Nhà thơ Hoàng Cát (1942 – 2024) và nhà thơ Xuân Diệu (phải)
Nhà thơ Hoàng Cát thập thững đôi chân thương binh xuống đón tôi trên chiếc cầu thang chênh vênh cạnh cây khế trĩu quả. Cây khế được trồng đã mười mấy năm có lẻ, chứng kiến biết bao nhiêu buồn vui của cuộc đời ông, những bất hạnh, khổ đau, những thứ khủng khiếp hơn cả cái chết đã giáng xuống cuộc đời ông. Sau tất cả những nếm trải, ông vẫn lặng lẽ ở một góc phòng, sống theo cách của mình, yêu theo cách của mình. Với ông, chỉ có tình yêu trong trái tim nóng hổi mới có thể xua tan đi hết mọi vui buồn của kiếp sống vốn nhọc nhằn và ngang trái này…
Ông cứ day trở về tâm niệm mà cả cuộc đời này ông tôn sùng theo đuổi, đó là tình yêu. Có thể mọi thứ đều hư vô nhưng đối với “ông đồ gàn” thẳng thắn, bộc trực này, tình yêu là một thứ tôn giáo bất biến mà cả cuộc đời ông tôn sùng, theo đuổi. Có thể là tình yêu gia đình, bè bạn, nhưng rõ ràng nhất vẫn là tình yêu đôi lứa. Cũng bởi vậy mà thơ của ông, dù có tới hàng trăm bài, nhưng bài nào cũng có thể đọc ra được những dư vị tình yêu riêng mà ông đã trải qua, đã thăng hoa trong từng cung bậc cảm xúc của cuộc đời mình.
Tôi cũng như nhiều người thuộc thế hệ mình, hay “lăn tăn” về những đồn đoán của giới văn chương về câu chuyện “tình trai” của nhà thơ Xuân Diệu. Lần này gặp nhà thơ Hoàng Cát, tôi muốn hỏi cho ra nhẽ cái “nghi án” bị đồn thổi nhiều “thất thiệt” mà người trong cuộc là nhà thơ Xuân Diệu, đã về cõi vĩnh hằng. Nhà thơ Hoàng Cát, khi nhắc tới người bạn vong niên, người thầy, người anh không chỉ với thơ ca mà cả trong cuộc đời mình, đôi mắt rơm rớm, đỏ hoe sau những nếp nhăn tuổi tác, trầm ngâm, nhìn lên bức ảnh đen trắng chụp hai người từ năm 1964, cái hồi Hoàng Cát chỉ mới là chàng thư sinh 18 tuổi chập chững những bước chân đầu tiên tới mảnh đất thủ đô hoa lệ.
Ông kể: “Lần đầu tôi gặp Xuân Diệu là năm 1958, lúc ấy tôi đang hớt hải đi tìm trâu đi lạc thì gặp anh Xuân Diệu ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. Anh đang đi về thực tế ở Nghệ An. Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã như là số phận, để sau này, khi đi học tại Trường Viết văn Quảng Bá, tôi được anh Xuân Diệu nâng đỡ, cho về nhà ở cùng. Anh dạy cho tôi những bài “vỡ lòng” về văn chương. Anh sửa cho tôi từng câu chữ, dạy tôi cách cảm thụ tác phẩm, dạy tôi cách đọc sách. Anh sửa cho tôi đến từng dấu phẩy trong thơ, nhưng cũng là người hay quát mắng tôi nhất. Một ông thầy khó tính đến nghiệt ngã. Khi ấy tôi rất buồn nhưng đến bây giờ, đầu hai thứ tóc, sắp về với tiên tổ rồi mới thấy quý hóa biết bao nhiêu. Anh Xuân Diệu từng nói với tôi rằng, anh biết chắc chắn rằng em là một thằng thi sĩ nên em phải cố lên. Cũng từ thuở ấy, cuộc sống của tôi đã thuộc về anh Xuân Diệu. Nhiều người cứ né tránh, nhưng tôi là người trong cuộc có thể khẳng định rằng, anh Xuân Diệu luôn hướng tới cái đẹp và anh có những cảm xúc yêu đương đồng giới.
Anh Xuân Diệu yêu tôi, một tình yêu cao cả, thiêng liêng và bao bọc. Tôi biết điều đó và luôn thương xót anh ấy. Thương anh và chiều chuộng anh để anh không thấy buồn, không lẻ loi, bởi trái tim anh Diệu đã quá cô đơn rồi. Anh Xuân Diệu lạ lắm, khi quan tâm đến ai là dành hết tình cảm và thời gian chăm sóc. Tôi hồi đó đi học nhưng mỗi tháng được anh Diệu cho 5 đồng (khi mà mỗi bát phở chỉ 2 hào), anh bao bọc cho đến khi tôi ra trường, đi làm thì mới thôi. Bài thơ đầu tiên tôi đăng báo lĩnh nhuận bút được 1 đồng, tôi đã mua lạng thịt chó về mời anh ăn. Anh Xuân Diệu rất mê ăn thịt chó, nhưng vì thấy tôi đã không có tiền còn “làm sang”, anh đã mắng: “Em thì cứ tiêu hoang!”, nhưng tôi thấy anh rất vui vì sự trưởng thành của tôi, bởi chắc chắn một điều rằng, trong sự trưởng thành ấy, có công lao to lớn từ sự bảo ban của anh.
Ngày tôi lên đường nhập ngũ đi B, anh Xuân Diệu buồn lắm, anh viết một bài thơ dài tiễn biệt tôi, bài Em đi (viết vào 23h30 ngày 11.7.1965): “Em đi, để tấm lòng son mãi/ Như ánh đèn chong, như ngôi sao/ Em đi, một tấm lòng lưu lại/ Anh nhớ thương em, lệ muốn trào/ Ôi Cát! Hôm vừa tiễn ở ga/ Chưa chi ta đã phải chia xa/ Nụ cười em nở, tay em vẫy/ Ôi mặt em thương như đoá hoa/ Em hỡi! Đường kia vướng những gì/ Mà anh mang nặng bước em đi/ Em ơi, anh thấy như anh đứng/ Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa/ Nhưng bóng em đi đã khuất rồi/ Đứt lìa khúc ruột của anh thôi/ Tình ta như mối dây muôn dặm/ Buộc mãi đôi chân, dẫu cách vời / Em hẹn sau đây sẽ trở về/ Sống cùng anh lại những say mê/ Áo chăn em gửi cho anh giữ/ Xin gửi cùng em cả hẹn thề/ Một tấm lòng em sâu biết bao/ Để anh thương mãi, biết làm sao/ Em đi xa cách, em ơi Cát/ Em chớ buồn, nghe! Anh nhớ, yêu…”. Bài thơ như một lời “tiên tri” vì trong bài thơ có rất nhiều câu nói về “cái chân” vậy mà thế nào đó, trong chiến dịch, tôi đã bị bom dội trúng chân. Đó là vào mồng 2 Tết năm Kỷ Dậu (1969), tôi làm đội trưởng, dẫn một tổ quân khí của Đoàn 4 vào cánh bắc Quảng Nam để học cách chế tạo mìn bay của quân và dân Quân khu 5. Học xong, sản xuất thử tốt rồi, định trở về đơn vị ở Phú Lộc, thì bất ngờ địch rải bom B52 trúng công xưởng. Tôi bị bom hất tung lên rồi rơi xuống một sườn đồi. Chân trái nát như một cái bắp cải bị đập dập… Khi tôi trở ra Bắc, anh Xuân Diệu xót xa lắm. Anh làm bài thơ Biển để tặng tôi: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng…”.
Trong ký ức của nhà thơ Hoàng Cát, nhà thơ Xuân Diệu là một người độ lượng, đặc biệt là hiểu biết và có tâm hồn rộng mở. Dù ông được phong là “ông hoàng thơ tình” và nhiều thế hệ tôn sùng ông, nhưng trong cuộc sống đời thường, Xuân Diệu cũng là một người có những nhược điểm, những nhược điểm mà Xuân Diệu đi đâu nói chuyện vẫn thường “tự giễu mình”, chẳng hạn như Xuân Diệu rất… ham ăn, đặc biệt là những món ông thích thì ông ăn rất nhiều, rất nhanh. Có lần ông còn kể, đi nói chuyện ở tỉnh, người ta cho ăn thịt gà mà ăn nhanh quá vỡ cả một miếng răng, hay như khi đi nói chuyện ông luôn yêu cầu phải có một chai rượu và mấy cái lòng đỏ trứng sống để ông ăn cho khỏe. Thời bao cấp nghèo khổ, đến cái tăm cũng phải ra mậu dịch mua. Tăm mậu dịch thì làm to đoành, ông cứ hay kêu ca và bắt chẻ đôi hoặc bẻ ra làm 4 cái. Ông mặc quần vá, áo may ô vá… Thế nhưng với bạn bè thì khác, lúc cần ông vẫn sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí cho cả trăm đồng, mà tiền trăm khi ấy thì lớn lắm. Tính ông trung thực, bộc trực và thẳng thắn. Rất lãng mạn nhưng cũng rất chỉn chu, cụ thể, hiện thực. Đói là nói đói, ngon là nói ngon. Ông tuyệt đối không sống giả tạo, luôn được là chính mình, sống lặng lẽ, đứng ngoài những đua chen, những ham hố vật chất tầm thường. Cái ông trọng nhất chính là thơ ca. Điều tâm niệm này của nhà thơ Xuân Diệu đã có tầm ảnh hưởng lớn tới nhà thơ Hoàng Cát, ông là người đầy kiêu hãnh, như chính câu thơ của Nguyễn Đình Thi mà ông thuộc làu: “Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người”.
Lúc buồn nhất, sâu lắng nhất Hoàng Cát gửi vào tác phẩm. Chưa bao giờ ông lo lắng, sợ hãi, chưa bao giờ ông chùn bước trước những thử thách của đời sống, vứt ra ngã ba ngã bảy cuộc đời vẫn điềm nhiên sống và sáng tác. Nhà thơ Hoàng Cát kể: Bị “treo bút” gần 15 năm, hai vợ chồng về hưu mất sức, tôi và vợ phải trải qua gần 20 nghề khác nhau để kiếm sống. Nào là dán hộp đựng thuốc cho ngành dược, cuốn thuốc lá điếu rồi đi bỏ cho các quán nước; rang đậu phộng, bán nước chè, phong thuốc lào, làm bóng bì, làm nem chạo, nuôi gà công nghiệp, úm gà con giống, nuôi chó ta, chó Nhật, nuôi chim vẹt cảnh, làm lồng chim, bán kem mút, nuôi lợn… Những đêm dài thức trắng, thập thững cái chân giả tất tưởi ngược xuôi mong tìm được vài đồng để lo cho gia đình. Tất vả những trải nghiệm ấy đã được nhà thơ Hoàng Cát viết lại trong tập “Cám ơn vỉa hè”, một tập thơ mà giờ ngồi đọc lại, ông và gia đình vẫn ứa nước mắt vì quãng đời cơ cực: “Con mười ba tuổi ngây thơ/ Nghỉ hè ngồi chợ từ trưa tới chiều/ Nắng ròng dội xuống nhà thiêu/ Nón cời che mặt, chẳng lều chẳng phên/ Bụi đường xe, gió thốc lên/ Mà con vẫn phải ngồi yên bán hàng/ Phải chi hàng hóa cao sang/ Thùng kem, thùng đá, hơn ngàn bạc thôi/ Má con bụi bết mồ hôi/ Ai mua năm chục cũng cười hồn nhiên/ Con ơi! Đứt ruột buốt tim/ Ba đành nhìn tuổi thiếu niên con buồn! (Tha cho ba nhé con).
Bấy lâu nay, sau nhiều lần “chết đi sống lại”, nhà thơ Hoàng Cát lại đối mặt với căn bệnh ung thư hạch cổ. 5 đợt xạ trị hóa chất tốn cả chục, cả trăm triệu đã đành, nhưng nó khiến đầu ông chỉ còn lơ phơ vài sợi tóc. Sau đợt xạ trị, ông tìm được một loại thuốc tốt từ Mỹ nên duy trì được sức khỏe. Mỗi ngày ông dùng cả một vốc thuốc đủ các loại, nhưng như ông nói, bởi đã đối mặt với nhiều lần “chết hụt” nên đối với ông, cái chết bây giờ nhẹ bẫng. Ông bảo rằng, ông sống thêm được ngày nào đã là cái lãi mà cuộc đời ban tặng cho ông. Như câu nói của triết gia mà ông tâm đắc: “Hãy học như thể anh phải sống đời, và hãy sống như thể ngày mai anh phải chết”. Bởi vậy, ông vẫn tự thưởng cho mình những ngày thảnh thơi nằm đọc sách, có thời gian thì ngồi lướt web, dõi theo cuộc đời qua chiếc máy tính nối mạng.
Biết tất cả, xem tất cả, nhưng không bình luận gì, bởi như ông nói, ông đã nếm trải tất cả để biết mọi thứ trên đời này chẳng có gì hoàn mỹ, chẳng có gì ghê gớm, cũng chẳng có điều gì ưu phiền vướng bận, chỉ có niềm yêu và trái tim nóng hổi vẫn đập những nhịp xao lòng. Khi cần một tấm lòng bè bạn, ông tìm gọi điện thoại cho người bạn thơ đồng hương Vương Trọng, họ cùng ngồi nhâm nhi ly cà phê tự pha, ăn một đĩa khế hái từ vườn nhà, rồi họ chơi cờ tướng, cùng bàn luận một vấn đề nào đó của thi ca. Với ông “hiểu biết hết là tha thứ hết” và chỉ có thi ca là còn lại với đời.
Như những khúc hát bằng thơ mà ông đã viết khi nằm trên giường bệnh, trong tâm thế sẵn sàng ngủ một giấc dài với những giấc mơ nhẹ bẫng: “Từng là lính. Ta chưa từng sợ chết/ Ung thư ơi! mi hành hạ chi ta/ Mi chỉ khiến đời ta thêm cay đắng/ Thêm khổ đau – khi đã ngả sang già/ Đêm bệnh viện dài hơn đêm Trung cổ/ Thời gian đi như Hà Nội tắc đường/ Ta nằm nghe trái tim mình loạn nhịp/ Nhịp ngựa lồng – bởi tràn ứ yêu thương…/ Rằng không buồn – thì quá ư giả dối/ Dẫu buồn thấu xương – ta cũng chỉ yêu thôi/ Đêm bệnh viện dài hơn đêm Trung cổ/ Cho lòng ta sáng tỏ mọi nỗi đời/ Khi cái chết cận kề, tâm hồn ta bừng mở: “Cuộc đời ư? – Chỉ là cuộc dạo chơi!”…
TRẦN HOÀNG THIÊN KIM
Văn Nghệ Công An – 2.9.2014