Nguyễn Duy Xuân

http://www.nguyenduyxuan.net


Khi trái tim người thầy phai nhạt lòng yêu

Bây giờ thì, chuyện ở THCS Duy Ninh có thể nói đã trở thành hồi chuông báo động. Thực chất nhà trường đang làm gì? Thầy trò đang dạy học như thế nào?
Đó là những câu hỏi cần sự giải đáp trung thực của lãnh đạo ngành giáo dục.

 


Lòng yêu mà tôi muốn nói ở đây là lòng yêu người, yêu nghề của nhà giáo. Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng có câu nói rất nổi tiếng: “Càng yêu người bao nhiêu thì càng yêu nghề bấy nhiêu”. Câu nói ấy đã tạo cảm hứng cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Quỳ sáng tác nên bài hát đã đi vào lòng bao thế hệ thầy cô: “Yêu người bao nhiêu, yêu nghề bấy nhiêu”.

Thiết nghĩ, đấy là hai phẩm chất cần có của nghề dạy học. Khi trái tim không còn “đỏ nhiệt tình như hoa phượng vĩ” thì lòng yêu của người thầy cũng nguội lạnh. Cái khác giữa một người thầy nhiệt huyết với một người thầy chỉ biết hành nghề theo đúng nghĩa đen của hai từ này là ở chỗ đó.

Bởi thế, những gì đã xảy ra ở trường THCS Duy Ninh (Quảng Bình) vừa qua khiến chúng ta không khỏi giật mình, suy ngẫm về lòng yêu người, yêu nghề của một bộ phận thầy cô giáo.

Không thể nói hành vi của cô Thủy xuất phát từ trái tim tất cả vì học sinh thân yêu. Cô ấy đã hành động vì cá nhân mình, vì sự tính toán cho cái danh hão của lớp mình chủ nhiệm. Điều đó dư luận có thể rộng lòng tha thứ, nhà trường với trách nhiệm của mình còn có thể giúp đồng nghiệp cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Nhưng chuyện xảy ra tiếp theo mới đây ở ngôi trường này lại khiến dư luận thất vọng “toàn tập”. Thay vì thành tâm khắc phục lỗi lầm của đồng nghiệp, xây dựng lại môi trường sư phạm lành mạnh thì ban lãnh đạo nhà trường đứng đầu là hiệu trưởng lại làm một việc vô tiền khoáng hậu. Các vị này đã đổ thêm dầu vào lửa dư luận và tự bộc lộ bản chất của mình khi dùng cách “điều tra” theo kiểu “hình sự hóa” bằng việc yêu cầu 23 em học sinh lớp 6.2 trả lời 19 câu hỏi liên quan đến chuyện 231 cái tát.  

Cái xấu không còn “ẩn nấp” trong hình hài một cá nhân. Cái xấu đã náu mình trong tập thể. Cái xấu đã mang tính chỉ đạo.

Khi cô Thủy yêu cầu cả lớp tát một học sinh, người ta có thể biện minh cho sự mất kiểm soát nhất thời của một cá nhân vì bệnh thành tích. Nhưng khi cả một tập thể (không phải tất cả, chúng ta vẫn tin nhà trường còn những thầy cô tâm huyết với nghề) đồng thuận với việc tổ chức xét hỏi học sinh mà thực chất là trấn áp, đe nẹt; đẩy các em vào chân tường của sự dối trá được ngụy trang bằng những mỹ từ “danh dự nhà trường” thì chân tướng của sự việc đã lộ tẩy.

Chả lẽ vì những danh hiệu “chuẩn quốc gia”, “tập thể xuất sắc”, “chiến sĩ thi đua, “lao động tiên tiến”,… mà nhà trường, thầy cô bất chấp dư luận, đánh đổi thiên chức dạy người của mình, chấp nhận hành vi bạo lực, ngụy biện, dối trá?

Than ôi, một môi trường giáo dục như thế, sao học sinh có thể nên người?

Bây giờ thì, chuyện ở THCS Duy Ninh có thể nói đã trở thành hồi chuông báo động. Thực chất nhà trường đang làm gì? Thầy trò đang dạy học như thế nào?

Đó là những câu hỏi cần sự giải đáp trung thực của lãnh đạo ngành giáo dục.

Người thầy phải được giải phóng khỏi những ràng buộc vô nghĩa lí để họ thực sự toàn tâm toàn ý với công việc dạy dỗ, "nguyện đem tinh hoa dâng lên tổ quốc" như lời bài hát vẫn vang vọng trong tim những người thầy tâm huyết.

Nguyễn Duy Xuân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây