Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Văn Hóa Nghệ An - Nhịp cầu quê hương

Xin cảm ơn các bạn yêu quý của tôi ở tòa báo suốt 15 năm qua qua đã giữ lửa để VHNA bừng cháy một vùng quê và tỏa sáng cả nước.
Chào nhé Văn Hóa Nghệ An!
Nguyenduyxuan.net - Dù biết trước nhưng vẫn không khỏi bùi ngùi.
Gần chục năm cộng tác với tờ báo, VHNA đã là một phần máu thịt của tôi, của ân tình xứ Nghệ.
Chỉ có thể nói rằng, với chúng tôi - những cộng tác viên và độc giả của tạp chí - VHNA vẫn luôn hiện hữu, vượt thời gian, không gian khẳng định tầm vóc, sức sống của một tờ báo đúng nghĩa.
Xin cảm ơn các bạn yêu quý của tôi ở tòa báo suốt 15 năm qua qua đã giữ lửa để VHNA bừng cháy một vùng quê và tỏa sáng cả nước.
Chào nhé Văn Hóa Nghệ An!

Khoảng mười năm trước, trong một lần lang thang trên mạng kiếm tìm thông tin về quê hương xứ sở làm nguồn tư liệu cho trang web cá nhân, tôi gặp trang mạng Văn hóa Nghệ An. Nhấp chuột mở trang báo ra đọc qua một lượt, lòng tôi thầm reo lên:

Quê hương đây sao ta không biết
Cứ mải trong kí ức, kiếm tìm?


Thế là từ đó, Văn hóa Nghệ An trở thành người bạn thân thiết hàng ngày của tôi.

*

Tôi là một người con xa xứ đã hơn bốn mươi năm nay. Ngày rời quê hương ra đi lập nghiệp, tôi vừa bước sang tuổi 22. Bởi thế quê hương với tôi chỉ còn là ký ức, với những gì thật gần gũi, thật thân quen gắn bó một thời con trẻ. Thì nào tôi có biết gì hơn khi những năm tháng học phổ thông chỉ quanh quẩn ở trường làng; lên cấp 3 cũng không thoát ra khỏi chu vi của cái tam giác: Xuân Lâm quê tôi – Rú Dồi nơi trường cấp 3 tôi học và Kim Liên quê Bác. Đến khi vào Đại học Vinh, suốt bốn năm học vẫn là anh sinh viên quê mùa, tầm nhìn chưa dài hơn đoạn đường 20 cây số từ trường đại học về nhà mỗi chiều thứ bảy.

Bởi thế, quê hương trong tôi là hình ảnh về một vùng quê bên dòng sông Lam nằm lọt thỏm giữa hai dãy núi, bên trái (tả ngạn) là dãy Đại Huệ, bên phải (hữu ngạn) là dãy Thiên Nhẫn. Tuổi thơ của tôi đi qua những năm tháng chiến tranh nên những hình ảnh đó cũng gắn liền với tiếng bom rền, đạn rú. Quên sao được ngọn núi Trét bên bờ sông Lam nơi có con đường chiến lược đi qua, sườn núi phía ấy chịu biết bao nhiêu là bom đạn quân thù; thằng Mỹ nào đi ném bom ở đâu về dư vài quả cũng ghé qua đó mà trút xuống, đến nỗi 30 năm sau chiến tranh, ngọn núi kiên cường ấy vẫn chưa lành vết thương. Quên sao được những buổi bình minh hay chiều tà đứng cạnh gốc cây mưng bên bờ ao sau nhà nhìn lên phía thị trấn huyện, máy bay giặc Mỹ bổ nhào trút bom trong lưới lửa đạn pháo phòng không của bộ đội ta giăng đỏ một góc trời…

*

Bây giờ đã đi qua hơn nửa cuộc đời, bỏ lại đằng sau hết thảy những âu lo, tính toán, bỗng thấy lòng nhẹ nhõm. Nhưng nhẹ được gánh đời thì lại nặng gánh tình, là cái tình đối với quê hương xứ sở. Nó thiêng liêng, nó da diết làm sao. Cái tình ấy tưởng đã gửi lại miền kí ức bởi những năm tháng bộn bề lo toan, bỗng ùa về trong mỗi chiều hoàng hôn theo con gió se lạnh. Đó là qui luật tâm lí của đời người chăng? Vâng, có lẽ thế. Nhiều lúc tôi cứ ngẩn ngơ nhớ về những năm tháng đã xa lắc xa lơ mà ngỡ như mới hôm qua. Tôi lục trong kí ức, tìm qua sách vở, và cả ngoài cuộc đời. Đôi khi thèm lắm một chút giọng quê hương, một món ăn xứ sở. Nhưng mong ước không phải lúc nào cũng được toại nguyện.

Mỗi lần về thăm quê thật ngắn ngủi, và có lẽ theo tuổi tác rồi nó cũng sẽ thưa dần. Lại ra đi, lại biền biệt. Chỉ còn mỗi cách, về với quê hương trong thế giới ảo của internet, ảo mà lại rất thực. Và Văn hóa Nghệ An đã giúp tôi thỏa mãn được khát khao ấy của lòng mình.

Tờ báo có hình thức trình bày đẹp, màu sắc hài hòa bắt mắt. Nhưng điều quan trọng hơn, nó đã chuyển tải đến bạn đọc những thông tin bổ ích, những hiểu biết về văn hóa xứ sở. Các thông tin đó lại được các nhà nghiên cứu văn hóa, văn học có uy tín viết ra nên sức hấp dẫn của tờ báo có thể nói là rất lớn. Tôi tâm đắc với nhận xét của anh Hà Tùng Sơn, bạn tôi và cũng là một độc giả, trên blog của mình: “Văn hóa Nghệ An với nội dung vô cùng phong phú và bài vở rất có chất lượng lại mang tính học thuật cao… Tôi đã tìm thấy trong đó những bài viết về những bậc thầy của thầy tôi, không ít tác giả các bài viết cũng là bậc thầy của tôi. Cái phông văn hóa của nó thật cao”.

Tôi yêu tờ báo, nói thế có vẻ như khách sáo nhưng đó là thực lòng.

Cũng vì lòng yêu đó mà tôi mạnh dạn viết bài gửi Ban Biên tập. Tự xác định mình chỉ là một anh giáo nơi vùng sâu vùng xa, vì nặng lòng với cuộc sống mà ghi chép lại những gì mắt thấy tai nghe ở đời. Còn những vấn đề mang tính học thuật thì, xin được làm học trò của các bậc thầy mà tên tuổi đã rạng rỡ và in đậm trên trang báo. Tôi vui biết bao khi bài viết đầu tiên của mình có tựa đề Chị Nông Dân, Tôi và Chúng Ta, xuất hiện trên Văn hóa Nghệ An online ngày 3-8-2012. Thế là đứa con xa đã góp thêm được tiếng nói nhỏ trên trang báo quê nhà.

Văn hóa Nghệ An từ đó trở thành bạn tâm giao, thành nhịp cầu nối để những người con xa xứ như tôi có điều kiện gắn kết với quê hương. Để ân tình xứ Nghệ mãi mãi không phai trong tim mình và lan tỏa khắp mọi miền đất nước.

Cảm ơn tạp chí Văn hóa Nghệ An! Tờ báo nhỏ nhưng mà lớn bởi nội dung, tư tưởng của nó vượt lên tầm của một tờ báo ngành ở địa phương; vượt lên cả thời gian để rồi mai đây dẫu vật đổi sao dời thì Văn hóa Nghệ An vẫn sống mãi trong lòng người yêu nó, trong ký ức của một thời sôi nổi - mười lăm năm ấy - chẳng hề phôi pha.

Nguyễn Duy Xuân
Bài đã đăng trên VHNA, số cuối cùng, 425, ngày 25-11-2020
http://vanhoanghean.com.vn/component/k2/110-van-hoa-va-doi-song-2/14698-van-hoa-nghe-an-nhip-cau-que-huong
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây