Giá của “chữ”

Thứ ba - 29/09/2020 20:14
Mỗi lần ngắm nhìn câu khẩu hiệu ấy ở đồi ông Tượng, lòng dân sao tránh khỏi xót xa khi biết dòng chữ ngắn ngủi ấy có giá cả chục tỷ đồng?
 

Xưa nay dân mình rất trọng chữ nghĩa. Nhà dù nghèo đến mấy nhưng cha mẹ cũng cố để cho con cái đến trường kiếm ít chữ lận lưng đặng sau này không phải vất vả cực nhọc như mình vì mù chữ. Truyền thống hiếu học có lẽ bắt đầu từ đó để rồi ở vùng đất nào trên xứ sở này cũng có những miền quê nổi tiếng với chuyện học hành. Mỗi chữ học được từ thầy đong đầy mồ hôi nước mắt của bậc làm cha làm mẹ và của người đi học với chí khai sáng cho bản thân mình, bởi thế giá của con chữ không đo đếm được bằng tiền.

Nhưng rồi theo thời thế, chữ nghĩa dần dần được định giá. Cái giá phải trả, thuận thì bằng học phí công khai, nghịch thì âm thầm bí mật “mua-bán”.
 
Mùa thi năm 2018, dư luận té ngửa khi biết ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình để có được một suất cho con vào đại học tốp trên, phụ huynh phải chi từ ba trăm triệu đến một tỷ đồng. Số tiền ấy quá khủng nếu so với thu nhập của người lao động hay viên chức bình thường.

Sự lộng hành của những kẻ bán rẻ lương tâm đã khiến cho thi cử méo mó, giáo dục biến chất.

Chuyện tiêu cực trong thi cử không phải đến mùa thi 2018 mới bị bung bét. Đã từ lâu dư luận râm ran chuyện chạy thi, không chỉ bậc học phổ thông mà cả ở đại học, sau đại học. Chữ nghĩa được mua bán tất sẽ đẻ ra những cử nhân, thạc sỹ và cả tiến sỹ rởm. Chuyện lò ấp tiến sỹ ở viện nọ viên kia từng rộ lên, không ai là không biết.

Bây giờ thì, chữ nghĩa vừa đắt lại vừa rẻ mạt. Đắt khi mua, rẻ mạt khi đã thành của mình nhưng tấm bằng có được không hơn tờ giấy lộn, bởi đầu óc trống rỗng.

Nhưng chữ có giá không chỉ ở “chợ” giáo dục.

Thời của dự án, của tư duy nhiệm kỳ, bất cứ thứ gì cũng thành hàng hóa. Chữ cũng vậy, nó không thể nằm ngoài vòng xoáy của bạc tiền. Một cái cổng chào dựng lên chỉ mỗi chức năng trưng khẩu hiệu. Nhưng con chữ trên đó lại trở nên cực đắt bởi người ta đã bỏ hàng tỷ đồng tiền ngân sách để xây dựng cổng chào.

Thế mà đã thấm tháp gì so với câu khẩu hiệu 11 “chữ” (tiếng), gồm 32 chữ cái ở Hòa Bình, ngốn gần hết 11 tỷ đang khiến dư luận dậy sóng những ngày qua. Tính ra mỗi chữ cái của câu khẩu hiệu ấy có giá xấp xỉ 350 triệu đồng, tương đương với số tiền bỏ ra để xây ba căn rưỡi nhà tình nghĩa cho hộ nghèo theo thời giá hiện nay.

Chưa thể khẳng định được câu khẩu hiệu này có trở thành món ăn tinh thần đối với người dân địa phương hay không nhưng cái sự tốn kém, lãng phí của công trình thì đã rõ như ban ngày. Bởi Hòa Bình là tỉnh nghèo, đời sống người dân nhất là ở vùng sâu vùng xa còn kham khổ, đường sá đi lại còn khó khăn, trường lớp tạm bợ còn nhiều,… Mỗi lần ngắm nhìn câu khẩu hiệu ấy ở đồi ông Tượng, lòng dân sao tránh khỏi xót xa khi biết dòng chữ ngắn ngủi ấy có giá cả chục tỷ đồng?

Nhưng lãnh đạo thì không tâm tư như dân bởi quyết tâm chính trị đã nêu rồi. Rằng là công trình dựng khẩu hiệu “rất cần thiết và hợp lý”, là “tạo cảnh quan trang trí đồi ông Tượng”, rồi thì tất cả đều “thực hiện theo đúng quy định”. Để trấn an dư luận, bà Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Hòa Bình còn nhấn mạnh đến tính chất “đồ sộ, phức tạp” của công trình: “Công trình trang trí tạo cảnh quan ngoài trời có đến 68 nội dung, hạng mục liên quan đến hệ thống cấp điện và chiếu sáng, chống sét… Trong đó, riêng hạng mục chữ gồm gia công giằng mái thép bằng thép hình, gia công giằng thép bằng thép bản, lắp dựng giằng thép liên kết, Bulong M16, tấm aluminium, đục lỗ tấm thép bằng công nghệ CNC….”. Chao ôi, toàn những thứ cao siêu về công nghệ.

Dư luận hãy cứ yên tâm. Mỗi “chữ” một tỷ là còn rẻ đấy!

26-9-2020
Nguyễn Duy Xuân
Nguồn tham khảo:
https://www.baogiaothong.vn/giam-doc-so-vhttdl-hoa-binh-len-tieng-vu-xay-lap-khau-hieu-het-11-ty-dong-d480524.html

 

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

45 năm chiến tranh biên giới
45 NĂM CUỘC CHIẾN TRANH
BẢO VỆ BIÊN GIỚI PHÍA BẮC
17/2/1979


 
Luong truy cap
Gạc Ma
CÁC ANH SỐNG MÃI TRONG LÒNG NHÂN DÂN
 
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập395
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm393
  • Hôm nay33,185
  • Tháng hiện tại674,377
  • Tổng lượt truy cập53,975,426
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây