Năm Sửu với những sự kiện lịch sử đáng nhớ

Thứ bảy - 13/02/2021 20:50
Nhân dịp đón xuân Tân Sửu, mời các bạn cùng lật từng trang sử, ôn cố tri tân những năm Sửu đáng nhớ trong lịch sử hào hùng của dân tộc.
 


1. Năm Quý Sửu 713: Khởi nghĩa Mai Thúc Loan

Tháng 4, Mai Thúc Loan (670-723) dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường, giành độc lập dân tộc trong gần 10 năm từ năm 713 đến năm 722.

Khởi nghĩa Mai Thúc Loan nổ ra tại Rú Đụn, còn gọi là Hùng Sơn (thuộc Nam Đàn, Nghệ An). Cuộc nổi dậy của ông được sự hưởng ứng rộng rãi ở trong nước, có cả sự liên kết với Lâm Ấp và Chân Lạp.

Mai Thúc Loan cho xây thành Vạn An làm kinh đô, lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.

Ông quê gốc ở Mai Phụ, Thiên Lộc xưa (nay là Mai Lâm, Mai Phụ, Lộc Hà, Hà Tĩnh), nhưng sinh ra, lớn lên và dấy nghiệp ở Ngọc Trừng, Nam Đường (nay là Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An).

2. Năm Ất Sửu 905: Khởi nghĩa Khúc Thừa Dụ

Khúc Thừa Dụ (830 – 907) lãnh đạo nhân dân nổi dậy chống nhà Đường, chiếm thành Tống Bình, tự xưng là Tiết Độ Sứ, đóng đô ở La Thành, xây dựng chính quyền tự chủ, kết thúc ách thống trị hơn 1.000 năm của các triều đại phong kiến Trung Quốc.

Khúc Thừa Dụ quê ở Hồng Châu (thuộc địa hạt Bàng Giang, Ninh Giang, Hải Dương).

3. Năm Kỷ Sửu (1049): Xây dựng chùa Một Cột

Tháng mười (lịch ta), vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng Chùa Diên Hựu.
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Theo đó, tòa sen của Phật bà Quan Âm (điện thờ) được đặt trên cột đá như đã thấy trong mộng của nhà vua. Chùa mang tên Diên Hựu, nghĩa là "Phúc lành dài lâu". Thời phong kiến, chùa đã nhiều lần trùng tu.

Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột.

Sau khi tiếp quản thủ đô, năm 1955, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ do Kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng đảm nhiệm.

Chùa Một Cột được công nhận là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á.

4. Năm Kỷ Sửu (1289): Chính thức gia phong Trần Hưng Đạo làm "Đại vương"

Tháng 4, vua Trần Nhân Tông chính thức gia phong Trần Hưng Đạo làm "Đại vương", thứ bậc cao nhất trong hàng tước vương.

Trần Hưng Đạo (tên khai sinh Trần Quốc Tuấn), sinh 1228 mất năm 1300, là con của An Sinh vương Trần Liễu và là cháu nội của Trần Thái Tổ.

Ông là 1 trong 14 vị anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam và là một trong mười vị tướng tài giỏi xuất chúng trong lịch sử thế giới.

5. Năm Đinh Sửu (1397): Hồ Quý Ly tiến hành cải cách hành chính

- Hồ Quý Ly (1336 – 1407) thực hiện cải cách chế độ hành chính, nhằm tăng cường tổ chức của các khu vực hành chính, chia nước ra làm lộ và trấn.

- Cùng năm 1397, Hồ Quý Ly bức vua Trần dời đô vào Thanh Hóa, gọi thành mới xây ở núi An Tôn là Tây Đô. Thăng Long (hay Đại La Thành) đổi thành Đông Đô.

Thành nhà Hồ (Tây Đô) có chu vi trên 3,5 km, rộng khoảng 150 hécta, xây dựng ở vị trí đặc biệt hiểm yếu, nằm giữa hai con sông lớn là sông Mã và sông Bưởi, vây quanh thành là hệ thống núi non hiểm trở.

6. Năm Kỷ Sửu (1469) Vẽ bản đồ Hồng Đức

Bản đồ Hồng Đức, tức Hồng Đức bản đồ sách, được vẽ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông.

Năm 1490, Bộ bản đồ được hoàn thành. Tuy nhiên, bản gốc của nó đã bị thất truyền.

Bản đồ Hồng Đức gồm 5 tập, theo thứ tự mang tên: Hồng Đức nhị thập nhất niên tứ nguyệt sơ lục nhật, Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư, Giáp Ngọ niên bình Nam Đồ, Cảnh Thịnh tân đồ Đại Man quốc, Cao Bằng phủ toàn đồ.

Bản đồ Hồng Đức được xem là bản đồ địa lý và hành chính đầu tiên do nhà nước phong kiến Việt Nam thực hiện.

7. Đinh Sửu (1697): Ban hành “Đại Việt sử ký toàn thư”

Ban hành Đại Việt sử ký toàn thư (năm Chính Hòa thứ 18, triều vua Lê Hy Tông). Bộ quốc sử này gồm 25 quyển viết bằng chữ Hán.

Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử Việt Nam xưa nhất còn tồn tại nguyên vẹn đến ngày nay, là di sản vô giá của văn hóa dân tộc Việt Nam, là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác và cũng là một bộ sử có giá trị văn học.

8. Năm ẤT Sửu (1865): Xuất bản tờ báo quốc ngữ đầu tiên

Gia Định báo xuất bản số đầu tiên ngày 15 tháng 4 tại Sài Gòn. Tờ báo do Trương Vĩnh Ký sáng lập, và cũng là tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.
 
Theo nhà nghiên cứu Lê Nguyễn, Gia Định báo chính thức đình bản vào ngày 1 tháng 1 năm 1910.

Báo có khổ 25x32cm với giá 0,97 đồng/tờ. Thời gian đầu, báo ra mỗi tháng 1 kỳ vào ngày 15 hàng tháng sau đó mỗi tháng 2 kỳ, rồi mỗi tuần 1 kỳ, không cố định thời gian và số trang.

Trương Vĩnh Ký đề ra ba mục đích cho tờ báo: Truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động tân học và khuyến học trong dân.

9. Năm Ất Sửu 1925: Xuất bản tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội

- Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc xuất bản lần đầu tiên tại Thư quán lao động (Libraire du travail) ở Pari (thủ đô nước Pháp).
Bản án chế độ thực dân Pháp gồm 12 chương, trong đó có một số bài đã đăng trên báo Le Paria. Nội dung của tác phẩm không chỉ tố cáo tội ác chống chất của thực dân Pháp đối với Việt Nam cũng như với các thuộc địa khác mà điều quan trọng là đã nêu lên những luận điểm cơ bản về vấn đề dân tộc và thuộc địa.

- Tháng 6, Nguyễn Ái Quốc tới Quảng Châu (Trung Quốc) tập hợp những người yêu nước, thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ 9 thành viên của Tâm Tâm xã đã được ông giác ngộ. Trong số các thành viên lớp đầu có Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong, Vương Thúc Oánh, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long, Lâm Đức Thụ.

10. Năm Quý Sửu 1973: Hiệp định Paris được ký kết

Ngày 27 tháng 1, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình tại Việt Nam được ký kết tại Paris, thủ đô nước Pháp.

Theo thỏa thuận giữa các bên ghi trong Hiệp định, ngày 29 tháng 3 năm 1973, quân nhân Mỹ cuối cùng rời khỏi Việt Nam, chấm dứt mọi can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ đối với vấn đề Việt Nam.

Hiệp định Paris được ký kết vào những ngày giáp Tết Quý Sửu khiến nhân dân hai miền Nam – Bắc như vỡ òa trong niềm vui được đón cái Tết đầu tiên im tiếng súng và hy vọng về một ngày hòa bình, thống nhất non sông đang đến gần sau hơn một phần tư thế kỷ chiến tranh chia cắt, đau thương.

Tháng 11-2020
Nguyễn Duy Xuân (st-bs)
Đăng báo Đắk Lắk số Xuân Tân Sửu, trang điện tử
: http://baodaklak.vn/channel/3721/202102/nam-suu-voi-nhung-su-kien-lich-su-dang-nho-5723125/

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập148
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay40,570
  • Tháng hiện tại620,746
  • Tổng lượt truy cập53,921,795
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây