Lan tỏa tình đất nước, nghĩa đồng bào

Thứ sáu - 23/10/2020 20:20
Những bếp lửa thâu đêm nấu bánh đỏ rực sân nhà cộng đồng, nhà văn hóa thôn. Hơi ấm của lửa, mùi thơm của gạo nếp quyện trong tình người bao la, bay đến tận nơi rốn lũ, ủ ấm những mảnh đời bất hạnh đang co ro trong cơn đại hồng thủy ở miền Trung.
Những ngày này, chứng kiến cảnh đồng bào, chiến sỹ vật lộn với bão lũ ở miền Trung và tấm lòng thơm thảo của người dân trong cả nước sẻ chia, đùm bọc bà con  vùng lũ, trong đầu tôi cứ văng vẳng câu ca xứ Nghệ: “Rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”.

Biết bao hình ảnh cảm động về cán bộ, chiến sỹ quân đội, công an và người dân ngày đêm lăn lộn nơi hiện trường sạt lở đất tìm kiếm thi thể người bị nạn hay đến tận xóm làng bị lũ chia cắt cứu trợ đồng bào, dìu từng người già, em thơ lên thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

Một cô ca sỹ Thủy Tiên xông xáo, bất chấp hiểm nguy, vào nơi rốn lũ sẻ chia hoạn nạn với dân, trao tận tay từng gói quà cứu trợ khẩn cấp làm lay động con tim hàng triệu người. Càng cảm phục hơn khi chỉ sau một tuần, hưởng ứng lời kêu gọi của nữ ca sỹ, hàng vạn tấm lòng thơm thảo đã chung tay góp sức cùng người đẹp, nâng số tiền quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung lên tới con số kỷ lục, hơn 100 tỷ đồng.

Đoàn người và dòng hàng cứu trợ cứ dài thêm, dài thêm, từ Bắc vô, từ Nam ra, ngày đêm hướng miền Trung thẳng tiến. Kể sao hết những tấm lòng, những cử chỉ thấm đượm tình tương thân tương ái.

Trong muôn vàn hình ảnh đẹp hướng về miền Trung ruột thịt, tôi thật sự xúc động và ấn tượng với cảnh người dân miệt mài chuẩn bị nguyên liệu, gói, nấu bánh chưng, bánh tét gửi bà con vùng lũ. Những nồi bánh sôi sùng sục trên bếp, ánh lửa hồng sáng rực những vùng quê.

Không rõ nơi nào khởi xướng trước tiên phong trào thiện nguyện độc đáo này, thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) hay xã Nghĩa Xuân (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An)? Chỉ biết là ngay tối 19-10, cả hai vùng quê cách nhau trên ngàn cây số đều cùng nổi lửa nấu bánh. Và như một hiệu ứng đô mi nô, phong trào gói bánh chưng ủng hộ đồng bào bị bão lụt miền Trung nhanh chóng được người dân ở nhiều vùng quê, phố phường hưởng ứng.

Tôi hiểu ra rồi, chẳng có chuyện trước sau gì ở đây cả. Tình đất nước nghĩa đồng bào đều chung một nhịp, lan tỏa từ thuở bình minh của dân tộc: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng” để rồi hôm nay, trên mạng xã hội rất nhiều người “live stream” cảnh người dân khắp nơi nấu cơm, làm bánh, mua sắm đồ dùng, thức ăn, nước uống, quyên góp quần áo, chăn màn gửi tặng đồng bào đang chịu cảnh đói rét cùng cực nơi vùng lũ.

Những bếp lửa thâu đêm nấu bánh đỏ rực sân nhà cộng đồng, nhà văn hóa thôn. Hơi ấm của lửa, mùi thơm của gạo nếp quyện trong tình người bao la, bay đến tận nơi rốn lũ, ủ ấm những mảnh đời bất hạnh đang co ro trong cơn đại hồng thủy ở miền Trung.

“Bầu ơi thương lấy bí cùng” – đó là tâm niệm, là lẽ sống từ ngàn đời của đồng bào tôi, dân tộc tôi. Hôm nay và mai sau vẫn thế.

21-10-2020
Nguyễn Duy Xuân

Đăng báo Đắk Lắk, số 6465, thứ Năm, 29/10/2020.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập152
  • Hôm nay51,517
  • Tháng hiện tại782,953
  • Tổng lượt truy cập54,897,657
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây