Mô hình tự sự Truyện Kiều (Kỳ3)

Thứ tư - 24/06/2020 20:31
Từ lâu các nhà văn và nhà lý luận đã chú ý tới vai trò của chất thơ trong việc tạo thành chất lượng của tác phẩm. Nhà thơ và là học giả Trung Quốc Quách Mạt Nhược có lần nói: "Trong tiểu thuyết và trong kịch nếu như không có chất thơ thì giống như rượu bia và nước hoa đã bay hết hơi hết mùi, giống như một xác ướp không có linh hồn"
3. Chất thơ trữ tình trongTruyện Kiều

Cái sự thật: Truyện Kiều của Nguyễn Du tuy vay mượn cốt truyện của Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, nhưng lại trở thành kiệt tác thế giới, trong khi tác phẩm mà Nguyễn Du vay mượn lại không được chú ý ngay tại quê hương của nó, cho đến nay vẫn là một điều khó hiểu đối với nhiều người. Không ít học giả đã tìm cách so sánh cốt truyện của hai tác phẩm để xác định xem Nguyễn Du đã thêm bớt những gì, sáng tạo thêm ở đâu mà làm thay đổi chất lượng tác phẩm đến như vậy. So sánh là hết sức cần thiết và có thể giải thích bằng nhiều cách, nhưng có lẽ một trong những lý do có sức thuyết phục là Nguyễn Du đã sáng tạo lại chất thơ trong tác phẩm của ông.

Từ lâu các nhà văn và nhà lý luận đã chú ý tới vai trò của chất thơ trong việc tạo thành chất lượng của tác phẩm. Nhà thơ và là học giả Trung Quốc Quách Mạt Nhược có lần nói: "Trong tiểu thuyết và trong kịch nếu như không có chất thơ thì giống như rượu bia và nước hoa đã bay hết hơi hết mùi, giống như một xác ướp không có linh hồn"(1). Nhiều nhà lý luận còn cho rằng nhân tố thơ trong tiểu thuyết quan trọng hơn cốt truyện của nó nhiều. Chứng cớ là nhiều tiểu thuyết được coi là không có cốt truyện mà sức lôi cuốn không ai cưỡng lại được. Nhà lý luận văn học Trung Quốc Chu Quang Tiềm đã nói: "Chất thơ và cốt truyện trong tiểu thuyết có quan hệ giống như hoa và giàn hoa". "Nhà tiểu thuyết hàng đầu không hẳn là người khéo kể chuyện. Cốt truyện trong loại tiểu thuyết hàng đầu phần lớn chỉ như cái giàn hoa ghép thành bằng những cành cây khô, tác dụng của nó chỉ là nâng đỡ những dây hoa mơn mởn, rực rỡ, ngát hương như một tấm gấm phủ trùm trên đó. Những thứ ngoài cốt truyện đó là chất thơ trong tiểu thuyết"(2). Nói như vậy hoàn toàn không có nghĩa là phủ nhận vai trò của cốt truyện, bởi thiếu nó thì cây hoa không có chỗ bám víu. Nhưng rõ ràng không thể xem cốt truyện như là cái gì quan trọng hàng đầu của tiểu thuyết. Những chỉ dẫn lý luận đó quả đã giúp ta soi sáng sức hấp dẫn nghệ thuật của Truyện Kiều của Nguyễn Du so với truyện của Thanh Tâm tài nhân.

Tất nhiên truyền thống kết hợp truyện và thơ đã có rất lâu đời ở Trung Quốc. Trong các truyện truyền kỳ từ đời Đường trở đi, các tiểu thuyết chữ Hán đã xen rất nhiều thơ, và tuy ở Truyền kì mạn lục, Thánh Tông di thảo, Truyền kì tân phả sự tham gia của thơ đã đạt đến mức kỷ lục, tưởng chừng như câu chuyện chỉ còn là cái giá đỡ để cho tác giả móc lên đấy từng chùm hoa thơ. Tuy vậy thơ ở đấy hầu như chỉ ghép vào ở bên ngoài, truyện và thơ "chung sống hoà bình" với nhau mà không hoà hợp làm một chỉnh thể. Nếu say mê với truyện thì thấy thơ cản trở mình, ngược lại ai thích thưởng thức thơ, thì truyện chỉ là một cái cớ không hơn không kém. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân cũng có rất nhiều thơ, nhưng thơ chỉ là điểm xuyết, không thực sự tạo thành chất thơ hữu cơ của truyện. Chính vì không phải là thành phần hữu cơ, cho nên khi sáng tạo lại Truyện Kiều Nguyễn Du bỏ hết các bài thơ ấy một cách không thương tiếc để tạo ra một chất thơ mới hẳn không có trong tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân. Muốn làm được việc này nếu thiếu một tâm hồn thơ, một tài thơ, một vốn liếng thâm hậu về thơ thì không thể nào làm được. Và việc tạo ra chất thơ trữ tình mới cho tác phẩm tự sự trong Truyện Kiều không chỉ là một bước đổi mới đối với tác phẩm của Thanh Tâm tài nhân, mà cũng là một bước đổi mới so với truyền thống tự sự chữ Hán và chữ Nôm ở Việt Nam.

Nói tới chất thơ trữ tình là nói tới sự cảm xúc, cảm nhận của chủ thể, tính chủ quan của con người. Chất thơ thể hiện ở sự nội cảm hoá, nội tâm hoá, cá tính hoá, các sự vật, hiện tượng. Sự kiện thực tế và sự kiện nội cảm là hoàn toàn khác nhau. Ví dụ, khi Hồ Xuân Hương nói: "Xiên ngang mặt đất rêu từng đám, Đâm toạc chân mây đá mấy hòn" thì đó là động tác nội cảm hay là động tác ảo, chứ không phải là động tác thực tế, tức là động tác của tình cảm ý chí, giống như động tác sau đây trong thơ Tố Hữu: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai". "Xẻ dọc" chỉ là động tác nội cảm trữ tình.

Truyện Kiềutừ lâu đã được xem là tác phẩm trữ tình. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng xem Truyện Kiều là thơ trữ tình. Nhà thơ Đỗ Minh Tuấn cũng có tác phẩm nghiên cứu chất trữ tình của Truyện Kiều.

Vậy chất thơ trong Truyện Kiều được thể hiện ở đâu? Trước hết là chất thơ ở trong cảnh vật. Cảnh vật là phương tiện nội tâm hoá. Phải nói rằng tác giả Thanh Tâm tài nhân rất ít chú ý tới cảnh vật. Chẳng hạn ở hồi một ông viết: "Một hôm Thanh minh cả nhà họ Vương đi tảo mộ, nhân đó mà đạp thanh. Thuý Kiều cùng em trai Vương Quan, em gái Thuý Vân dạo chơi khắp chốn, bỗng nhiên đi đến bên cạnh một khe nước chảy, nhìn thấy một ngôi mộ đắp cao nên mới hỏi Vương Quan…"(3). Ở đây Thanh Tâm tài nhân thuần tuý kể việc, hầu như không quan tâm đến cảnh, đến người, đến cảm giác của con người đối với ngoại cảnh. Nhân vật của ông như điếc, như mù đối với phong cảnh xung quanh. Trái lại, ở đây Nguyễn Du đã sáng tạo ra cảnh mùa xuân, cảnh chơi xuân và thổi hồn vào trong cảnh, làm cho trong cảnh có tình:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân…

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Ngổn ngang gò đống kéo lên,

Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

Tà tà bóng ngả về tây,

Chị em thơ thẩn dang tay ra về.

Bước lần theo ngọn tiểu khê,

Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh.

Nao nao dòng nước uốn quanh,

Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Sè sè nấm đất bên đường,

Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.

Rằng: "Sao trong tiết thanh minh…

Một chủ thể trữ tình trong dòng tự sự, một dòng tình cảm tuôn chảy thể hiện qua các sự kiện nội cảm: đã ngoài sáu mươi, xanh tận chân trời, trắng điểm, nô nức, dập dìu, ngổn ngang, tà tà, thơ thẩn dang tay, bước lần, nhìn xem có bề, nao nao, sè sè, rầu rầu…

So sánh hai câu văn của Thanh Tâm tài nhân với 21 dòng của Nguyễn Du hẳn ai cũng thấy chất lượng văn học đã đổi thay rõ rệt.

Tiếp đến là đoạn ThúyKiều ThúyVân gặp Kim Trọng. Thanh Tâm tài nhân kể:

"Thuý Kiều đề thơ xong, đang còn lưu luyến không nỡ rời, thì bỗng nhiên nhìn thấy một thư sinh, khăn bay áo màu cưỡi ngựa từ xa đi lại. Vương Quan nhận ra là bạn đồng song Kim Trọng, không biết chàng có ý tìm đến chốn này, sợ phải chạm mặt, vội bảo ThúyKiều: "Anh Kim đã đến, hai chị mau mau tránh đi". ThúyKiều nghe nói, vội ngước mắt, đã thấy chàng Kim Trọng phong lưu chững chạc, nho nhã khoan thai, cưỡi ngựa đi đến trước mộ, nên Kiều cùng ThúyVân nấp mình sau mộ"(4). Đoạn này Nguyễn Du viết lại như sau, tất cả được dệt bằng các sự kiện nội cảm:

Dùng dằng nửa ở nửa về,

Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.

Trông chừng thấy một văn nhân,

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

Đề huề lưng túi gió trăng,

Sau chân theo một vài thằng con con.

Tuyết in sắc ngựa câu giòn,

Cỏ pha mùi áo nhuộm non da trời.

Nẻo xa mới tỏ mặt người,

Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.

Hài văn lần bước dặm xanh,

Một vùng như thể cây quỳnh cành giao.

Chàng Vương quen mặt ra chào,

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Một phong khí quí phái, nho nhã, lễ nghĩa hiện ra trên giấy. Đọc kĩ ta thấy Thanh Tâm tài nhân chỉ nói thấy, còn Nguyễn Du thì từ nghe mới đến thấy. Thuý Kiều của Thanh Tâm chỉ lưu luyến, còn Kiều của Nguyễn Du thì dùng dằng, một ý sắc hơn, cụ thể hơn, chứ không chung chung. Kim Trọng của Thanh Tâm chỉ được tả trong 10 chữ, còn Kim Trọng của Nguyễn Du được tả trong 10 câu! Chỗ cần dài Nguyễn Du sẽ viết dài. Đoạn Kim Trọng yêu cầu được gặp hai cô Nguyễn Du đã vứt bỏ hoàn toàn. Đoạn kết hồi một là hai chị em về nhà trò chuyện về Kim Trọng, gán ghép cho nhau, khiến Kiều đỏ mặt đi ngủ. Nhưng trong Truyện Kiều Nguyễn Du cũng lại miêu tả khác, một khung cảnh yên tĩnh để suy nghĩ về chuyện riêng tư thầm kín:

Kiều từ trở gót trướng hoa,

Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.

Gương nga chênh chếch dòm song,

Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.

Hải đường lả ngọn đông lân,

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.

Một mình lặng ngắm bóng nga,

Rộn đường gần với nỗi xa bời bời…

Người mà đến thế thì thôi,

Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi.

Người đâu gặp gỡ làm chi,

Trăm năm biết có duyên gì hay không…

Cùng với tả cảnh là tả tình. Tình thấm trong cảnh, cảnh quyện với tình. Tình cảnh giao hoà là truyền thống lớn của thơ ca Trung Quốc và thơ cổ điển Việt Nam. Nguyễn Du đã hấp thụ truyền thống đó để tạo ra chất thơ cho tác phẩm của mình.

Các học giả Việt Nam từ lâu đã nhận rõ tài tả cảnh, tả tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều, nhưng chưa quan tâm chức năng tạo chất thơ của chúng, chưa thấy đó là khác biệt cơ bản so với nguyên tác. Ở đây điều đáng chú ý là chất thơ của cảnh. Các bức tranh phong cảnh vừa thể hiện tâm trạng nhân vật vừa vẽ ra một khung cảnh nên thơ lạ lùng:

Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.

Vi lô san sát hơi may

Một trời thu để riêng ai một người.

Đêm khuya ngất tạnh mù khơi

Thấy trăng mà thẹn những lời non sông

Rừng thu từng biếc chen hồng

Nghe chim như nhắc tấm lòng thần hôn.

Cảnh mùa thu thật điển hình với những màu sắc đường nét không khí cô đúc của thơ cổ điển mà ai đã có vốn văn chương đều cảm thấy. Hoặc như cảnh Kiều chạy trốn cùng Sở Khanh, một sự kiện khốn khổ với nhân vật, nhưng không vì thế mà thiếu chất thơ:

Đêm thu khắc lậu canh tàn,

Gió cây trút lá, trăng ngàn ngậm gương.

Lối mòn cỏ lợt mùi sương,

Lòng quê đi một bước đường một đau.

Hoặc cảnh Kiều chạy trốn khỏi nhà Hoạn Thư cũng thế:

Mịt mù dặm cát đồi cây,

Tiếng gà điếm nguyệt dấu giầy cầu sương.

Canh khuya thân gái dặm trường,

Phần e đường sá, phần thương giãi dầu.

Ông Đào Duy Anh đã có nhận xét là trong Truyện Kiều Nguyễn Du không tả thực,  vì sao mà không tả thực thì ông giải thích bằng thế giới ước lệ. Có lẽ phải nói rõ hơn, đó là vì miêu tả bằng ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ, tức là miêu tả bằng nét bút chấm phá, vẽ ra những đặc trưng tiêu biểu để gợi lên những cảm xúc thơ, tình cảm thơ phổ quát trong các tình huống tương tự cổ điển(5).

Những câu thơ miêu tả sự đổi thay bốn mùa trong truyện cũng đậm đà chất thơ:

Lần lần ngày gió đêm trăng

Thưa hồng rậm lục đã chừng xuân qua.

Hai chữ "lần lần" gợi lên một ý thức đang theo dõi, cảm thấy thời gian.

Mấy từ "ngày gió đêm trăng" gợi một cảm xúc bát ngát và sự thay đổi. Mấy tiếng "thưa hồng rậm lục" là học trong câu "Lục ám hồng hy xuân khứ dã" của Tây Sương kí, không cho biết là hoa gì, màu xanh cây gì, chỉ gợi một ấn tượng, cảm giác về màu sắc thay đổi từ xuân sang hè, bàng bạc đã tạo thành chất thơ. Hoặc như hai câu:

Dưới trăng quyên đã gọi hè,

Đầu tường lửa lựu lập lòeđâm bông.

"Dưới trăng quyên đã gọi hè" là cả một tứ thơ mênh mang, mà "Đầu tường lửa lựu lập lòeđâm bông" là một đáp ứng rộn ràng, giục giã. Vẫn biết câu thơ có học lấy ý từ một câu thơ Đỗ Phủ, nhưng cái ý cháy đã hiện hình thành "lửa lựu lập lòe", một thông điệp giục giã mời gọi. Những câu thơ như:

Mảng vui rượu sớm trà trưa,

Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh.

Hoặc:

                             Sân ngô cành bích đã chen lá vàng.

Hoặc:                    Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.

đã gợi lên cả thời gian và ý thức thời gian hay là cái hồn của thời gian, bởi khi thời gian trôi đi thì không ai để ý, nhưng một khi cảm thấy, thì thời gian đã đổi thay rồi.

Đặc điểm thứ hai trong chất thơ Truyện Kiều là trực tiếp miêu tả tình cảm cá thể của nhân vật. Các học giả đã nhận xét về nội dung tâm lý của truyện, về bút pháp phân tích tâm lý của nhà thơ. Nhưng vấn đề không chỉ là miêu tả nội tâm, mà là thể hiện những cảm nhận đậm đà chất thơ trong cuộc sống tâm hồn con người. Nguyễn Du không bỏ lỡ một dịp nào để bộc bạch trực tiếp tâm tình nhân vật.

Chẳng hạn đoạn Kim Trọng nhớ Kiều sau khi gặp nàng trong buổi du xuân. Đoạn này Thanh Tâm tài nhân chỉ kể vẻn vẹn có một câu: "Hẵng nói Kim Trọng từ khi gặp hai cô gái về nhà thì kinh sử lười xem, cơm nước ít dùng, ngồi si suốt buổi, trằn trọc suốt đêm, chỉ ước ao được gặp mặt hai cô Kiều mà chưa có kế sách gì cả(6). Đoạn nhớ này Nguyễn Du đã kể tới 30 dòng, nhà thơ còn sáng tác thêm một số chi tiết như việc Kim Trọng trở lại thăm nơi gặp nhau, rồi Kim Trọng đến trước nhà Kiều mà cửa đóng kín. Về nỗi nhớ, Thanh Tâm tài nhân kể kết quả của nỗi nhớ, Nguyễn Du kể lể về tấm lòng, cảm giác nhân vật:

Cho hay là giống hữu tình,

Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong!

Chàng Kim từ lại thư song,

Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.

Sầu đong càng lắc càng đầy

Ba thu dồn lại một ngày dài ghê!

Mây tần khoá kín song the,

Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.

Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,

Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.

Phòng văn hơi giá như đồng,

Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím loan.

Mành tương phân phất gió đàn,

Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.

Ví chăng duyên nợ ba sinh,

Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi?

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người,

Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.

Một vùng cỏ mọc xanh rì,

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!

Gió chiều như gợi cơn sầu,

Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.

Nghề riêng nhớ ít tưởng nhiều,

Xăm xăm đè nẽo Lam Kiều lần sang.

Thâm nghiêm kín cổng cao tường,

Cạn dòng lá thắm, tuyệt đường chim xanh.

Lơ thơ tơ liễu buông mành,

Con oanh học nói trên cành mỉa mai.

Mấy lần cửa đóng then cài,

Đầy thềm hoa rụng biết người ở đâu?

Tần ngần đứng suốt giờ lâu,

Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà….

Kim Trọng của Nguyễn Du tỏ ra xông xáo, tích cực hơn Kim Trọng của Thanh Tâm tài nhân, bởi Kim Trọng ấy chỉ sai thằng ở đi tìm nhà, còn Kim Trọng này, tuy cũng có “vài thằng con con”, nhưng lại tự mình lần mò tìm lấy. Trong 30 dòng này Nguyễn Du đặc tả nỗi nhớ, cảm giác thời gian, cảm giác ngăn cách, cảm giác bị người ngoài xa lạ không hiểu được, cảm giác tưởng tượng mông lung, phóng túng, cảm giác ngập tràn nỗi nhớ:

Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.

Cảm giác lạnh lẽo… Đó là bút pháp cực tả tình yêu của Nguyễn Du, những ai không có tình yêu thì không hiểu được. Lại như đoạn Kim Trọng nhận được tin phải về hộ tang chú, trong Kim Vân Kiều truyện Thanh Tâm tài nhân chỉ kể có mấy dòng: Kim Trọng tìm gặp Thuý Kiều, chàng dậm chân nói: "Mới được gặp nhau lại đã vội sớm chia xa, lòng tôi tan nát cả rồi. Biết làm sao đây!". Thuý Kiều nghe nói cũng giật mình, sợ Kim Trọng đau xót quá, bèn chuyển sang an ủi rằng: "Nam nhi chí ở bốn phương, lẽ nào lại quyến luyến với đám phụ nữ. Nhưng chàng lo sớm đi sớm về, đừng để thiếp ngóng đứt Hành Dương, được yêu nhiều vậy"(7). Đó toàn là lời văn xuôi kể việc. Và lời nói của cô Kiều kia, cô không hề có một chút dự cảm nào hết. Nguyễn Du tạo thành một đoạn thơ dài trút xả bao nhiêu đau đớn uất hận, ai oán với đời, trách đời và tuôn ra biết bao dự cảm rủi ro sắp tới:

Sự đâu chưa kịp đôi hồi

Duyên đâu chưa kịp một lời trao tơ

Trăng thề còn đó trơ trơ

Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng

Ngoài nghìn dặm, chốc ba đông

Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy

Gìn vàng giữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời

Tai nghe ruột rối bời bời,

Ngập ngừng nàng mới giải lời trước sau.

Ông tơ ghét bỏ chi nhau

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi

Cùng nhau trót đã nặng lời

Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ

Quản bao tháng đợi năm chờ

Nghĩ người ăn gió nằm mưa xót thầm

Đã nguyền hai chữ đồng tâm

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai

Còn non còn nước còn dài

Còn về còn nhớ đến người hôm nay…

Sau khi nghe Tú Bà dạy nghề tiếp khách, Kiều trong Kim Vân Kiều truyện làm một bài từ có tên là Khốc hoàng thiên (Khóc trời cao) nói lên nỗi khổ nhục của người kĩ nữ với những lời đau đớn, đem phổ vào đàn, ai nghe cũng rơi lệ. Nguyễn Du không để Thuý Kiều làm từ, mà trực tiếp bộc lộ nỗi lòng của nàng, không phải là nỗi đau của cuộc đời người làm kĩ nữ nói chung, đó là nghị luận, mà là nỗi đau của con người trinh bạch này phải làm nghề nhơ nhuốc, không giản đơn là nỗi đau số phận, mà nỗi đau về huỷ hoại nhân cách, một bài thơ thương xót cho thân phận của mình:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh

Giật mình mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rũ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương,

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý đến việc bộc lộ nội tâm nhân vật chính là một ưu điểm nổi bật của Nguyễn Du. Thuý Kiều của Thanh Tâm tài nhân ít khi nhớ nhà, còn Thuý Kiều của Nguyễn Du thì đã 7 lần nhớ nhà. Dù cho là có nhớ, tính chất cũng đã khác xa. Ta hãy xem một lần nhớ nhà ở Lầu Ngưng Bích: Trong Kim Vân Kiều truyện đoạn đó như sau:

"Tú Bà sợ người ngoài hỗn tạp, bèn đưa Thuý Kiều lên ở trên lầu Ngưng Bích. Lầu này ba mặt lát ngọc màu xanh một mặt hướng lên trên trời. Phía đông nhìn ra biển xanh, một vụng nước biển như ăn sâu vào lòng đất liền. Phía Bắc nhìn lên kinh kì, trong mây hiện ra lầu song phượng của đế đô. Phía Nam nhìn về Kim Lăng, nơi rồng cuộn, hổ ngồi, xứ sở sinh ra chân nhân. Phía Tây nhìn về Kì Sơn, mòn mỏi mong tìm người đẹp. Nghĩ đến bố mẹ đã rất xa vời, dù hồn mộng cũng không bay về được. Thuý Kiều soi gương, cảm thấy trống trải, nhớ đến chàng Kim Trọng trong ngày thề nguyền, tưởng như mới ngày hôm qua, thế mà nay đường xa người vắng, không còn biết hỏi ai được, bèn làm "Mười điều bất như ý" để ghi lại nỗi buồn….  " Đề xong càng thấy cõi lòng trống trải, tình càng xốn xang, nằm ngồi không yên. Pha trà nhấp giọng, thấy con nước mới sa vào suối, cỏ rậm kéo thêm sương mù, tiếng sóng kêu quanh chỗ ngồi, bóng buồm xa xa, lại làm thêm một bài thơ luật…."(8).

Ở đây nhân vật trong truyện hồn thơ lai láng nhưng khép kín, không phải cái chất thơ mà người đọc có thể chia xẻ ngay được bởi nó được diễn đạt theo một kênh thơ riêng. Việc để cho nhân vật làm thơ, chép thơ nhân vật vào truyện, có thể chứng tỏ rằng tác giả chỉ thừa nhận chất thơ trong hình thức thơ, mà chưa khai thác chất thơ ngay trong văn tự sự. Giữa hai loại văn chưa tạo được sự hòahợp. Nguyễn Du đã tạo ra được chất thơ trong văn tự sự, và do vậy việc chép thơ nhân vật trở nên không cần thiết nữa:

Trước lầu Ngưng Bích khóaxuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung.

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh, như chia tấm lòng

Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ.

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ dàu dàu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi

Chung quanh những nước non người

Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu…

So sánh hai đoạn văn trên ta thấy sự khác biệt giữa bút pháp tự sự của Thanh Tâm tài nhân và bút pháp trữ tình của Nguyễn Du là hết sức rõ rệt. Thanh Tâm tài nhân tả lầu Ngưng Bích với địa thế nhìn ra bốn phía, tả diễn biến tâm trạng nhân vật, từ cảm giác bất lực khi nhớ về quê hương, đến nhớ người yêu Kim Trọng, rồi làm thơ, rồi nhìn thấy sự vật xung quanh. Nguyễn Du không miêu tả bất cứ đồ vật nào và cũng không tả diễn biến tâm trạng theo cái nhìn bề ngoài, mà đi thẳng vào dòng ý thức tâm trạng của nhân vật, nhân vật tự theo dõi cái dòng cảm xúc, cảm giác, ấn tượng và ý nghĩ của chính mình. ThúyKiều trước hết cảm nhận sự cô đơn rồi nhớ tới Kim Trọng trước, nhớ tới cha mẹ sau, cuối cùng là cảm xúc cô đơn và thương xót thân mình. Xem bố cục của Nguyễn Du mạch lạc hơn nhiều. Nét nổi bật trong dòng ý thức của Kiều là cảm thức về sự lưu lạc nơi tha hương, góc bể chân trời được thể hiện tập trung hơn và gây ấn tượng hơn hẳn. Nguyễn Du như gửi gắm hết mọi trải nghiệm của mình về cuộc đời lưu lạc vào trong cảnh ấy, tình ấy, làm cho chúng có hồn.

Tất cả các môtip gặp gỡ, chia tay, lưu lạc, nhớ nhà đối với Nguyễn Du không bao giờ đơn giản chỉ là những môtip thúc đẩy cốt truyện, mà là những cành nhánh làm mọc lên ý thơ. Chẳng hạn đoạn ThúyKiều tiễn Thúc Sinh về thăm Hoạn Thư. Trong Kim Vân Kiều truyện Thanh Tâm tài nhân đã dành gần hết một hồi 13 để tả cuộc chia tay hết sức chi tiết: "ThúyKiều bày rượu, Thúc Sinh làm thơ, ThúyKiều làm tiếp 10 bài, rồi ca hát, cuối cùng hai người lên giường, chính là lúc đào thơm mận chín, ái ân mặn nồng không dứt. Mây mưa lai láng, tình cảm tràn trề, mãi tới canh năm mới tàn cuộc. Trời sáng rõ, Thúc Sinh dậy, chải đầu rửa mặt chưa xong thì ngựa xe đã giục giã lên đường. Lúc này Thúc Sinh không thể lưu luyến được nữa, đành chỉ nói hai chữ: "giữ mình" rồi rưng rưng nước mắt mà đi. ThúyKiều muốn tiễn ra ngoài cửa, chợt thấy Thúc Chính và các bạn của chàng cùng kéo nhau đến tiễn đưa. Vì thế ThúyKiều không theo tiễn được xa, chỉ đứng sau bình phong gạt lệ mà thôi. Thúc Sinh đưa hành lý ra, xong lại quay vào nói với ThúyKiều:

- Tôi đi đây! Nàng cố nén buồn phiền nhé.

Vừa nói vừa vái dài một vái, nước mắt chảy ròng ròng khắp mặt. ThúyKiều không thể đáp lại được một lời nào, cũng chỉ châu lệ chứa chan đầy mặt mà thôi".

Đó thật là một cuộc chia tay của hai người bạn văn nhân, chén tạc chén thù, viện dẫn nào Biệt phú, Hận phú của Giang Yêm, nào Tì bà hành của Bạch Cư Dị, sau đó mới là cuộc chia tay của hai vợ chồng ở trên giường. Nguyễn Du đã thuật lại trong 28 dòng đầy lưu luyến, ai oán, thi vị:

Tiễn đưa một chén quan hà

Xuân Đình thoắt đã dạo qua Cao Đình

Sông tần một dải xanh xanh,

Loi thoi bờ liễu mấy cành Dương Quan.

Cầm tay dài ngắn thở than

Chia phôi ngừng chén, hợp tan nghẹn lời

Nàng rằng: "Non nước xa khơi

Sao cho trong ấm thì ngoài mới êm

Dễ lòayếm thắm, trôn kim

Làm chi bưng mắt, bắt chim khó lòng

Đôi ta chút nghĩa đèo bòng

Đến nhà trước liệu nói sòng cho minh

Dù khi sóng gió bất bình

Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi.

Hơn điều giấu ngược, giấu xuôi.

Lại mang những việc tầy trời về sau

Thương nhau xin nhớ lời nhau

Năm chầy cũng chẳng đi đâu mà chầy

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.

Người lên ngựa, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

Chất thơ thể hiện ở cảm giác khi tiễn biệt - Xuân Đình thoắt đã dạo ra Cao Đinh, ở phong cảnh sông nước cách chia, ải quan ngăn trở, cảnh lên ngựa, chia bào có hơi hướng chinh phu lên đường, lại hình ảnh biên ải rừng phong thu đã nhuốm màu quan san - thuần túycảm giác chia phôi, cách trở, rồi cảnh chinh phu chìm lấp trong đám bụi hồng… Người đọc không còn thấy đâu một cảnh chia tay hàng ngày mà Thanh tâm tài nhân đã tả một cách rất cụ thể, chân thật, mà thay vào một cuộc chia tay muôn thuở, đầy đau đớn đứt ruột.

Qua một số ví dụ như trên có thể dễ dàng nhận thấy rằng Nguyễn Du đã thay thế ngòi bút tả thực bằng một ngòi bút thơ ca đầy biểu tượng, ẩn dụ. Đúng là chất thực tế hàng ngày của truyện có giảm sút đi nhưng điều đó không đáng tiếc, bởi nếu chất ấy đậm như nguyên tác thì có nghĩa là cái chất Trung Hoa sẽ rất đậm đặc. Tước bỏ đi là tước bỏ cái phong vị Trung Hoa thấm đẫm trong từng chi tiết để tạo ra một chất thơ mới, tuy bàng bạc sương khói, mông lung muôn thuở, nhưng lại thể hiện tập trung cho những nét tâm hồn Việt Nam đến mức thuần khiết.

Những nhà nghiên cứu trước đây thường khẳng định giá trị văn chương vô song của Truyện Kiều. Ngẫm ra, nhận định ấy rất đúng. Điều ấy có nghĩa là Nguyễn Du đã nâng cao chất thơ, chất văn học của tác phẩm, và chính điều đó làm cho tác phẩm sống mãi muôn đời.

Nói tới chất thơ trong Truyện Kiều không thể không nói tới chất thơ trong lời văn và cấu trúc tự sự. Nhiều người đã nói tới chất thơ trong hình ảnh mùa xuân, mùa thu, ánh trăng, màu cỏ, tiếng chim. Điều đó rất đúng vì đó là những hình ảnh thơ trong cả một truyền thống thơ ca lâu đời ở Việt Nam và Trung Quốc. Nhưng đáng chú ý là chất thơ nằm ngay trong cấu trúc câu thơ. Nhiều người đã nói tới ngôn ngữ đối xứng trong Truyện Kiều. Ý nghĩa của câu thơ câu đối như vậy là ở đâu? Có thể giải thích là nó làm cho câu thơ súc tích, chặt chẽ, cổ điển, hoàn mĩ. Nhưng cái chính, theo lý thuyết của Roman Jacobson là nó làm cho câu thơ thêm chất thơ. Hai nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Trung Quốc là Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân đã mở rộng lý thuyết về sự đối đẳng của ngôn ngữ thơ và cho thấy hình thức đối, ẩn dụ, điển cố… đều là các dạng của ngôn ngữ đồng đẳng, tức ngôn ngữ thơ. Theo Jacobson, ngôn ngữ mang tính thơ là ngôn ngữ do một mình nguyên tắc đồng đẳng tạo thành, chức năng của thơ là đem nguyên tắc đồng đẳng từ trục lựa chọn chuyển vào trục tổ hợp, và do đó nó thay thế sự tổ hợp có tính ngữ pháp. Từ đó nó làm nên sự đối lập giữa ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ phân tích hay ngôn ngữ suy luận, ngôn ngữ hằng ngày. Đối ngẫu (paralellism) hay đối xứng là nguyên tắc làm cho các thành phần có cấu trúc tương đẳng nhau được đặt kề nhau có tác dụng làm mờ cú pháp phân tích để tạo một cảm giác, ấn tượng, chỉnh thể, toàn bộ, và do đó mà có chất thơ:

          - Mai cốt cách, tuyết tinh thần,

  Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

          - Làn thu thủy, nét xuân sơn,

  Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Phép tiểu đối ở đây cũng có chức năng liệt kê đặc điểm, thuộc tính, góp phần thúc đẩy tự sự, nhưng hơn hết, nó tạo thành ấn tượng tổng thể.

Dưới ngòi bút của Nguyễn Du câu thơ đối trở thành phương tiện miêu tả cảm xúc, trạng thái của nhân vật và tâm trạng của người kể chuyện:

Buồn trông phong cảnh quê người,

Đầu cành quên nhặt, cuối trời nhạn thưa.

hoặc:                    - Trông chừng khói ngất song thưa,

                             Hoa trôi giạt thắm, liễu xơ xác vàng.

                             - Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn,

                            Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn.

Nhiều cặp đối tạo được chất thơ thâm trầm của hình ảnh. Chẳng hạn như:

                             Đĩa dầu vơi, nước mắt đầy, năm canh.

hoặc:                   Lá màn rũ thấp, ngọn đèn khêu cao….

Bao giờ cũng vậy, cứ mỗi lần chạm đến tâm tư, nỗi niềm, trông ngóng… thì y như rằng, nhà thơ lại sử dụng phép đối để làm ngân lên dây đàn nội tâm:

                             - Thôi con còn nói chi con,

                    Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.

                             - Trông vời gạt lệ phân tay,

                   Góc trời thăm thẳm, ngày ngày đăm đăm.

                             Nàng thì dặm khách xa xăm,

                   Bạc phau cầu giá, đen rầm ngàn mây.

Hai tác giả Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân đã tranh luận lại với Jacobson, không tán thành rằng ngôn ngữ thơ chỉ thuần tuý là ngôn ngữ đồng đẳng, loại trừ ngôn ngữ phân tích, mà ngược lại có sự bổ sung lẫn nhau. Trong thơ Đường luật bát cú câu đối chỉ thuộc vào hai liên giữa, còn liên đầu và liên cuối vẫn có cú pháp liên tục (ví dụ như Kẻ ở Chương Đài, người lữ thứ. Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?). Điều đó rất đúng. Một nhà thơ Nga có nói chất thơ không phải là cái thuần tuý đối lập hoàn toàn với văn xuôi, mà cái toả sáng trên chất văn xuôi. Nguyễn Du đã kết hợp ngôn ngữ trần thuật phân tích với ngôn ngữ thơ, làm cho ngôn ngữ trần thuật thơ hoá. Phan Ngọc đã nhận xét rất đúng: "Nếu bài lục bát dài… mà không có câu đối xứng 3-3 hay 4-4 thì nghe nó sẽ như vè, mất sắc thái thơ". Các câu đối đã nâng lục bát Truyện Kiều lên hàng thơ ca, thoát khỏi tính vè.

Một chỗ khác nhà nghiên cứu Mĩ gốc Hoa Cao Hữu Công nhận xét rằng: "Đối trượng trong thơ vì cái nhìn trữ tình mà không nhằm chỉ ra thế giới tình cảnh bên ngoài, cho nên ý nghĩa của nó chỉ có thể là thế giới nội tâm. Nó hướng về phương diện phẩm chất, tức là một thế giới độc lập, tự túc, được lý tưởng hoá, quan niệm hoá"(9). Chúng tôi xin minh hoạ cặp đối trong bài thơ của bà Huyện Thanh Quan:

Gác mái, ngư ông về viễn phố,

Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

          Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

Dặm liễu sương sa khách bước dồn…

Các cặp đối trước hết thể hiện cái nhìn nội cảm của tác giả. Mặc dù cũng tả cảnh ngư, mục về nhà, nhưng chủ yếu thể hiện cái nhìn hâm mộ, thèm thuồng đối với những người ở trên quê hương mình, được ung dung, tự tại. Trái lại kẻ lữ thứ thì mỏi mệt vội vàng trong sương gió. Do đó những cặp đối làm toát ra cái ý ngoài lời "ý tại ngôn ngoại".

Trở lại Truyện Kiều các hình thức đối đã tăng cường chất thơ cho truyện. Ví dụ đoạn Kiều tiễn Kim Trọng về hộ tang chú:

          Ngại ngùng một bước, một xa                       (đối trong vế)

          Một lời trân trọng, châu sa mấy hàng           (đối cân, đảo)

          Buộc yên, quẩy gánh, vội vàng           (đối trong vế)

          Mối sầu xẻ nửa, bước đường chia hai           (đối chỉnh)

          Buồn trông phong cảnh quê người.

          Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa    (đối chỉnh)

Hai câu đầu các cặp đối phát huy tác dụng miêu tả cái đồng thời, tạo không khí đau xót. Hai câu tiếp các cặp đối tả sự vội vàng tan tác, cảnh sảy đàn tan nghé. Hai câu thứ ba tả cảnh xa xôi, ngóng đợi bi thiết. Nhưng cả ba câu đều cực tả nỗi niềm, cảnh chia tay đã nội cảm hoá trong tâm hồn người kể. Đặc biệt hai câu cuối là dự cảm về sự xa xôi không có tin nhau. Đầu cành này chim đỗ quyên kêu mau, mà cuối trời chim nhạn đưa thư vắng bóng! Các câu đối gợi lên cảm xúc thơ cho người đọc.

Ju.Lotman xây dựng lý luận ngôn ngữ thơ trên cơ sở yếu tố lặp lại trên tất cả mọi cấp độ: vần, nhịp, câu thơ… và lý thuyết đó là thống nhất với lý thuyết của Jakobson. Theo ông nguyên lý lặp lại là hạt nhân của thẩm mĩ văn học. Về phương diện này ta có thể quan sát nguyên lý lặp lại trên các cấp độ vần, nhịp, từ ngữ, chia khổ… của Truyện Kiều(10). Ở đây chúng ta có thể lưu ý tới sự lặp lại của các yếu tố tự sự. Nhiều người nghiên cứu Truyện Kiều đã chú ý tới sự lặp lại của nhiều tình tiết: như nhiều cuộc chia tay, nhiều cuộc nhớ nhà, nhiều cảnh cô đơn, nhiều cuộc đánh đàn, mà không lần nào giống lần nào. Đó chính là nguyên tắc lặp lại trong tự sự nhằm lột tả sự tương đồng và khác biệt của các tình huống, mà Mao Tôn Cương bình Tam Quốc diễn nghĩa đã tổng kết thành nguyên tắc "cùng cây khác cành, cùng cành khác lá, cùng lá khác hoa, cùng hoa khác quả". Theo chúng tôi sự lặp lại như vậy có tác dụng tạo thành chất thơ, bởi nó không nhằm tạo thành tình tiết ly kì, kết cục đột ngột, gây sự bất ngờ mà tạo thành sự hồi cố, thành biểu tượng về đời sống tâm hồn, khêu gợi tư duy liên tưởng có ý vị hàm ẩn, và đó chính là chất thơ. Có thể nói sự lặp lại ở đây là yếu tố ngoài cốt truyện, tạo thành nốt nhấn có chất thơ. Mặt khác các sự việc được lặp lại ấy vốn là một môtip thơ truyền thống. Chẳng hạn nhắc tới tiếng đàn của Kiều là gợi nhớ tiếng đàn của Bạch Cư Dị trong Tỳ Bà Hành hoặc hình ảnh tiếng đàn trong bài Cẩm sắt của Lý Thương Ẩn. Cũng vậy nhắc tới việc nhớ nhà là nhắc tới bao bài thơ nhớ quê, điển cố mây trắng trong thơ Đường. Nhắc tới các cuộc chia tay là nhớ đến bao nhiêu cuộc tống biệt trong thơ Trung Quốc.

Những chỗ không có đối ngẫu, không có lặp lại vẫn tràn đầy chất thơ. Đó là do lời trần thuật là lời của một chủ thể trữ tình, một chủ thể khi thì hoà nhập với ý thức chủ quan của nhân vật, khi thì trực tiếp phát biểu cảm thán. Tự sự Truyện Kiều không theo mô hình "vô tiêu cự" (tiêu cự bằng không -G. Genette) và do đó lời độc thoại nội tâm có vị trí quan trọng, nó làm cho Truyện Kiều trở thành câu chuyện tự ý thức của một kiếp người, của một thế hệ người. (Xin xem các mục về hình thức tự sự và Lời độc thoại nội tâm ở trước và sau bài này).

Tất cả những biểu hiện trên hợp lại tạo thành chất thơ trữ tình đậm đặc của Truyện Kiều, nhân tố làm nên vẻ đẹp và sự rung cảm cho tác phẩm. Trong văn học tự sự Trung Quốc cũng có truyền thống trữ tình. Chất trữ tình thể hiện ở tính tự truyện, tính truyền kì, trí tưởng tượng bay bổng, ở tính chất kí thác. Tính tự ý thức của người viết đối với nhân vật. Từ Li Tao, Sử Kí cho đến Chuyện làng nho, Hồng lâu mộng… không truyện nào không đượm chất trữ tình. Kim Vân Kiều truyện cũng có tính kí thác nào đó. Truyện Kiều có đủ các tính tự truyện, tính kí thác, nội dung tự ý thức, nhưng ở đây tấm lòng thương đời, thương người mênh mông được thể hiện trong một cấu trúc tự sự  giàu chất thơ với những hình thức đặc thù của lời trần thuật và ngôn ngữ thơ, làm cho chất thơ được kết tinh và biểu hiện nổi bật.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà Mộng Liên Đường chủ nhân cảm nhận ở Truyện Kiều "Lời văn tả ra như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm ở trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột". Còn Phong Tuyết Thập Thanh Thị lại coi Truyện Kiều là thiên truyện trữ tình của Nguyễn Du là "mượn ngòi bút, tờ giấy để chép những cái cảnh ngộ lịch duyệt của bản thân mà thôi". Những lời ấy quả đã lột tả thực chất chất thơ của Truyện Kiều.


(1)Mạt Nhược văn tập, tập  2, tr.6.

(2) Tập  luận văn mỹ học của Chu Quang Tiềm, Nxb Văn nghệ Thượng Hải, 1982, T2, tr.489.

(3) Nhị Độ Mai toàn truyện, Kim Vân Kiều truyện. Hoa Hạ xuất bản xã, Bắc Kinh, 1995, tr.154. Từ đây về sau trích dẫn Kim Vân Kiều truyện lấy từ sách này - TĐS.

(4) Tlđd, tr.157.

(5) Đào Duy Anh. Khảo luận truyện Thuý Kiều, Nxb, Văn hoá, Hà Nội, 1958, tr.96-97.

(6) Thanh Tâm tài nhân, Kim Vân Kiều truyện, Tlđd, tr.161.

(7) Thanh Tâm tài nhân, Kim Vân Kiều truyện, Tlđd, tr.170.

(8) Tlđd, tr.198.

(9) Cái nhìn trữ tình trong truyền thống tự sự Trung Quốc. Trong sách: Những cột mốc trong văn học so sánh Trung Quốc với nước ngoài. Nxb. Nhân dân văn học, Bắc Kinh, 1997, tr.304.

(10) Xem bài Phép sóng đôi trong "Truyện Kiều" trong sách này.

GS. Trần Đình Sử
Nguồn VHNA
: http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/30-nhung-goc-nhin-van-hoa/14141-mo-hinh-tu-su-truyen-kieu-ky3

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập53
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm51
  • Hôm nay23,369
  • Tháng hiện tại798,789
  • Tổng lượt truy cập54,913,493
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây