Chuyện “chữ và nghĩa”
admin100
2024-06-11T18:03:00-04:00
2024-06-11T18:03:00-04:00
http://nguyenduyxuan.net/yeu-tieng-viet/chuyen-chu-va-nghia-12313.html
http://nguyenduyxuan.net/uploads/news/2016_08/tieng-viet-yeu-thuong.jpg
Nguyễn Duy Xuân
http://nguyenduyxuan.net/uploads/logotrong1.png
Thứ ba - 11/06/2024 18:03
Báo Đắk Lắk cuối tuần số 15, ra ngày 5/5/2024, trong mục “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” có đăng bài “Chữ và nghĩa” của tác giả Thái Mỹ.
Đọc bài báo, độc giả chắc chắn sẽ hoàn toàn đồng ý với quan điểm của tác giả: “Viết và nói đều cùng hình thức trao đổi, truyền đạt thông tin nhưng đặc biệt đối với viết càng phải cần đến sự chuẩn xác, bởi chữ bao giờ cũng gắn liền với nghĩa. Nếu đánh mất yếu tố này sẽ tai hại vô cùng”.
Tuy nhiên, xem xong bài viết, với tư cách là độc giả, chúng tôi thấy cần trao đổi đôi điều với tác giả Thái Mỹ.
Chữ gắn liền với nghĩa nhưng nghĩa không nhất thành bất biến
Mở đầu bài viết, tác giả nêu vấn đề: “Nhiều người cho rằng, hiện nay cách dùng từ, lối hành văn tùy tiện, cẩu thả, (…). Quả thật, hằng ngày không khó thấy cách dùng từ ngữ sai nghĩa, làm mất nghĩa nguyên gốc, thậm chí méo mó tiếng Việt”. Đó là một thực tế rất đáng buồn trong hoạt động giao tiếp bằng tiếng Việt hiện nay. Để minh chứng cho điều này, tác giả dẫn những trường hợp dùng sai (theo quan điểm của tác giả) nghĩa của từ như khốn nạn, sự cố, đổ bộ, phụ huynh,… Xin trích một đoạn:
“Ví như hai từ “khốn nạn” vốn có ý nghĩa là khó khăn, bi đát thì nay chủ yếu lại dùng để chỉ những kẻ hèn mạt, vô nhân cách, đáng khinh bỉ”.
Từ kép “sự cố” cũng được sử dụng một cách vô lý: “Xin lỗi! Tôi bị sự cố nên đến trễ”.
Sự cố là vụ việc đã xưa cũ thì tại sao việc vừa mới xảy ra lại cho là chuyện xưa?”.
Hình như tác giả bài viết đang có sự nhầm lẫn giữa nghĩa từ nguyên - nghĩa gốc và nghĩa từ vựng hiện hành – nghĩa chuyển (được ghi trong từ điển tiếng Việt hiện đại).
Trước hết về từ “khốn nạn” (không phải “hai từ khốn nạn” như tác giả quan niệm). Theo “Hán – Việt từ điển”, học giả Đào Duy Anh giải thích “khốn nạn” có nghĩa “khó khăn lúng túng”. Đây là nghĩa gốc, nghĩa từ nguyên của “khốn nạn”. “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Phê chủ biên, giải thích: “Khốn nạn t. 1. Khốn khổ đến mức thảm hại, đáng thương. Cuộc sống khốn nạn của người dân nghèo thời trước. 2. Hèn mạt, không còn chút nhân cách, đáng khinh bỉ, nguyền rủa. Cái quân khống nạn, trẻ không tha, già không thương.”.
Tương tự, “sự cố” cũng là từ gốc Hán, khi đi vào tiếng Việt không còn nghĩa từ nguyên là “chuyện xưa”. Ngày nay, trong tiếng Hán hiện đại cũng không tồn tại nét nghĩa này nữa. Theo học giả An Chi, “sự cố” được dùng theo nghĩa “hiện tượng bất thường và không hay xảy ra trong một quá trình hoạt động nào đó”. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học cũng có cách giải thích tương tự.
Sự chuyển đổi nghĩa của những từ như “khốn nạn”, “sự cố” không có gì lạ. Đó là quy luật phát triển của ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng. Nhiều từ vay mượn tiếng Hán khác cũng bị biến đổi về nghĩa như “lãnh tụ” - người được tôn làm người lãnh đạo một phong trào đấu tranh, một chính đảng, một nước (nghĩa từ nguyên: lãnh là cổ áo, tụ là ống tay áo - những bộ phận quan trọng của chiếc áo), “hi sinh” – nhận về phần mình một cách tự nguyện sự mất mát lớn lao nào đó, vì một cái gì cao đẹp; chết vì nghĩa vụ, lí tưởng cao đẹp (nghĩa từ nguyên: gia súc được dùng nguyên con để cúng tế),… Đó không phải là dùng sai nghĩa của từ dẫn đến “vô lý” như tác giả đã nêu.
Hiểu nghĩa của từ như thế nào cho đúng?
Về trường hợp từ “đổ bộ”, tác giả Thái Mỹ đưa dẫn chứng: “Một bản tin thông báo: “Đêm nay bão sẽ đổ bộ vào thành phố”. Hai từ “đổ bộ” ở đây được hiểu là dưới mặt đất còn trên không trung thì sao, chắc không có bão?”.
Xin nêu nội dung giảng nghĩa từ “đổ bộ” của Từ điển tiếng Việt (sách đã dẫn) để thấy, cách hiểu về nghĩa của từ này như tác giả đã viết là chưa phù hợp: “Đổ bộ. đg. 1 Đến đất liền thuộc vùng đối phương bằng phương tiện vận tải đưởng thủy hoặc đường không, để tác chiến. Đổ bộ đường biển. Chặn đánh quân đổ bộ. 2 Đến đất liền sau khi vượt biển hoặc không gian. Bão đổ bộ vào đất liền.”.
Thế cho nên đề xuất của tác giả “Đúng ra chỉ cần dùng từ “đổ” là đủ rồi.”, thật khó chấp nhận bởi trong tiếng Việt hiện đại không có từ “đổ” nào được dùng với nghĩa chỉ bão “đổ vào thành phố”.
Tác giả cũng thật vô lý nếu không nói là áp đặt chủ quan khi cho rằng “Cụm từ “phụ huynh học sinh” đang được dùng phổ biến mà không nhiều người biết rằng có tính chất phân biệt đối xử của xã hội phong kiến, gia trưởng, vứt bỏ vai trò to lớn của người mẹ, chỉ đề cập đến tính chất quan trọng của người cha, người anh (phụ, huynh), mặc dù tại Điều 96, Luật Giáo dục không dùng cụm từ này mà thay bằng “cha mẹ học sinh”. Chúng tôi cam đoan rằng, chẳng ai lại nghĩ, dùng “phụ huynh học sinh” là biểu hiện “phân biệt đối xử của xã hội phong kiến, gia trưởng, vứt bỏ vai trò to lớn của người mẹ” như tác giả cố tình gán ghép. Từ điển tiếng Việt (sách đã dẫn) giảng nghĩa “Phụ huynh”: Cha mẹ hoặc người thay mặt, đại diện cho gia đình học sinh trong quan hệ với nhà trường. Họp phụ huynh học sinh.”.
Về trường hợp tác giả cho rằng dùng “do” là thừa trong cách nói/viết “nguyên nhân là do”, theo thiển nghĩ của chúng tôi là chưa chính xác. Đây là cách kết hợp từ trong câu. “Do” là kết từ biểu thị quan hệ nguyên nhân, nguồn gốc và kết quả, hậu quả. Ví dụ: “Nguyên nhân là do người cao tuổi có sự lão hóa và suy giảm chức năng của các cơ quan, trong đó có hệ miễn dịch và hệ thống hô hấp.” (https://tuoitre.vn/thoi-tiet-chuyen-lanh-dot-ngot-nguoi-cao-tuoi-de-mac-benh-gi-20231222150937117.htm).
Cuối cùng, thật khó hiểu khi tác giả chốt lại bài viết: “Tiếng Việt và nghĩa của tiếng Việt là ngôn ngữ của quốc gia,…”.
“Nghĩa của tiếng Việt” là gì và sao lại coi đó “là ngôn ngữ của quốc gia” để được xếp ngang hàng với “tiếng Việt”?
28/5/2024
Nguyễn Duy Xuân