ nêu trên khác nhau hoàn toàn. Tuy nhiên, do gần âm đọc, chúng bị dùng lẫn lộn phổ biến đến mức được xem là một. Thực tế, một số từ điển đã ghi nhận hiện tượng này. Ví dụ, Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ, Hoàng Phê chủ biên, 1992) ghi nhận “hàng” được dùng phụ trước danh từ chỉ đơn vị thời gian giống như “hằng” (tr.421).

ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây