Rồng trong văn hóa Việt Nam

Thứ hai - 05/02/2024 17:01
- Từ thuở ấu thơ, mỗi người dân Việt Nam đều được nghe kể về truyền thuyết “Con rồng cháu tiên”, như một cách giải thích về cội nguồn dân tộc để thêm tự hào về “dòng máu Lạc Hồng”. Chính từ cội nguồn ấy, trải qua 4.000 năm văn hiến, trong tâm thức và văn hóa của người Việt Nam hình tượng con rồng luôn có vị trí đặc biệt.

Từ câu chuyện huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ kết duyên sinh ra bọc trăm trứng, sau nở thành một trăm người con, hình ảnh con rồng đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt Nam. Do đó, hàng ngàn năm qua, các thế hệ người Việt luôn tự hào về dòng giống Rồng - Tiên với những phẩm chất cao đẹp, từ đó, vun đắp nên tinh thần đoàn kết, gắn bó đồng bào.

Theo tiến trình lịch sử, trải qua các triều đại khác nhau, hình ảnh con rồng luôn hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần, là biểu tượng cho sự vươn lên và niềm tự hào dân tộc. Trong giai đoạn quân chủ ở nước ta, con rồng là hình ảnh gắn liền với bậc đế vương, rồng vàng được chạm khắc trên ấn tín, thêu trên hoàng bào và đồ dùng của vua để thể hiện sức mạnh vương quyền.


Rồng được điêu khắc ở kiến trúc cung đình, lăng tẩm, đình, chùa…

Ở mỗi giai đoạn lịch sử, hình tượng con rồng được khắc họa với những nét khác nhau nhưng vẫn thể hiện được sự tự do, phóng khoáng, mạnh mẽ. Ở thời Lý, tên của vùng kinh đô gọi là Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên. Rồng thời Lý được tạo hình mình dài, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi.

Đến thời Trần, hình ảnh con rồng thừa kế những yếu tố cơ bản của thời Lý nhưng có những biến đổi về chi tiết, thân rồng mập mạp khỏe khoắn hơn, móng vuốt ngắn và to hơn, xuất hiện nhiều tư thế mới. Từ nửa cuối thế kỷ XIV, hình ảnh con rồng đã vượt ra khỏi kiến trúc cung đình, có mặt trong các kiến trúc dân dã như điêu khắc ở đình chùa hoặc điêu khắc trên đá và đồ gốm…

Đến thời Hậu Lê, rồng có đầu to, thân rồng lượn hai khúc lớn tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Sang thời Trịnh - Nguyễn, hình ảnh con rồng được nhân cách hóa, đưa vào đời thường. Đến thời Nguyễn, rồng được thể hiện ở nhiều tư thế ẩn mình trong mây.

Theo quan niệm dân gian, rồng là linh vật đứng đầu trong “Long - Lân - Quy - Phượng”. Chính vì vậy, hình ảnh rồng được điêu khắc nhiều trong không gian tín ngưỡng của người Việt, như: Chùa, lăng tẩm, miếu thờ, với tư thế nằm chầu, uốn lượn trên mái đình hoặc leo quanh thân cột.

Hình tượng con rồng còn ghi dấu nhiều trong văn học dân gian, thông qua những truyền thuyết, ca dao, tục ngữ thể hiện lòng tự hào dân tộc, tôn vinh những nhân vật anh hùng lịch sử, ca ngợi mối quan hệ gắn kết cộng đồng, tiềm thức thiêng liêng về giống nòi và những giá trị nhân văn cao quý của người Việt Nam.

Được xem là linh vật của sự thịnh vượng, may mắn nên trong phong thủy, hình tượng rồng được dân gian gửi gắm những ước vọng, mong cầu mưa thuận gió hòa, vượng khí. Sự kỳ vọng, gửi gắm niềm tin của người xưa thông qua hình ảnh con rồng được thể rõ trong cách gọi tên các địa danh khắp ba miền Tổ quốc, như: Thủ đô Hà Nội có tên gọi đầu tiên là Thăng Long; một trong những thắng cảnh đẹp nhất nằm ở vùng đông bắc nước ta được đặt tên Hạ Long; vùng đồng bằng Nam Bộ phì nhiêu có hệ thống sông ngòi chằng chịt được gọi tên ĐBSCL, hay còn được gọi là ông đất “Chín Rồng”…

Trong đời sống dân gian, hình tượng rồng còn thể hiện rất phong phú thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, như: Múa rồng vào các dịp lễ hội; trò chơi rồng rắn lên mây của trẻ nhỏ; rồng trong tranh dân gian Đông Hồ; rồng được điêu khắc ở kiến trúc cung đình và tìm thấy trong văn hóa Đông Sơn, Âu Lạc.

Tổ tiên người Việt Nam đã tạo ra biểu tượng con rồng tượng trưng cho khát vọng vươn lên. Theo thời gian, con người đã “thiên biến vạn hóa” hình ảnh con rồng và sử dụng chúng theo những mục đích khác nhau, tuy nhiên chính những giá trị tốt đẹp về rồng trong tâm thức người Việt Nam đã duy trì sự tồn tại của chúng qua bao năm tháng.

Ngày nay, dù đã bước vào thời đại công nghiệp, người Việt Nam vẫn không quên kết nối giữa truyền thống và hiện đại, hình tượng con rồng Việt vẫn được trân trọng đưa vào các lĩnh vực của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau.

Rồng vẫn là hình tượng được chọn để trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, điêu khắc, chạm trổ hay được thêu trên bộ áo dài truyền thống. Ở các sự kiện lớn, lễ khai trương, khánh thành thường có biểu diễn múa rồng, với ý nghĩa mang đến sự hân hoan, may mắn và thịnh vượng.

MỸ LINH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập59
  • Hôm nay12,437
  • Tháng hiện tại1,002,980
  • Tổng lượt truy cập55,117,684
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây