ĐOÀN TỬ HUYẾN - Nguyễn Quang Lập

Thứ hai - 23/11/2020 22:19
Đoàn Tử Huyến đang cao đàm khoát luận Đông Tây kim cổ, thoảng có bóng hồng là mặt ngẩn tò tè, nhớn nhác rỉ tai em nào em nào, duyệt được không duyệt được không.
Mấy hôm lễ tết, mình theo cuốn Kí ức vụn vừa ra lò bận búa xua, sinh nhật mình đúng 30/4 cũng không kịp tổ chức một cái tiệc nho nhỏ mời bạn bè giống như mọi năm. Anh Huyến ( Đoàn tử Huyến), giám đốc Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, người đứng ra xuất bản cuốn Kí ức vụn , vỗ vai mình cười hề hề, nói công nhận tuổi con khỉ khổ thật, thôi dẹp, đi Cao Bằng chơi với tao. Tự nhiên muốn viết về ông này.

Quen anh Huyến từ năm 89, 90 chi đó. Mình làm tạp chí Cửa Việt, thỉnh thoảng vẫn nhận bài dịch của anh, không có cái nào anh dịch mà mình không thích. Dịch văn học Nga ra tiếng Việt có cả trăm người nhưng cũng chỉ trụ lại có 4 ông, đó là Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo, Bằng Việt và Đoàn Tử Huyến.

Cái cuốn Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bungacov cực dày, cực khó dịch thế mà anh dịch ngon trớt, nói thật nếu không đọc cuốn này thì ít ai xếp anh lên chiếu trên trong hằng hà sa số dịch giả nước Nam.

Mình ăn cắp cuốn này của Phú Quang. Năm 89, Phú Quang ra Quảng Trị dàn dựng chương trình ca múa nhạc cho Đoàn văn công Quảng Trị, mình đến thăm, thấy cuốn Nghệ nhân và Margarita đặt dưới gối, nghĩ bụng Phú Quang đặt sách đây để lấy nê với gái thôi, đọc điếc gì cha này, lạ gì mấy ông nhạc sĩ. Tranh thủ lão vào toilet, mình lấy sách nhét bụng liền.

Về đọc vài trang là bị hút liền, chơi trắng đêm sạch cuốn sách, lại đọc lần nữa, xong rồi nằm ngẩn ngơ nghĩ đến văn mình mà xấu hổ quá đi mất. Có lễ đây là cuốn sách tôn Bungakov lên nhà văn bậc thầy trong thế giới văn chương, cũng là cuốn sách đưa Đoàn Tử Huyến vào hàng số dách các dịch giả nước ta.

Hôm sau ra chơi với Phú Quang, thấy lão nhăn nhó gãi đầu bứt tai, nói tôi vừa mất cuốn Nghệ nhân và Margarita rồi, không biết thằng nào lấy, điên thế. Lão nhìn mình lườm lườm, mặt đầy khả nghi. Mình nói ồi, sách đó ra cái gì mà bác tiếc. Phú Quang trợn mắt ngạc nhiên, nói ông không thích cuốn đó thật a, tôi đọc ba lần rồi, đang đọc lại lần thứ tư.

Mình cũng giả đò ngạc nhiên, nói bác tiếc cuốn đó thật a. Phú Quang nhìn mình như nhìn thằng vô lại, cười nhạt vẻ coi thường, nói thế mà tôi nghi ông ăn cắp Nghệ nhân và Margarita , đang phục thầm ông là thằng biết ăn cắp. He he.

Đám dốt ngoại ngữ như mình hầu hết trông cậy vào các dịch giả, văn chương thế giới hay dở thế nào cũng trông vào họ cả. Chính họ đã đóng dấu ấn phong cách văn chương của các nhà văn nước ngoài vào tâm trí bạn đọc, làm cho bạn đọc yêu quí, trọng thị hay xem thường văn của ai đó cũng nhờ vào mấy ông dịch giả này, chẳng thèm nói ngoa.

Ai đã đọc Marquez do Nguyễn Trung Đức dịch, Kundera do Phạm Xuân Nguyên dịch, Bungacov do Đoàn Tử Huyến dịch rồi đọc các ông ấy do người khác dịch thì thấy thế nào a, nó không hay, có cảm tưởng không phải văn của mấy ông ấy. Nghĩ cũng hay hay. Có lẽ dịch giả vẫn được người ta tôn là nhà văn cũng vì thế.

Vài năm sau ra Hà Nội chơi, đang đứng lơ ngơ trước cửa Nhà xuất bản Văn học- hồi này nó đang ở đường Trần Hưng Đạo, thì thấy Đoàn Tử Huyến ốm nhom, hai đầu gối củ lạc kẹp lên tận mang tai, anh đang ngồi bán sách, ngạc nhiên quá trời. Cái giá sách đóng bằng cái dát giường cũ, đựng vài mươi cuốn sách, anh ngồi dẩu mỏ nhìn khách bộ hành qua lại, tóc tai râu ria bù xù trông thảm lắm.

Tưởng anh lãnh án tù tội gì mới ra, không ngờ anh vừa qua cơn thập tử nhất sinh, hai năm trời nằm viện. Anh bị khối u lớn, bác sĩ sờ thì thấy, chụp phim lại không thấy, chẳng ai dám mổ. Chạy vào bệnh viện Sài Gòn nằm cả năm trời cũng không ái dám mổ, cái bệnh gì thật lạ, như bị ma ám.

Anh em văn nghệ lo lắng kháo nhau, nói thằng Huyến bị Bungacov ám rồi, ở Nga hễ ai giây với Bungacov, hoặc văn Bungacov đều không chết cũng bị thương, nhất là với cuốn Nghệ nhân và Margarita thì lại càng nguy nữa.

Không phải chuyện đùa vui, chính Bungacov cũng đã nói vậy trong thư ông gửi chính phủ Liên Xô ngày 28 tháng 3 năm 1930, thật đấy. Làm phim từ tác phẩm của ông thì cảnh quay hỏng, đạo cụ cháy, diễn viên ngã chấn thương, thậm chí chết.

Phim Nghệ nhân và Margarita của đạo diễn Yuri Kara rất đắt tiền (15 triệu đô, năm 1995) quay xong không hiểu vì lí do gì đến giờ vẫn chưa được chiếu. Người nào may lắm, gọi là nhẹ thôi cũng bị chuyện tiên nong làm cho khuynh gia bại sản. Bao nhiêu giai thoại nghe mà thất kinh.

May thay trời còn to hơn Bungacov, cảm cảnh Đoàn Tử Huyến chỉ vì mê đắm văn học Nga mà thân bại danh liệt nên trời tha. Một nhóm bác sĩ Sài Gòn liều mổ cho anh, hóa ra khối u nằm sau bàng quang, chụp phim mới không thấy.

Thoát chết trở về, rơi vào tình trạng cùng kiệt kinh tế, bao nhiêu tiền bạc đổ hết cho hai năm nằm viện, lại còn một cục nợ to đùng. Lương biên tập năm đồng ba cọc, lắm khi cầm cốc bia hơi bạn mời anh chỉ mơ làm sao có tiền để mỗi ngày có vài cốc uống chơi. Mơ cũng chỉ là mơ thôi, cơm rau còn khó kiếm, nói chi bia bọt.

Đời vốn vậy, cùng tất biến, một ngày đẹp giời Đoàn Tử Huyến bỗng nghĩ mình ở Nhà xuất bản bao nhiêu năm sao không biết làm sách như mấy ông đầu nậu nhỉ. Thế là nhảy vào cuộc tang bồng, một năm sau thành đại ca đầu nậu, được chú em ruột hỗ trợ, góp vốn chung sức, kinh tế lên vùn vụt, tiền tỉ bỏ túi ngon ơ. Ngồi trước một mớ tiền, lắm khi Đoàn Tử Huyến véo đùi thật mạnh kiểm tra xem đây là mơ hay thực.

Thực ra Đoàn Tử Huyến kinh doanh chả giỏi, chẳng qua trời thương trời cho chứ làm xuất bản gì mà toàn in thứ mình thích, chả cần biết thiên hạ thích gì, vớ phải quyển sách mình thích là chết cũng in cho bằng được, lắm bữa sách tồn kho cả đống.

Lại còn thành lập Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, tiền bạc ném vào cho các hoạt động văn hóa không thu lợi nhiều không kể xiết. Sách in ra chỉ ngồi chờ bạn đến để cho, nghĩ mãi không ra, ông này kinh doanh kiểu thế sao mà giàu được nhỉ, tài thật.

Đã thế còn ham chơi, bất kì đang dở việc gì nghe bạn hú là vọt liền, không chỉ vài ba cây, vài mươi cây cũng vọt, chơi vừa về bạn hú lại vọt tiếp. Tóc bạc quá gáy, mặt mày giống bác thiền sư, ai không biết tưởng ông này hiền lành nhu mì, chắc chẳng biết ăn chơi. Nhầm to, anh thuộc loại chơi hăng máu không kém gì tụi trẻ.

Hơn sáu chục tuổi hễ gặp gái đẹp là mắt sáng hình viên đạn ngay tắp lự, vẫn huyênh hoang tuyên bố gái trên 23 tuổi không duyệt, Văn Sáng nói cha Huyến ghê lắm đấy, 120 phút không kể thời gian chép đề. Thất kinh. Lại nhớ đến ông Hoàng Ngọc Hiến, ông ấy chép đề cả 120 phút, chẳng chịu làm bài, cứ hí húi chép đề miết không biết chán, kể cũng tài.

Đoàn Tử Huyến đang cao đàm khoát luận Đông Tây kim cổ, thoảng có bóng hồng là mặt ngẩn tò tè, nhớn nhác rỉ tai em nào em nào, duyệt được không duyệt được không. Mình nói bác được mấy hơi mà ba hoa lắm thế, anh cười khì khì, nói đời tao chỉ có một mơ ước, mơ ước tốt bậc, là ngày nào cũng duyệt được một em xinh đẹp mà vợ con không biết.

Chắc anh chỉ nói phét vậy thôi, thấy cái lưng Mã Siêu của anh gập trên máy tính mười sáu tiếng một ngày, chẳng ai nghĩ Đoàn Tử Huyến sống để mà chơi.

Rút từ Bạn văn 1
Nguyễn Quang Lập

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Luong truy cap
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập49
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm48
  • Hôm nay34,793
  • Tháng hiện tại758,696
  • Tổng lượt truy cập54,873,400
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây