Sự thật về bài thơ “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư

Thứ ba - 23/08/2022 16:46
Mạng xã hội những ngày qua lại rộ lên chuyện bản quyền bài thơ Tiếng Thu của Nhà thơ Lưu Trọng Lư.
Chúng tôi xi đăng lại bài viết sau đây của Nhà thơ Trần Đăng Khoa (năm 2018) trả lời câu hỏi của độc giả Lê Xuân Quang, hiện đang sống ở Berlin, Đức.
 
Nhà thơ Lưu Trọng Lư
Nhà thơ Lưu Trọng Lư

Thưa nhà thơ Trần Đăng Khoa,

Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh coi Lưu Trọng Lư là một trong những chủ soái của phong trào Thơ mới. Ông cũng đánh giá rất cao bài thơ Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư, thậm chí còn coi “Tiếng Thu” là bài thơ thơ nhất Việt Nam. Có người đã lên tiếng phản đối ông về nhận định này. Ông không biết “Tiếng Thu” là bài thơ Lưu Trọng Lư đã sao chép của Nhật Bản ư? Nhiều người đã khẳng định như thế, trong đó có cả những người sống cùng thời với Lưu Trọng Lư, rồi những nhà nghiên cứu hiện nay, trong đó có không ít người rất giỏi tiếng Pháp, mà bài thơ này Lưu Trọng Lư lại lấy qua tiếng Pháp. Ông có thấy áy náy về những kết luận quá ư vội vã của mình không? Nếu bây giờ cần phải viết lại về Lưu Trọng Lư, ông sẽ viết thế nào?

                                                                                                        Lê Xuân Quang (Berlin – Đức)

– Gớm, thật quái quỷ cái nhà bác này! Sao lại cứ đẩy người ta vào chân tường, bắt xét lại quá khứ. Nếu cần phải viết lại về Lưu Trọng Lư ư? Tôi sẽ viết đúng như tôi đã viết, vì không thể nói khác được. Bài về Lưu Trọng Lư, thoạt đầu tôi viết cho báo Nông nghiệp trong chuyên mục “Đến với thiên nhiên”. Nhưng khi bàn thì tôi lại không bàn về thiên nhiên mà chỉ muốn trao đổi với một vị giáo sư kiêm nhà lý luận phê bình về bài thơ Tiếng Thu. Đằng thằng mà nói, bài viết ấy chẳng có gì mới mẻ. Nghĩa là tôi không đưa ra được một phát hiện gì mới về Tiếng Thu, mà toàn lẩn mẩn tầm chương trích cú.

Thực tình, trong bài viết ấy, tôi chỉ muốn dẫn Hoài Thanh để bác lại cách hiểu thơ rất máy móc và sống sít của ông giáo sư phê bình, cũng nhân thể bác bỏ luôn những ý kiến cho rằng Tiếng Thu là bài thơ Lưu Trọng Lư đã sao cóp của Nhật Bản. Tuy nhiên, trong bài viết, tôi không dẫn tên nhà phê bình, vì tôi biết ông là giáo sư, còn phải lên bục giảng. Tôi không muốn các em sinh viên nhìn ông khác đi. Âu đó cũng là cái tình đối với ông vậy. Thế nhưng những vấn đề ông xới ra thì không thể không bàn.

Sau khi cuốn sách ra, ông phê bình mà tôi ưu ái không nhắc tên ấy đã phản đối tôi rất quyết liệt. Một nhà thơ rất nổi tiếng cũng bảo tôi đừng phong thánh cho bài thơ này. Có người còn cho trình độ tôi chỉ ở hạng A, B, C, nên không biết bài thơ ấy Lưu Trọng Lư đã sao cóp của Nhật Bản. Gần đây, một nhà nghiên cứu thuộc hàng đầu ngành cũng vẫn nói như thế. Thật là oan cho Lưu Trọng Lư. Ông đã mất rồi, nên không thể thanh minh được. Và rồi cái điều ngang trái ấy vẫn tiếp tục diễn ra. Bắt đầu là một người vu lên, chỉ do lòng đố kỵ hay hiềm khích cá nhân gì đó, thế rồi sau bao người hùa theo, nói theo, rồi nói mãi, đến nỗi cái sai dần dần thành chân lý. Một chân lý của đám đông. Ai nói khác đi thì hùa nhau mạt sát, quy chụp và ném đá.

Cái hay của Tiếng Thu, tôi đã bàn trong bài viết “Lưu Trọng Lư và bài thơ Tiếng Thu” rồi. Ở đây, xin phép không nói lại. Ta chỉ lưu tâm đến cái nghi án của bài thơ này thôi. Có thật Lưu Trọng Lư sao cóp bài thơ đó của Nhật Bản không? Người đầu tiên vu cho Lưu Trọng Lư cái việc làm rất không lấy gì làm đẹp này là ông Nguyễn Vĩ trong cuốn “Văn thi sĩ tiền chiến”. Cứ như ông Nguyễn Vĩ thì Tiếng Thu chính là bài Tanka của thi sĩ Nhật Bản nổi tiếng Sarumaru  ở thế kỷ VII. Nguyên văn bài Tanka thế này:

Oku yama ni/ Monoji fumi wake/ Naku shika no/ Koe kiku zo

Aki wa kanashiki

Cũng theo ông Nguyễn Vĩ, bài thơ nổi tiếng này đã được hai nhà thơ Pháp dịch sang tiếng Pháp. Bản của nhà thơ Michen Revon in trong cuốn Anthologie des poètes japonais -(Ed. Hachette), nguyên văn như sau:

Combien triste est l’ automme/ Quand j’ entends la voix/ Du serf qui brame/ En foulant et dispersant les feuilles des érables/ Dans les profondeurs de la Montagne

(Mùa thu buồn làm sao

Khi tôi nghe tiếng

Của con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)

Trong những nơi sâu thẳm của núi).

Bản dịch thứ hai là của nhà thơ Karl Petit, in trong cuốn La poésie japonaise (Ed. Seghers), mà theo ông Nguyễn Vĩ là Karl Petit đã dịch đảo ngược, nhưng lại đúng với nguyên văn bản tiếng Nhật:

Aux profondeus de la Montagne/ Ecartant et foulant les feuilles d’ e’rable/ Le cerf  brame/ Et  à  l’entendre ainsi/ Ah! que l’ automne m’ est lourdement triste!

(ở những nơi sâu thẳm của núi

Làm tung tóe và dẫm lên những chiếc lá thích

Con hươu đực thé lên (rền rĩ, kêu trong mùa giao phối)

Và nghe thấy điều đó như thế

Chao ôi, mùa thu với tôi buồn nặng trĩu).

Còn bài Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư thì nguyên văn như thế này:

Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng người cô phụ

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô…

Tất cả là như vậy đấy. Mới hay Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư và Tanka của nhà thơ Nhật Bản Sarumaru là hai tác phẩm hoàn toàn khác nhau. Chúng chẳng có họ hàng gì với nhau cả. Vậy mà suốt nửa thế kỷ nay, người ta cứ a dua nhau, người nọ nói theo người kia, cho rằng Lưu Trọng Lư đã sao cóp của nước ngoài. Cái nghi án văn chương rất oan khuất ấy cứ bám riết lấy Lưu Trọng Lư, cho cả đến khi ông đã nằm dưới ba thước đất. Đó là một điều rất đỗi đau xót. Người khảo sát văn bản này, một nhà thơ trẻ biết tiếng Pháp không dám tin ở khả năng ngoại ngữ của mình, đã tìm đến nhà thơ Tế Hanh nhờ thẩm định lại.

Khi ấy, Tế Hanh vẫn còn khỏe mạnh. Tế Hanh là một thi sĩ tài đức, người rất giỏi tiếng Pháp, ông đã dịch nhiều thơ thế giới qua tiếng Pháp, cũng là người cùng thời với Lưu Trọng Lư. Tế Hanh đã kinh ngạc kêu lên: “Ô lạ nhỉ. Bài thơ này chẳng có gì liên quan đến Tiếng Thu. Sao lại đổ vấy cho anh Lư sao cóp?”. Sở dĩ có nghi án ấy, là vì Nguyễn Vĩ. Sau khi phê phán Lưu Trọng Lư lấy thơ Nhật Bản, Nguyễn Vĩ đã đưa ra bằng cớ là bản dịch của mình, nhưng thực ra, Nguyễn Vĩ đâu có dịch, ông lấy luôn bài thơ Lưu Trọng Lư tráo vào rồi kêu ầm lên là bắt được kẻ gian. Những người nhẹ dạ, u mê tin theo thì chúng ta chả trách làm gì, nhưng những nhà thơ từng giỏi tiếng Pháp, những nhà phê bình nghiên cứu có tiếng là uyên thâm, cũng tin theo, rồi nói theo, mà cứ nói đi nói lại mãi. Đấy mới thực sự là chuyện lạ ở thời đại bùng nổ thông tin này, bác Lê Xuân Quang khả kính ạ!

Ngày 22.10.2018
TRẦN ĐĂNG KHOA
Báo Sức khỏe & Đời sống

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
70 năm Điện Biên Phủ
70 NĂM CHIẾN THẮNG
ĐIỆN BIÊN PHỦ
50 năm đại thắng mùa xuân
30/4 -  NGÀY HÒA BÌNH
THỐNG NHẤT NON SÔNG


 
Luong truy cap
Đại thắng mùa xuân 1975
50 NĂM
ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975

 
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập187
  • Hôm nay51,517
  • Tháng hiện tại782,608
  • Tổng lượt truy cập54,897,312
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây