Cần minh định lại một vài tên tuổi trong quá khứ

Thứ bảy - 22/01/2022 03:05
Trong sự phát triển đa chiều của văn học nghệ thuật (VHNT) hôm nay, những ý kiến riêng sắc nhọn là một dấu hiệu đáng mừng. Thời báo VHNT xin đăng bài viết này của nhạc sĩ Nguyễn Đình San với mong muốn nhận được nhiều ý kiến phản hồi của các nhà lý luận và bạn đọc để không khí trao đổi thêm  phong phú.
Nhà thơ Xuân Diệu
Nhà thơ Xuân Diệu

Tôi có ý nói chuyện này từ lâu nhưng cứ đắn đo mãi, đến nay ngẫm thấy không thể trì hoãn thêm bởi nếu không ai lên tiếng, các thế hệ hậu sinh sẽ có thể lầm tưởng, sẽ rất tệ hại (theo tôi).

Trước hết, đã gọi là “những tên tuổi” thì đương nhiên đó là những người nổi tiếng, danh giá. Mà đã như vậy thì họ phải là những người tài ba hơn người khác. Vậy sao còn phải “minh định” lại? Vâng. Đúng họ là những người tài ba hơn người. Nhưng tài đến mức độ nào, là lâu dài hay chỉ nhất thời chính là điều chúng ta cần phải xem xét lại cho công bằng, sòng phẳng, kẻo cứ trượt dài trong sự lầm tưởng, ngộ nhận để rồi những tài năng hậu thế cứ mãi bị che lấp bởi những cái bóng ảo, không thể thoát ra! Tôi xin đi thẳng vào một số “tên tuổi” lớn.

Trước hết xin nói về Xuân Diệu (XD). Bấy nay, ai cũng cho rằng ông là một nhà thơ lớn, thậm chí vĩ đại, nhất là trong lĩnh vực thơ tinh. Và ông đã được khoác một danh xưng  “vua thơ tình”. Với tôi, XD chỉ có tài đặc biệt về bình thơ. Ông mà nói chuyện về thơ thì cuốn hút tất thảy mọi đối tượng từ những học giả lớn đến người bình dân. Không ai không bị ông mê hoặc với cách khai thác bài thơ đến tận cùng, cách thẩm thơ vô cùng tinh tế, giọng nói, giọng đọc thơ vô cùng truyền cảm với chất giọng trọ trẹ xứ Nghệ thật ấn tượng.

Tôi cho rằng cho đến hôm nay - và còn rất lâu nữa - vẫn chưa có ai nói chuyện thơ bằng được XD. Về bình thơ từ trước đến nay chỉ có ông và Hoài Thanh là đáng nói hơn cả. Nhưng ông bình thú vị hơn, có lẽ bởi là người sáng tác, ông tường tận mọi ngõ ngách, bếp núc việc làm thơ mà không một nhà chỉ thuần túy nghiên cứu lý luận nào có thể làm được.

Ngoài ra, tôi kính nể, ngưỡng mộ XD bởi vốn kiến thức thông thái, uyên bác của ông. Tôi thấy ông tinh thông, am hiểu sâu sắc nhiều nền văn hoá từ cổ đến kim, từ Tây sang Đông. Ông như một nhà Pháp học và Tàu học. XD không là GS, TS mà tôi thấy phần nhiều “học giả” thời nay mang học hàm, học vị này trong lĩnh vực VHNT, KHXH chưa thể xứng là học trò của ông.

Một lĩnh vực khác nữa tôi cũng sủng tín XD là ngòi bút lý luận, phê bình của ông luôn sắc nhọn, thâm thúy. Tập Dao có mài mới sắc của ông là một tập lý luận đọc rất thú vị, vượt lên nhiều tập nghiên cứu, lý luận của các nhà chỉ chuyên về lý luận. Đến nay đọc lại vẫn nguyên vẹn giá trị, không một chút lạc hậu, nhất là đối với những người theo đuổi nghiệp làm thơ.

Với tôi, XD là như thế chứ không phải là trong lĩnh vực làm thơ, kể cả thơ tình. Gọi ông là ông hoàng phê bình lý luận, ông hoàng bình thơ, ông hoàng hiểu biết có lẽ đúng hơn là ông hoàng thơ tình vì trong phong trào thơ mới, có nhiều bài thơ của các nhà thơ khác hay hơn của ông. Chỉ có điều họ không chuyên làm thơ tình mà còn viết về nhiều đề tài khác nên mọi người cứ có cảm giác ông là nhất về thơ tình. Chưa nói, ông có những câu không thể gọi được là thơ vì có phần thô thiển, sống sượng: “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực/ Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài” hoặc “Hỡi xuân hồng! Ta muốn cắn vào ngươi” hoặc nhẹ hơn là rất ít thơ: “Anh đến xin em một chút tình/ Cho lòng thắm lại với ngày xanh”.

Trong các  tập Thơ thơ, Gửi hương cho gió và Phấn thông vàng, XD sáng tác trước cách mạng có không ít những bài ít chất thơ kiểu như thế. Tôi thấy những bài thơ hay nhất của XD trong các tập trên lại không phải là thơ tình (với nghĩa biểu hiện tình yêu trai gái), ví như: “Ai đem phân chất một mùi hương/ Hay bản cầm ca ta chỉ thương/ Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc/ Như thuyền ngư phủ lạc trong sương” hoặc: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang/ Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng/ Đây mùa thu tới, mùa thu tới/ Với lá mơ phai dệt nắng vàng”… Sau hòa bình lập lại (1954), trong các tập thơ Riêng chung (1960), Mũi Cà Mau và Cầm tay (1962), Một khối hồng (1964), Tôi giàu đôi mắt (1970) và Thanh ca (1982), XD chủ yếu viết về lao động dựng xây đất nước với một âm hưởng dạt dào lạc quan. Nhưng về nghệ thuật thì rất ít chất thơ.

Riêng tập Cầm tay… có thơ tình nhưng cũng không thật đặc sắc, ngoại trừ bài Biển. Tuy nhiên, bài này hay nhưng chưa phải là hay nhất trong những bài thơ tình hiện đại của Việt Nam như có người đã nhận định vì còn có nhiều bài khác hay hơn mà trong phạm vi bài này, tôi không thể dẫn hết. Ít nhất là không hay hơn hai bài Thuyền và biển của Xuân Quỳnh và Bài thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh. Nhiều người cho rằng hai câu trong bài thơ Biển của XD là Đến tan cả đất trời Anh mới thôi dào dạt là rất hay. Tôi thấy không có gì đặc biệt nếu không nói là quá bình thường. Cái hay làm nên giá trị độc đáo của bài này là ở cái tứ mới mẻ, hiện đại, trước đó chưa ai nói.

Tôi cho rằng hai câu thơ tình hay của XD lại ở trong bài Cầm tay kia: “Một tuần công việc tạm xong/ Cầm tay chủ nhật hòa trong phố người”. Câu trên là một câu nói bình thường, chỉ là khẩu ngữ (parlando). Nhưng chữ “tạm” thì rất hay tuy cũng chỉ là lời nói nôm na. Tạm có nghĩa là chưa xong, vẫn còn. Vậy mà đôi trai gái đã “cầm tay” để đi dạo phố giữa bao người trong ngày chủ nhật.

Câu sau thì quá hay. “Cầm tay chủ nhật” có thể có hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất (ai cũng dễ hiểu) là đôi lứa cầm tay nhau đi trong ngày chủ nhật. Nghĩa thứ hai (kín hơn, không phải ai cũng có thể hiểu ngay) là cái ngày chủ nhật kia có tay, và đôi lứa cùng cầm cái tay ấy. Tức là tác giả sử dụng lối nói nhân cách hóa thật tài tình, thú vị.

Hai câu thơ phản ánh tư thế, tâm hồn vừa lạc quan yêu đời lại vừa đầy tự tin, khẳng định vai trò chủ nhân đất nước của tuổi trẻ trong công cuộc dựng xây tổ quốc những năm tháng đó - một thời bình yên, sôi nổi, khắp miền Bắc là một công trường lớn. Ngay cả thơ tình của XD giai đoạn sau năm 1954 thì cũng chỉ có thế.

Vậy thì kể cả thời thơ mới trước năm 1945, với mấy tập đã nói trên thì cũng chưa thể suy tôn ông là “ông hoàng thơ tình” được. Vấn đề không phải số lượng mà là chất lượng. Ba tập (nhiều hơn các nhà thơ lãng mạn cùng thời) chứ đến cả chục tập mà chất lượng không đặc sắc thì cũng không có ý nghĩa gì. Tuy nhiên, không thể phủ nhận XD là người cách tân nhất, chịu ảnh hưởng thơ lãng mạn của Pháp nhất - những Verlaine, Rimbo, Lamartine. Ông đã có công thổi vào nền thơ mới lúc bấy giờ một hơi hướng thật mới mẻ.

Chính vì vậy mà Hoài Thanh mới nhận xét ông là mới nhất trong các nhà thơ mới khi đó.Tôi nghĩ rằng ông xứng với danh xưng “ông hoàng” có lẽ ở khía cạnh này hơn là ở sức thuyết phục của bản thân các bài thơ. Tôi cũng xin được nói với bạn đọc rằng thơ tình của XD nếu có giá trị nào đó là ở những phát hiện như là “chân lý” của tình yêu hơn là mô tả mọi trạng thái tinh tế, phong phú trong thế giới tâm hồn kẻ đang yêu. Có thể ví dụ -: Ông là tác giả những câu thơ nhiều người tâm đắc: “Tình ta là một cơn mưa lũ/ Đã gặp lòng em là lá khoai” hoặc: “Em là em, anh vẫn cứ là anh/ Có thể nào qua vạn lý trường thành/ của hai vũ trụ chứa đầy bí mật” và: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”.

Cái hay ở những câu thơ này là ở ý chứ không phải ở ngôn ngữ thơ. Riêng hai câu cuối vừa dẫn, nếu là tôi sẽ thay chữ “tối” bằng chữ “tắt” và hai chữ “le lói” bằng “lay lắt”, sẽ là: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn lay lắt suốt trăm năm”. “Tắt” thì cái phút huy hoàng bị mất đi rất nhanh, đột ngột, khiến người trong cuộc có thể tiếc ngẩn ngơ. Còn “tối” thì không gây cảm giác ấy vì sẽ đến từ từ, chậm rãi. Còn “lay lắt” thì thảm hại hơn, khắc khoải hơn. “Le lói” trong văn cảnh này sẽ không có nghĩa. Thậm chí còn phản nghĩa vì “buồn le lói” tức là buồn ít, người khác khó nhìn thấy cái buồn này. Người ta chỉ nói “ánh sáng le lói” mà thôi. Rõ ràng ở những trường hợp khác, XD tỏ ra là người rất sành về ngôn ngữ, không thua kém Nguyễn Tuân. Nhưng ở đây, ông lại không thể hiện điều đó,

Có thể thấy XD còn không ít câu thơ ẩu khác như trong bài viết về việc mở đường ở Mã Pì Lèng (Hà Giang): “Đá nhỏ bắt đầu rơi lộp bộp/ Sau lôi đá lớn đổ ầm ầm” hoặc: “Tổ quốc ta như một con tàu/ Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau” hay dễ dãi như lời nói nôm na: “Làm sao sống được mà không yêu/ Không nhớ, không thương một buổi chiều”. Từ năm 1954 trở đi, XD không có được bài thơ nào có thể sánh được với hai bài của Huy Cận là Đoàn thuyền đánh cá và Các vị La Hán chùa Tây Phương. Vậy thì trong lĩnh vực sáng tác thơ, trong đó có thơ tình, XD chỉ rất bình thường, so với nhiều nhà thơ cùng thời.

Một nhà thơ được coi là lớn là Hoàng Trung Thông (HTT). Xem xét lại sự nghiệp văn thơ của ông, tôi thấy không có gì đáng nói. Mấy bài thơ như Bộ đội về làng, Những cánh buồm không có khả năng tồn tại độc lập vì không ai biết trước khi có sự ra đời hai bài hát phổ thơ của Lê Yên và Hoàng Vân. Đây là hai ca khúc rất nổi tiếng của hai nhạc sĩ lớn được đông đảo công chúng ưa thích. Từ sự ra đời hai bài hát này, cái tên HTT cũng nổi tiếng theo.

Nhiều người vẫn nhắc đến bài thơ Bài ca vỡ đất của ông có hai câu được coi là nổi tiếng: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Không thể gọi đây là thơ được mà chỉ là văn vần hóa một nhiệm vụ chính trị rất cần thiết lúc đó là toàn dân cần tích cực tăng gia sản xuất để có lương thực nuôi quân đánh thắng giặc trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ.

Tuy nhiên, hai câu này đã có hiệu quả tuyên truyền lớn và không thể không ghi nhận công của tác giả. Vậy là vế sáng tác, HTT không có gì đáng nói. Còn về lý luận phê bình, ông cũng có tập Đường chúng ta đi nhưng không để lại dấu ấn gì trong độc giả, không thể so được với các nhà lý luận phê bình văn học cùng thời. Vậy sao có thể gọi được là nhà thơ lớn? Phải chăng vì HTT luôn đảm trách những cương vị quan trọng trong lĩnh vực VHNT mà người ta đã ngộ nhận luôn cả tài năng?

Trong lĩnh vực âm nhạc, có những tên tuổi không phải là ít tài, cũng có công chúng riêng, được không ít người mến mộ. Nhưng cái cách chúng ta vẫn nhắc đến họ lâu nay là chưa công bằng. Nhiều bài viết, nhiều ý kiến nhận định về họ gây cho công chúng cảm giác họ là những tài năng kiệt xuất, chùm lấp lên nền ca khúc nước nhà. Ngoài họ, trong lĩnh vực tình ca hình như là không còn ai. Trường hợp tiêu biểu là Đoàn Chuẩn.

Có thể nói ông là nhạc sỹ của thị dân những năm tháng trước và sau năm 1954 với một số ca khúc được một bộ phận công chúng ưa thích. “Tại sao lại nói một bộ phận công chúng”? Bởi vì nhiều người trong xã hội ví như bà con nông dân, những tầng lớp lao động bình dân đã không biết đến những bài hát này. Tác phẩm của Đoàn Chuẩn không chứa đựng nhiểu giá trị về tư tưởng, tình cảm lớn lao, sâu sắc mà chỉ là gợi lại những kỷ niệm tình ái, đánh trúng “gu” của tầng lớp thị dân một thời. Sức thuyết phục từ những ca khúc của ĐC không thể so được với những tên tuổi khác như Đỗ Nhuận, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Hoàng Vân, Huy Du và ngay cả Phạm Duy.

Không ít cây bút viết báo, viết lý luận có khuynh hướng nống lên quá mức một số tên tuổi cứ như là ngoài họ, nền âm nhạc Việt Nam không còn ai nữa. Trịnh Công Sơn (TCS) là trường hợp tiêu biểu. Đương nhiên đây là một tài năng lớn về âm nhạc của nước ta, in dấu ấn sâu đậm trong lòng nhiều thế hệ công chúng. Điều này ai cũng khẳng định, không có gì phải bàn cãi.

Nhưng nói TCS là “huyền thoại” thì e quá lời. Nói vậy chứng tỏ người nói không hiểu thấu từ “huyền thoại”. Từ này dùng để nói đến những con người, sự việc quá lỗi lạc đến mức như thần thánh, kỳ bí khiến cộng đồng nhiều thế hệ truyền tụng, thán phục. Trong quá trình truyền tụng, người ta có khuynh hướng thêu dệt thêm từ sự ngưỡng mộ của mình để trở thành như là không thể có trên đời. Ví dụ Maradona, Pélé là những huyền thoại bóng đá chẳng hạn. Lại có người nhận định TCS là một thiên tài âm nhạc cũng chưa ổn. Nếu có dịp nghe hết, nghe kỹ tất cả ca khúc ông đã viết thì thấy một tỷ lệ những bài bình thường với lời lẽ sáo rỗng cũng không phải là ít. Kỳ cục hơn, có lần chính mắt tôi đọc được một bài báo nói một ca sỹ có tên P.H. là “một giọng ca huyền thoại”. Sự thật thì giọng hát này còn xếp dưới rất nhiều ca sỹ khác, nhiều công chúng còn không biết là ai.

Trong khuôn khổ một bài viết, tôi không thể dẫn thêm nhiều trường hợp có sự đánh giá rất bất ổn, không đúng với sự thật. Đề cao quá mức ai đó mà sự thật chưa đạt được chỉ góp phần tạo nên sự ngộ nhận rất sai lầm, đáng tiếc cho công chúng, cũng chứng tỏ một trình độ đánh giá, thẩm định cảm tính và dễ dãi của  người làm lý luận phê bình. Xin hãy trả về đúng mức tài năng đóng góp của mọi chủ thể sáng tạo, nhất là trong quá khứ. Tài năng sáng tạo nghệ thuật là những giá trị độc lập, không thể bị chi phối, lẫn lộn, ảnh hưởng bởi bất cứ thứ gì khác, nhất là vị thế, chỗ đứng của những chủ thể.

Nguyễn Đình San (TBVHNT)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Luong truy cap
50 năm Di chúc
“Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm
Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”
CM tháng 8 và QK 2/9
79 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG 8
& QUỐC KHÁNH 2/9
TỔ QUỐC TRÊN HẾT
LƯỢT TRUY CẬP TỪ 23-12-2016
  • Đang truy cập181
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm180
  • Hôm nay41,537
  • Tháng hiện tại222,898
  • Tổng lượt truy cập60,106,705
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây