Hữu Mai – nhà văn của những tiểu thuyết tình báo

Thứ ba - 16/03/2021 20:09
Vanvn- Nhà văn Hữu Mai (1926 – 2007) tên khai sinh là Trần Hữu Mai, sinh tại Nam Định, vùng đất có nhiều văn nhân nổi tiếng. Tính từ năm 1946 khi tham gia tự vệ thành tại Hà Nội đến 1983 rời quân ngũ với quân hàm Đại tá (sang công tác tại Hội Nhà văn), thì ông có gần bốn mươi năm gắn bó với quân đội. Đã in khoảng 60 đầu sách với những tác phẩm: Cao điểm cuối cùng (tiểu thuyết, 1960), Vùng trời (tiểu thuyết, 3 tập, 1975, 1976, 1980), Ông cố vấn (tiểu thuyết, 3 tập, 1985, 1987, 1990)…
Ông được nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng (1989), Giải A văn xuôi Hội Nhà văn (Ông cố vấn-1990); Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, đợt 1, năm 2001 và đang được đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, năm 2016.


Nhà văn Hữu Mai

Sự nghiệp đồ sộ đáng kính của nhà văn đều hướng về một đề tài lớn là chiến tranh vệ quốc, tập trung vào hình tượng nhân vật trung tâm của thời đuổi giặc: Người lính. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt các tác phẩm là phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ, từ anh lính binh nhì trong Cao điểm cuối cùng đến vị tướng cao nhất là Võ Nguyên Giáp (Không phải huyền thoại). Hầu như ở tác phẩm nào Hữu Mai cũng thông qua nhân vật người lính “từ nhân dân mà ra” để xây dựng những nét phẩm chất anh hùng mà bình dị, dũng cảm ngoan cường mà chân chất mộc mạc, trí tuệ mà rất mực khiêm tốn. Ông viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng lại chú ý khai thác những khía cạnh đời thường, từ các chi tiết chân thực ngoài đời sống để khái quát làm nổi bật chân dung bình dị của ông. Thế nên ngay tên tác phẩm cũng nói nên bút pháp ấy: Không phải huyền thoại!

Nếu cho phép khái quát phong cách nhà văn, thì có lẽ hai chữ “chân thực” là đúng với cả con người và tác phẩm Hữu Mai. Ông là một trong số ít các nhà văn hiện đại có quan niệm văn học cùng tính cách ngoài đời cho đến phong cách tác phẩm thống nhất với nhau. Đây là suy nghĩ của nhà văn, rất mực thành thực, khiêm tốn: “Tôi chỉ mong ghi lại một cách trung thực, càng nhiều càng tốt, những gì đã biết về một thời kỳ lịch sử hiếm có, rất đẹp, rất phong phú của dân tộc, mà mình đã may mắn vừa là nhân chứng, vừa là người trong cuộc. Tôi ít có tham vọng văn chương vì thế hệ chúng tôi không đủ thời gian để làm công việc này” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, 2010). Ngoài đời ông ít nói, rất hiền, rất mực chăm chỉ, cần mẫn…

Khi được giao nhiệm vụ thu thập tài liệu (tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp) trong kho lưu trữ mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn để lại, kết hợp với việc trực tiếp gặp gỡ các cán bộ tình báo lão thành đã qua thực tế để viết tài liệu huấn luyện, tôi đã gặp ông. Lúc đó, tôi còn trẻ lắm nhưng ông đã có tuổi, một thời gian ngắn sau tôi mới biết đó là nhà văn quân đội đi thực tế sáng tác. Cùng khai thác chi tiết, dĩ nhiên trong giới hạn cho phép, mà ông thì ghi chép luôn tay, hỏi han kỹ càng đến mức tôi nghĩ ông cũng làm nhiệm vụ… Mấy năm sau khi đọc tiểu thuyết Ông cố vấn – Hồ sơ một điệp viên, tôi mới rõ tác giả và hình dung phần nào về thao tác viết văn. Nhưng không chỉ có thế. Tôi ngỡ ngàng vì giữa tài liệu tôi viết và tiểu thuyết của ông là một trời một vực. Tiểu thuyết hay hơn nhiều, sinh động, cấu trúc hấp dẫn hơn nhiều. Trong khi đó tài liệu, dù tham khảo nhiều nguồn thì vẫn khô khan, cứng nhắc với các số liệu, dẫn chứng cứ thẳng đuột… Tôi thực sự khâm phục và mới nghĩ được rằng, tài năng của nhà văn là ở sự sáng tạo tình tiết chứ không phải ở sự kể lại. Vì có những chi tiết chỉ độc quyền chúng tôi biết, thì vẫn có trong tiểu thuyết (tất nhiên không thể giống hoàn toàn), hơn nữa lại được xây dựng ly kỳ và hấp dẫn.

Liên hệ như vậy cũng là để nói “đặc sản” văn chương của Hữu Mai là thể loại tiểu thuyết trinh thám-tư liệu và nhân vật chính là người chiến sĩ tình báo (như nhân vật Hai Long – Vũ Ngọc Nhạ trong Ông cố vấn). Và chắc đây cũng là căn cứ chính để Hiệp hội Quốc tế Nhà văn viết truyện trinh thám (Association Internationale des Ecrivains Policier) kết nạp ông làm thành viên. Như vậy Hữu Mai là nhà văn chuyên về tiểu thuyết tình báo tầm cỡ thế giới.

Thao tác rất riêng của Hữu Mai trong việc xây dựng tiểu thuyết loại này là thao tác lập hồ sơ, mà tiêu biểu là hồ sơ về một chiến dịch chống phản gián (Đêm yên tĩnh), hồ sơ điệp báo viên (Ông cố vấn)… Chính nhờ thế mà bạn đọc có cảm giác đó là câu chuyện thật: Thật về không gian bối cảnh, con người, sự kiện… và cách kể cũng như “thật”, như trong “hồ sơ” vậy. Sức hấp dẫn củaÔng cố vấn là “hồ sơ” về cuộc đời các tình báo viên: Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng… Mỗi “hồ sơ” cá nhân lập thành “hồ sơ” của cả một lưới tình báo A22, mà chắc chắn trong lịch sử tình báo quân sự thế giới không thể lặp lại, vì tính chất đặc biệt, độc đáo của nó. Đó còn là hồ sơ của những sự kiện được văn chương hóa, như hồ sơ về cuộc đảo chính ngày 1-11-1963 với một bên là các tướng Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Lê Văn Kim…, một bên là anh em Diệm, Nhu. Và “giữa hai làn đạn” là chiến sĩ tình báo cách mạng hoạt động theo nguyên tắc “đơn tuyến”, hy sinh thầm lặng, vô cùng căng thẳng… Tôi nghĩ các nhà lý luận văn học từ các trường hợp cụ thể như Ông cố vấn sẽ khái quát làm rõ hơn khái niệm tiểu thuyết lịch sử, quan hệ của nó với đời sống, cái hư cấu và sự thật… Đêm yên tĩnh là cả bộ “hồ sơ” về chiến dịch phản gián của lực lượng an ninh Việt Nam đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước. Nhà văn đã tái hiện không thể sinh động, trung thực hơn “Kế hoạch đặc biệt” cuộc đấu tranh chống gián điệp với quy mô lớn (tổ chức bạo loạn nhằm lật đổ), địa bàn rộng (Đồng bằng sông Cửu Long), tính chất cực kỳ phức tạp (tổ chức phản động trong nước được sự giúp đỡ của nước ngoài), có lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt… Những chi tiết gay cấn, hồi hộp, bất ngờ… chỉ có trong thực tế được huy động tối đa. Những tình tiết đặc sắc được tổ chức hợp lý mà những bộ óc giàu tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ ra…

Văn chương Hữu Mai chinh phục độc giả ở sự thành thực, thành thực của tấm lòng tác giả, của nội dung và cả hình thức tác phẩm. Phải chăng có quy luật này: Với mục đích sinh động hóa sự thực thì phải đi đến tận cùng sự thực, viết với một tấm lòng chân thành trung thực, không tô vẽ, thêm bớt thì văn chương sẽ trở về với tự nhiên. Được vậy tác phẩm sẽ như là sự sống, như là cuộc sống. Mà trên đời, xét đến cùng, cái đáng giá nhất chính là sự sống, là cuộc sống!

PGS-TS NGUYỄN THANH TÚ
Nguồn https://vanvn.vn/huu-mai-nha-van-cua-nhung-tieu-thuyet-tinh-bao/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập423
  • Máy chủ tìm kiếm11
  • Khách viếng thăm412
  • Hôm nay33,997
  • Tháng hiện tại675,189
  • Tổng lượt truy cập53,976,238
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây