Từ lâu, tôi rất hâm mộ thơ Nguyễn Duy và muốn gặp tác giả nổi tiếng này để viết một cái gì đó về anh. Nhưng làm sao mà gặp được? Thế rồi, một cơ hội hiếm hoi đã đến với tôi.
Hôm ấy, trên đường đưa một nhà thơ ra sân bay Tân Sơn Nhất để về Hà Nội, anh ấy gợi ý:
– Cậu chở mình ghé thăm Nguyễn Duy một chút đi, lâu lắm không gặp.
Tôi đồng ý ngay. Xe rẽ vào một con hẽm khá lớn đầu đường Lê Văn Sỹ. Đứng trước ngôi nhà ba tầng, bấm chuông. Một người đàn ông tầm thước ra mở cửa – Nguyễn Duy.
Hai anh trước kia cùng công tác ở Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, lâu ngày gặp lại nhau, họ vừa uống trà vừa nói chuyện rất sôi nổi. Tôi ngồi ngắm Nguyễn Duy, thì ra nhà thơ nổi tiếng này thật bình dị với khuôn mặt chữ điền như một lão nông khá đẹp, mái tóc đốm bạc lòa xòa trước trán và bộ ria mép có phần lãng tử. Giọng của anh trầm ấm, cách nói nhẹ nhàng, chậm rãi và khúc chiết. Thảo nào người ta truyền miệng rằng: Nguyễn Duy đọc thơ rất hay. Hàng trăm bài thơ nổi tiếng ra đời từ con người này đây.
Nhà thơ Nguyễn Duy.
Khi bắt tay Nguyễn Duy để ra sân bay, tôi mạnh dạn đề nghị:
– Em có thể gặp lại anh được không? Em muốn viết một bài đại loại là: Nguyễn Duy – chân dung và tác phẩm.
Ngần ngừ trong giây lát, anh đồng ý:
– Được! Sáng thứ 7 tuần tới nhé.
Đúng hẹn, tôi đến nhà Nguyễn Duy. Chưa uống hết ly trà, anh vào đề ngay:
– Đã có gần hai chục luận án cao học viết về đề tài thơ Nguyễn Duy rồi.
Thấy anh nói vậy, tôi phát hoảng:
– Chết! Thế em viết gì bây giờ? Dễ “đụng hàng” lắm.
– Thì cứ viết những gì mà ông và tớ nói chuyện với nhau hôm nay ấy.
Nguyễn Duy gọi “ông”, xưng “tớ” rất đúng với phong cách của những người lính năm xưa. Có lẽ anh thấy tôi cũng là lính chăng?
Tôi bấm nút ghi âm chiếc iphone, đặt xuống bàn:
– Vậy anh em ta nói chuyện chừng hai tiếng nhé. Sau đó mình đi ăn trưa.
Câu đầu tiên tôi hỏi:
– Họ hàng anh có ai làm thơ nữa không? Và các con anh thì sao?
– Dòng họ Nguyễn Duy, ngoài tớ ra, chẳng có ai là nhà thơ cả. Các con của tớ thậm chí chúng còn trách: bố không chọn nghề gì, lại chọn cái nghề… làm thơ!
Anh cười khà khà. Bộ ria mép lúc này trông thật có duyên.
– Thế hồi nhỏ anh học văn có giỏi không và anh làm thơ từ khi nào?
– Tớ chỉ giỏi các môn tự nhiên thôi, còn văn thì bình thường. Tớ biết làm thơ từ năm học lớp 8, trường cấp ba Lam Sơn (Thanh Hoá), nhiều lần gửi bài cho Tuần báo Văn nghệ, nhưng không được in. Bài thơ đầu tiên được đăng là trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào cuối năm 1967, lúc tớ đang là lính ở Bộ Tư lệnh Thông tin. Nguyễn Duy kể: hồi đó thơ được đăng trên Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam khó lắm. Cùng với Tạp chí Văn nghệ Quân đội, đây được coi là “ngôi đền văn chương”. Thơ ai đã đăng ở Tuần báo này, lập tức có “thương hiệu” ngay. Một dịp tình cờ, Nguyễn Duy không gửi bài của mình đến toà soạn mà anh gửi thẳng cho nhà phê bình văn học Hoài Thanh, lúc này đang là Tổng Biên tập của Tuần báo Văn nghệ. Hoài Thanh nhận được một loạt bài của Nguyễn Duy, rất tâm đắc. Tác giả của Thi nhân Việt Nam nổi tiếng một thời đã phát hiện ra tài năng thơ của chàng lính trẻ. Đầu năm 1972, Tuần báo Văn nghệ dành hẳn một trang đăng chùm thơ Nguyễn Duy gồm 6 bài, trong đó có: Bầu trời vuông, Hơi ấm ổ rơm, Tre Việt Nam. Không những thế, Hoài Thanh còn viết thêm một bài bình luận về thơ Nguyễn Duy nữa. Chính chùm thơ này của anh sau đó tham dự cuộc thi thơ của Tuần báo Văn nghệ 1972 – 1973, đoạt đồng giải Nhất cùng với Nguyễn Đức Mậu, Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Nhuận Cầm. Cũng trong năm 1973, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân cho ra mắt bạn đọc tập thơ Cát trắng của Nguyễn Duy với số lượng in tới 25.000 cuốn. Thế là bạn đọc Việt Nam biết đến nhà thơ Nguyễn Duy từ đó.
Kể đến đây, giọng anh sảng khoái hẳn lên:
– Ông biết không, nhuận bút tập thơ Cát trắng là 415 đồng. Lớn lắm! Tớ được mua phân phối chiếc xe đạp Phượng Hoàng hết 300 đồng, mua thêm một tạ gạo nữa đem về cho gia đình vợ, còn lại khao bạn bè thoải mái.
Tôi tò mò:
– Cảm giác của anh khi nhận giải thưởng hồi ấy thế nào?
– Vui lắm! Tự nhiên tớ thành người nổi tiếng. Mà nó cũng do cái duyên, cái số ông ạ. Nếu không được Hoài Thanh đọc thì chẳng biết ra sao…
Thấy anh đang vui, tôi mạo muội nhận xét:
– Hình như hầu hết những bài thơ anh viết đều gắn với cuộc đời mình, đúng không?
Nguyễn Duy hấp háy đôi mắt sau cặp kính trắng, nhìn tôi. Chắc là câu hỏi đã chạm đúng vào điều thầm kín của anh:
– Ông là người đầu tiên nhận xét về thơ tớ như vậy. Đúng! Hầu hết gốc tích của các bài thơ, cội nguồn của cảm xúc đều liên quan đến sự thật cuộc đời Nguyễn Duy; đến người thân, đến địa danh và những sự kiện mà tớ từng trải qua. Người ta cứ tưởng các tác phẩm của nhà thơ đều là hư cấu. Không hẳn thế đâu, nếu sắp xếp các bài thơ tớ viết từ đầu đến cuối thì đó chính là nhật ký cuộc đời Nguyễn Duy đấy.
Thì ra là vậy. Nguyễn Duy đã có quãng thời gian dài trong quân ngũ, lăn lộn trên nhiều mặt trận suốt hai cuộc chiến tranh với tư cách là nhà thơ, nhà báo. Anh lại có gần bốn chục năm làm việc ở Tuần báo Văn nghệ, đi khắp từ Nam ra Bắc đến tận châu Âu, châu Mỹ. Đó là nguồn tư liệu sống vô cùng quý giá và cũng là niềm cảm hứng bất tận giúp anh sáng tạo nên các tác phẩm để đời.
Thú thực là tôi chưa đọc hết các tác phẩm của Nguyễn Duy, nhưng qua những bài tôi đọc được thì thấy cuộc đời anh hiện hữu xuyên suốt trong đó. Những nhân vật trong thơ thật gần gũi với anh; đó là người bà, người cha, người mẹ, người em, người nông dân, người làm gạch, thậm chí cả người ăn mày. Và biết bao đồng đội, bạn bè của anh nữa. Đặc biệt, Nguyễn Duy có rất nhiều bài viết về vợ. Anh khoe:
– Này ông, viết về vợ lý thú lắm. Tớ đã ra nguyên một tập thơ “kính tặng” vợ đấy.
Chuyện này thì tôi biết. Anh có tập thơ Vợ ơi gồm 19 bài do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành năm 1995. Đã có nhiều người làm thơ về vợ, nhưng xuất bản nguyên một tập thì hình như mới thấy ở Nguyễn Duy. Tập thơ này có nhiều bài hay, nhưng tôi thích nhất và thuộc lòng là bài Vợ ốm. Bài thơ độc đáo ở chỗ, Nguyễn Duy đã tài tình đưa được những cụm từ tếu táo đời thường rất trúc trắc vào hầu hết các câu:
Thình lình em ngã bệnh ngang
Phang anh xất bất xang bang sao đành
Cha con chúa chổm loanh quanh
Anh như nguyên thủ tanh bành quốc gia
Việc thiên, việc địa, việc nhà
Một mình anh vãi cả ba linh hồn.
Đọc xong đoạn thơ trên, tôi hỏi anh:
– Người ta bảo Nguyễn Duy là bậc thầy trong việc đưa những khẩu ngữ đời thường vào thơ. Anh thấy sao?
– Bậc thầy thì không dám nhận, nhưng phải nói là tớ rất chú trọng đưa những từ dân dã vào tác phẩm của mình, đưa có chủ đích hẳn hoi, chứ không phải vớ được chữ nào thì đưa chữ ấy vào đâu. Có người bảo: nhà văn, nhà thơ sáng tạo ra ngôn ngữ. Không đúng! Ngôn ngữ hình thành trong cuộc sống đời thường, nhà thơ chỉ chọn lọc, gọt giũa và nâng cấp lên rồi đưa vào tác phẩm của mình sao cho phù hợp mà thôi.
Nguyễn Duy cho biết: bài thơ anh sử dụng ngôn ngữ dân dã đời thường công phu nhất là bài Cơm bụi ca. Những năm đầu đổi mới, kinh tế khó khăn, anh ra Hà Nội công tác, toàn ăn cơm bụi, còn gọi là “cơm đầu ghế”. Dân Hà Nội hồi ấy rất hay sử dụng “ngôn ngữ vỉa hè” và nói lóng. Ví dụ ý của họ là: đừng bán đắt thế, lấy giá rẻ thôi, thì họ lại nói: làm gì mà Cao Bá Quát thế, Nguyễn Bỉnh Khiêm đi! Rồi muốn diễn đạt cái gì đó ở mức độ cao thì họ dùng từ “cực”: cực ngắn, cực rẻ, cực vui, cực buồn, cực đẹp, cực ngon… Từ những bữa cơm vỉa hè đó mà Nguyễn Duy có được bài thơ rất “bụi”. Anh đọc:
Xa nhau cực nhớ cực thèm
Ai về Hà Nội gửi em đôi nhời
Cô đầu thời các cụ chơi
Ta đây cơm bụi bia hơi lè phè…
Cực kỳ gốc sấu bóng me
Cực ngon cực nhẹ cực nhòe em ơi
Đừng chê anh khoái bụi đời
Bụi dân sinh ấy bụi người đấy em
Xin nghe anh nói cực nghiêm
Linh hồn cát bụi ở miền trong veo
Rủ nhau cơm bụi giá bèo
Yêu nhau theo mốt nhà nghèo… vô tư.
Câu cuối đến”vô tư”, giọng anh nhấn lên một chút kèm nụ cười tủm tỉm. Thính giả mỗi mình tôi mà điệu bộ của Nguyễn Duy cứ say sưa như trước đám đông vậy. Tôi thì “mắt chữ A, mồm chữ O”, ngồi lặng đi. Được nghe thơ Nguyễn Duy mà lại do chính tác giả đọc ngay tại nhà anh, kể cũng thú vị thật.
Có rất nhiều câu thơ khác Nguyễn Duy sử dụng những từ dân dã, tếu táo như thế:
Chân mây hơi bị cuối trời
Em hơi bị đẹp, anh hơi bị nhàu.
(Chạnh lòng 1)
Một nhà là sáu mồm ăn
Một thi nhân hóa phăm phăm ngựa thồ
(Vợ ốm)
Năm nay lại lụt trắng đồng
Quê ta lại tỏng tòng tong mùa màng
(Dân ơi)
Con ơi cha mắc bệnh thơ
Ú a ú ớ ù ờ kinh niên
(Tập ru con)
Khi trong túi có mấy đồng ngọ nguậy
Ta chạy rông như gì nhỉ – quên đời
Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc
Đói lả mò về
cơm đâu
vợ ơi!
(Vợ ơi)
Nguyễn Duy tâm sự:
– Tớ hạn chế dùng từ Hán – Việt mà chú trọng dùng từ thuần Việt. Triết lý nó nằm ở ý câu thơ hoặc tình tiết của bài thơ.
Tôi nhớ đến bài Ánh trăng, xuyên suốt bài thơ chỉ là tả trăng, kể chuyện trăng, ấy vậy mà khi đọc xong ta “giật mình” bởi triết lý của nó: đừng bao giờ quay lưng lại với quá khứ. Bài thơ được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông, được báo Giáo dục và thời đại tổ chức một cuộc thi bình kéo dài cả tháng, tốn không biết bao nhiêu giấy mực của những người yêu thơ:
Trăng cứ tròn vành vạnh
Kể chi người vô tình
Ánh trăng im phăng phắc
Đủ cho ta giật mình.
Nguyễn Duy là vậy, thơ anh chân chất như hạt lúa củ khoai, óng ánh như rơm rạ ngày mùa, nhưng có sức truyền cảm kỳ lạ. Ta ít gặp ở anh những triết lý cao siêu, kể cả trong các bài “tầm cỡ” mang tính chính trị, xã hội. Triết lý thơ anh nhẹ nhàng, dễ hiểu mà thâm thúy:
Ta đi trọn kiếp con người
Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru
(Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)
Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại
(Đá ơi)
Phong cách thơ Nguyễn Duy trữ tình, sâu lắng, dung dị và dân dã. Tuy nhiên, trên cái nền dân dã đó có nhiều bài anh viết sau này rất trí tuệ và hiện đại, tạo cho thơ anh một diện mạo mới.
Như sực nhớ ra điều gì, Nguyễn Duy đến tủ sách, lấy ra một cuốn:
– Tặng ông tập thơ một bài này. Tớ vất vả, “lên bờ, xuống ruộng” vì nó đấy.
Tập thơ mỏng rất đẹp, chỉ in một bài duy nhất Nhìn từ xa… Tổ quốc bằng ba ngôn ngữ: Việt, Anh và Pháp. Đây là bài thơ khá dài với 15 trang sách. Theo Nguyễn Duy, tất cả những ý tưởng bài thơ đã có sẵn trong cuộc sống, anh chỉ chắt lọc, ghi lại và “thăng hoa” bằng ngôn ngữ thơ của mình. Bài này được viết năm 1988, khi anh sang dự lớp tập huấn ba tháng tại Viện Văn học Gorki (Liên Xô). Từ nước ngoài, anh có thời gian và không gian để chiêm nghiệm về Tổ quốc mình. Đó là nỗi trăn trở trước cảnh nghèo đói của nhân dân, những bất công của xã hội và xa hơn nữa là vận mệnh của Tổ quốc. Nói như nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn, đây là tiếng thơ quằn quại, bi hùng, là lời thơ “tuẫn tiết” đánh thức lương tri:
Xứ sở nhân tình
sao thật lắm thương binh kiếm ăn đủ kiểu
nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng
…
Xứ sở linh thiêng
sao thật lắm đình chùa làm kho hợp tác
đánh quả tù mù trấn lột cả thần linh
…
Xứ sở thông minh
sao thật lắm trẻ con thất học
lắm ngôi trường xơ xác đến tang thương
…
Thật đáng sợ ai không có ai thương
càng đáng sợ ai không còn ai ghét
…
Ngày càng hiếm hoi câu thơ tuẫn tiết
ta là gì?
ta cần thiết cho ai?
Nội dung bài thơ là tâm tư của một người con đau đáu vì quê hương, bây giờ ta đọc thấy hay và chí lý, nhưng vào thời điểm đó thì “có vấn đề”, là “lệch lạc”, là “phạm húy”… Nhiều báo và tạp chí trong nước lúc ấy viết bài phê phán, chỉ trích Nguyễn Duy. May sao, có một lãnh đạo tầm cỡ cấp trung ương đã giải cứu ông bằng đánh giá mang tính chỉ đạo: “Không nên trầm trọng hóa vấn đề. Đó là cách nhìn riêng, là tâm trạng của tác giả”. Thế là Nguyễn Duy… thoát nạn. Bài thơ này được đăng trên nhiều sách báo nước ngoài từ lâu, nhưng ở Việt Nam mãi đến năm 2010 mới chính thức được in trong “Nguyễn Duy – tuyển tập thơ”.
Thực ra, Nguyễn Duy còn mấy bài “có vấn đề” nữa mà theo cách nói của ông Võ Văn Kiệt là “nặng lắm nhưng chịu được” đã gây xôn xao dư luận thời bấy giờ như: Đánh thức tiềm lực (1980), Bán vàng (1981), Về làng (1988), Đá ơi (1989), Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ (1990). Nếu như Nhìn từ xa… Tổ quốc và Đánh thức tiềm lực là cái nhìn đất nước từ trên xuống, cảm nhận ở tầm cỡ vĩ mô thì Về làng là cái nhìn cận cảnh từ dưới lên ở góc độ vi mô của xã hội Việt Nam những năm đầu đổi mới.
Nguyễn Duy cho hay, anh viết bài Về làng năm 1988 để tặng cha mình. Hồi đó, nông thôn miền Bắc còn tiêu điều lắm bởi hậu quả của chiến tranh và chế độ bao cấp. Những người thân của Nguyễn Duy đang sống trong một hoàn cảnh tồi tệ đến mức anh không thể ngờ tới. Hiện thực phũ phàng trên quê hương đã giáng cho anh một đòn chí mạng vào niềm tin chế độ cũng như tương lai đất nước. Những vần thơ lục bát của Nguyễn Duy vốn dĩ êm ái, dịu dàng như ca dao vậy mà lúc này nó gằn lên, quằn quại và đau đớn:
Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây, hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay
Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng trần bạc nắng thâm mưa
Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì
…
Mẹ ta vo gạo thổi cơm
Ba ông táo sứt lửa rơm khói mù
Nhà bên xay lúa ù ù
Vẫn chày cối thậm thịch như thủa nào
Lũ em ta vác cuốc cào
Giục nhau bước thấp bước cao ra đồng
Mồ hôi đã chảy ròng ròng
Máu và nước mắt sao không có gì?
Bài thơ có ba khổ kết thúc bằng câu hỏi tu từ: “sao không có gì?” cứ xoáy vào nỗi đau của tác giả mà anh không thể lý giải được. Nhưng sức nặng của bài thơ có lẽ nằm ở hai câu kết:
Ta đi mơ mộng trên trời
Để cha cuốc đất một đời chưa xong.
Bức tranh thôn quê nghèo nàn, lạc hậu thời đó với thân phận người nông dân được vẽ nên bằng ngôn ngữ thơ trần trụi đến mức không thể trần trụi hơn được nữa. Cảnh và người trong bài thơ như một vở bi kịch sống, gây xúc động đến tận cùng. Đọc xong, người ta có cảm giác như mọi lời bình đều trở nên nhạt nhẽo và dư thừa.
Từ năm 1997, Nguyễn Duy không viết thêm một bài thơ nào nữa. Tôi hỏi anh tại sao?
Anh bảo:
– Thực ra tớ vẫn còn viết được, nhưng đầu óc nó đã kém đi, viết ra thấy không tâm đắc lắm. Thôi! Nghỉ. Với lại, vợ tớ lâu nay bị bệnh nặng, giờ phải làm “phó ô sin” rồi.
Anh cười. Không biết nụ cười mãn nguyện cho một đời thơ của anh hay cười cho cái chức bất đắc dĩ mà anh vừa tự phong?
Nhiều người đánh giá Nguyễn Duy nghỉ vào thời gian đó là đúng lúc. Có một gia tài thơ lớn đến thế còn gì. Điểm mặt các nhà thơ Việt Nam đương đại, chẳng mấy ai được vậy.
Hiện nay, Nguyễn Duy là nhà thơ có lượng truy cập trên mạng nhiều nhất. Thơ anh không những được thế hệ thời chiến yêu thích mà cả thế hệ trẻ thời bình cũng rất hâm mộ. Hơn nữa, các đọc giả nước ngoài, kể cả những cựu chiến binh Mỹ, vốn là đối thủ của anh cũng thích thơ Nguyễn Duy. Đây là khối tài sản vô giá, cống hiến không nhỏ cho nền văn học nước nhà. Chỉ riêng việc ba bài thơ: Tre Việt Nam, Ánh trăng và Đò Lèn được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông ở cả ba cấp đã là một ghi nhận đáng kể.
Nếu Phạm Tiến Duật được gọi là “Nhà thơ Trường Sơn” thì không biết mệnh danh Nguyễn Duy là gì. Có người gọi anh là “Nhà thơ thảo dân”. Đúng! Vì anh xuất thân từ nông dân, thơ anh đậm chất ca dao, dân dã và những bài anh viết rất gần gũi với dân. Có người gọi anh là “Nhà thơ áo lính”. Cũng được! Vì anh có tới 10 năm là lính và viết nhiều về lính, trong đó có những bài đoạt giải cao, làm bệ phóng đưa anh lên thi đàn.
Cuối cùng, điều tế nhị tôi cân nhắc mãi mới dám hỏi: Anh tự đánh giá về sự nghiệp thơ của mình thế nào?
Nguyễn Duy bộc bạch: Sự nghiệp thơ của tớ có thể chia làm hai giai đoạn. Trước thập niên 1980, thơ tớ còn dân dã lắm, viết chủ yếu dựa vào năng khiếu và cảm xúc, nhưng tớ vẫn hài lòng về nó vì đã phản ánh chân thật suy nghĩ và tầm nhận thức của mình. Từ những năm 1980 trở về sau, tớ viết tư duy hơn, trăn trở hơn, táo bạo hơn và có những sáng tạo nhất định.
Đây là đánh giá chính xác nhất về thơ Nguyễn Duy, bởi chẳng có ai hiểu thơ mình bằng chính tác giả.
Vào những năm 1980 của thế kỷ trước, nhiều nhà thơ tài ba nổi tiếng trong chiến tranh, vì những lý do khác nhau tự dưng “chững” lại, hoặc ít viết. Riêng Nguyễn Duy lại bắt đầu … “phát”! Cột mốc ghi nhận cho giai đoạn bắt đầu “phát” này có lẽ là bài “Đánh thức tiềm lực”. Đây là nỗi niềm của nhà thơ trước “nhân tình thế thái”, là sự trăn trở với vận mệnh đất nước. Bài thơ ở tầm vĩ mô. Tác giả đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề, không đi theo lối sáo mòn ca ngợi tung hô, mà mạnh dạn lao vào chủ đề gai góc, nhạy cảm của xã hội lúc bấy giờ. Nó gây được tiếng vang là nhờ vậy:
Hãy thức dậy đất đai!
cho áo em tôi không còn vá vai
cho phần gạo mỗi nhà không còn thay bằng ngô, khoai, sắn
xin bắt đầu từ cơm no áo ấm
rồi hãy đi xa hơn – đẹp và giàu, và sung sướng hơn
…
Lúc này ta làm thơ cho nhau
đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt
ta ca hát quá nhiều về tiềm lực
tiềm lực còn ngủ yên
…
Cần lưu ý
lời nói thật có thể bị buộc tội
lời nịnh hót dối lừa có thể được tuyên dương
đạo đức giả có thể thành dịch tả
lòng tốt lơ ngơ có thể lạc đường.
Điều đáng nói, bài này được viết từ năm 1980, trước đổi mới tới 6 năm. Qua đó, ta càng thêm cảm phục cái tâm, cái tầm của tác giả. Trong bối cảnh đất nước thời ấy, Nguyễn Duy là nhà thơ hiếm hoi dám liên tiếp cho công bố một loạt bài ở dạng “tuẫn tiết” như vậy, đủ biết dũng khí và trách nhiệm công dân của anh cao đến mức nào. Chưa cần bàn đến chất nghệ thuật, chỉ mới nói đến chất “con người” thôi đã là… đáng nể!
Nguyễn Duy thổ lộ, mạch thơ đổi mới về nhận thức xã hội của anh không phải đến thập niên 1980 mới có, mà nó manh nha từ trước năm 1975, thể hiện qua các bài: Thơ tặng người ăn mày, Đối thoại trước khi đổi chỗ, Thư gửi một nhà thơ. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1976 anh xuất ngũ và vào nhận công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Giữa môi trường mới, không gian xã hội đa chiều, nhận thức xã hội của anh có những thay đổi tích cực; cùng với kiến thức có sẵn giúp mạch thơ anh viết sâu hơn, rộng hơn và tự tin hơn. Đặc biệt, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, thơ Nguyễn Duy càng có điều kiện thuận lợi cộng hưởng và thăng hoa. Nếu cho rằng, thơ anh ít nhiều mang tính dự báo thời cuộc cũng có cái lý của nó.
Cũng trong quãng thời gian này, Nguyễn Duy thay đổi khá nhiều kỹ xảo thơ, mà rõ rệt nhất là ở thể lục bát vốn là thế mạnh của anh. Từ đó, hàng loạt bài lục bát vừa hay vừa độc đáo rất Nguyễn Duy ra đời. Đây là thời kỳ anh phát huy tối đa năng khiếu, kinh nghiệm và kiến thức mà anh đã tiếp thu được ở trường đại học; cùng với sự lao động, sáng tạo cật lực để có một hồn thơ vừa dân dã vừa trí tuệ, vừa cổ điển vừa hiện đại mang “thương hiệu” Nguyễn Duy.
Đỉnh cao sự nghiệp thơ Nguyễn Duy gắn liền với thời kỳ đổi mới và thơ anh cũng đổi mới đi lên cùng với vận mệnh đất nước. Vậy thì gọi Nguyễn Duy là “Nhà thơ đổi mới” được chăng?
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2016 Trần Thanh Chương