"VIỆT VỊ" HAY "LIỆT VỊ"?

Thứ năm - 06/12/2018 05:01
Có những điều ta tưởng ai cũng hiểu, chẳng cần bàn cãi gì thêm nữa. Tuy nhiên, đôi khi thực tế lại không hẳn như vậy.
Tôi nghiệm mỗi khi có trận bóng đá trực tiếp (đặc biệt là có đội tuyển Việt Nam thi đấu), số lượng bạn đọc truy cập bài “Trước giờ bónglăn, “việt vị” hay “liệt vị” trên Tuấn Công Thư phòng (đăng từ hồi chuẩn bị khai mạc World Cup 2014) lại tăng lên. Phần lớn bạn đọc đều gõ các từ khóa “việt vị hay liệt vị”, “lỗi việt vị hay liệt vị”...để tìm hiểu. Nay nhân bạn Nguyễn Trung Thành (FB Nguyễn Trung Thành) nhắn hỏi "Việt vị đúng hay liệt vị đúng?", TCTP xin tóm tắt, đăng lại bài viết cũ, gửi tới bạn Trung Thành và bạn đọc.

Trong môn bóng đá, trọng tài thường bắt lỗi vị trí của cầu thủ, gọi là “lỗi việt vị”, “bắt việt vị”. Hai từ “việt” và “liệt” có âm na ná như nhau, bình luận viên lại nói nhanh trên nền âm thanh sôi động của trận đấu nên có lúc nghe là “việt vị”, lúc lại tựa như “liệt vị”. Có người bảo phải là “liệt vị” vì “liệt” là trong từ “tê liệt” (chỉ trọng tài phạt lỗi bắt dừng lại, không thể tiếp tục tấn công được nữa). Có người lại cho rằng, “liệt” ở đây là hàng lối. Ý là cầu thủ phạm lỗi “liệt vị” là băng xuống vị trí phía dưới hàng cầu thủ đối phương...Thậm chí có ý kiến còn cho rằng không phải “việt vị” hay “liệt vị” mà là “việc vị”, nghĩa là làm “việc” ấy (ghi bàn) khi đứng không đúng vị trí(!) Nhiều người dùng đúng, không ít người dùng sai; lại có cả những người luôn ngập ngừng không biết “việt vị” và “liệt vị” nên dùng từ nào cho đúng; tại sao lại đúng, tại sao lại sai. (Một đồng nghiệp của tôi luôn dùng "liệt vị" (L) trong các câu chuyện bình luận về bóng đá)

Với khán giả đam mê bóng đá là như vậy. Đối với các cầu thủ chuyên nghiệp, chuyện phân biệt “việt” hay “liệt” cũng có sự lúng túng không kém. Báo thethao.vnexpress và nhiều trang khác đăng bài “Công Vinh bị fan chọc quê vì dùng từ “liệt vị”. Bài báo viết:

“Công Vinh viết trên facebook của mình: “Rõ ràng là không có lỗi liệt vị.Về xem lại băng ghi hình cũng không phải liệt vị, làm mình ức chế tâm lý sau quả này ghê. Nhưng vẫn phải chấp nhận thôi biết sao được, quan trọng là đội mình hôm nay thắng trận đầu tiên ở tại sân Vinh. Hy vọng năm nay đầu xuôi đuôi lọt. Cheer”.

Kèm theo dòng trạng thái này, Công Vinh dán thêm đường dẫn video quay chậm bàn thắng. Ngay lập tức chủ đề này thu hút cả trăm bình luận và hơn nghìn lượt “like”. Nhiều fan nhanh chóng bắt lỗi chính tả của Công Vinh: “Việt vị chứ không phải liệt vị. Có phải Công Vinh không vậy?”. Một số fan ruột khác ra sức bảo vệ Vinh: “Ở miền Trung, liệt vị hay việt vị đều đúng nhé các thánh”. Còn số khác thì viện dẫn cả luật bóng đá để chứng minh “việt vị” mới là từ chuẩn. Thậm chí, có fan còn phân tích nghĩa Hán Việt của từng từ cấu thành nên chữ “việt vị” để giải thích cho rõ ràng”.

Tưởng thế là xong. Nhưng phía dưới bài viết này lại có thêm những phản hồi của bạn đọc:

Đăng Minh - 10:12 PM - 20/01/2014
          "Liệt vị" là đúng đấy các bạn ạ. Tiếng nga là "положение вне игры", tiếng anh là offside đều có nghĩa "vị trí ngoài cuộc chơi", tức vị trí liệt. Gọi việt vị là do không biết, dùng quen mồm..Lỗi ở tận VFF, bộ môn bóng đá của Đại học TDTT...Đã có 1 thời các bình luận viên bóng đá nói "liệt vị" chứ không nói "việt vị" như bây giờ đâu.

Thanh Nhàn - 09:17 PM - 20/01/2014
"Liệt vị" mới đúng. Tiếng Anh dùng từ "off site" nghĩa là " chỗ chết, "liệt" là chết, "vị" là vị trí. Cầu thủ đứng ở vị trí chết (dưới hàng phòng ngự), chờ sẵn bóng đến. Còn "việt vị" chẳng có ý nghĩa gì cả trong từ Hán-Việt. Chẳng qua dùng mãi thành quen giống như từ "khuyễn mại" mà mọi người dùng thành "khuyễn mãi". Khuyến là khuyến khích, mại là mua, khuyến khích mua, "thương mại "là là mua bán.


Thế là, “việt vị” với “liệt vị” cứ lung tung cả. Ai phân tích nghe cũng có lý, chẳng biết đường nào mà lần! Vậy “việt vị” hay “liệt vị” ? Có thể khẳng định rằng “việt vị” 越位 chứ không phải “liệt vị”:

          -"Từ điển tiếng Việt" (Trung tâm từ điển học Vietlex):"việt vị • 越位 d. lỗi của cầu thủ bóng đá khi nhận bóng để tiến công ở phần sân đối phương mà phía trước không có cầu thủ nào của phía đối phương, trừ thủ môn : rơi vào bẫy việt vị".

          - "Từ điển tiếng Việt" (Văn Tân chủ biên): "việt vị• d. Lỗi của cầu thủ vào gần thành của đối phương hơn mọi cầu thủ bên kia khi bóng còn ở sau mình".

Nhưng tại sao lại gọi lỗi đó là “việt vị” 越位? Theo nghĩa Hán-Việt “việt” là vượt qua, vượt lên, “vị” là nơi, chỗ, vị trí. “Việt vị”nghĩa là một người nào đó (ở đây cụ thể là cầu thủ bóng đá) đã vượt quá vị trí mà luật bóng đá quy định trong tình huống tấn công:

   -"Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): "việt vị • đt. Vượt khỏi chỗ mình • (hẹp). Tới gần thành địch mà trước mặt mình không có ít lắm là 2 cầu-thủ địch khi mình không có quả banh dưới chân hoặc ngang hay trước mặt mình:Việt-vị bị phạt; thổi-việt vị. • (lóng): Ngồi mâm nầy mà với gắp đồ ăn mâm khác: Cấm việt-vị nghe bồ".

          -"Từ điển Hán-Anh" (cidict.net) giảng rất rõ ràng:"越位-offside [越: to exceed; to climb over; to surpass; the more ... the more; 位: position; location; (measure word for persons); place; seat...]"

           Túc cầu việt vị đồ giải (đồ giải tình huống việt vị trong bóng đá)
        trên một trang mạng Trung Quốc. Hai chữ góc trái, bên dưới
                    bức ảnh phiên âm Hán Việt là "việt vị"

Từ “việt” với nghĩa vượt qua, vượt lên còn xuất hiện trong các trường hợp khác như: “việt cấp”越級 (vượt quá bực) “việt lễ”越禮 (vượt qua lễ phép), “việt quyền”越權 (vượt qua quyền hạn của mình),v.v...Trong khi từ Hán Việt “liệt vị” 列位  lại có nghĩa là: các ngài !                                                                               

(Bài này được viết lại trên cơ sở bài “Việt vị hay liệt vị ?” -Hoàng Tuấn Công, đăng trên mục “Ngôn ngữ và đời sống” Báo Văn hóa thông tin Thanh Hóa” số 531- 1998)     

Hoàng Tuấn Công 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Luong truy cap
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập224
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm217
  • Hôm nay44,814
  • Tháng hiện tại686,006
  • Tổng lượt truy cập53,987,055
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây